Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lấy tinh thần ngày Quốc khánh để hướng đến tương lai
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lấy tinh thần ngày Quốc khánh để hướng đến tương lai
Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại
Nhân dịp 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2/9, Tạp chí Thời Đại đã có cuộc trao đổi với Nhà sử học Dương Trung Quốc về những giá trị, những ý nghĩa bất diệt của ngày Tết Độc lập của dân tộc, cho dù nhìn từ lăng kính của thế kỷ 21.
ĐBQH, Nhà sử học Dương Trung Quốc.
|
- Là một người chứng kiến nhiều thăng trầm của dân tộc, cảm xúc của ông thế nào khi mỗi dịp đón Tết độc lập?
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 là một biểu tượng thống nhất quốc gia. Sự kiện Cách mạng Tháng 8 là một bài học rất lớn có ý nghĩa nền tảng. Vì sao lại nói như vậy vì việc lật đổ chế độ cũ để chuyển sang chế độ mới là việc xảy ra thường xuyên trong lịch sử, nhưng sự độc lập của chúng ta sau ngày mùng 2/9/1945 là một sự thay đổi rất căn bản, đó chính là khác biệt lớn.
- Căn bản ở chỗ nào, thưa ông?
Trong suốt trường kỳ lịch sử, ông cha ta luôn coi sự tự chủ là quan trọng, sau 1.000 năm Bắc thuộc chúng ta giành lại quyền tự chủ với chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Tuy nhiên, những cuộc đấu tranh sau đó không tìm được một hướng đi mới, nên cuối cùng lại quay về với chế độ phong kiến.
Nhưng với Cách mạng Tháng 8, chúng ta đã mở ra bước ngoặt rất lớn đó là thắng Pháp để chấm dứt chế độ thuộc địa, chấm dứt chế độ phát xít và phong kiến.
- Ông tâm đắc nhất điều gì kể từ sau “Bước ngoặt rất lớn này”?
Đó là tầm nhìn về chính trị của Hồ Chủ Tịch. Năm 1945, với Hồ Chủ Tịch thì vấn đề đáng quan tâm nhất là phải giành lại được độc lập dân tộc và mang lại cơm ăn, áo mặc cho người dân. Tuy nhiên nếu chúng ta đọc lại những gì Hồ Chủ Tịch viết thì sẽ thấy đường lối phát triển lúc đó là Việt Nam phải trở thành một quốc gia độc lập nhưng song hành với một nền chính trị hiện đại. Hồ Chủ Tịch đã làm tất cả những gì có thể để xây dựng một thể chế chính trị hiện đại, và điều này thể hiện rõ nét nhất trong Quốc hội.
Vì sao lại khẳng định vậy vì ngay trong thời điểm đó, trong một bối cảnh rất căng thẳng thì Hồ Chủ Tịch vẫn triệu tập Đại hội Quốc dân Tân Trào, một quyết định thể hiện sự tôn trọng tinh thần dân chủ. Chúng ta nhìn vào thành phần trong Quốc hội khi đó cũng vậy, đại diện cho nhiều đảng phái cũng có mặt. Có thể nói lúc đó những gì chuẩn mực nhất của xã hội dân chủ hiện đại đều có ở đây cả, trên thực tế còn hơn một số nước châu Âu khi đấy.
Rồi về đường lối đối ngoại, Hồ Chủ Tịch nói hết sức đơn giản nhưng đến bây giờ chúng ta hoàn toàn thấy đó là nguyên lý: “Việt Nam muốn làm bạn với các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”; hay về kinh tế thì Hồ Chủ Tịch khẳng định luôn sẵn lòng: “Mời các nhà tư bản vào Việt Nam khai thác tài nguyên khoáng sản nhưng trên cơ sở 2 bên cùng có lợi”…cùng nhiều nội dung tiên tiến khác nữa.
