"Con sâu có làm rầu nồi canh". TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 08:03 08/09/2020 Lượt xem: 484
Con sâu có làm rầu nồi canh
CTV: Hoàng Văn Kính

         Tin “ sốc”.
         Nói là sốc bởi vì họ ăn bẩn đến mức khủng khiếp, cái máy nhập về có hơn 7 triệu mà họ đã nâng khống giá lên đến 39 triệu.
         Nói là sốc bởi vì số tiền người bệnh phải trả cho một lần điều trị qua thiết bị này lẽ ra chỉ 4,5 triệu đã đội lên đến 23 triệu.
         Nói là sốc bởi vì những người bị ăn chặn là những bệnh nhân phải đi vay từng đồng để vật lộn giữa sự sống và cái chết.
         Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ( CO3) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bịa can và bắt tạm giam bị can Phạm Đức Tuấn Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS ( Công ty BMS ); Ngô Thị Thu Huyền Phó giám đốc Công ty BMS và Trần Lê Hoàng, Thẩm định viên của Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội ( Công ty VFS ) cùng về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
          Những người này đã cấu kết với nhau để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với bệnh viện Bạch Mại, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
          Theo thông tin trên báo Thanh Niên, từ đầu năm 2017, bệnh viện Bạch mai kí hợp đồng liên doanh liên kết với BMS về việc đặt máy robot Rossa tại Khoa Phẫu thuật thần kính, sọ não. Họ thống nhất robot này có tổng giá trị 39 tỷ đồng do Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên doanh, liên kết tại bệnh viện Bạch Mai thời hạn 7 năm ( 2017-2024 ) với tỷ lệ ăn chia 50/50 sau khi đã trừ đi các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng, bảo hiểm…
          Tuy nhiên, theo chiết xuất thông tin từ Hải quan, máy robot Rossa được Công ty này nhập khẩu chỉ với gía 7,6 tỷ đồng - Vâng 7,6 tỷ đồng bao gồm cả thuế VAT – cộng với các chi phí khác như: đào tạo, chuyển giao công nghệ…ước tính khoảng 10 tỷ VN đồng. Mục đích của việc nâng khống giá máy là để nâng chi phí giá dịch vụ chữa trị cho một ca bệnh khi phải sử dụng thiết bị này. Nếu tính đúng giá, mỗi ca bệnh nhân chỉ phải trả khoảng 4,5 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng. Từ năm 2017 đến 2019 bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, chiếm đoạt của người bệnh khoảng 10 tỷ đồng tiền chênh lệch.
          Từ 4,5 triệu đồng được đội lên 23 triệu một ca điều trị, số tiền kinh doanh trên nỗi đau của người bệnh được ăn chia theo tỷ lệ hợp đồng, bệnh viện Bạch Mai hưởng 50%, nhà đầu tư 50%.
          30 tỷ ( không phải là 30 triệu hoặc 3 tỷ ) tiền chệnh lệch. Một số tiền khổng lồ do thổi giá cho một thiết bị mà Công ty này đặt tại bệnh viện Bạch Mai, vậy còn hàng ngàn các thiết bị khác cũng đặt tại bệnh viện này và các bệnh viện khác trên toàn quốc như: BV Đa khoa Đông Anh; BV TW Quân đội 108; Sở y tế Hải Phòng; Sở y tế Thái Bình; Sở y tế Nghệ An…thì số tiền chênh lệch họ ăn của người bệnh và ngân sách Nhà nước là bao nhiêu? Không thể tưởng tượng được.


Robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai
bị thổi giá cao gấp gần 4 lần so với giá trị thực (Ảnh Bệnh viện Bạch Mai).
 
