Một bản danh sách với 23 đầu sách giáo khoa cho học sinh tiểu học với giá thành lên tới 800.000 đồng đang gây xôn xao - không chỉ bởi giá bán - mà là câu chuyện đổi mới giáo dục chưa chạm đến gốc của vấn đề: Căn bệnh nhồi nhét kiến thức, kinh viện quá nặng và xem nhẹ bồi dưỡng kỹ năng sống.
23 cuốn sách ấy, ngoài những cuốn sách cơ bản theo chương trình đã được Bộ GDĐT thông qua thì chi chít các loại sách bài tập: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội. Đắt tiền nhất là Bộ thực hành toán- Tiếng Việt và sách Tiếng Anh.
Không phải bây giờ người ta mới cảnh báo về một thế hệ học trò “còng lưng” đeo cái cặp nặng 4-5kg trên lưng với đầy đủ các loại sách. Cái cặp ấy, còn là biểu tượng cho việc những đứa trẻ mới 6-7 tuổi, chập chững đến trường đã phải “cõng” một lượng kiến thức quá sức, quá nhận thức của các em
Một bạn đọc gửi bình luận về Lao Động: “Con cháu chúng ta bây giờ quá siêu phàm, ngày xưa chúng tôi vào lớp 1 cũng chỉ học “a, bờ, cờ” và chỉ chập chững tập viết quá lắm cũng chỉ 03 quyển sách. Bây giờ nhờ có các chuyên gia, GS-TS nên đã xuất bản bộ sách lớp 1 cho các cháu đến hàng chục cuốn chưa kể sách thực hành, hỗ trợ khác. Một đống kiến thức bùi nhùi giúp cho phụ huynh chạy tiền mua sách, còn học sinh lớp 1 cõng đống bùi nhùi này thì các cháu sẽ phát triển cái lưng gù”.
Về lý thuyết, sách giáo khoa lớp 1 mới áp dụng từ năm học 2020-2021 đã phá vỡ được vỏ bọc là “pháp lệnh” trước đây. Nghĩa là trước đây sách giáo khoa chỉ có một chương trình và giáo viên chỉ dạy những gì có trong sách.
Bộ sách giáo khoa mới với nhiều nhà xuất bản được cho là viết theo hướng mở. Nhưng “mở” không có nghĩa là nhồi nhét thêm các loại sách bổ trợ tới mức số lượng lên đến vài chục cuốn và giá thành gấp 3-4 lần so với giá sách được Bộ GDĐT phê duyệt.
Thay vì hàng chục đầu sách, điều mà những học sinh lớp 1 cần hơn, đó là những tiết “học mà như chơi”: tăng cường hoạt động phát triển thể chất, kỹ năng sống về sự tự lập, cách tự biết chăm sóc, bảo vệ bản thân mình trước những kẻ xấu…
Nên nhớ, các em mới lớp 1. Hình ảnh chú mèo con đi học trong thơ Phan Thị Vàng Anh “chỉ mang một mẩu bút chì, và mang một mẩu bánh mì con con” đáng yêu gần gũi chứ không phải một thế hệ mà tỉ lệ cận thị lên tới 50-60%, “còng lưng” vì mang vác hàng chục cuốn sách giáo khoa đến lớp.
Theo Linh Anh
Lao động