‘Đạo’ tri thức Thứ hai, 2/11/2020, 00:55 (GMT+7)Đã lưu Tôi biết đôi câu chuyện có dáng dấp trinh thám với nhiều uẩn khúc. Tôi có ông thầy, nhưng thân tình như bạn, gặp phải tình huống éo le. Anh làm luận án Phó tiến sỹ tại trường Tổng hợp Lomonosov, Nga. Luận án đã bảo vệ thành công và không có gì vướng mắc. Dăm năm sau, anh được vào tầm ngắm đưa lên lãnh đạo một đại học ở Việt Nam. Có ý kiến tố rằng luận văn của anh có một trang đạo nguyên từ luận văn khác. Bên tố cáo bố trí người sang tận thư viện của trường Lomonosov để chụp ảnh trang đó. Nhưng sang tới nơi, mượn được cuốn luận văn từ thủ thư, trang luận án kia bị xé mất rồi. Câu chuyện lửng lơ tại đó. Tôi thương anh lắm, nhưng cũng đành phải nghĩ rằng sự đạo một trang luận án ấy chắc là có thật. Gần đây thôi, toà án Hà Nội xét xử vụ người bị tố đạo 30% luận án tiến sỹ kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo việc đã quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của anh. Luận án được bảo vệ thành công vào năm 2003 tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Mười năm sau, 2013, chính vị hiệu trưởng mà mười năm trước làm chủ tịch cả ba hội đồng chấm luận án này (hội đồng bảo vệ chuyên đề, hội đồng bảo vệ cấp cơ sở và hội đồng bảo vệ luận án cấp trường) lại làm đơn tố cáo nghiên cứu sinh đã đạo 30% luận án từ một luận án khác tại một đại học khác. Hội đồng khoa học được lập ra để xác minh cũng kết luận như vậy. Thanh tra bộ cũng kết luận như vậy. Và Bộ trưởng ban hành quyết định thu hồi bằng tiến sỹ mà trường đã cấp. Toà xét xử, kết luận nguyên đơn thắng và Bộ trưởng thua kiện. Qua vụ việc, nhiều bạn tôi ở trường đó cho rằng việc tố cáo đạo luận án chỉ là cách để giải quyết "vấn đề cán bộ" khi người bị tố cáo có khả năng thăng tiến. Cậu con trai lớn có lần hỏi tôi, sao lại dùng từ "đạo văn" mà không phải là "trộm cắp văn". Con tôi hỏi câu trên là vì tra từ "đạo" tại bất kỳ tự điển Hán - Việt nào cũng cho nghĩa là "trộm cắp cái của người khác làm của mình". Tôi trả lời con rằng, thời xưa ở ta chữ nghĩa phần lớn dùng từ Hán - Việt, vậy nên người ta sử dụng từ "đạo" trong Hán - Việt để nói về hành vi trộm cắp văn chương, khác với hành vi trộm cắp những thứ cụ thể - được dùng chữ Nôm cho dân gian dễ hiểu. Ngày xưa, chuyện đạo văn cũng có, nhưng giới học hành cũng không ghép vào tội trộm cắp, mà chỉ kháo nhau, chê bai để trở thành bia miệng. Cũng vì người xưa rất ngại bia miệng - từ bậc quân tử bị coi thành tiểu nhân - nên đạo văn cũng chỉ có trong thời đạo đức suy đồi. Các bậc nho sĩ thường rất trọng danh dự, luôn tự mình biết xấu hổ. Hơn nữa, văn chương đâu có bán ngay ra được tiền. Chữ nghĩa để làm quan, rồi làm quan mới có tiền. Từ đạo văn mà ra được đến tiền cũng quá xa xôi nên không mấy ai làm. Trong những giai đoạn phong kiến suy vi, người ta dùng tiền để mua bằng cấp, không mấy ai dùng cách đạo văn để có bằng. Vào thời thi cử suy biến, tiền mua được bằng tiến sỹ. Cụ Tam nguyên Yên đổ Nguyễn Khuyến đã có hai bài thơ vịnh tiến sỹ giấy. "Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ/ Nghĩ rằng đồ thật, hoá đồ chơi" mô tả thời buổi nhiễu nhương đó. Xã hội tiến lên, chữ nghĩa cũng trở thành hàng hoá, người ta gọi là hàng hoá phi vật thể, có giá trị trên thị trường, có được danh và bán được lợi. Cụ thể hơn, nó có thể là đoạn văn, câu thơ, nét nhạc, một công thức, phát kiến công nghệ, luận án tiến sỹ, một thủ pháp thương mại hay ý tưởng trong phát biểu nào đó. Tệ nạn đạo tri thức cũng mạnh hơn, người ta đạo nó vì cả danh lẫn lợi. Sự thực, tri thức là thứ không tồn tại dưới dạng vật thể, không cất giấu được nên chứng minh rằng ý tưởng này là của anh hay của tôi rất khó. Người ta đã đưa ra phương thức đăng ký bản quyền để xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá tri thức, nhưng cơ chế này chỉ để giải quyết khi tranh chấp xảy ra. Cách nước này đạo ý tưởng, công nghệ của nước khác hiện tràn lan khắp nơi, kiện tụng cũng không giải quyết được. Biden, ứng cử viên Tổng thống Mỹ, mới bị tố đạo diễn văn của người khác từ năm 1987, hay phu nhân Tổng thống Trump cũng bị tố đạo ý phát biểu của phu nhân Tổng thống Obama. Tố lên để "dìm hàng" trong cạnh tranh là chính. Quả là muôn màu muôn vẻ. Ở Việt Nam, nạn tố đạo luận án tiến sỹ cũng hay xảy ra, nhiều trường hợp bằng giả cũng bị phát hiện. Bằng thật mà nội dung giả có lẽ được quan tâm nhiều hơn, nhưng rồi cũng khó điều tra và kết luận. Ngoài những chuyện trên còn nhiều sự tích nữa. Chỉ đáng buồn, các vụ tố đạo luận văn thường không xuất phát từ mong muốn làm trong sáng đạo đức học thuật hay vì lẽ công bằng cho kinh tế tri thức mà dường như được sử dụng làm công cụ hạ bệ lẫn nhau. Tuyển chọn cán bộ của ta tại nhiều vị trí thực ra không liên quan đến khoa học, cũng không nên sử dụng tiêu chí bằng cấp học thuật trong lựa chọn cán bộ làm gì. Nghề quản lý cần kỹ năng quản trị và cái tâm là chính. Người có học vị chỉ dành cho các cơ sở khoa học. Tôi mong Luật Tố cáo được điều chỉnh theo hướng đưa ra quy trình giải quyết đối với các tố cáo đạo tri thức kèm chế tài mạnh. Đặc biệt, tổ chức nào mới có quyền kết luận tài liệu là "đạo" hay "không đạo" vô cùng quan trọng. Có vậy, tiến sỹ giấy mới giảm và tiến sỹ thật mới có đất dụng võ. Đặng Hùng Võ (PS st Theo VnExpress)