Vị chuyên gia cho biết, qua theo dõi thông tin chính thức từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), mỏ khí Kèn Bầu vừa phát hiện ngoài khơi Việt Nam được đánh giá có trữ lượng khí lớn nhất Việt Nam hiện nay.
|
Giếng Kèn Bầu-2X. Ảnh: PVN |
Theo ước tính, trữ lượng sơ bộ là 230 tỉ mét khối khí tự nhiên và 450 triệu thùng khí ngưng tụ condensate, dự kiến có thể đưa vào khai thác từ năm 2028.
Theo dự báo của lãnh đạo ngành dầu khí, trữ lượng của mỏ này có khả năng đáp ứng tới 40% nhu cầu sản xuất của ngành điện lực, tiềm năng quá lớn, quá thuận lợi.
Đặc biệt, vị chuyên gia cho biết, vị trí phát hiện mỏ nằm tại lô 114 nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng, cách tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km. TS Lâm cho biết, vị trí của mỏ khí rất gần với đất liền, rất thuận lợi cho việc khai thác.
Hơn nữa, nếu mỏ khí Kèn Bầu được khai thác sẽ mở ra triển vọng rất lớn trong việc chủ động nguồn cung ứng nhiên liệu sơ cấp cho ngành điện Việt Nam, giúp giảm dần tỉ lệ nhập khẩu, bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia, tránh bị lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Nhìn rộng ra, TS Ngô Đức Lâm cho hay, việc phát hiện ra các mỏ khí mới có vai trò rất quan trọng trong thực hiện xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) đang được thực hiện.
Ông Lâm cho biết, Quy hoạch điện VIII là nhằm định hướng tương lai phát triển ngành điện, định lượng mục tiêu cung cấp điện, xác định quy mô, tiến độ của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện Quy hoạch.
Đặc biệt, Quy hoạch cũng đặt nhiệm vụ tính toán đủ nguồn cung ứng điện cho giai đoạn 2021-2030. Trong đó vẫn nhấn mạnh vai trò của nhiệt điện than song có yêu cầu hạn chế phát triển nhà máy nhiệt điện than, tăng tỉ trọng nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời.
Điều này đã khiến giới chuyên môn lo ngại sẽ bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khí cũng như việc vận chuyển khó khăn có thể làm giá điện tăng cao. Tuy nhiên, nếu khai thác được mỏ khí Kèn Bầu thì mối lo về nguồn cung cũng như giá thành gần như đã được giải tỏa.
Mặt khác, trong nhận định về năng lực nhiên liệu sơ cấp (than, khí) của Việt Nam chưa tính tới việc phát hiện ra các mỏ khí mới, đặc biệt là mỏ khí Kèn Bầu.
Vì thế, cần nhanh chóng khẳng định lại trữ lượng cũng như tiềm năng của các mỏ khí mới. Điều này rất quan trọng, giúp phần làm thay đổi cơ bản cán cân năng lượng Việt Nam.
Những thông tin về các mỏ khí mới phải được cập nhật ngay trong các báo cáo, đánh giá về tiềm năng nguồn năng lượng sơ cấp, nhằm phục vụ cho kết luận xây dựng sơ đồ điện VIII trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Đặt trong bối cảnh, Việt Nam đã cùng hơn 170 quốc gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó cam kết phải giảm tỷ lệ phát thải khí CO2, khí nhà kính. Điều đó có nghĩa Việt Nam phải giảm nhiệt điện than và tìm nguồn khác để thay thế.
Đó là chưa nói đến vấn đề nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường, thậm chí còn phải tính tới việc đánh thuế bảo vệ môi trường, phí khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường với điện than thì điện khí là một xu hướng khả thi.
Vì phát triển điện khí sẽ giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ phát thải nhà kính, giảm nguy cơ ô nhiễm do không có xỉ, vôi, giảm tỉ lệ bụi mịn phát tán ra môi trường, từ đó chi phí cho vấn đề giải quyết môi trường cũng giảm đi rất nhiều.
Mặt khác, giá trị kinh tế khi sử dụng khí cũng rất cao nhờ hiệu suất sử dụng thiết bị của điện khí cao hơn điện than.
Với tất cả những ưu điểm trên cùng với việc phát hiện ra nhiều mỏ khí mới quy mô lớn, đây là điều kiện thuận lợi để ngành điện phát triển mạnh, chủ động trong giai đoạn được cho là đang căng thẳng vì lo lắng về nguồn cung năng lượng.
"Đó là điều rất vui mừng, cần phải nhanh chóng báo cáo giúp các cơ quan chuyên môn chủ động trong các phương án xây dựng.
Ở đây không chỉ là phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc nguồn khí nhập khẩu mà còn có thể tính tới cả phương án xuất khẩu khí", TS Ngô Đức Lâm kỳ vọng.
Lam Nguyễn