Phim tài liệu “70 năm Chiến thắng biên giới Thu Đông” có thời lượng 30 phút, được thực hiện trong vòng 3 tháng. Phim do Đại uý Nguyễn Huy Hùng viết kịch bản, Trung tá Phạm Hồng Thắng làm đạo diễn, Điện ảnh Quân đội sản xuất.
Theo Trung tá Phạm Hồng Thắng phim nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chiến thắng biên giới Thu Đông năm 1950. Phim mở đầu bằng bối cảnh lịch sử và cục diện chiến trường của Việt Minh và quân Pháp sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947. Tiếp đến là lí do Bộ Tổng tư lệnh Việt Minh quyết định chuyển hướng chiến dịch sang Cao Bằng - Lạng Sơn vào đầu tháng 7/1950...
“Có thể nói đây là bộ phim về Chiến thắng biên giới Thu Đông năm 1950 diễn ra ở Cao Bằng, Lạng Sơn và đường số 4 mà chúng tôi đã đạt hiệu quả tương đối về tư liệu và nhân chứng lịch sử.
Với tôi, một bộ phim lịch sử về chiến tranh biên giới thì phải đáp ứng được yêu cầu về tính chỉn chu, cụ thể và xác thực về tư liệu lịch sử. Vì bộ phim sẽ được sử dụng nhiều lần trong tuyên truyền nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng biên giới Thu Đông năm 1950 và để các thế hệ trẻ sau này hiểu rõ hơn về truyền thống của quân đội ta, nhân dân ta trong những ngày đầu kháng Pháp. Từ đó, giáo dục truyền thống cách mạng và nêu cao tinh thần tự hào dân tộc.
Chiến thắng biên giới Thu Đông năm 1950 là một bước ngoặt lịch sử giúp quân và dân ta bước qua thời kỳ phòng ngự, cầm cự để tiến lên phản công và tiêu diệt địch. Ý nghĩa của chiến thắng biến giới Thu Đông rất quan trọng vì đã góp phần khai thông cả khu vực biên giới phía Bắc, mở con đường để tiếp xúc với Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa. Từ đó, chúng ta có được sự viện trợ của bên ngoài, kể cả lương thực, vũ khí và đạn dược cũng như sự giúp đỡ về cố vấn quân sự.
Chiến thắng này đã mang đến nhiều bài học kinh nghiệm trong quân sự về cách đánh, chọn điểm đánh và thời cơ tiêu diệt địch”, Trung tá Phạm Hồng Thắng chia sẻ.
Trung tá Phạm Hồng Thắng cho biết thêm, mặc dù kịch bản ban đầu được xây dựng dựa trên các yếu tố lịch sử rất chi tiết nhưng trong quá trình thực hiện đã có chút thay đổi. Việc thay đổi này nhằm nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo, sự chỉ đạo sáng suốt và tư duy chiến thuật tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những quyết định mang tính lịch sử, tạo ra những bước ngoặt của cuộc chiến tranh chống Pháp.
Việc tìm kiếm tư liệu lịch sử là khó khăn lớn nhất mà ê-kíp gặp phải. Vì thời điểm đó, điện ảnh của chúng ta còn non kém và thô sơ nên tư liệu rất ít. May mắn là ê-kíp đã tìm được tư liệu “Bác Hồ đi chiến dịch” và toàn bộ phần trả lời phỏng vấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Chiến dịch biên giới Thu Đông năm 1950 trong kho tư liệu. Ngoài ra, nhờ có sự giúp đỡ của một người bạn ở Pháp mà ê-kíp đã có thêm được một số tư liệu liên quan đến quân Pháp nhằm chuyển tải một cách đầy đủ nhất hình ảnh từ hai phía.
Riêng nhân chứng lịch sử thì vì thời gian đã lùi xa nên kẻ còn người mất. Những người còn sống cũng đa phần đã lớn tuổi nên ký ức về cuộc chiến không còn rõ nét.
“Nhân chứng liên quan trực tiếp đến Chiến dịch biên giới Thu Đông năm 1950 hiện còn 4 - 5 người nhưng đều đã rất cao tuổi. Chúng tôi may mắn gặp được Trung tá Đặng Văn Việt - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174. Ông từng được người Pháp mệnh danh là “húm xám đường số 4” do thành tích chỉ huy đơn vị mình trong Chiến thắng biên giới Thu Đông năm 1950, bắt sống cả hai chỉ huy binh đoàn Pháp là Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton. Tuy nhiên, năm nay cũng ông cũng đã trên 100 tuổi.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có được những lời kể rất chân thực của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu - nguyên chiến sĩ Trung đoàn 174; Đại tá Hoàng Long Xuyên - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 Lạng Sơn phụ trách đánh ở tuyến Lạng Sơn và Đại tá Vũ Đình Hoè - nguyên Trưởng ban quân lực Trung đoàn 174”, Trung tá Phạm Hồng Thắng chia sẻ.
Theo Trung tá Phạm Hồng Thắng bộ phim may mắn khai thác được nhiều chi tiết xúc động. Trong đó có một số câu chuyện lịch sử do chính những nhân chứng sống kể. Cụ thể, trong trận đánh Đông Khê, lúc quân ta đánh vào cứ điểm của địch thì thương vong rất nhiều. Đại tá La Văn Cầu bị thương, dập nát cả cánh tay phải nhờ đồng đội chặt giúp cánh tay để tiếp tục chiến đấu.
Sau khi đánh Đông Khê, trong lúc chờ đánh quân tiếp viện thì quân ta rất khó khăn, thiếu lương thực trầm trọng. Bộ đội ta “ăn đói mặc rét” nhưng vẫn quyết tâm đánh thắng giặc. Đó là cả một chủ trương chỉ đạo chiến dịch trực diện từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những tổn thất, mất mát… trong Chiến dịch biên giới Thu Đông năm 1950 là cái giá của chiến thắng mà những người sau phải luôn khắc ghi và trân trọng.
Hà Tùng Long
(PS st Theo Dân trí)