Bà Phạm Chi Lan: Một số doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh là nhờ quan hệ thân hữu

Ngày đăng: 05:21 31/07/2020 Lượt xem: 275

Bà Phạm Chi Lan: Một số doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh là nhờ quan hệ thân hữu

(VNF) - "Những năm trở lại đây, chúng ta đã có một số doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh nhưng sự phát triển này có được là nhờ có mối quan hệ thân hữu. Bởi, nếu không có mối quan hệ, các doanh nghiệp này rất khó tiếp cận được với nguồn lực đầu tư của nhà nước và không có cách nào để lớn được”, bà Phạm Chi Lan nói.

Bà Phạm Chi Lan: Một số doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh là nhờ quan hệ thân hữu

Bà Phạm Chi Lan

Tại buổi tọa đàm “Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam” tổ chức hôm 29/7, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề.

Theo bà Lan, việc xây dựng nền kinh tế thị trường tại Việt Nam trên thực tế đã được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp, các văn bản, tuy nhiên khoảng cách "từ miệng đến tay" vẫn còn xa vời.

“Ở Việt Nam, để xóa được khoảng cách từ văn bản chính sách cho đến hành động, cũng phải dùng đến 'nhất tiền tệ, nhì quan hệ'”, bà nói.

Nhìn vào nền kinh tế Việt Nam hiện tại, bà Lan cho rằng còn rất nhiều vấn đề để Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường thực sự, đúng nghĩa.

Bà Lan phân tích: cấu trúc doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và khối tư nhân. Hiện nay các chính sách chủ yếu là ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, trong khi đó các doanh nghiệp tư nhân "chẳng được lợi gì".

“Những năm trở lại đây, chúng ta đã có một số doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh nhưng sự phát triển này có được là nhờ có mối quan hệ thân hữu. Bởi, nếu không có mối quan hệ, các doanh nghiệp này rất khó tiếp cận được với nguồn lực đầu tư của nhà nước và không có cách nào để lớn được”, bà Lan nói.

Một vấn đề mà bà Phạm Chi Lan nêu ra đó là trong cơ cấu GDP hiện nay, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đóng góp phần lớn, còn mức độ đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân chưa đến 10%. "Như vậy thì làm sao có nền kinh tế thị trường?".

Góp thêm tiếng nói về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, cho biết hiện tại Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

TS Lê Đăng Doanh

TS Doanh cho rằng nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường thì không chỉ nội bộ nền kinh tế mà còn cả hoạt động hội nhập của Việt Nam sẽ rất tốt. Đơn cử là những thủ tục xuất nhập khẩu, thuế quan, tiền tệ sẽ được đơn giản hóa.

"Việt Nam cần kiên trì, nỗ lực chuyển sang kinh tế thị trường. Nếu như trước đây Việt Nam xếp thứ 141 nền kinh tế thị trường với 53,1 điểm thì chỉ số này đã cải thiện với thứ hạng 105 (58,8 điểm) vào 2020", TS Doanh cho hay.

TS Lê Đăng Doanh kiến nghị cần phải đẩy mạnh gỡ bỏ rào cản trong thể chế, nhà nước điều hành không can thiệp sâu vào nền kinh tế thị trường, chỉ nắm giữ ngành quan trọng, cốt yếu để Việt Nam có nền kinh tế thị trường thực sự.


tin tức liên quan