Mấy suy nghĩ nhân kết thúc V.League 2020. Tác giả: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 04:43 01/12/2020 Lượt xem: 419
Mấy suy nghĩ
nhân kết thúc V.League 2020.

Tác giả: Hoàng Văn Kính

          Dù muốn hay không, tất cả những cổ động viên, những người hâm mộ đều phải thừa nhận vài năm trở lại đây bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển quốc gia đã có những bước “ nhảy” dài trên đấu trường khu vực. Ở các giải nội bộ, đặc biệt V.league cũng có tiến bộ, được tổ chức chuyên nghiệp, chặt chẽ, bài bản hơn từ hệ thống các giải đấu đến xây dựng đội bóng ở các CLB, công tác huấn luyện, đào tạo trẻ, đầu tư, chuyên môn kĩ thuật. Thu hút khán giả đến sân cũng đông hơn. Đặc biệt thành công của V.league 2020 khảng định sự cố gắng của Ban tổ chức giải và sự nổ lực của các đội bóng khi đã vượt qua sóng gió của đại dịch Covid-19.
        Tuy nhiên để có một nền bóng đá lành mạnh, có thương hiệu, có nhiều CLB vươn lên tầm Châu lục ngoài công tác đào tạo,  chuyên môn kĩ thuật thì còn nhiều điều cần phải đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất: Nạn bán độ.
           Đấy là nỗi buồn đang làm xấu hình ảnh của bóng đá nước nhà.
         Chuyện này đã có từ lâu, trước đây xẩy ra lộ liễu, dễ phát hiện, nay tinh vi hơn, khó phát hiện hơn nhưng không hề suy giảm. Nó đã và vẫn đang tồn tại, có điều loại dịch bệnh ấy đã xâm nhập vào tất cả các thế hệ cầu thủ, thế mới đáng lo ngại.
         Mới đây, trong bản tường trình viết tay của cầu thủ Huỳnh Văn Tiến – người cầm đầu nhóm cầu thủ bán độ của U21 Đồng Tháp ( ĐT ) giải đấu năm 2019, Tiến đã rủ rê tất cả các cầu thủ khác trong đội ( trừ đội trưởng Hoàng Duy ) chơi cá cược với hình thức tài-xỉu với số tiền 150 triệu đồng trong trận U21 ĐT gặp U21 Vĩnh Long diễn ra vào ngày 19/6. Kết Quả các cầu thủ tham gia cá độ của ĐT được  135 triệu đồng chia cho 10 cầu thủ đá chính và 2 cầu thủ dự bị. Trong trận đấu gặp đội Long An, Tiến và 7 cầu thủ khác nhận được 75 triệu đồng tiền cá cược. Trong số những cầu thủ vướng vào nghi án này của ĐT có không ít cái tên được người hâm mộ kì vọng như Trần Công Minh thuộc hàng gia đình khá giả, từng là thần đồng của bóng đá trẻ ĐT, được tôn vinh là “ vua giải trẻ Việt Nam”, trong cả 3 giải đấu quốc gia: U15 ( 2014 ), U17 ( 2016 ) và U19 ( 2018 ) đều giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải. Trước đó VFF cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra nghi án bán độ tại giải U19 quốc gia 2020 có liên qua đến thủ thành U23 VN -  Y Eli Niê. Và mới đây nhất trung tuần tháng 7/2020, Liên đoàn bóng đá Thế giới ( FIFA ) đã có quyết định mở rộng hiệu lực  kỉ luật trên phạm vi toàn Thế giới đối với 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp tham gia bán độ.
         Theo ông Tổng thư kí VFF Lê Hoài Anh “ Không chỉ có trận đấu của U19 Phú Yên, một số trận đấu khác của vòng loại U19 ( 2019 ) quốc gia có hiện tượng một số đội thi đấu thiếu tích cực”.
        Ngược lại thời gian chắc nhiều người còn nhớ cú đá phản lưới nhà của cầu thủ Lã Xuân Thắng tại giải VĐQG 1997. Chính cầu thủ này đã phải thừa nhận “ Tôi làm tôi chịu, nhưng tôi làm có phải chỉ mình tôi đâu”. Cũng năm 1997 vụ án tiêu cực liên quan đến Trần Phi Sơn ( Sơn cao ), Trương Văn Dưỡng phải nhận án 1 năm tù, tuyển thủ quốc gia Nguyễn Phúc Nguyên Chương bị phạt 10 tháng tù cho hưởng án treo. Năm 2014, các cầu thủ của đội Đồng Nai móc nối bán độ, 6 cầu thủ đã phải ngồi tù và bị VFF cấm vĩnh viễn tham gia các trận đấu do VFF tổ chức.
         Vụ bán độ gây chấn động ở SEA Games 2005, có tới 7 cầu thủ tên tuổi: Quốc Vượng, Văn Quyến, Quốc Anh, Văn Thương, Hải Lâm, Bật Hiếu và Phước vĩnh dính tràm với tổng số tiền bán độ, cá cược lên tới trên 500 triệu đồng.
          Mùa giải nào cũng có, giải đấu nào ít nhiều cũng có.
        Có người cho rằng: cá độ là một phần của bóng đá. Suy nghĩ này chỉ đúng khi cá độ được luật hóa với những quy định chặt chẽ để không biến thành bán độ. Nếu những người có liên quan và các thành viên trong một đội bóng cũng tham gia cá độ thì lúc ấy cuộc chơi sẽ thành bán độ, móc ngoặc, nhường điểm,  dàn xếp tỉ số và khi ấy đồng tiền bán độ có quyền lực tối thượng, là thứ duy nhất chi phối cái đầu và đôi chân của các cầu thủ, làm sai lệch kết quả trận đấu.
Bóng đá là môn thể thao tập thể, chỉ một cá nhân ( trừ thủ môn ) thì khó có thể dàn xếp được tỷ số bởi vậy khi đã dính tiêu cực thường phải là một nhóm mà hầu hết là những cầu thủ chủ chốt của đội bóng. Bởi vậy tiêu cực không chỉ hủy hoại một đội bóng mà hủy hoại cả một thế hệ, nhiều thế hệ cầu thủ. Vụ tiêu cực tại Sea games 2005 là một minh chứng  rõ nét. Nó đã giết chết cả những thần đồng vang bóng thời đó.
         Các nhà “ bóng đá học ” đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân: Do bệnh thành tích, cũng có thể. Do cầu thủ chưa được dậy dỗ, quản lí đến nơi đến chốn, cũng có thể. Do tác động của xã hội của tiêu cực xã hội, cũng có thể…nhưng tất cả những cái đó suy cho cùng là lòng tham với sự chi phối của đồng tiền. Còn theo cựu HLV Lê Thụy Hải: Câu chuyện bán độ trong bóng đá Việt Nam không chỉ đơn giản nằm ở khía cạnh đánh bóng thương hiệu cho một danh hiệu nào đó mà nó còn nằm ở góc độ quản lí, những người có địa vị xã hội, vì bệnh thành tích, vì muốn giữ cái ghế của mình mà tìm mọi cách để mua chuộc cầu thủ.
         Một đội bóng có thể làm nên một kì tích trong một mùa giải nhưng không thể có “ thương hiệu” nếu không loại bỏ được bán độ.
Thứ hai: Tiếng cò ma quỷ.
          Họ được mệnh danh là “ vua”, những ông vua sân cỏ. Gọi họ là vua cũng đúng thôi bởi vì trên đời này chỉ có vua chúa thời xưa rồi đến họ là được trời ban cho cái quyền “ sinh” và “ sát” mà không phải hỏi bất kì ai. Này nhé họ có thể đuổi cầu thủ đang thi đấu ra khỏi sân và lơ mơ là đuổi cả HLV ra khỏi hàng ghế chỉ đạo. Họ có quyền rút thẻ vàng ra cảnh cáo cầu thủ, nhắc nhở HLV. Họ có quyền chỉ tay vào chấm penanty và cũng có quyền tước đi một chiến thắng khi không cho đội bóng được hưởng quả phạt 11m. Ho có quyền phớt lờ không tham khảo hoặc có tham khảo nhưng không nghe theo ý kiến tư vấn của trọng tài biên, kể cả của VAR... Họ có quyền bẻ còi theo ý muốn của mình và kết quả của trận đấu bao giờ cũng nghiêng về tiếng còi của họ.
         Điều ấy là mặc định.
         Còn nhớ trận đấu giữa CLB Viettel với đội Bình Dương trên sân Hàng Đẫy ngày 20/9, trọng tài FIFA Trương Hồng Vũ đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi hủy một bàn thắng hợp lệ của tiền đạo Tiến Linh lúc tỷ số đang là 2-1 nghiêng về Viettel. Quyết định “ ngẫu hứng ”này của ông trọng tài không chỉ ảnh hưởng đến thành tích của đội Bình Dương mà còn liên quan đến cuộc đua trụ hạng của các đội: Nam Định, Thanh Hóa, S.Khánh Hòa
         Lật ngược thời gian, mùa giải 2004, 2005 ở hạng nhất và V.League các trọng tài: Lương Trung Việt, Phạm hữu Lộc, Trương Thế Toàn, Hoàng Thế Dũng, Lê Văn Tu đã nhận hối lộ để điều khiển trận đấu có lợi cho “ bên chi” và trong số đó có người đã phải nhận án tù, bị treo còi vĩnh viễn từ giã sự nghiệp “ vua sân cỏ”.
         Hai trọng tài Trần Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết đã bị VFF treo còi vĩnh viễn vì thiên vị cho đội Hải Phòng trong hai trận đấu với Hòa Phát Hà Nội và Bình Dương tại vòng 23 và vòng 24 V.League 2011, Hai lần bẻ còi này được coi là đã giúp Hải Phòng trụ lại được V.League năm đó.
         Trận Thanh Hóa-Sông Lam Nghệ An vòng 9, V.League 2016, trọng tài Hà Anh Chiến đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi tưởng tượng ra quả phạt đền cho Thanh Hóa ở phút 88. Ông này sau đó đã phải treo còi đến hết giải đấu.
         Tại vòng 22, V.league 2018 trọng tài Trần Văn Lập đã quên rút thể đỏ cho hậu vệ Hồ Tấn Tài ( Bình Dương ) khi hậu vệ này bị 2 thẻ vàng. Ngay sau đó ông lại “ bẻ còi” không công nhận bàn thắng của Bình Dương vì có Tấn Tài tham gia vào pha bóng. Án phạt cho trọng tài này là “ đình chỉ công tác vô thời hạn”.
         Kể ra như thế để thấy rằng những “ lỗi lầm” của các ông vua sân cỏ mùa giải nào cũng có. Trong những sai sót đó có thể do yếu kém về chuyên môn, nhưng đa phần dính vào tội móc ngoặc, hối lộ làm méo mó tiếng còi.
         Vua mà còn thế, nói gì đến thần dân. Nếu có ai đó còn băn khoăn về câu hỏi: tại sao các giải nội địa cứ mãi lùng nhùng thì phải hỏi những “ ông vua” này.
         Để khắc phục triệt để các hiện tượng tiêu cực của những ông vua sân cỏ ngoài năng lực chuyên môn, đòi hỏi mỗi trọng tài phải có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, ngoài ra VFF cũng phải “ xuống tay” quyết liêt:
-Tổ chức lại trận đấu. Tại sao không?  Wolcup 2018, sau những sai lầm của trọng tài Odartei Lamptay mang lại chiến thắng 2-1 cho Nam Phi trong trận đấu với Senegal. Xác định kết quả có nghi án bán độ, FIFA đã quyết định tổ chức lại trận đấu.
-Thuê trọng tài nước ngoài. Có thể chứ, chúng ta đang làm nhưng chưa nhiều. Cần phổ biến hơn khi mà nhiều trọng tài trong nước đang có vấn đề về cả năng lực và đạo đức nghề nghiệp.
-Sử dụng công nghệ VAR. Nên làm vì đây là xu hướng của các nền bóng đá hiện đại.
         Trọng tài là một phần quan trọng của bóng đá. Chỉ khi nào đội ngũ này thật sự “ vừa hồng vừa chuyên” thì mới có bóng đá sạch. Và mới đây thôi, trong trận tâm điểm tối ngày 24/7/2020 trên sân Thống Nhất giữa CLB Hà Nội và CLB Thành phố Hồ Chí Minh trọng tài chính Trần Văn Trọng cùng 2 trợ lí Cao Thanh Tú và Lê Xuân Hùng lại phạm phải sai lầm “ chết người” khi có những pha thổi phạt không chuẩn gây bất lợi cho đôi TP.HCM. Bất bình với công tác trọng tài, sáng 27/7 đội chủ sân Thống Nhất đã có văn bản chính thức kiến nghị thay thế Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiển. Trước đó ông Nguyễn Văn Sỹ giám đốc kĩ thuật CLB Nam Định cũng đã yêu cầu ông Hiển phải từ chức vì cho rằng bóng đá đang là nạn nhân của các tiếng còi méo mó của trọng tài.
