Sự cố sách giáo khoa: Đã thẩm định, sao đến khi học mới phát hiện "sạn"?

Ngày đăng: 06:31 04/11/2020 Lượt xem: 260

Sự cố sách giáo khoa: Đã thẩm định, sao đến khi học mới phát hiện "sạn"?

Dân trí

 Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo đề nghị lực lượng chức năng vào cuộc điều tra sự cố sách giáo khoa. Còn đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, sự việc chưa nghiêm trọng đến mức phải truy tố.

Đã đến mức truy tố, xử lý hình sự?

Chiều 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội. Phát biểu tại đây, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) phán ánh về việc nhiều phụ huynh mong Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn bộ sách giáo khoa đạt chuẩn.

“Sách giáo khoa được biên soạn như hiện nay dễ dẫn đến nhiều hệ lụy mà chúng ta không lường hết được”, đại biểu Cao Đình Thưởng cảnh báo.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) nhớ lại, tính đến nay giáo dục Việt Nam đã trải qua 4 cuộc cải cách lớn, với nhiều nhóm nội dung, trong đó việc thay đổi nội dung chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.

Tháng 9/2020, ngành giáo dục bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu sử dụng sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 1. Theo đại biểu Thảo, bước đầu thực hiện khó tránh khỏi sai sót, song việc thực hiện kéo theo nhiều bất cập nổi lên thì cần phải nhìn nhận lại.

Sự cố sách giáo khoa: Đã thẩm định, sao đến khi học mới phát hiện sạn? - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, phát biểu tại phiên thảo luận

Trong năm học 2020, mỗi nhà trường được lựa chọn các cuốn sách giáo khoa lớp 1 nằm trong 5 bộ sách khác nhau của Nhà Xuất bản Giáo dục và Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM, mỗi bộ sách từ 9-10 cuốn, với giá thành từ 180.000-200.000 đồng/bộ.

Theo đại biểu, dù giá mỗi bộ sách có cao hơn những năm trước nhưng vẫn trong phạm vi chấp nhận được. Tuy nhiên, một số nơi đã xảy ra tình trạng bắt các em học sinh mua sách tham khảo. Cá biệt có những phụ huynh phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua sách giáo khoa và sách tham khảo cho con.

“Ngoài ra, sách giáo khoa ở một số bộ còn có biểu hiện thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic, chưa khai thác được kho tàng văn hóa của Việt Nam, dẫn tới giáo viên phải vừa dạy vừa điều chỉnh. Đây là một tình trạng thực tế, đang để lại dư luận không tốt".

"Điều đáng nói, những tồn tại này chỉ đến khi sách được chính thức đưa vào sử dụng mới bộc lộ, mà không được phát hiện sớm hơn trong quá trình biên soạn, thẩm định...”, đại biểu đoàn Nam Định nói.

Là đại biểu đang công tác trong ngành giáo dục, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cảm thấy rất tiếc về sự cố trên dù Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc phê duyệt sách là đúng quy định, Hội đồng thẩm định quốc gia cho biết đã làm hết sức trách nhiệm, nhóm tác giả biên soạn sách cho biết nội dung đưa vào sách giáo khoa đã được chọn lọc phù hợp.

Để tạo sự đồng thuận ở trong ngành giáo dục và toàn xã hội, đại biểu đoàn Nam Định đề nghị triển khai 3 biện pháp cụ thể.

Thứ nhất, để không đánh đồng, quy kết tất cả các bộ sách giáo khoa lớp 1 có vấn đề, cần phải làm rõ có hay không tình trạng sai sót và nếu có thì sai ở đâu, thuộc cuốn nào, bộ sách nào và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai?

Với mong muốn không thể để thế một thế hệ học sinh phải học sách giáo khoa sai sót như vậy, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nêu rõ quan điểm của mình là khi sách đã sai thì bắt buộc phải sửa.

Thứ hai, để thẩm định lại sách, theo đại biểu đang công tác trong ngành giáo dục thì cần phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan từ biên soạn, thẩm định, đến phê duyệt để ban hành.

Với các nhóm tác giả, đại biểu cho rằng, nguồn lợi họ thu được phải gắn với trách nhiệm đến khâu cuối cùng, sách của nhóm nào sai sót thì chủ biên của nhóm đó phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt khi thu hồi để chỉnh sửa thì cần phải cung cấp sách thay thế và miễn phí cho học sinh, tránh để cho phụ huynh và học sinh thiệt hại kép.

Vấn đề thứ ba đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nêu ra là về việc quy trách nhiệm khi để xảy ra sai sót như vậy.

