Kẹt ở tương lai Thứ sáu, 30/10/2020, 07:20 (GMT+7) Gần hai tuần sau cơn lũ dữ, ba người của xã Hướng Việt vẫn chưa tìm thấy. "Hồ Văn Xam bị núi sạt, hai con của Hồ Quang Ngọc bị lũ cuốn vẫn chưa tìm thấy chị ạ", Hồ Linh - Bí thư đoàn xã Hướng Việt - nhắn cho tôi. Hướng Việt, và kề bên là Hướng Lập, thuộc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đều đã mất điện, mất sóng điện thoại, bị chia cắt, cô lập hơn mười ngày. Trận lũ đã cắt đôi những quả núi, chặn đứng con đường từ thị trấn Khe Sanh và thành phố Đông Hà đến nơi này. Không chỉ nhà anh Xam, anh Ngọc, những gia đình khác cũng bị lũ cuốn, bị núi lở, nhà sập... chỉ là họ đã may mắn thoát cái chết trong gang tấc. Đêm lũ kinh hoàng cuốn theo đất đá tràn ngập thôn Sa Đưng, mấy mái nhà vốn chỉ dựng bằng những thân gỗ nhỏ, trên lợp tôn gần như sụm xuống ngay. Các căn nhà chắc chắn hơn bị lũ tống vào ngập đầy cây bật rễ, bùn, đất đá. Các cô giáo, vốn ở nơi được xây dựng kiên cố nhất là trường học, đã trèo lên trần lớp học, nằm núp cả đêm. Hôm sau, mưa ngớt, họ mới dám phá tấm lợp fibro-xi-măng chui ra khỏi mái nhà. Những ngày qua, Hướng Lập và Hướng Việt hay thôn Tà Rùng thuộc xã Húc của huyện Hướng Hóa được nhắc tới nhiều hơn bởi hậu quả tang thương của mưa lũ. Nhưng trước đó, rất ít ai biết tới những địa danh này. Họ Hồ của anh Xam và anh Ngọc là họ của người Bru - Vân Kiều, của những người bước ra từ lời bài hát huyền thoại "rừng xanh vang tiếng Ta Lư", rằng "Người Vân Kiều tấm lòng trong trắng/ Như cánh hoa, xinh đẹp giữa rừng/ Bão tố cây rung mà lòng không lay". Để tới được hai xã giáp biên giới Lào này, ta phải đi qua những cái tên đã đi vào lịch sử. Từ thành phố Đông Hà vào tuyến đường Hồ Chí Minh, chào con sông Thạch Hãn là bắt đầu bước vào đường 9 Nam Lào, gặp làng Vây, Khe Sanh, con đường huyết mạch với những cứ điểm máu trong cuộc chiến cách đây hơn bốn mươi năm. Suốt chiến tranh, những người Bru - Vân Kiều cống hiến sức người cho cách mạng và cả mắc kẹt ở đây, giữa bom rơi lửa đạn, chịu phá hủy phần lớn những gì cả cộng đồng họ gây dựng trong nhiều thế kỷ. Nhưng hai thế hệ kể từ sau khi chiến tranh đã qua đi, người Bru - Vân Kiều ở hai xã sơn cùng thủy tận và suốt từ khu di tích Làng Vây về phía biên giới dường như vẫn đang tụt lại ngày càng xa, không thể đi chung với cả nước bởi di chứng chiến tranh, bởi đói nghèo. Bốn năm liên tiếp tôi đi điền dã ở vùng này chưa bao giờ thôi được nghe những câu chuyện về cái chết hậu chiến, do bom mìn còn nằm lại, ẩn nấp dưới khắp dải đất này. Tôi ở lại một gia đình ở xã Hướng Lập, người vợ trẻ có khuôn mặt đẹp và đôi mắt lúc nào cũng buồn kể, năm trước hai vợ chồng đi chọc lỗ tra hạt, và ngay trước mắt người vợ trẻ mới mang thai bốn tháng, chồng cô chọc trúng mìn. Họ phải đi tìm những gì còn sót lại của anh mang về. Cái đĩa, cái cốc mà tôi được dùng ở đây cũng làm từ vỏ bom. Cứ như thể người nơi này không hề biết, thế giới đã sang trang khác từ rất lâu rồi. Tôi không muốn nhắc lại tỷ lệ nghèo cao nhất tỉnh của hai xã này, luôn là trên dưới 50% tổng số hộ, bởi tôi thấy con số không nói lên điều gì. Đầu làng cuối xóm, nhà ai chẳng giống nhà ai. Hầu hết gia cảnh tương đương nhau, chỉ vài hộ nhỉnh hơn một chút. Và trong các báo cáo cũng không có con số nào đủ để diễn tả cái đói, cái khát kinh niên ở nơi đây. Trừ những hộ người Kinh mới lên làm ăn, có lẽ số gia đình đủ ăn đủ mặc ở mỗi xã Hướng Việt và Hướng Lập chỉ đếm được chưa đầy hai bàn tay. Còn lại, bước vào nhà nào cũng như nhau, mùi ẩm mốc từ quần áo cũ rách khươm mươi niên, những căn nhà nhỏ xíu như muốn sụp xuống mỗi khi trời mưa. Dưới những mái tôn, sáu tháng mùa mưa, lỗ tai con người chỉ muốn thủng màng nhĩ. Tôi đã cảm thấy tuyệt vọng, tự hỏi tương lai những con người này sẽ về đâu khi bước vào nhà anh trưởng thôn Ka Tiêng, xã Hướng Việt. Anh kể tôi nghe về "tình hình kinh tế" của thôn trong căn nhà tối om, trong tiếng hai đứa trẻ giành nhau gói thuốc hạ sốt để pha uống chỉ vì nó ngọt ngọt giống kẹo. Còn vợ anh, má hóp sâu, đôi mắt cũng trũng sâu, đầu bù tóc rối, đang ngồi cửa bếp nhìn ra với vẻ mặt thất thần. Tay chị ôm đứa thứ ba đang lục lọi đòi bú. Tôi ăn cùng một gia đình cũng ở thôn Ka Tiêng, những bữa cơm hầu hết chỉ có rau, thi thoảng có ít ốc suối. Hễ săn bắt được chút gì của rừng, như ếch trong khe suối hay hang đá, mật ong trên những vách núi cheo leo dù mỗi ngày một hiếm, họ đều mang đi bán đổi lấy gạo, dầu hay nhu yếu phẩm. Dù tôi đưa tiền chợ, thường họ chỉ dám mua những miếng mỡ từ một cô vẫn mang nhu yếu phẩm từ Khe Sanh chở vào để về nấu. Chuyến hàng của cô kia chủ yếu bán mỡ, cá khô. Như thế, chẳng phải chỉ đến năm 2020 này họ mới bị cô lập, tụt lại sau các con số tăng trưởng. Tình thế ấy đã từ lâu lắm rồi, dù cho nhà nước có bao nhiêu gói giảm nghèo hoặc gần như cứu trợ cho không những lúc giáp hạt, dù là 135 hay 30a cho các xã đặc biệt khó khăn. Tôi giữ liên lạc với Hồ Linh và người dân nơi đây trong vài năm qua và biết rằng, những người con Vân Kiều vẫn đang mắc kẹt trong đói nghèo là sự thật. Chẳng ai có thể tưởng tượng rằng, trước hai cuộc chiến, nơi đây đã trù phú, từng trâu dê hàng đàn, từng giàu chiêng ché, từng ăn rừng, sống với rừng già bằng tấm lòng kính ngưỡng. Và nay còn một thảm kịch khác. Những cánh rừng trọc lóc không còn thảm thực vật chằng chịt che phủ, không còn những bộ rễ sâu dưới tán rừng nguyên sinh giữ chặt lấy đất đỏ mềm trong suốt sáu tháng mùa mưa. Mẹ Tự nhiên mang cho họ những lời đáp tàn khốc nhất. Các đoàn cứu trợ của chính phủ và toàn dân đang đổ về miền Trung, những gói lương thực đầu tiên sau lũ đã được chuyển qua ròng rọc cáp treo vào Hướng Việt, chuyến trực thăng đã đưa được cán bộ xã trọng thương về bệnh viện. Nhưng Hướng Việt, Hướng Lập, xã Húc hay Hướng Phùng... không chỉ cần cứu trợ khẩn cấp, mà cần thoát khỏi tình trạng mắc kẹt trong nghèo đói, lạc hậu đã mấy thế hệ. Sự thực là các chương trình, chính sách dành cho vùng đặc biệt khó khăn bao giờ cũng dành ngân sách cho nơi này. Nhưng vì nhiều lý do quen thuộc, những thành quả đáng tự hào của giảm nghèo vẫn chưa với tới đây. Với những vùng thiệt thòi kép, sau đó lại bện chặt với thảm họa như thế này đòi hỏi những cách tiếp cận phát triển cộng đồng riêng biệt chứ không thể chỉ trông vào chính sách cứu trợ hoặc giảm nghèo chung chung theo cả nước. Với đặc thù của họ, kinh nghiệm phát triển sinh kế ở vùng khác cũng không thể áp vào đây. Giờ đây, có thể phải vài tháng mới sửa xong đường, phải đến Tết mới có điện trở lại, Hồ Linh nói với tôi. Sau đó, họ sẽ chỉ còn lại vài tháng của mùa khô để chuẩn bị tới một chu kỳ mưa bão mới ở miền Trung. Tôi tự hỏi, chúng ta có hay trên đất nước mình đang có bao nhiêu cộng đồng tương tự? Họ như những cánh chim cuối đàn, có thể sẽ tiếp diễn trạng thái bị bỏ rơi xa hơn nữa sau các thảm họa tự nhiên. Nguyễn Thu Quỳnh (PS st Theo VnExpress.net)