          “ Vua” đã thế, nhiều HLV cũng chẳng kém cạnh. Năm 2017, bóng đá trẻ VN từng dậy sóng khi U15 Hà Nội tố cáo HLV Hồng Minh của U15 Thanh Hóa dọa cắt gân cầu thủ Vũ Tiến Long. Tối 7/7 trong trận đấu thuộc vòng 6 giải hạng nhất quốc gia 2020, người hâm mộ xem truyền hình trực tiếp bất ngờ khi chứng kiến HLV Hứa Hiền Vinh của Phố Hiến lao tới chỉ mặt, dí cùi trỏ và bóp cổ cầu thủ Võ Văn Huy ( An Giang)…
         Sau vòng 8 V.League 2020 đã có 7 thẻ vàng được rút ra cảnh cáo các thành viên ngồi trong cabin kĩ thuật. Thật mất mặt.
         Bình luận viên Bùi Quang Huy nhận định: “ Phản ứng của BHL. Cầu thủ cho thấy trọng tài bị mất niềm tin…Nói một cách ví von: trọng tài có quyền nhưng chưa tạo ra được cái uy của “ vua sân cỏ”…”
Và phía sau quyền lực của mỗi ông “ vua” cũng còn lắm chuyện để bàn. 
Thứ ba: Bạo lực sân cỏ.
         Sở dĩ tại sao lượng khan giả đến các sân vận động chưa được như kì vọng vì nhiều lí do, trong đó có việc các cầu chơi không fair-play. Bóng đá cũng như các môn thể thao khác luôn đề cao giá trị của cái đẹp bởi vậy cay cú, bốc đồng, ăn thua…đều dẫn đến các hành vi thiếu văn hóa như chửi bới, lăng mạ lẫn nhau, thượng cẳng chân hạ cẳng tay…là  những hành vi không thể chấp nhận dù được ngụy biện dưới bất kì lí do gì.
         Khán giả đến sân là để giải trí, thưởng thức, cổ vũ cho cái hay, cái đẹp. Một đường truyền dài chính xác, một pha lừa bóng ngoạn mục, một bàn thắng không tưởng, một cú tâng bóng đẳng cấp…tất cả đều làm dậy sóng cầu trường. Cái đẹp được cổ vũ, được ca tụng, được suy tôn.
        Tưởng rằng tiêu cực với những pha bóng giầu bạo lực và thiếu tinh thần thể thao, những tình huống “ nhuốm màu” dàn xếp tỷ số và những lùm xùm liên quan đến trọng tài nhiều hơn là sự hấp dẫn đã bị đẩy lùi  khi mà đội tuyển quốc gia liên tục giành được thứ hạng cao, khẳng định được vị thế trên đấu trường khu vực và châu lục. Sau ánh hào quang đó, người hâm mộ lại hoan hỉ trở về với bóng đá nội, chờ đợi và hy vọng về tương lai tương đẹp của nền bóng đá nước nhà. Nhưng... sự kì vọng ấy nhanh chóng chuyển thành nỗi thất vọng ê chề khi mà người hâm mộ lại phải chứng kiến nhiều pha bóng nghèo kĩ thuật nhưng lại…đầy tính võ thuật.
         Chắc người hâm mộ vẫn chưa hết rùng mình khi nhớ lại pha chặt chém của đồng đội khi “ giận cá chem thớt” lao vào đá Matias Nicolas ( Thành phố HCM ) ở vòng 19 khi thủ thành này không cản phá thành công quả sút 11m của Văn Hưng ( SHB Đà Nẵng ). Hay tình huống mà cả đội Bà Rịa - Vũng Tau lao vào hỗn chiến đuổi đánh trọng tài vì cho rằng đội mình bị xử ép ( trong trận tranh xuất lên hạng Nhất gặp Phố Hiến ).
         Khi được chứng kiến Văn Đức nằm quằn quại trên sân sau cú song phi của đàn anh Sầm Ngọc Đức ( SLNA ) tại vòng 1/8 Cup quốc gia mới thấy hết được sự tàn bạo của lối chơi bạo lực.
