Chỉ còn 13.000 mẹ Việt Nam anh hùng, sao phải so đo mẹ mất mấy người con?

Ngày đăng: 02:17 11/08/2020 Lượt xem: 291

 Chỉ còn 13.000 mẹ Việt Nam anh hùng, sao phải so đo mẹ mất mấy người con?

                                              Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lập luận, với người mẹ nào thì một con hy sinh cũng đủ đau đớn lắm nên chăm lo, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, không nên “đếm” số con hy sinh…


Sáng 11/8, UB Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Chỉ còn 13.000 mẹ Việt Nam anh hùng, sao phải so đo mẹ mất mấy người con? - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp UB Thường vụ Quốc hội sáng 11/8.

Một con hy sinh cũng đủ đau đớn lắm rồi!

Thay mặt Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội dự thảo pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 3 nhóm đối tượng quy định trong dự thảo luật được giữ nguyên, gồm người có công với cách mạng (12 đối tượng); thân nhân người có công với cách mạng; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Cơ quan soạn thảo làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với: công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước); người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài; bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nghị định hiện hành.

Dự thảo pháp lệnh đồng thời, bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quá trình soạn thảo pháp lệnh có ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung chính sách bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá.

Sau khi nghiên cứu, Chính phủ đề nghị UB Thường vụ Quốc hội cho bổ sung chế độ bảo hiểm y tế, chưa mở thêm chế độ trợ cấp mai táng và chính sách ưu đãi khác như người có vợ hoặc chồng liệt sĩ không tái giá; nếu có thì cũng chỉ tập trung vào những người thuộc diện hộ nghèo, đơn thân không nơi nương tựa.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Nguyễn Thúy Anh đề cập, liên quan đến chệ độ trợ cấp với bà mẹ Việt Nam anh hùng, khoản 3 Điều 16 dự thảo Pháp lệnh quy định chế độ trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ được sửa đổi theo hướng tính từng liệt sĩ chứ không bị giới hạn không quá mức của 3 liệt sĩ như quy định của Pháp lệnh hiện hành.

Như vậy, bà mẹ Việt Nam anh hùng có 1 con duy nhất là liệt sĩ sẽ có khoảng cách lớn về trợ cấp tuất hàng tháng so với bà mẹ có từ 2 con liệt sĩ trở lên. Trong khi trước thời điểm Pháp lệnh sửa đổi số 04 năm 2012 có hiệu lực thi hành, tất cả bà mẹ Việt Nam anh hùng đều có chung một mức trợ cấp hàng tháng.

Trong cơ quan thẩm tra có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất đề xuất trợ cấp tuất hàng tháng tính theo số liệt sĩ. Loại ý kiến thứ hai đề nghị trợ cấp tuất hàng tháng tính theo số liệt sĩ song mức tối thiểu bằng mức bà mẹ Việt Nam anh hùng có 2 thân nhân là liệt sĩ.

Góp ý nội dung này, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, chăm lo cho người có công không chỉ là vấn đề chính sách mà là việc nghĩa tình. Theo đó, chế độ với vợ/chồng liệt sĩ, không nên đặt vấn đề người đó có tái giá hay không. Tương tự, với mẹ Việt Nam anh hùng, không nên tính người nào có 1 hay 3 con hi sinh.

Theo ông Bình, cả nước hiện tại chỉ còn 13.000 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, hầu hết các mẹ đều đã cao tuổi. Vậy nên, với các mẹ, nhà nước cần chăm lo chế độ đầy đủ, không “đếm” mẹ mất bao nhiêu con.

Tán thành quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, với mẹ Việt Nam anh hùng thì phải đảm bảo mức trợ cấp để các bà các mẹ sống được chứ không phải đếm số con đã hy sinh để trợ cấp.

"Với người mẹ nào thì chỉ một con hy sinh cũng đau đớn lắm. Con nào mất thì nỗi đau cũng không thể bù đắp. Phải xem xét mức trợ cấp để các mẹ sống đàng hoàng, sống tốt” - Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo.

Công nhận liệt sĩ thời bình thế nào?

Chỉ còn 13.000 mẹ Việt Nam anh hùng, sao phải so đo mẹ mất mấy người con? - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình dự án Pháp lệnh trước UB Thường vụ Quốc hội.

Một vấn đề khác nhận nhiều quan tâm trong dự thảo pháp lệnh, theo trình bày của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là việc xem xét công nhận liệt sĩ thời bình đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm, thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Bộ trưởng cho biết, theo quy định hiện hành, người dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước và nhân dân khi chết thì được xem xét công nhận liệt sĩ. Thực tiễn áp dụng quy định này, nhiều trường hợp chết đuối nước khi cứu người, cứu tài sản hoặc tham gia phòng, chống bão lũ, chết do tai nạn khi làm nhiệm vụ… dù rất cần phải tuyên dương, ghi nhận trong xã hội song việc được công nhận liệt sĩ làm dư luận xã hội không đồng tình.

Việc cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Bộ luật Hình sự (Điều 132: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng), Bộ trưởng Dung giải thích.

Từ những lý do trên, Chính phủ sửa đổi tại Điều 14 của dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Những trường hợp khác hướng chuyển sang khen thưởng theo pháp luật thi đua khen thưởng (Huy chương, Huân chương) và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, đa số ý kiến UB Các vấn đề xã hội tán thành với sửa đổi trên, vì việc bổ sung tính chất công việc, hiệu ứng của hành động và nâng mức độ dũng cảm, cứu người, cứu tài sản, sẽ đảm bảo điều kiện chặt chẽ hơn, xứng đáng hơn.

Ủng hộ quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện công nhận liệt sỹ, công nhận người có hành động đặc biệt dũng cảm thì mới có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và hình ảnh đó mới lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan