Nghị trường dậy sóng - TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 09:15 13/11/2020 Lượt xem: 437
VIẾT TRONG NIỀM TRĂN TRỞ
Nghị trường dậy sóng.
Hoàng Văn Kính
          Kì họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV có nhiều vấn đề nóng được các đại biểu đề cập trong đó có bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều do ông GS.Nguyễn Minh Thuyết Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên. Thật ra ngay từ khi mới được đưa vào giảng dậy cho học sinh lớp 1 niên khóa 2020-2021 nhiều nội dung trong bộ sách đã bị dư luận phản ứng, chỉ ra những sai sót, bất cập cả về nội dung, ngôn ngữ và cấu trúc. Nhiều người còn cho rằng đưa bộ sách này vào giảng dậy là một thảm họa! Bộ sách dùng quá nhiều chuyện ngụ ngôn và dân gian để nói về triết lí sống. Những câu chuyện đòi hỏi phải có một trải nghiệm cuộc sống nhất định, phải có một kiến thức nhất định mới có thể hiểu và tiếp thu được. Không ít bài tập đọc, truyện phóng tác không có ý nghĩa giáo dục, nội dung không thích hợp, từ ngữ khó hiểu: “ nhá”, “ nom”. “ quà …quà”, “ chén”, “cuỗm”, “tợp”, lồ ô”, “be be”, “khổ mỡ”…Không chỉ với trẻ con mà cả người lớn.
Nói như nội dung trong bức tâm thư của nhà văn Vũ Quang Vinh gửi Phó TT Vũ Đức Đam về sách Tiếng Việt lớp 1 nhóm Cánh diều:…xa lạ cả về cách thức, cả về ngôn từ, cả về cảm xúc, cả về nội dung. Mặc dù vậy, bộ sách này đã được Hội đồng thẩm định ( HĐTĐ) do GS. Trần Đình Sử làm Chủ tịch đánh giá rất tốt: Được biên soạn công phu, cẩn thận trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông…Bộ sách có cách tiếp cận riêng, tận dụng tốt vai trò của kênh chữ, đặc biệt kênh hình, hiện thực hóa các yêu cầu cần đạt cho từng kĩ năng giao tiếp mà còn có cơ hội phát triển năng lực, phẩm chất khác phù hợp với trình độ học sinh. Ngữ liệu trong sách được lựa chọn kĩ lưỡng… Sách được 15/15 ( 100% ) thành viện trong Hội đồng  xếp loại: đạt. Theo GS.TS Mai Ngọc Chừ Phó Chủ tịch HĐTĐ : Hội đồng đã làm việc rất nghiêm túc, cẩn trọng…

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định) phát biểu thảo luận (Ảnh: QH)
Dư luận lên tiếng đòi phải thẩm định HĐTĐ, đặt dấu hỏi về năng lực, trách nhiệm của họ với xã hội mà trực tiếp là học sinh lớp 1. Nói như đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đoàn Phú Thọ: Đây là một quy trình thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng đến khó tin. Cách đùn đẩy như một trận đấu bóng không có trọng tài điều khiển…Người lớn đã sai rồi, sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược, chẳng có ở đâu làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí và tham vọng đạt được của người lớn. Có HĐTĐ cấp quốc gia nào mà thẩm quyền còn thua cả giáo viên. Chẳng có ở đâu lại cho phép giáo viên thay ngữ điệu khác phù hợp hơn sách giáo khoa…
Hãy xem những câu chuyện ấy dậy học sinh những gì:
Chuyện: Cua, cò và đàn cá:
 Cò kiếm ăn ở ven hồ, gặp cá rô nó ra vẻ thật thà:
 Dăm hôm nữa hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết.
 Đàn cá nhờ cò giúp, cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò thế là cò dần dần chén hết đàn cá.  (Chuyện dân gian Việt Nam. Ngọc Khanh kể).
Câu chuyện này dậy về sự dối trá, lừa đảo, lưu manh. Đàn cá khờ dại cả tin vào lời của cò để rồi rút cuộc bị cò xơi hết. Trẻ em có nên tin vào lời người khác? Muốn đạt được mục tiêu cần phải dối trá như cò. Cái tít là Cua, cò và đàn cá mà cả người lớn và con trẻ soi mãi cũng chẳng thấy con cua đâu.
Bài: Hai con ngựa. ( Phỏng theo Lep-tôn-xtôi. Hoàng Minh kể.)
Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác, còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm ngựa tía thắc mắc:
-Chị làm hùng hục như thế để làm gì?
Ngựa ô ngạc nhiên:
-Không làm thì ông chủ mắng.
-Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn.
Ngựa ô lẩm bẩm “ Có lí lắm”.
Bài này dậy con trẻ thủ đoạn đối phó, trốn làm việc, lười nhác.
