Người Mỹ tại Việt Nam viết về Covid-19: "Tự hào về ngôi nhà thứ 2"
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Là một người Mỹ sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Christopher Otis cảm thấy tự hào về ngôi nhà thứ 2 khi sinh sống an toàn tại đây, trong khi cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“67 ngày. Đã 67 ngày kể từ khi Việt Nam có ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng tại một quốc gia có gần 100 triệu dân và có đường biên giới chung dài hơn 1.400 km với Trung Quốc”, Christopher Otis mở đầu bài viết đăng tải trên trang Medium ngày 22/6.
Otis hiện sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh là một giáo viên, nhiếp ảnh gia, người nghiên cứu về địa lý. Là người chứng kiến nỗ lực chống dịch ở Việt Nam trong những tháng qua, anh Otis hy vọng thế giới có thể học hỏi Việt Nam ở cách ứng phó với Covid-19.
Theo Otis, tại Mỹ, quê nhà của anh, hiện vẫn có 20.000-30.000 ca Covid-19 mới mỗi ngày, trung bình cứ 3-4 giây là lại có một người bị xác nhận mắc bệnh. “Mỗi ngày tôi thức dậy và trải nghiệm những cảm xúc lo lắng, bồn chồn vì gia đình tôi đang trong tình thế rủi ro”, Otis nói.
Otis cho rằng Việt Nam chưa nhận được sự ghi nhận xứng đáng từ quốc tế trong một số thành tựu, mà nổi bật nhất là nỗ lực kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh Covid-19. Cho tới nay, số ca tử vong ở Việt Nam vì dịch vẫn đang là 0 ca, trong khi số ca bệnh chỉ hơn 300.
“Với những người không sống ở Việt Nam, khó để biết quốc gia này đã chống dịch một cách tuyệt vời như thế nào. Với ngân sách y tế chỉ bằng một phần nhỏ của Mỹ, Việt Nam đã duy trì số ca bệnh ở mức rất thấp, trong đó, phần lớn là ca nhập khẩu khi Việt Nam đón công dân từ nước ngoài hồi hương”, Otis nói.
Otis cho rằng Việt Nam chỉ có một chút ít may mắn khi đạt được thành tựu trên, còn thành công chủ yếu nhờ nỗ lực phản ứng bài bản, thi hành trơn tru nhằm tránh kịch bản hệ thống y tế quá tải.
Theo Otis, là một giáo viên, điều đầu tiên mà anh chú ý là việc Việt Nam đóng cửa trường học trên toàn quốc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. “Tôi sốc vì phản ứng quá nhanh lẹ của Việt Nam và không phải là người duy nhất cho rằng họ đang làm quá vì khi đó quốc gia này chỉ có số ca đếm trên đầu ngón tay. Dĩ nhiên, với tầm nhìn xa, với kinh nghiệm ứng phó với đại dịch SARS, động thái trên đã được tính toán và cân nhắc kỹ. Và bây giờ, có thể dễ dàng nhận thấy đó không phải là làm quá”, Otis nhận xét.
Ngoài đóng cửa trường học, Việt Nam thi hành các biện pháp truy vết mầm bệnh chặt chẽ, đóng biên giới, cách ly bắt buộc với những ca nghi phơi nhiễm. “Việt Nam đã thể hiện sự minh bạch và tuyên truyền tích cực tới người dân, cộng với các biện pháp giãn cách xã hội trong suốt tháng 4. Cuối cùng, Việt Nam đã chặn đứng dịch trong khi mầm bệnh vẫn đang lây lan trên toàn cầu”, Otis cho biết.
“Không nói quá nếu tôi thấy kỳ lạ khi hàng ngày lắng nghe tình hình dịch bệnh ở Mỹ và trên thế giới trong khi tôi đi xe máy tới gặp các học sinh (Việt Nam) không mang khẩu trang. Tôi cũng trải nghiệm việc đi uống cà phê không bị áp dụng giãn cách xã hội hay nhìn ra bên ngoài và chứng kiến mọi thứ vẫn diễn ra bình thường như cách đây 6 tháng trước. Trong khi đó, tại Mỹ, dịch bệnh vẫn đang phức tạp”, Otis viết.
“Trên thực tế, tôi đã ở Mỹ hồi cuối tháng 1 khi dịch bệnh bắt đầu được đưa tin trên phương tiện truyền thông quốc tế và tôi băn khoăn liệu bay tới châu Á và đầu tháng 2 có là lựa chọn an toàn không. Và đó là quyết định tuyệt vời nhất”, anh viết.
“Thật khó để diễn tả thành lời sự tự hào của bản thân với ngôi nhà thứ 2 của mình và sống một cách an toàn tại quốc gia này trong khi cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi dịch. Nhưng tôi tin rằng, Việt Nam đã trở thành một trong những nơi an toàn nhất thế giới trong đại dịch và tôi hy vọng phần còn lại của thế giới có thể học hỏi những kinh nghiệm có giá trị từ cách chống dịch của quốc gia tuyệt vời này”, Otis kết luận.
( C. H sưu tầm)