Ông Nguyễn Công Chính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phương chính là người đưa ốc nhồi về nuôi đầu tiên tại đây.
Theo ông Chính, năm 2016, qua quá trình tìm hiểu, ông biết về mô hình nuôi ốc nhồi rất phát triển ở Thanh Hóa, Nghệ An, Tuyên Quang, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình.
Năm 2018, sau khi tham quan mô hình ở tỉnh Tuyên Quang, thấy mô hình phù hợp với điều kiện chiêm trũng ở địa phương, ông đã bàn với gia đình nuôi thử nghiệm 15.000 con. Bắt đầu từ những cặp ốc bố, mẹ đầu tiên, ông vừa nuôi vừa nghiên cứu sách, vở, internet để dần hoàn thiện quy trình nuôi.
"Ốc nhồi có cái đặc biệt là loại ốc hoang dã nên chi phí mua giống rất rẻ, chỉ từ 400-500 đồng/con. Tiền thức ăn cho ốc thì không đáng kể nhưng giá bán lại khá cao, từ 60.000-100.000 đồng/kg", ông Chính cho biết.
Cũng theo ông Chính, nguồn thức ăn chủ yếu của loài này là rau, củ, quả phế phẩm, không cần phải băm nhỏ mà thả trực tiếp xuống ao. Hoặc nếu không có các loại thức ăn trên, chỉ cần thả bèo tấm cho ốc, sau 1 tuần mới cần cho ăn tiếp.
Ngoài ra, môi trường sống của loài này rất đa dạng, có thể là các ao, hồ, thậm chí là cải tạo lại các chuồng heo cũ và thả ốc giống vào vẫn sống tốt. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải thường xuyên kiểm tra, đảm bảo độ PH và nhiệt độ của nước.
"Với loài này, nhiệt độ an toàn nhất là từ 15-32 độ C. Một trong những nguyên nhân khiến loài ốc này tuyệt chủng ngoài tự nhiên là do nó quá nhạy cảm với nhiệt độ và hóa chất. Bà con trong quá trình làm nông nghiệp đã sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu quá nhiều nên gián tiếp dẫn đến cái chết của chúng", ông Chính chia sẻ.
Theo ông Chính, diện tích ao nhà ông hiện nay là 840m2, có thể nuôi 3,5 vạn con ốc. Sau khi trừ các chi phí, khấu hao, gia đình ông thu về từ 70 – 90 triệu đồng/vụ. 1 lứa ốc này, từ khi bắt đầu nuôi cho đến lúc thành ốc thương phẩm xuất ra thị trường là 4 tháng. Một năm ông có thể nuôi tối đa 3 vụ.
Tuy nhiên, để ốc sinh trưởng và đem lại chất lượng tốt, mỗi năm ông chỉ nuôi 2 vụ. Còn vụ đông, nhiệt độ nước xuống thấp, không đảm bảo sinh trưởng nên ông giữ ốc lại làm giống cho vụ sau. Sau mỗi mùa như vậy, chỉ cần bỏ ra khoảng 10 triệu đồng để nạo vét, làm sạch lại ao hồ, tận dụng lại chính những ốc giống cũ là có thể bắt đầu một vụ mới nên chi phí bỏ ra là rất ít.
Ốc nhồi là món ăn phổ biến được ưa chuộng từ những nhà hàng sang trọng tới các quán ăn vỉa hè bởi thực phẩm sạch, độ an toàn cao.
Khác với ốc vặn, ốc đá có trứng và con bên trong, khi ăn sẽ có cảm giác lạo xạo, khi ăn ốc nhồi có trứng sẽ có cảm giác béo ngậy, bùi bùi. Do sự đặc biệt nên ốc nhồi là loại ốc không thể lai tạp, chỉ có thể nuôi tập trung, dẫn đến nhu cầu hàng luôn khan hiếm, giá thành cao.
"Nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi rất lớn, ngay ở Phú Thọ, người ta đặt hàng 50kg/ngày mà tôi không dám ký hợp đồng vì không đủ nguồn cung. Còn nhu cầu ốc ở nước ngoài như Lào, Campuchia thì nhiều vô kể do văn hóa ẩm thực của họ rất ưa thích các món từ ốc nhồi.
Các thương lái đến gặp chúng tôi đặt hàng suốt, cứ đủ 1 tấn là họ mang xe đến chở mà cũng đành từ chối vì lấy đâu ra, gom các hộ ở đây cũng chỉ được vài tạ. Sau Covid-19, nhiều hộ ngành nghề khác phá sản vì hàng hóa làm ra không xuất khẩu được, riêng chúng tôi sản xuất bao nhiêu là tiêu thụ hết bấy nhiêu", ông Chính tâm sự.
Hiện nay, ông Chủ tịch Chính đang đề xuất thành lập Chi hội nông dân nuôi ốc nhồi huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) để liên kết các hộ gia đình nuôi ốc nhồi với nhau. Ông Chính cũng sẵn sàng cung cấp con giống và như bao tiêu đầu ra cho các hộ nuôi ốc nhồi.
Ông Chính mong muốn các ban, ngành của huyện Thanh Thủy luôn quan tâm, ủng hộ mô hình nuôi ốc nhồi để nhân rộng ra toàn huyện, tỉnh, giúp đỡ bà con thay đổi ngành nghề cũ không hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả cao. Trong đó, nổi bật là mô hình nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm.