Cứu dân trong bão lũ Thứ bảy, 14/11/2020, 12:23 (GMT+7) Hôm lụt nặng, chủ tịch xã Tân Ninh đi cứu bà con. Đò chìm, ông bám vào dây điện, bơi mãi mới về được trụ sở xã. Kể lại chuyện, ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình "nói thật" với tôi: "địa phương chỉ có hai chiếc đò cole cũ". Trong đêm lụt tháng 10 vừa qua, chính quyền xã dùng đò đi cứu dân. Một chiếc không bật nổi sóng để đi. Một chiếc bị chìm, ông Hoan và bốn người rơi xuống nước. Mỗi xã ở Quảng Bình có hơn 6 nghìn dân, nhưng chỉ có hai chiếc đò như vậy. Nếu trông chờ vào chúng, hàng trăm người đã rất có thể trở thành nạn nhân của Thủy thần. Những hôm lụt lớn, tôi bám theo tàu ngư phủ của ông Chương, ông Truyền đi cứu người. Trên đỉnh lũ, mưa xối xả, nước cuồn cuộn đổ về, mất điện, trời đen như mực, hàng vạn tiếng kêu cứu của đồng bào hàng chục xã huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy lan đi trên mạng. "Bà con vùng ruộng kêu cứu quá trời ông ơi", nghe thằng cháu nói, ông Nguyễn Văn Truyền chạy ra mấy làng biển khuấy đảo dân làng "đem thuyền vào đất liền cứu người". Sau kêu gọi của ông, hàng trăm chiếc thuyền khác chạy từ biển vào tâm lũ Tân Ninh, Duy Ninh, Võ Ninh, Gia Ninh, Hiền Ninh, An Ninh, Vạn Ninh... hàng ngàn con người được giải cứu khỏi tay Thủy thần. Lần đầu tiên trong lịch sử, thuyền ngư phủ chạy vào vùng ruộng để chở người. "Lịch sử" là vì người vùng biển không cho phụ nữ leo lên thuyền vì sợ xui xẻo, nhưng ông Truyền bảo, "đó là lời nguyền nghề nghiệp, giữa cái chết và tình đồng bào, há dễ không cứu?". Thế là sáu ông cháu họ lao đi trong đêm mịt mùng, mưa to, gió quật, sóng lớn đánh sầm sập vào con thuyền cá. Chúng tôi lao về rốn lũ thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh. Sóng đã đánh bay nhiều nhà dân, có người đang kêu cứu. Cập thuyền vào chóp mái nhà nhô lên trên biển nước, ông Chương dùng cây dao tháo ngói. Chị Nguyệt chui ra: "còn hai người bên trong, chồng tui và con gái". Vừa xong gia đình chị Nguyệt, lại nghe thất thanh "cứu với!". Ông chỉ tay về phía đó, bốn con người co ro được đưa tiếp lên thuyền. Anh Phan Hồng Phong kể, đang làm ăn ở Lâm Đồng, về quê giỗ bố, ai dè mắc hơn 10 ngày trong trận lũ kinh hoàng nhất cuộc đời. Hai ngày, họ chỉ ăn mì tôm sống. Cứ thế, lần theo tiếng kêu, ông Chương, ông Truyền chỉ đạo "cho băng lũ". Đưa người đến nơi an toàn rồi họ ra quốc lộ 1A tìm lương thực tiếp tế cho bà con. Cùng tham gia, phụ nữ ba xã biển góp tiền, gạo, vét hết cá khô trong nhà nấu cơm tiếp tế cho đồng bào. Lũ rút, ngư dân trở về làng biển. Mùa gió chướng, thuyền không thể ra khơi, thu nhập không có. Tôi đi một vòng, nhiều nhà đã vơi gạo, thật ái ngại với xứ cát trắng phau. "Cả đời thuyền không bao giờ vào vùng ruộng, đây là lần đầu tiên", ông Truyền bộc bạch với tôi, "vì anh em mình". Nhưng tôi lại không mong chờ việc các ngư phủ trở thành cứu hộ. Một đất nước sống chung với thiên tai không thể chờ đợi mãi vào sự hào hiệp của người dân trong công tác cứu hộ cứu nạn. Tỉnh năm nào cũng chịu lũ lụt nặng như Quảng Bình thực ra ngoài trông đợi vào công an, quân đội thì chưa có một đội ca nô cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp nào. "Thật ra, hai chiếc đò cole cũ hôm lụt nặng chạy quần quật cả đêm ngày chỉ cứu được 50 người", chủ tịch xã Nguyễn Văn Hoan nói. Mỗi năm, các địa phương vẫn diễn tập cứu hộ cứu nạn "bốn tại chỗ" - một khái niệm đã cũ - gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, phương tiện tại chỗ. Với hai chiếc đò cho mỗi xã hơn 6 nghìn dân, tôi đành phải coi lực lượng hơn 150 chiếc thuyền đánh cá của ngư dân là "phương tiện tại chỗ", còn lực lượng và vật tư tại chỗ đâu thì khó định nghĩa. Mỗi năm Việt Nam chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống thiên tai và cứu hộ, nhưng các vùng lụt nặng chưa có đội ca nô chuyên nghiệp. Không kể các hình thức phòng chống thiên tai và cứu hộ khác, riêng tại hàng trăm xã ở Quảng Bình, Huế, Quảng Trị, chỉ khi chính người ở địa phương được trang bị kỹ năng và phương tiện mới là "lực lượng tại chỗ" để kịp thời đương đầu với lũ lụt, bão tố. Khi những cơn bão vẫn tiếp tục tiến đến bờ biển Việt Nam với dự báo xấu, việc nhìn lại và thiết kế chiến lược cứu hộ cứu nạn quốc gia đến lúc không thể chần chừ. Chúng tôi bàn nhau, nếu mỗi xã hoặc cụm xã có một đội cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp được trang bị đủ thuyền cứu hộ hay ca nô, vùng lũ sẽ bớt bị động và ít mất mát hơn. Nhiệm vụ phòng chống thiên tai hiện đang kiêm nhiệm bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được chia sẻ một phần với quân đội. Tôi đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam lập một cơ quan cứu hộ cứu nạn quốc gia như nhiều nước. Với chuyên môn và ngân sách độc lập, cơ quan này có thể tham gia vào thiết kế quy hoạch thuỷ điện, nông lâm, giao thông và thủy lợi, đồng thời đảm nhiệm việc tổ chức phòng chống, cứu hộ, tái thiết trước và sau thiên tai. Bên trong tôi có hai dòng máu, kẻ ruộng người biển. Bố tôi quê ở làng biển, mẹ tôi là người làng ruộng ở Quảng Bình, nơi chúng tôi vừa trải qua trận lũ lớn nhất cuộc đời. Tôi hiểu sự hào sảng của người kẻ biển. Họ sẵn sàng cho đi tất cả. Nếu nhà nước muốn đào tạo lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, những người dân hào hiệp quê tôi chắc chắn không chối từ. Minh Phong (PS st Theo VnExpress.net)