        Không những chỉ với các cầu thủ đàn em, thói xấu này còn có cả lớp cầu thủ đàn anh ít nhiều đã có “ tên tuổi”. Điển hình là Công Phượng từ người chỉ biết cười mỗi lần bị đối phương “ chơi đểu” thời gian qua đã liên tục phải ăn thẻ, số thẻ nhiều hơn cả số bàn thắng mà cầu thủ này ghi được. Chính những người hâm mộ  đã phải lên án hành vi không đẹp với Văn Thuận ( TP. HCM ) và những lời lẽ tục tằn với chính đồng đội của mình trong đội tuyển quốc gia là Tuấn Mạnh ( Sana Khánh Hòa ) ở vòng 19 V.League.
         Người hâm mộ đã từng chứng kiến nhiều cảnh bạo lực trên sân cỏ. Những màn đấu khẩu nẩy lửa, những pha rượt đuổi từ đầu đến cuối sân, những cuộc tỷ thí như trên võ đài Boxinh…bóng đá không còn là bóng đá vậy bỏ tiền ra mua vé đến sân để làm gì.   
         Đấu võ mồm, võ đơn chán rồi thì đấu tập thể. Ở vòng loại U19 trên sân Quy Nhơn chiều 22/2 cầu thủ đội Hải Phòng và Đà Nẵng lao vào uỵch nhau túi bụi đến 7 phút sau khi kết thúc trận đấu. Trên sân Bình Dương các cầu thủ Nam Định đã giở thói côn đồ ép trọng tài buộc phải “ bẻ còi” làm ông này phải chịu kỉ luật vì bản lĩnh và chuyên môn kém. Ở vòng 1/8 Cúp quốc gia, cuối trận Bình Dương ( BD ) thắng Khánh Hòa ( KH ) thủ môn Thế Anh và tiền vệ Tấn Tài dã phô diễn màn đấu “ võ mồm” trước khi cầu thủ 2 đội lao vào ẩu đả. Khi đội BD về đến khách sạn, một nhóm cổ động viên KH đã cầm mã tấu đến đòi “ Xin tý huyết” thủ môn Thế Anh. Cũng tại trận đấu này cầu thủ Châu Phong Hòa ( BD) đã có lời lẽ thô tục chửi mắng giám đốc điều hành KH Dương Quốc Hùng. Như thế có khác gì cầu thủ này chửi thẳng vào mặt HLV của mình.
        Cũng ở giải U19 hồi trước tết, cả 2 HLV từng là lứa cầu thủ thế hệ vàng Hồng Sơn và Đức Thắng đã có hành vi nhục mạ trọng tài ngay trước mặt các cầu thủ. “Thượng” mà bất chính như thế thì cớ gì “hạ” không tắc loạn.
       Phải chứng kiến tất cả những thói hư tất xấu của bóng đá Việt Nam, nhiều người bức xúc đặt câu hỏi: VFF đâu, nhà quản lí đâu, dư luận đâu…mà để cái xấu xẩy ra triền miên như thế?
        Biết cả đấy, thấy cả đấy nhưng bất lực. Một khi họ không có lòng tự trọng, một khi họ chỉ xem bóng đá đơn thuần là cái nghề để kiếm tiền, phải kiếm được nhiều tiền bằng mọi giá. Một khi các cầu thủ tự cho mình cái quyền “ coi trời bằng vung” chẳng ai dám đụng vào cái lông chân của họ. Một khi ông trọng tài còn sợ cầu thủ, sợ mất việc và hoa mắt trước những “ đồng tiền bẩn”. Một khi những sai phạm còn bị nương nhẹ. Một khi phải thắng bằng mọi giá để có nhiều nhiều tiền thưởng, để có thành tích, để có danh. Một khi…
       Và còn một chuyện nữa, tuy không bạo lực nhưng…cũng rất đáng buồn đấy là việc các cầu thủ chẳng coi khán giả, một nửa của bóng đá là “ cái đinh gỉ ” gì khi phản đối trọng tài bằng hành vi bỏ trận đấu, ngồi ăn vạ như lũ ăn mày trên sân. Mới đây nhất tối 6/10 trong trận đấu giữa đội Phong phú Hà Nam và TP.Hồ Chí Minh 1 ở lượt trận thứ 5 giải  VĐQG Cúp Thái Sơn Bắc trên sân Liên đoàn bóng đá VN ( VFF) đội Phong Phú Hà Nam đã phản đối quả phạt 11m của trọng tài bằng cách tự động bỏ và không kí vào biên bản kết thúc trận đấu. Sự kiện đầu tiên với bóng đá nữ VN. ( những cô gái “chân yếu tay mềm”, nhưng chẳng mềm yếu chút nào).
