Quy hoạch lòng tốt Thứ năm, 5/11/2020, 00:00 (GMT+7) Điều tôi nhớ nhất sau chuyến đi tuần trước đến Quảng Trị là ánh mắt bọn trẻ vùng bị lũ lụt, sạt lở. Đoàn chúng tôi đã khám bệnh cho hơn một nghìn trẻ em ở xã Húc và xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá. Khi ngồi đợi tới lượt khám, ánh mắt bọn trẻ có sự ngây thơ như bao đứa trẻ khác nhưng lại đầy lo lắng như những ông, bà cụ non. Không lo làm sao được khi dãy nhà bán trú nơi chúng học đã bị đất đá chôn vùi trong bùn cát. Người bạn cùng lớp mới tìm được thi thể tối hôm qua. Bão lũ, nghèo đói đã cướp đi khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời bọn trẻ. Tôi lo nếu không sớm có nơi ở bán trú mới, có thể nhiều em không tiếp tục đến trường. Sự thiệt thòi ấy sẽ không bao giờ bù đắp được. Nghèo đói, lạc hậu, thất học vì đâu? đổ lỗi cho thiên tai đôi khi là cách lý giải dễ dàng nhất. Nhưng tại sao trận lụt nào cũng là "lịch sử", dấu nước để lại trên tường nhà mỗi ngày một cao hơn? Những ngày qua và có thể ngay ngày mai, chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của những cơn bão tràn vào Việt Nam. Đó chính là hậu quả của việc chúng ta đã tấn công Mẹ Trái đất, tấn công những ngọn núi, con sông, bức tử từng cánh rừng - vòng tay bao bọc con người hàng nghìn năm. Rừng bị chặt, sông bị chặn, núi bị đào, vậy nên nước mới lúc khô lúc ngập, trời lúc nóng kỷ lục, lúc lại lạnh thấu xương. Trở về từ miền Trung, nhìn những đoàn từ thiện trên đường, tôi càng thấu hiểu tình cảm của cả nước hướng về khúc ruột yêu thương. Nhưng thảm họa sẽ xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này nếu chúng ta không tự thay đổi. Kết quả chỉ khác nếu ta thay đổi cách đối xử với rừng, sông suối, nhận thấy những sai lầm của chính mình trong quá khứ. Việc này thật khó, vì thay đổi trên giấy tờ, văn bản chúng ta đã làm, nhưng thay đổi trong tư duy chẳng dễ. Đơn cử, vẫn còn những người quan niệm gỗ quý tự nhiên đẹp hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến thăm cái cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ Giáng hương hay Lim, Sến, Táu, rồi tự huyễn hoặc rằng gỗ của mình nhập khẩu từ Lào, Myamnar chứ không phải do phá rừng đặc dụng Việt Nam. Philipinnes là một trong những quốc gia có nạn phá rừng nghiêm trọng, cũng là quốc gia chịu bão nhiều nhất Đông Nam Á. Nhưng nay họ đang sửa chữa lại thái độ với thiên nhiên. Một đạo luật năm ngoái được thông qua đã yêu cầu mỗi học sinh phải trồng ít nhất 10 cây xanh trước khi tốt nghiệp trung học. Rừng và những ngọn núi cao chính là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước, người dân trước sự giận dữ của thiên nhiên, tại sao ta không giữ chúng như bảo vệ con ngươi của mắt mình? Bảo vệ môi trường theo tôi đầu tiên từ tư duy, mà tư duy nhờ giáo dục mà thành. Với cách giáo dục như hiện nay, việc hình thành một tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện dường như vô cùng khó khăn. Chúng ta thử hình dung các em bé vào lớp một với quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng, đang học lại thay đổi bổ sung, sửa chữa hay đính chính sẽ có tư duy logic và hệ thống ra sao? Một nền giáo dục loay hoay thử nghiệm sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, cóp nhặt, a dua và nói dối. Những hiện tượng kỳ lạ như "Khá Bảnh" sẽ ngày càng phổ biến vì giá trị cốt lõi không được nhà trường vun đắp từ những năm chập chững vào đời. "Đừng bị ấn tượng bởi tiền bạc, số môn đồ, bằng cấp và danh xưng. Hãy ấn tượng với những tấm lòng tử tế, chính trực, khiêm cung và rộng lượng", tôi xin mượn câu nói của vị giáo sư nổi tiếng Richard Feynman. Làm sao chúng ta dạy được con cháu mình những điều tưởng rất đơn giản nhưng sẽ là nền móng của sự thịnh vượng. Thay vì để cho tiền bạc, bằng cấp, danh xưng làm choáng ngợp, ta chỉ dành ấn tượng cho những tấm lòng tử tế, khiêm cung và rộng lượng. Trong nhiều chuyến đi, tôi được gặp rất nhiều người trẻ tuổi, nhân ái ở những nơi khó khăn gian khổ trên khắp đất nước. Và tôi biết rằng, Việt Nam có thật nhiều những người thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng nhưng cũng ngập tràn lòng trắc ẩn. Bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm như một quy luật. Chính vì vậy, không thể dùng lòng tốt để khắc phục những hậu quả của bão lũ từ năm này sang năm khác. Câu trả lời là: một chiến lược lâu dài và hợp lý sẽ giảm thiểu hậu quả nặng nề của thiên tai. Chiến lược đó bao gồm việc khảo sát từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn các dòng sông đổ vào Việt Nam; hạn chế Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Thái Lan xây và vận hành thủy điện mới và cũ, đến những việc cấp thiết như cập nhật vẽ bản đồ sạt lở khắp các tỉnh thành phố; xây nhà chống lũ; đầu tư trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo bão lũ hiệu quả; hay có sẵn những khu tập trung an toàn cho người dân khi bão lũ. Lòng tốt là vô giá. Nhưng sẽ tốt hơn nếu trái tim được đặt ở trên đầu, để có một chiến lược ứng phó với thiên tai hiểu biết và nhân văn. Đó là cách để "quy hoạch" lòng tốt hiệu quả. Có vậy, người dân - nhất là những người yếu thế - cũng như những ngành chức năng (bộ đội, công an, y tế) mới tránh được những tổn thất hy sinh vô cùng đau xót. Nguyễn Lân Hiếu (PS st Theo VnExpress.net)