Bà Phạm Chi Lan: 'Tôi chưa thấy lãnh đạo doanh nghiệp chậm cổ phần hóa nào bị xử lý'

Ngày đăng: 05:49 31/08/2020 Lượt xem: 247

Bà Phạm Chi Lan: 'Tôi chưa thấy lãnh đạo doanh nghiệp chậm cổ phần hóa nào bị xử lý'

(VNF) - "Lâu nay, Chính phủ vẫn nói về vấn đề quy trách nhiệm rất nhiều, nhưng tôi chưa thấy người đứng đầu doanh nghiệp để chậm cổ phần hóa nào bị xử lý", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận về tình trạng chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Bà Phạm Chi Lan: ''Tôi chưa thấy lãnh đạo doanh nghiệp chậm cổ phần hóa nào bị xử lý''

Bà Phạm Chi Lan

Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về kế hoạch cổ phần hóa của các doanh nghiệp trong năm 2020. Theo đó, tính đến tháng 7/2020, mới có 37 doanh nghiệp được cổ phần hoá, thoái vốn trong khi mục tiêu cuối năm nay là 128 doanh nghiệp phải hoàn thành.

Cục Tài chính doanh nghiệp nêu rõ, ngoài những lý do khách quan như dịch Covid-19 bùng phát, việc xử lý tài chính, phương án sử dụng đất, kiểm toán giá trị doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài... còn do hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc của một số lãnh đạo doanh nghiệp.

Mấu chốt nằm ở sự quyết tâm của doanh nghiệp

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với VietnamFinance, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng việc Bộ Tài chính "tuýt còi" các lãnh đạo doanh nghiệp chậm trễ cổ phần hóa do không dám làm, không dám chịu trách nhiệm là điều rất hoan nghênh.

Giải trình từ phía nhóm doanh nghiệp "chây ì" cổ phần hóa cho thấy, hầu hết đều vướng mắc về cơ chế chính sách. Tuy nhiên, theo ông Long, Chính phủ đã tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất về mặt đường lối cho doanh nghiệp và liên tục đốc thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, nhưng kết quả vẫn giậm chân tại chỗ.

Vì vậy, ông Long cho rằng, vướng mắc lớn nhất nằm ở sự quyết tâm thực hiện cổ phần hóa của chính doanh nghiệp.

"Nếu còn tiếp diễn tình trạng cấp trên, cấp dưới chây ì vì lợi ích cá nhân thì còn câu chuyện doanh nghiệp không chịu cổ phần hóa. Thực tế, người lãnh đạo doanh nghiệp mà làm công tâm, quyết liệt thì còn trở ngại nào mà không tháo gỡ được", ông Long bình luận.

Cũng theo đánh giá của nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, việc chậm cổ phần hóa không chỉ gây thất thoát vốn cho nhà nước, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp.

"Sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước dẫn tới tâm lý hoạt động cầm chừng, chờ đợi và thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động. Cho nên, hiệu quả sản xuất kinh doanh chắc chắn sẽ bị tác động không nhỏ", ông Long nói.

Cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu doanh nghiệp

Đánh giá ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là hoạt động rất cần thiết nhằm giải phóng nguồn lực mà doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 hiện nay.

"Nhiều doanh nghiệp nhà nước nắm giữ khối lượng tài sản, tài nguyên lớn của đất nước, cả về tài chính, con người đến đất đai... nhưng chưa được tận dụng hết, khiến lợi ích thu về thấp hoặc rất thấp, thậm chí là thua lỗ. Cho nên việc phân bổ lại nguồn lực là cấp thiết cho tái cơ cấu nền kinh tế. Đây không phải câu chuyện của riêng doanh nghiệp, bộ ngành mà là vấn đề của cả đất nước", bà Phạm Chi Lan trăn trở.

Về giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, bà Phạm Chi Lan đề xuất các cấp chính quyền cần "xắn tay" vào cuộc để xem nguyên nhân cụ thể mà doanh nghiệp đang gặp phải. Nếu vướng mắc nằm trong phạm vi có thể giải quyết được... thì bố trí giải quyết ngay.

Ví dụ như trường hợp doanh nghiệp nêu khó khăn ở khâu định giá, cơ quan có thẩm quyền cho luôn cán bộ vào lập nhóm thẩm định giá, theo giá đó bán ra thị trường.

"Đối với nhiều trường hợp, nếu muốn đẩy nhanh tiến độ thì nhà nước phải tự làm, còn  chờ đợi phía doanh nghiệp chủ động thì... se kéo dài đến rất lâu", bà Lan cho hay.

Bà Lan cũng nhấn mạnh nhà nước cần xây dựng pháp chế rõ ràng, cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu doanh nghiệp để xảy ra tình trạng chậm cổ phần hóa.

"Lâu nay, Chính phủ vẫn nói về vấn đề quy trách nhiệm rất nhiều, nhưng tôi chưa thấy người đứng đầu doanh nghiệp để chậm cổ phần hóa nào bị xử lý", bà Lan nói.

Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 bao gồm TP. Hà Nội với 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP.HCM với 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty) chiếm 42% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty) chiếm 7% kế hoạch; Bộ Công Thương với 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty) và Bộ Xây dựng với 2 tổng công ty.

Trong số doanh nghiệp còn "chây ì" bị Bộ Tài chính điểm danh, đáng chú ý là các "ông lớn" như Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood1), Tổng công ty Viễn thông (MobiFone), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)... Các tập đoàn, tổng công ty này hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất, để xác định giá trị doanh nghiệp.

            Việt Anh
           (PS sưu tầm)

 


tin tức liên quan