Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: “Cáo mượn oai hùm”

Ngày đăng: 08:29 12/11/2020 Lượt xem: 220
Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”:

                                       “Cáo mượn oai hùm”

 

                                                     Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
                    
“Cáo mượn oai hùm” là thành ngữ để chỉ những người có thủ đoạn mượn thế kẻ mạnh làm lá chắn, đi hù dọa, lòe bịp người khác nhằm phục vụ mục đích riêng của mình. Đáng lo ngại là trong thời gian qua có hiện tượng một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã liều lĩnh "mượn danh, mượn thế" cán bộ cấp cao để dọa dẫm nhằm vụ lợi...


 

"Căn bệnh" nguy hiểm

Vào năm 1947, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký tên X.Y.Z) đã chỉ ra nhiều chứng bệnh của cán bộ, đảng viên; trong đó có chứng bệnh tham lam, lười biếng, hiếu danh, kiêu ngạo, ba hoa, thiếu kỷ luật... Những người này tự cao tự đại, ham địa vị, hay lên mặt; tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực; việc không đáng làm cũng làm; việc gì cũng muốn làm thầy người khác... Những người mắc chứng bệnh này đều có một điểm chung là dựa vào Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đề cập những phương thuốc chữa trị hữu hiệu giúp cán bộ, đảng viên sửa chữa, hoàn thiện mình, để Đảng ta ngày càng mạnh hơn.

“Cáo mượn oai hùm”
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Vậy trở lại vấn đề, những chứng bệnh của cán bộ, đảng viên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có liên quan gì tới chuyện “cáo mượn oai hùm”? Đó là những cán bộ, đảng viên mang Đảng ra làm lá chắn, mượn danh của tổ chức Đảng che giấu những chứng bệnh của mình, để làm “quan cách mạng”; nếu không có phương pháp tự phê bình và phê bình, khắc phục, sửa chữa kịp thời thì những chứng bệnh đó ngày càng phát triển, như kẻ địch nội xâm, phá hoại Đảng từ trong phá ra.

Để khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên lấy tổ chức Đảng làm lá chắn cho những vi phạm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Cụ thể, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Một trong các biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên được Trung ương chỉ ra là: “Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi...”.

Hiện tượng cán bộ, đảng viên “mượn oai hùm” là một trong những điển hình của biểu hiện trên. Thực tế vừa qua đã có những cán bộ, đảng viên mượn oai, mượn danh của người có quyền hạn, chức vụ cao, hoặc mượn danh tổ chức mình đang công tác để dọa nạt, thỏa mãn mưu đồ cá nhân với nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, có những cán bộ, đảng viên hư hỏng đã được đưa ra ánh sáng, nhận hình thức kỷ luật thích đáng. Tuy nhiên, quần chúng nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên rất bức xúc khi ở một số nơi vẫn còn những cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng mối quen biết với lãnh đạo cấp cao để ra oai, dọa dẫm người khác, mà nhân dân vẫn thường gắn với những nhân vật trong điển tích “Mượn danh thiên tử ra lệnh chư hầu”.

Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thường khoe khoang về sự quen biết của mình, thậm chí tự vẽ ra những câu chuyện không có thật về mối quan hệ thân tình với lãnh đạo cấp cao; để rồi: “Anh (chị) có khó khăn gì, tôi nói với lãnh đạo một câu, bằng anh (chị) nói cả nghìn câu...”. Không ít người nhẹ dạ cả tin trước những lời ngon ngọt này đã bị mắc lừa, thậm chí mất tiền oan. Có cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở lợi dụng uy danh của cấp trên, của tổ chức Đảng để triển khai công việc cho cấp dưới, cho đồng nghiệp mà cấp trên không biết, ví như “tôi đã xin ý kiến và báo cáo với thủ trưởng rồi, cứ thế mà làm”... Có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đi dự một sự kiện nào đó, cố xin chụp ảnh với lãnh đạo cấp cao, sau đó phóng ảnh to treo ở nơi mọi người dễ nhìn thấy để... ra oai, để dễ bề giới thiệu với khách đến chơi nhà, thăm phòng, sau đó là dẫn đến các mối liên kết làm ăn có lợi cho mình.

