Thấm thía với bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ngày đăng: 09:39 05/09/2020 Lượt xem: 276

Thấm thía với bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một trong những người phát hiện, đề xuất và tiếp tục hoàn thiện các mối quan hệ lớn chi phối toàn bộ quá trình đổi mới, phát triển đất nước.

Chia sẻ với VietNamNet, GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện một cách khái quát và rất sâu sắc những định hướng lớn trong quá trình chuẩn bị Đại hội XIII.

Thấm thía với bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: T.H

Đúc kết cả một quá trình đổi mới đất nước

Theo ông Phú, điểm nổi bật đầu tiên trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là 5 bài học kinh nghiệm có tầm lý luận và chỉ đạo thực tiễn rất lớn. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt lên hàng đầu là bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt vấn đề xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ.

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng lâu nay Đảng ta luôn xác định là "then chốt" trong chiến lược phát triển đất nước.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên đầu tiên là bắt nguồn từ nguyên lý cơ bản này. Tức là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng.

"Phải nói là một trong những điểm mà trước đây chúng ta làm chưa thật tốt là chưa đặt đúng tầm và thực hiện thật quyết liệt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó, dẫn đến tình trạng trong Đảng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ", GS-TS Phùng Hữu Phú phân tích.

Ông Phú cho rằng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ này, càng thấm thía việc chú trọng bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

3 mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao, tất nhiên là theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Có thể nói, những bài học kinh nghiệm nêu trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là sự đúc kết rất sâu sắc, không phải chỉ từ 5 năm qua mà là sự đúc kết cả một quá trình đổi mới đất nước. Những bài học đó là cơ sở rất quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy trong lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới và giúp chúng ta có thêm bản lĩnh, tự tin trước những khó khăn để vượt lên", Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nói.

Một điểm nổi bật nữa trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước theo ông Phú là việc xác định mục tiêu phát triển đất nước. Đại hội XIII không chỉ vạch ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm sắp tới mà là sự khởi đầu cho một quá trình chuẩn bị hai sự kiện rất trọng đại - 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. 

Đây là định hướng rất quan trọng, vừa thể hiện sự phân tích, dự báo những điều kiện và khả năng của đất nước nhưng đồng thời cũng nắm bắt xu hướng phát triển chung của thế giới.

Càng đi vào xã hội hiện đại thì càng phải mở rộng dân chủ

Một nội dung quan trọng khác được GS-TS Phùng Hữu Phú nhắc đến trong bài viết của Tổng Bí thư là yêu cầu phải nhận thức đúng và giải quyết có hiệu quả 10 mối quan hệ lớn.

 

"Trong thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước, bao giờ nó cũng có xuất hiện một cách rất khách quan các mối quan hệ lớn giữa các lĩnh vực, giữa các mặt của đời sống kinh tế xã hội và những mối quan hệ này chi phối toàn bộ quá trình đổi mới, phát triển đất nước", ông Phú lý giải.

Đó là những mối quan hệ lớn phản ánh tính quy luật của đổi mới, phát triển; phát triển nhanh hay chậm, phát triển bền vững hay không, tùy thuộc rất lớn vào việc nhận thức có đúng không, giải quyết có hiệu quả không những mối quan hệ này.

Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có khái quát 10 mối quan hệ lớn cần giải quyết. Theo GS-TS Phùng Hữu Phú, đây cũng là một quá trình phát triển về mặt tư duy lý luận. Trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, Đảng khái quát 8 mối quan hệ lớn; đến Đại hội XII trên cơ sở tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng hoàn thiện và bổ sung thêm thành 9 mối quan hệ lớn.

Lần này, trên cơ sở tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh, nhất là 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 và tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế xã hội 2011 - 2020 thì Đảng ta lại tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các mối quan hệ lớn thành 10. 

10 mối quan hệ lớn chi phối quá trình đổi mới, phát triển đất nước:

- Giữa đổi mới, ổn định và phát triển

- Giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị

- Giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa

- Giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa

- Giữa nhà nước, thị trường và xã hội

- Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường

- Giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

- Giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế

- Giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ

- Giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Trong 10 mối quan hệ này, có 2 điều chỉnh, và 1 bổ sung. Cụ thể, điều chỉnh mối quan hệ giữa “Nhà nước và thị trường”, thành quan hệ giữa “Nhà nước, thị trường và xã hội”.

Trước đây chúng ta nhấn mối quan hệ giữa “tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” thì lần này bổ sung thêm một thành tố thứ tư là “bảo vệ môi trường”.

"Đây là hai điều chỉnh không phải là câu chữ mà là nhận thức những vấn đề rất quan trọng", Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhận xét.

Ngoài ra, trong bài viết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bổ sung một quan hệ mới thứ 10 “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”.

Ông Phú cho rằng, càng đi vào xã hội hiện đại thì càng phải yêu cầu mở rộng hơn nữa, thực hành tốt hơn nữa dân chủ. Dân chủ là một xu thế của thời đại và dân chủ là tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia. Dân chủ bao giờ cũng phải đi liền với kỷ cương phép nước, dân chủ nhưng thực hiện trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Do đó, thực hành dân chủ phải gắn với tăng cường pháp chế; đồng thời phải đảm bảo kỷ cương trên cơ sở thực hành dân chủ, trên cơ sở tăng cường pháp chế.

"Có thể nói, 10 quan hệ này là điều độc đáo trong tư duy lý luận của Đảng ta và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là một trong những người đã phát hiện, đề xuất các mối quan hệ này. Lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục phát triển, hoàn thiện thêm một bước", Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.

Thu Hằng


tin tức liên quan