Cho nên tôi phải nói rằng dù là dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và ngày Quốc khánh nhưng chúng ta đừng nghĩ đó là ngoái nhìn lại quá khứ mà phải lấy đó để hướng đến tương lai.
- Có những nội dung trong Bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hôm nay. Dưới góc độ cá nhân, ông có thể nêu ra một ví dụ điển hình cho khía cạnh này?
Bản Tuyên ngôn Độc lập Hồ Chủ Tịch nói đến 2 điều quan trọng, một là chúng ta đã giành chính quyền từ trong tay Nhật (vì Pháp đã đầu hàng). Ở đây Hồ Chủ Tịch muốn nhấn mạnh đến ý chí của toàn dân khi lấy sức ta để giải phóng cho ta, không dựa vào đâu cả. Vì vậy vấn đề khi đó là làm thế nào phải tuyên bố độc lập trước khi quân đồng minh đến. Chúng ta nên nhớ là cũng vào ngày 2/9, tại vịnh Tokyo, quân đồng minh đã tổ chức lễ đầu hàng của Nhật Bản.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện cùng các chiến sĩ Cách mạng, đồng bào cả nước tại Quảng
trường Ba Đình trong ngày 2/9/1945.
|
Điều thứ 2 là tại sao Hồ Chủ Tịch nhắc đến 2 văn kiện lịch sử của Mỹ và Pháp trong bản Tuyên ngôn? Có người nói đấy là sách lược của Hồ Chủ Tịch nhưng thực ra không phải. Ở đây ý Người là muốn Cách mạng Việt Nam cũng phải đi theo hướng phát triển của văn minh nhân loại.
- Mỗi một giai đoạn lịch sử đều có bối cảnh và giá trị riêng, đã bước sang thế kỷ 21 được 2 thập kỷ, theo ông ý nghĩa của ngày 2/9, nhất là về những quyền cơ bản của dân tộc và con người có thể được hiểu theo một cách mới cho phù hợp trong thời đại mới?
Ngày Quốc khánh của nước nào cũng vậy, cảm xúc đầu tiên của họ là xem lại chặng đường đã qua. Nếu chúng ta ca ngợi quá khứ thì chúng ta phải xem lại chặng đường đã qua làm được những gì, có dấu ấn gì không?
Tôi có một liên tưởng về ý nghĩa từ mùa thu Cách mạng Tháng 8 đến mùa thu dịch COVID-19 hiện nay. Thực ra, đây là thử thách rất lớn, không thua kém gì cách mạng. Trên thế giới, người ta xem đây là cuộc đại chiến, các quốc gia phải lựa chọn cách đấu tranh, phải thay đổi cách sống.
Giai đoạn đầu chúng ta đã làm rất thành công trong công tác chống dịch. Nhiều người hỏi một quốc gia như Việt Nam chưa giàu, công nghệ hạn chế mà sao họ làm được như thế? Theo tôi đấy là tinh thần của Cách mạng Tháng 8, khi đất nước có gian nguy, mọi người biết đoàn kết trong khó khăn, nâng cao ý thức dân tộc, ý thức xã hội, ý thức yêu nước…
Đây tuy là thử thách toàn dân buộc mình phải sống khác trước, nhưng cũng là một cơ hội để người lãnh đạo thay đổi cách lãnh đạo cũng như mối liên hệ với người dân.
|
Cử tri cả nước đều luôn chờ đợi tiếng nói của học giả Dương Trung Quốc trên diễn đàn Quốc
hội mỗi khi có sự kiện nóng.
|
- Nhân dịp 75 năm Quốc khánh Việt Nam, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, điều gì khiến ông luôn đau đáu với tâm thế một người đại diện cho nhân dân?
Đó chính là vấn đề lòng dân, lòng tin. Tôi nghĩ từ vị lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường thì đều suy nghĩ như nhau là phải làm sao giữ được lòng dân.
Xin cảm ơn ông!
( C. H sưu tầm)