“Tôi đề nghị cần xem xét từng khâu để làm rõ mức độ sai sót, vì pháp luật đã có đầy đủ quy định để có thể tiến hành xử lý hay kỷ luật các cá nhân khi có dấu hiệu sai phạm”, đại biểu Thảo nói.

Sự cố sách giáo khoa: Đã thẩm định, sao đến khi học mới phát hiện sạn? - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) tranh luận lại ý kiến đại biểu Đặng Thị Phương Thảo

Mặt khác, theo đại biểu đoàn Nam Định, một bộ sách giáo khoa khi chỉnh sửa là việc làm có phạm vi lớn, không còn là nội bộ trong ngành giáo dục, đối tượng chịu tác động rất rộng, từng học sinh, phụ huynh, tới nhà trường và kéo theo sự vào cuộc của nhiều cơ quan. Để khắc phục, dự kiến sẽ tốn kém về tiền của, gây ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản, cá nhân, tổ chức, tới tài sản của nhà nước.

“Vì vậy, để tránh làm bức xúc trong nhân dân, cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó cũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, quyền xuất bản của từng bộ sách”, đại biểu Thảo nói thêm.

Tranh luận, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, sách giáo khoa mới chỉ áp dụng được trong một thời gian ngắn, và những sai sót này chỉ ở dạng chưa phù hợp, hoàn toàn có thể chỉnh sửa được trong thời gian tới. Theo ông Phương, sự việc chưa nghiêm trọng đến mức phải truy tố, hình sự hóa như đại biểu nêu.

Sách được hiệu đính, chỉnh sửa thường xuyên

Giải trình vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện đổi mới căn bản toàn diện theo Nghị quyết 29 Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội về thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa, đợt đổi mới này là căn bản từ chương trình, mục tiêu, nội dung, phương pháp.

Thực hiện Nghị quyết 88 và xã hội hóa sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 46 quyển sách giáo khoa, thuộc 5 bộ sách của 3 Nhà xuất bản. Trong đó, các bộ sách này đều được các nhà trường lựa chọn đưa vào sử dụng.

Sự cố sách giáo khoa: Đã thẩm định, sao đến khi học mới phát hiện sạn? - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình về vấn đề sách giáo khoa

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sách Tiếng Việt 1 thuộc bộ Cánh Diều thời gian qua nhận được nhiều góp ý của nhân dân. Qua kiểm tra từ các ý kiến góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia, tác giả, nhà xuất bản lắng nghe, tiếp thu và hiện đang chỉnh sửa các ngữ liệu sử dụng chưa phù hợp cho "chuẩn" với trình độ, nhận thức, tâm lý lứa tuổi lớp 1.

Theo Thông tư 33 về sách giáo khoa cũng như kinh nghiệm trước đây và kinh nghiệm thế giới, ông Nhạ cho biết, sách giáo khoa vẫn được hiệu đính, chỉnh sửa thường xuyên cho phù hợp thực tiễn chứ không phải ban hành xong là xong. “Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, của nhân dân, cùng với giáo viên trực tiếp giảng dạy, tiếp tục rà soát để sách giáo khoa hoàn thiện hơn”, Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Về việc ép học sinh mua sách tham khảo, ông Nhạ cho biết, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sách giáo khoa là tài liệu sử dụng chính thức và bắt buộc. Còn tài liệu, sách tham khảo không phải bắt buộc trong nhà trường. Sách tham khảo là do các nhà xuất bản sản xuất và giám đốc nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều bộ khác vừa ngồi lại với nhau để tăng cường quản lý sách lậu, sách không đảm bảo chất lượng để đảm bảo thị trường sách tham khảo tốt hơn.

“Chúng tôi cũng ban hành Thông tư 21, trong đó nói rõ, nghiêm cấm việc ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Rất tiếc thời gian qua, một số nhà trường chưa thực hiện tốt quy định này. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra, chấn chỉnh”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Về việc giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao gấp khoảng 2 lần sách cũ, theo Bộ trưởng Nhạ, lý do là sách giáo khoa biên soạn theo cách tiếp cận, chương trình phổ thông mới, tăng cường phẩm chất, năng lực, số trang dài hơn, chất liệu, màu tốt hơn nên khối lượng, giá thành cao hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị giảm chi phí giá thành và các nhà xuất bản cũng đã giảm 2-3 lần. Bộ Tài chính cũng đã đồng ý phương án trợ giá, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa sách giáo khoa vào vào mặt hàng nhà nước định giá.

Quang Phong
(PS st Theo Dân trí)

 
tin tức liên quan