Tiền điện tăng là tại ông Trời?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Xưa nay, khi oan ức, người dân thường than "Trời ơi, ông có biết không?". Nhưng lần này thì người dân không thể kêu "Trời ơi" nữa vì ngành điện cho rằng, tiền điện tăng là do thời tiết nóng. Tuy nhiên, việc Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại việc tính hóa đơn tiền điện sẽ là cơ hội để EVN minh bạch với khách hàng.
Bút đen, giấy thì trắng, EVN cho rằng:"Đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao. Đó là chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao nên tiền điện tăng". Nghĩa là lỗi của ông Trời… chứ không phải ngành điện.
Giật mình khi biết có hơn 3,1 triệu khách hàng trong tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4. Trong số này, có tới gần 1 triệu khách có mức tiêu thụ điện tăng 50%. Thậm chí, có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4. Nghĩa là theo lý giải của EVN thì do ông Trời nên tiền điện đã tăng từ 30% đến 300%.
Ai cũng biết biểu giá bán lẻ điện đến 6 bậc thang hiện nay là rất phức tạp (bậc cao nhất là 401 kWh) và thiệt cho người sử dụng. Chưa kể, mức tính tiền điện lũy tiến của EVN như hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý.Đầu tiên, trong giải trình EVN và Bộ Công thương đang lờ tịt đi Đề án sửa biểu giá điện đã được công bố từ tháng 10/2019. Thế nhưng mãi sau đó Bộ Công Thương mới xây dựng, trình Chính phủ và lại tiếp tục xin hoãn vì dịch COVID-19, mà xem chừng bao giờ hết dịch thì Bộ cũng không biết. Nhưng chắc chắn một điều, khi "mát Trời" thì Bộ mới ra tay, đố ai nào dám chờ điểu chỉnh biểu giá điện mới dùng điều hòa đấy!
EVN như thầy giáo dạy toán mẹo, khéo gài hai bậc đầu là từ 0-50 kWh và 50-100 kWh, thì sự khác biệt không có nhiều. Số lượng hộ gia đình tiêu thụ điện dưới 100 kWh cũng không lớn, nhưng khi số điện tiêu thụ từ bậc 3 trở lên thì "biết tay nhau, không đau không lấy tiền". Chiêu kinh doanh "rẻ rau, đắt thịt" được EVN vận dụng nhuần nhuyễn đến phát nể.
Ngoài cái biểu giá thì người dân cũng ngạc nhiên bởi ngay đến các tiền sĩ toán học cũng không thể có những con tính đúng như EVN. Cứ tính mỗi ông "điều hòa" 9.000 BTU, mỗi ngày chạy 8 giờ, mỗi tháng chạy đủ 30 ngày thì vị chi cũng chỉ hết 144 số, nếu công suất điều hòa 12.000 BTU thì hết 233 số. Mà ai cũng biết điều hòa chiếm 60-65% chi phí tiền điện. Nghĩa là nhìn số thiết bị trong nhà, không cần quá am hiểu về điện, gia chủ cũng có thể áng chừng được số điện tiêu thụ và tiền điện phải trả của mình.
Người dân thắc mắc không biết nhân viên ghi tiền điện có biến hóa gì khi ghi số điện thời điểm Covid hay không mà phải mất đến tiền triệu cho điện vào tháng này. Thắc mắc cũng phải, bởi khi chốt số điện, chỉ mình người của EVN, "khổ chủ" chả hay biết, đành phó mặc cho may rủi.Thế nhưng khá nhiều hộ sử dụng điện liên tục phản ảnh tình trạng tiền điện tăng như "phi mã" mà không biết đầu cua tai nheo gì. Anh Tiến, một người dân ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay tháng trước gia đình anh sử dụng 627 kWh với phải thành toán 1,6 triệu đồng. Không hiểu sao, tháng này số điện tiêu thụ nhảy vọt lên 1.131 kWh còn số tiền tăng gấp đôi.
Nên mấy nay mới rộ lên chuyện một gia đình 3 người của Quảng Ninh thực tế chỉ dùng 370 ngàn đồng tiền điện nhưng nhân viên của EVN lại "nhầm nhọt" thành hơn 89 triệu đồng. Nguyên nhân lỗi của thiết bị đo từ xa, hết cãi. Một khách hàng ở Quảng Bình cũng bị phía công ty điện lực ghi nhầm chỉ số điện, khiến hóa đơn tiền điện lên tới 58,5 triệu đồng. Có hộ đi nghỉ mát, đóng cửa nhà nhưng tiền điện vẫn tăng mà chả biết kêu ai bây giờ, đành kêu cột điện.
Sau vụ việc, EVN khẳng định, khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ và ngành điện sẵn sàng tiếp nhận mọi thắc mắc từ người sử dụng. Nhưng cơ chế giám sát của người dân như thế nào thì chỉ có Trời mới biết.
Với kinh doanh khách hàng luôn là Thượng đế, nhưng chưa có ngành kinh doanh nào như điện lực, các Thượng đế và EVN luôn lâm vào những tranh cãi liên miên. Lý giải về điều này, các chuyên gia trong và ngoài ngành điện đều có một điểm chung: Chừng nào còn độc quyền, điều này vẫn còn xảy ra.
Thế nên mới đây, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sớm xóa bỏ độc quyền đã khiến người dân khấp khởi mừng thầm. Trước mắt Bộ Công thương và EVN phải kiểm tra và giải trình, ngoài "ông Trời" thì còn điều gì khiến cho chi phí tiền điện tăng vọt? EVN phải làm thế nào để người dân bớt đi sự kêu ca?
( C. H sưu tầm)