Bên cạnh đó là hiện tượng một số người làm công tác văn phòng, trợ lý giúp việc cho thủ trưởng đã mượn danh của thủ trưởng mà tự mình đặt ra những điều bất hợp lý. Thậm chí, họ vượt quyền để chỉ đạo cả những vấn đề mà thủ trưởng không hề hay biết. Thông qua những người này, mọi việc trở nên phức tạp, khó khăn; công văn giấy tờ trình được đến thủ trưởng cũng khiến cơ sở “bở hơi tai”, chạy đôn, chạy đáo...

Việc mượn danh, mượn oai của lãnh đạo cấp trên để hù dọa, lòe bịp người khác nhằm vụ lợi làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của các đồng chí lãnh đạo, hình ảnh của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; gây ra những hệ luỵ không nhỏ đối với xã hội; tạo ra những thông tin trái chiều, gây hoang mang dư luận, mất đoàn kết nội bộ, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng, làm mất niềm tin của nhân dân... 

Cần biện pháp đồng bộ

Hiện tượng “cáo mượn oai hùm” của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức như trên đã đề cập có nguyên nhân trước tiên là do công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của một số cơ quan trong hệ thống chính trị chưa chặt chẽ; việc quản lý tình hình chính trị nội bộ chưa sâu sát; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm... Đặc biệt, nguyên nhân sâu xa là những người có tính xấu "mượn oai" đó lười học tập chính trị, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ham danh, hám địa vị, ham vật chất mà không nghĩ tới hậu quả sau này.

Tục ngữ có câu "cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lộ ra" để nói lên rằng, "cáo" dù có mượn oai "hùm” tinh vi đến nhường nào rồi cũng sẽ bị lộ mặt, bị lên án và xử lý tùy theo mức vi phạm.

Để ngăn chặn tình trạng "cáo mượn oai hùm", các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương và mỗi chúng ta phải kiên quyết đấu tranh để những “con cáo” ấy lộ rõ chân tướng, không còn dám mượn danh, mượn uy cán bộ cấp trên làm những điều trái nguyên tắc, đạo lý. Còn nhớ vào năm 2017, một số người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên tự nhận là người thân, người nhà của các đồng chí lãnh đạo để nhờ hỗ trợ, can thiệp một số việc cá nhân. Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 5760/VPCP-NC ngày 3-6-2017, “về việc xử lý các cá nhân tự giới thiệu, tự nhận là người thân, người nhà lãnh đạo”. Văn bản trên đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... cần đề cao cảnh giác, không để các đối tượng này lợi dụng thực hiện những hành vi không đúng quy định pháp luật.

Từ hiện tượng “cáo mượn oai hùm”, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quản lý thật tốt tình hình chính trị nội bộ, tăng cường giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nâng cao cảnh giác. Khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi trong việc mượn danh lãnh đạo để thực hiện hành vi không đúng quy định pháp luật, vi phạm đạo đức..., các cấp ủy, chính quyền cần khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, động cơ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đó và có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời, không bao che, dung túng. Cùng với đó, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần có cơ chế khuyến kích, động viên, khen thưởng những người phát hiện, tố giác những đối tượng mượn danh các đồng chí lãnh đạo để làm những việc khuất tất, hành dân... Qua đó củng cố, tăng cường niềm tin yêu của quần chúng nhân dân với tổ chức Đảng, chính quyền, với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, đạo đức cách mạng; xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày và hiểu rõ bổn phận, trách nhiệm của mình. Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; đồng thời tăng cường đấu tranh chống tư tưởng tiêu cực, hành vi vụ lợi, vi phạm pháp luật, kỷ luật và đạo đức, lối sống...

QUANG THẮNG - MINH ĐĂNG

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan