Ba ước muốn Thứ hai, 5/10/2020, 04:26 (GMT+7) Tôi dạy học từ năm 19 tuổi và nay đã 83 tuổi. Suốt đời, bố tôi và nay là tôi, chỉ mong ước cho sự phát triển của giáo dục. Ước mơ thứ nhất của tôi là mọi sinh viên tôi và cộng sự đào tạo ra đều được xã hội đón nhận và từng bước trở thành các nhà khoa học, chuyên gia hoạt động trong các ngành có liên quan đến vi sinh vật và công nghệ sinh học. Tôi cùng các đồng nghiệp đã phấn đấu và được hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ nên đã thành lập được Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Sinh viên có nơi để tham gia nghiên cứu khoa học thông qua việc hoàn thành các luận án tốt nghiệp. Trong đó, không ít luận án có giá trị như một công trình khoa học nhỏ. Tôi nghĩ, nếu mỗi lĩnh vực đào tạo đều có điều kiện để sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học thì làm sao còn tình trạng sinh viên ra trường bị thất nghiệp hay phải làm việc trái với ngành nghề đào tạo? Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo, năm 2018, số người thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên là 135,8 nghìn người, năm 2017 là 215,3 nghìn người. Không nhìn đâu xa, tôi chỉ mong các ngành nghề đào tạo đều có nơi nghiên cứu khoa học ngay trong qúa trình đào tạo như một số đại học ở Thái Lan hay Đài Loan. Tại Đài Loan, một số phòng thí nghiệm khá khang trang do các doanh nghiệp trực tiếp đầu tư. Nhờ đó, họ được ưu tiên tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp. Ước mơ thứ hai của tôi là học sinh phổ thông được sử dụng một bộ sách giáo khoa chất lượng cao và chỉ cần mượn từ thư viện nhà trường như ở nhiều nước khác. Tôi theo dõi thấy hiện nay, dù nhiều bộ sách giáo khoa đã được lựa chọn để giảng dạy, nhưng không ít thầy cô giáo và học sinh, nhất là ở bậc tiểu học đang kêu khó dạy, khó học quá. Trong khi đó, con trai tôi và bạn Ngô Bảo Châu của cháu, khi học ở trường Thực nghiệm (Hà Nội) trước đây đã rất hứng thú học các giáo trình của thầy Hồ Ngọc Đại. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đi xe ôm lên một tỉnh biên giới phía Bắc và đóng vai phụ huynh để khảo sát việc dạy sách giáo khoa thực nghiệm, sau đó ông quyết định ngay việc cho mở rộng ứng dụng các sách giáo khoa này. Đã có hàng vạn học sinh được học thứ giáo trình dễ tiếp thu và nhiều hứng thú đó. Vậy mà, nay, bộ sách bị loại bỏ mà không hề tham khảo ý kiến của biết bao con người thành đạt đã học giáo trình này. Các sách giáo khoa mới hôm nay, nếu quả thật là khó dạy, khó học thì hóa ra không bằng các bộ sách đã trải qua thử nghiệm nhiều năm, tại rất nhiều trường hay sao? Chúng ta đang triển khai nhiều bộ sách giáo khoa theo nghị quyết của Quốc hội. Đó là việc rất tốt. Tuy nhiên với một giáo viên, nhất là với một học sinh, dễ dàng gì để mua tất cả mấy bộ sách giáo khoa đó? Phụ huynh học sinh cũng đang rất băn khoăn về việc có cần mua cho con mình tất cả sách giáo khoa và sách tham khảo hay không. Tôi ước mơ Bộ Giáo dục và đào tạo giao cho một nhóm tác giả nhiều kinh nghiệm tích hợp lại mọi ưu điểm của từng bộ sách giáo khoa để có được một bộ sách mới khá hoàn chỉnh và có thể sử dụng lâu dài cho nhiều năm. Nếu một năm chưa làm nổi, ta cố gắng hoàn thành sau hai, ba năm. Khi đã có bộ sách giáo khoa chuẩn, được đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh ủng hộ, các thư viện nhà trường sẽ mua đủ và cho học sinh thuê với giá rẻ trong từng năm học. Tôi thấy ở khá nhiều nước, thư viện của các trường phổ thông thật đáng nể. Sách giáo khoa đủ cho mọi học sinh mượn với giá không đáng kể, chỉ phải đền tiền khi làm mất hoặc làm hư hỏng. Rất nhiều sách, truyện thiếu nhi thú vị đủ cho mọi học sinh mượn đọc. Ở ta, những trường học có thư viện phong phú đâu có nhiều, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Về sách tham khảo, trong kỳ họp vừa qua của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu "tuyệt đối cấm ép phụ huynh và học sinh phải mua". Sách tham khảo được bán ngoài hiệu sách như mọi loại sách khác và ưu tiên dành cho giáo viên tham khảo. Tôi đang in cuốn "Thế giới sự sống", viết theo chương trình phổ thông nhưng rất sâu, và tôi tin các giáo viên Sinh học và học sinh muốn thi vào các ngành liên quan sẽ hoan nghênh. Mong sao các ngành khác cũng sẽ có những cuốn sách tương tự: Thế giới vật lý, Thế giới hóa học, Thế giới văn học... Ước mơ thứ ba của tôi là ngành giáo dục tiếp cận nhanh hơn với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Việc dạy online không chỉ quan trọng trong đại dịch. Nếu chúng ta phát động cuộc thi viết bài giảng mẫu trong ngành giáo dục theo đúng chương trình hiện hành sẽ tạo hiệu ứng giúp ích biết bao cho cả người dạy và người học. Sau khi số hóa các bài giảng mẫu đã được lựa chọn, chỉ cần thông qua mạng, tất cả hàng chục triệu thầy trò có thể có tài liệu để dạy và học tốt hơn rất nhiều. Ấn Độ đã làm được việc này nhờ các loại máy tính bảng giá rẻ. Máy tính bảng giá rẻ giờ đây đã có bán tại Việt Nam, nếu thư viện nhà trường đầu tư và cho học sinh thuê mỗi năm khoảng vài trăm nghìn đồng, tôi tin rằng đa số phụ huynh hoàn toàn có thể chấp nhận. Ba ước mơ của tôi liệu có lãng mạn quá không? Nguyễn Lân Dũng (PS st Theo VnExpress)