Chuồng bò và ý dân Thứ năm, 6/8/2020, 05:30 (GMT+7) Có nhiều ngày “cách ly xã hội”, mối bận tâm lớn nhất của tôi là “hôm nay mua gì ăn?”. Chuyện tưởng đơn giản hóa ra lại phức tạp. Thực phẩm phải đủ chất, vừa miệng, dễ chế biến, nhưng cũng phải đủ rẻ trong bối cảnh thu nhập bất trắc do dịch bệnh. Đó là những việc tôi không mấy quan tâm khi được ăn cơm mẹ nấu, hay khi hàng quán thời kỳ tiền Covid luôn sẵn lựa chọn từ rẻ tới ít rẻ hơn. Sắp xếp thứ tự ưu tiên cho túi tiền của mình luôn là vấn đề khó khăn, chưa nói tới việc phải lo cho túi tiền của người khác. Chính vì thế, tôi phần nào thông cảm cho các cơ quan và cán bộ liên quan đến "chuồng bò kiểu mẫu" có đơn giá hơn 230 triệu đồng ở Nghệ An vừa qua. Chúng ta vẫn chưa được biết giá trị thực sự của hệ thống chuồng bò có tổng trị giá 12 tỷ đồng này là bao nhiêu - đã có những nghi vấn sai phạm và hiện công an đang điều tra. Nhưng tôi thử tiếp cận câu chuyện với nguyên tắc "suy đoán vô tội", và những chiếc chuồng bò vùng cao có giá đúng như kê khai trong sổ sách. Tôi cũng thử bỏ đi "định kiến thành thị", rằng chuồng bò thì không thể đắt đỏ như thế, và người dân ở xã Nga My, huyện Tương Dương cần nhiều thứ khác hơn là chuồng bò. Chúng ta có thói quen áp đặt những hiểu biết hạn chế của mình lên những vấn đề mình chưa thực sự hiểu rõ. Với tiền đề đó, hai câu hỏi lớn nhất đặt ra là liệu hệ thống chuồng bò trên có thực sự cần thiết và thực sự là nguyện ý của đồng bào được hỗ trợ hay không? Các phóng viên đã lên xã Nga My tìm hiểu. Họ mang về những bức ảnh: một số ngôi nhà mái lá nằm cạnh chuồng bò bê tông mái tôn kiên cố. "Muốn được xây nhà ở hơn là chuồng bò", anh Lo Văn Thiên, 40 tuổi, mỗi chân xỏ một chiếc dép nhựa khác màu, ngồi trên bậu cửa ngôi nhà vách nứa, nói. Trong khi đó, lãnh đạo xã cho biết trước khi triển khai dự án, người dân đã được tham vấn và đa số đều đồng ý. Sự bất nhất này không khó giải thích cho những ai từng làm việc với cơ quan nhà nước, đặc biệt là ở vùng cao. Ý kiến từ chính quyền thường được coi trọng hơn ý dân. Và cũng có ít người dân lên tiếng phản đối một chính sách, dù bất hợp lý, cho họ một chuồng bò miễn phí. Dại gì giơ tay phủ quyết khi hành động đó vừa làm cán bộ "ghét", lại vừa thiệt cho mình? Nếu đề bài được đặt ra công khai, sòng phẳng trước mặt tất cả dân chúng trong cộng đồng người Ơ đu của anh Thiên là: "nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 230 triệu đồng, bà con muốn xây chuồng bò hay xây nhà?", tôi tin kết quả tất yếu sẽ khác. Ý kiến của dân không đương nhiên là đúng. Và trên thực tế khoản chi xây chuồng bò nhằm "hỗ trợ phát triển kinh tế" trong khi nhà ở lại thuộc mục "đảm bảo an sinh xã hội". Tuy nhiên, nhìn con cá gỗ không thể khiến bạn đủ no, cũng như xây một chiếc chuồng bò khang trang không đồng nghĩa với việc đồng bào sẽ khấm khá lên. Với cán bộ, mục tiêu chính sách hoàn thành khi hàng trăm chuồng bò được xây xong. Nhưng với dân, nó chỉ hiệu quả khi tạo ra cho họ dòng tiền ổn định. Nếu một cái chuồng bê tông không khác gì chuồng gỗ, song có giá đắt gấp 10 lần, lý do nào giải thích cho lựa chọn chính sách đó của cán bộ? Câu chuyện chuồng bò được quan tâm bởi sự tương phản giữa nơi ở của con người và vật nuôi. Nhưng nhìn rộng ra những dự án chi tiền ngân sách hàng năm trên khắp cả nước, tình huống tương tự không phải hiếm. Đó là những tượng đài ở các địa phương dân còn phải chạy ăn từng bữa, những trụ sở hoành tráng mọc lên giữa nơi học sinh phải lội suối đến trường, hay những công trình chỉ dùng một vài lần rồi biến thành nơi thả trâu bò. Tôi lại giả định một cách "suy đoán vô tội", rằng tất cả những công trình lãng phí trên đều không mang chút tư lợi nào, các quyết định đầu tư thuần túy chỉ là lựa chọn chính sách. Nếu đó là sự thực thì ngoài chất lượng cán bộ, cơ chế chi ngân sách đang gặp phải hai vấn đề lớn về quy trình phê duyệt dự án và tham vấn người dân. Vì sao bộ máy với đầy đủ ban bệ từ cấp cơ sở lại không thể phát hiện những điểm bất hợp lý cho tới khi dự án hoàn thành? Liệu người dân có thực sự được "tham vấn" và được lắng nghe về những dự án mà họ phải bỏ tiền thuế để thực hiện và được cho là đối tượng thụ hưởng chính? Đó là vấn đề đang thiếu các thảo luận nghiêm túc, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trước mắt vì đại dịch và áp lực khôi phục nền kinh tế "nghiện" chi tiêu công. Làn sóng đầu tư từ ngân sách nước, nếu hiệu quả, sẽ góp phần giúp nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng. Nhưng nếu không, nó sẽ gia tăng thêm gánh nặng nợ công và lạm phát. Tất nhiên, giả định của tôi có thể sai. Những lựa chọn chính sách đầu tư công dễ bị tác động bởi sự chủ quan, thói quan liêu hay nhóm lợi ích. Và có những công trình phi lý với cả xã hội nhưng lại hợp lý với những người ra quyết định. Trong trường hợp này, ngoài quy trình phê duyệt và tham vấn, có lẽ cần thêm vai trò của cơ quan điều tra. Nguyễn Khắc Giang (PS st Theo VnExpress.net)