Sức ép lên người giữ tay hòm chìa khóa quốc gia
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Là người giữ tay hòm chìa khóa của ngân khố quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đang gặp phải sức ép lớn.
Trong khi đại dịch Covid-19 làm tăng trưởng kinh tế chậm lại ở mức “kỷ lục”, làm nguồn thu suy giảm, thì nhu cầu chi tiêu cho cứu trợ cho các địa phương bị tác động bởi lũ lụt và cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lại tăng lên hơn lúc nào hết.
|
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Bộ trưởng Tài chính nói tại Quốc hội: “Thu trong 10 tháng chỉ đạt 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây”.
Những con số không khả quan
Trong khi đó, tin từ một số đầu tàu kinh tế báo về Trung ương về tình hình thu chi lại không khả quan. Trong 10 tháng đầu năm, Hà Nội chỉ thu ngân sách đạt hơn 70%, TP.HCM gần 65%, Vĩnh Phúc gần 61%, Đà Nẵng hơn 56%… Đây là mức “rất thấp” trong nhiều năm nay, làm gây sức ép lên ngân sách trung ương.
Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu kép vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội mà Chính phủ yêu cầu, Bộ Tài chính đã phải ban hành hàng loạt các chính sách giảm, giãn khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp ngân sách cho doanh nghiệp.
Trong điều kiện thu ngân sách giảm, một số khoản chi phát sinh tăng lớn nên để đảm bảo cân đối thu - chi Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tăng bội chi năm 2020 khoảng 95 - 133,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bội chi khoảng 4,99 - 5,59%. Như vậy, nợ công ước khoảng 56,8 - 57,4% GDP.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) tính toán, nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,6 triệu tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ gốc lẫn lãi khoảng 360 ngàn tỷ đồng. Năm 2021 nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368 ngàn tỷ đồng.
Ông phân tích tiếp, với nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn, dự báo đến cuối năm 2021, nợ công khoảng 46,1% GDP đánh giá lại và khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại, chưa vượt trần, thì nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể vượt mức 27,4% so với nợ công ngày cuối năm 2016 là 2,87 triệu tỷ đồng. Như vậy, 5 năm nợ công tăng 56,6%, bình quân 1 năm tăng 11,32%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
|
ĐBQH Nguyễn Minh Sơn: Năm 2021 nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368 ngàn tỷ đồng |
Đại biểu nói: “Với tốc độ tăng như vậy, rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất đều cao hơn: Một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách. Mặt khác, tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn. Do đó, cần có giải pháp đặc biệt quyết liệt, hiệu quả, tiết kiệm hơn trong việc sử dụng đồng vốn này”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM, bổ sung thêm về tình hình tài khóa: “Có cử tri lo lắng, phải chăng chúng ta điều chỉnh quy mô kinh tế để có thể nâng cao một loạt tiêu chí như là bội chi ngân sách, nợ công và nợ nước ngoài. Việc này tạo ra dư địa cho vay nợ và chi ngân sách nhưng cũng có thể là dư địa cho lãng phí, kém hiệu quả hay tham nhũng trong đầu tư công”.
Quyết liệt cơ cấu lại ngân sách và nợ công
Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bộc trực: “Chúng tôi đồng ý với đại biểu Nguyễn Minh Sơn và đại biểu Trương Trọng Nghĩa là mặc dù tỷ lệ nợ công so GDP thời gian qua có giảm, nhưng quy mô nợ số tuyệt đối vẫn tăng, nghĩa vụ trả nợ cả gốc và lãi so tổng thu NSNN năm nay và một vài năm tới tăng cao, khối lượng phải huy động hằng năm lớn, tạo rủi ro về an ninh tài chính”.
Ông cam kết: “Điều này, một mặt đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục quyết liệt cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng bền vững hơn, mặt khác phải nâng cao hơn nữa hiệu quả đồng vốn chúng ta vay về cho đầu tư phát triển”.
|
"Thu trong 10 tháng chỉ đạt 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây”. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trên thực tế, tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 là hơn 18%, bằng khoảng 3 lần tăng trưởng kinh tế; thì đến giai đoạn 2016-2019 giảm chỉ còn 6,8%/năm, tương đương tăng trưởng kinh tế (riêng năm 2020 ước tăng khoảng10% so với năm 2019). Cơ cấu nợ vay trong nước/vay nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn; kỳ hạn phát hành, kỳ hạn danh mục trái phiếu chính phủ được tăng lên trong khi lãi suất vay giảm sâu, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Ông Dũng cũng cho hay: “Ngân sách chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh, nhưng nhờ dư địa tài khóa chúng ta tích lũy được qua 4 năm 2016 - 2019, quản lý an toàn nợ công… nên vẫn đảm bảo được yêu cầu chi tiêu cho các nhiệm vụ quan trọng, kể cả các nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh, cho quốc phòng an ninh và đảm bảo nguồn cho đầu tư phát triển theo dự toán năm 2020 để kích cầu trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn tới đây. Đây có thể coi là điểm sáng của công tác tài chính - ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020”.
( C. H sưu tầm )