Nhưng đây là sự bịa đặt mang danh Lep-tôn-xtôi. Nguyên bản của Lép-tô-xtôi là thế này: Hai con ngựa đang thồ hàng, con phía trước thì đi bình thường nhưng con đi sau thì cứ ì ạch không đi, người ta đành  chuyển đống đồ trên lưng của con sau  sang con đi trước. Khi đã chuyển xong con ngựa phía sau tự thấy thoải mái và nó nói với con đi phía trước:
-Mày cứ mà đổ mồ hôi, sôi nước mắt càng cố gắng mày càng cực hơn.
Khi đến quán trọ người chủ tự nhủ: Sao mình lại phải nuôi hai con ngựa khi mà chỉ một con đã đủ chở tất cả mọi hàng hóa, tốt nhất là mình chỉ nuôi một con cho thật no nê và đầy đủ và cắt cổ con kia ít ra cũng được bộ da. Và anh ta đã làm như thế.
Ngụ ý của tác giả là dậy con trẻ không lười nhác. Nhưng Hoàng Minh trong Tiếng việt lớp 1 của Cánh diều thì lại dậy con trẻ làm điều ngược lại!
Chuyện thứ ba: Ve và gà.
Mùa thu qua. Cỏ lá khô cả. Nhà ve chả có gì. Ve gặp gà, ngỏ ý:
-Chị…cho ve tý gì nhé.
Gà cho ve và thủ thỉ:
-Ve chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chả lo gì.
(Phỏng theo La-Phong-ten. Minh Hòa kể)
Đây là một bản dịch rất tối nghĩa. Ve xin cái gì và gà cho cái gì. Chưa nói đến chuyện ve luôn là mồi ngon của gà làm gì có chuyện chúng thân thiết như vậy.
Nhưng thưa ông Minh Hòa, La-phông-ten chỉ có chuyện ngụ ngôn: Ve và kiến chứ không có Ve và gà và bài học ông dậy con trẻ là sự chăm chỉ và phê phán thói lười nhác.
Còn nhiều và nhiều nữa như truyện “ Quạ và chó”. “ Lừa, thỏ và cọp”. “Ước mơ của tảng đá”…Họ đã cắt xén, thêm bớt biến những câu chuyện tử tế của các nhà văn tên tuổi thành chuyện như thế để dậy cho con em mình.
Khi được xã hội phản biện góp ý, ông Tổng Chủ biên còn níu kéo, chụp mũ, quy kết cho rằng những ý kiến ấy là do: Họ cắt xen, xuyên tạc, thiếu tử tế, do lợi ích nhóm này nọ…
Các nhà làm sách nên nhớ rằng chúng ta đang dậy những đứa trẻ mới bập bẹ đến lớp. Ở độ tuổi này có lẽ mục tiêu chỉ đơn giản là đọc thông, viết thạo, dậy ứng xử với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, làng xóm. Mọi tham vọng nhồi nhét, áp đặt đều phản tác dụng vì nó trái với quy luật về nhận thức. Chúng không có đầu của Giáo sư, Tiến sỹ, óc tưởng tượng phong phú như các vị.
Trước những băn khoan, lo lắng, bức xúc thậm chí rất gay gắt của dư luận ( trong đó có các đại biểu Quốc hội), sự thật về những “ hạt sạn”, những khiếm khuyết của bộ sách đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận ngay tại diễn đàn Quốc hội.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm. (Ảnh: QH)
Theo ông Nguyễn Hữu Độ Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Lỗi lớn thì sửa, lỗi nhỏ thì trong quá trình dậy học có thể điều chỉnh. Như vậy mặc dù các đại biểu Quốc hội đã lên tiếng, những người có trách nhiệm cao nhất của Chính phủ và ngành Giáo dục đã thừa nhận sai sót nhưng bộ sách này vẫn tiếp tục được sử dụng và nếu có sửa thì không biết đến khi nào. Dư luận đặt câu hỏi: Lợi ích gì phía sau sự do dự ấy. Đã thấy sai ( mà sai rất nhiều) thì tại sao không cho thu hồi ngay. Tại sao không đình chỉ ngay việc sử dụng bộ sách này? ( Trong khi vẫn còn 4 bộ sách của các nhóm tác giả khác để thay thế). Theo TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục: Không có lí do gì mà chúng ta phải dành quá nhiều thời gian cho vấn đề chỉnh sửa mà chỉ cần quyết định là quyển sách Cánh diều không được học ở tiểu học nữa là xong.
Người ta ví trẻ em như tờ giấy trắng. Xin các vị hãy vứt bỏ cái “ tôi” của riêng mình, hãy biết trân trọng những tờ giấy trắng đó vì đấy là tương lai của đất nước.
Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
(Ảnh minh họa trên được lấy từ bài “Sách giáo khoa vẫn làm "nóng" nghị trường Quốc hội” đăng trên Báo điện tử Đảng CSVN ngày 04-11-2020)
 
tin tức liên quan