          Dư luận đang quan tâm: Vì đâu mà Công ty BMS lại chen chân đưa được thiết bị với giá trên trời vào một bệnh viện lớn hàng đầu cả nước như bệnh viện Bạch Mai và tại sao họ lại có thể dễ dàng nâng khống thiết bị từ 7,6 tỷ lên 39 tỷ. Chắc chắn phải có nhiều bàn tay trong và ngoài ngành y cùng góp sức vào đây. Vụ việc này khiến ta phải chua sót và cay đắng  nhận ra trong một số trường hợp khái niệm về ‘ tình người” đã bị lu mờ, thậm chí đã bị bôi đen. Lời thề Happocrat chẳng có ý nghĩa gì cả dưới đáy lòng tham của họ. Trước sự cám dỗ của đồng tiền, những kẻ bất lương chỉ biết chặt chém người bệnh cho đến cùng kiệt bất kể khi người ta đã lâm vào cảnh phải vật vã giữa sự sống và cái chết.
          Nhưng có điều hơi…lạ và cũng sốc không kém là vụ việc xẩy ra tại bệnh viện Bạch Mai nhưng ông Nguyến Đức Hùng Phó giám đốc bệnh viện lại xác nhận bệnh viên Bạch Mai cũng chỉ là một nạn nhân trong vụ việc này, nghĩa là họ chẳng biết gì, chẳng có liên quan gì! Ô hay! Sao ông Phó giám đốc lại phủi tay trắng trợn, buông lời thiếu trách nhiệm và thách thức xã hội như vậy. Sự ngụy biện của quan “ từ mẫu” khiến ai cũng phải ngao ngán lắc đầu.
          Còn nhớ cách đây không lâu, khi đại dịch Covcid đang bùng phát, cả xã hội cùng chung tay, chung sức, chung lòng phòng chống dịch thì tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội ( CDC Hà Nội ) các quan chức đầu ngành và một số nhân viên ở đây đã khai khống hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR giá khoảng 2,3 tỷ đồng lên đến 7 tỷ đồng. Sau đó người ta phát hiện ra không phải chỉ riêng CDC Hà Nội mà hàng loạt các DCD ở các tỉnh khác cũng chơi trò gian lận như thế. Tỉnh Quảng Nam còn “ thi đua” tăng giá lên 7,2 tỷ đồng. Nhưng cũng lại rất sốc, sau khi bị phanh phui những công bộc ở đấy đều rơi nước mắt: Chưa mua mới mượn về dùng tạm, hết dịch sẽ trả lại; thương dân mình vừa nghèo lại dính bệnh nên sẽ giảm giá...Việc “ ăn giá” của mấy cái máy xét nghiệm Realtime PCR này cũng “ kinh khủng” đấy nhưng cũng chỉ là bèo bọt so với cái vụ robot Rossa ở bệnh viện Bạch Mai.
          Ăn chặn thực chất là ăn cướp, là ăn cắp, ăn bẩn, ăn trên xương máu người khác… dù ít hay nhiều, dù với đối tượng nào cũng đều là thất đức, nhưng ăn của người đang mang bệnh, mang trọng bệnh thì không biết phải dùng từ ngữ gì để mô tả cho hết cái sự khốn nạn, bất lương của họ. Những kẻ tham lam, dối trá, lừa đảo rồi sẽ phải trả giá và nhận quả báo thích đáng, đó là quy luật muôn thủa.
          Đấy là những con sâu, con mọt đang làm vấy bẩn mầu áo blue trắng của đội ngũ Cán bộ, nhân viên, các Y, Bác sỹ, điều dưỡng viên ngành Y đang trên tuyến đầu trận tuyến phòng chống dịch. Họ không quản ngại ngày đêm, nắng mưa, phải xa gia đình người thân xung phong ra “ tiền tuyến” bám trụ kiên cường tại các bệnh viện, khu cách li, tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây để cứu chữa, giành giật sự sống cho từng người bệnh. Sự hy sinh, cống hiến của họ là tượng đài được cả nước ngưỡng mộ và tri ân.
          Cả xã hội ghi nhận công đầu của ngành y trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19. Những hiện tượng “ ăn bẩn” của một số cán bộ ngành Y tuy không phải là phổ biến nhưng cũng không còn là cá biệt. Những con sâu ấy cần phải sớm bị loại bỏ để không làm hỏng nồi canh.

 

tin tức liên quan