       Thể thao là văn hóa. Nó suy tôn cái hay, cái đẹp, tính nhân văn và tình người. Vượt ra khỏi những cái đó thì cũng…vứt đi. Chả trách trên khán đài chẳng mấy khi lấp đầy chỗ.
Bốn là: Cầu thủ thứ 13.
        Tôi đã đọc ở đâu đó câu hỏi: Bóng đá có trước hay khán giả có trước. Câu hỏi cứ luẩn quẩn như truyện quả trứng với con gà nhưng có một điều nếu thiếu một trong hai thành tố đó thì không có môn thể thao “ vua”. Số lượng khán giả đến sân mỗi trận đấu là thước đo trình độ, chất lượng của một đội bóng, một trận đấu. Một đội bóng “ sạch”,  luôn thi đấu tốt, có nhiều cầu thủ giỏi sẽ là lực hút lôi kéo đông đảo người hâm mộ đến sân.
        Theo thống kê của BTC đã có 1.307.700 khán giả đến theo dõi 182 trận đấu của V.League 2019. Bình quân mỗi trận đón 7.265 người đến sân, cao hơn gần 1.000 người so với mùa giải 2018. Nhưng trong bức tranh tổng thể về khán đài V.League 2019 cũng đã để lại những nốt trầm đáng lên án làm méo mó hình ảnh bóng đá Việt Nam.
        Thiếu văn hóa ứng xử giữa con người với con sẩy ra  trên cả sân cỏ và trên khán đài. Người ta bảo sai lầm của trọng tài ( nếu có) cũng là một phần của bóng đá ( dĩ nhiên chẳng ai muốn xem cái một phần ấy cả) bởi vậy không thể sử lí những sai lầm ấy bằng sự thô tục và hành động bạo lực. Rất đáng tiếc những hành vi ấy không hề giảm trong thời gian qua.
         Ném chai, lọ, văng tục với trọng tài, chửi bới cầu thủ đội bạn… thường xuyên xẩy ra trong các trận đấu. Hình ảnh phản cảm nhất là hành vi đốt pháo sáng xẩy ra nhiều lần, cổ động viên của hai đội vượt qua rào, leo qua tường thượng cẳng chân hạ cẳng tay ngay trên khán đài trong khi hai đội đang thi đấu. Hành vi bao vây, truy đuổi lang mạ, hành hung ban HL và cầu thủ đối phương của khán giả nhà làm hỗn loạn sân vận động…Trong trận đấu giữa Hà Nội FC và DNH Nam Định đã xẩy ra sự cố rất nghiêm trọng khi một khán giả nữ phải nhập viện để phẫu thuật do trúng pháo sáng từ phía khán đài Hà Nội FC bắn sang. Sự cố đã buộc cơ quan CA phải khởi tố hình sự để điều tra.
        Tại vòng 18 V.League các cổ động viên Nam Định đã ném nhiều vật lạ xuống sân thi đấu, có lời lẽ lăng mạ, thô tục, vượt rào lao xuống sân tấn công trọng tài.
        Ở trận đấu tại vòng 11 V.League 2020 vào ngày 23/7/2020 vừa qua trên sân Thiên Trường giữa CLB bóng đá Dược Nam Hà Nam Định và Becamex Bình Dương, cổ động viên đội chủ nhà đã căng băng rôn với nội dung rất phản cảm liên quan đến trọng tài vì những tiếng còi “ méo mó” của vị này từng giành cho đội nhà. Phản ứng trước hành vi xấc xược  của đối phương, cầu thủ Văn Hạnh đội Hải Phòng đã vung tay vào mặt đồng nghiệp Phan Văn Hiếu, đông đảo khán giả trên sân Thiên Trường đã gây náo loạn với chai nước ném xuống đường biên và một cổ động viên quá khích còn nhảy xuống sân đòi “ ăn thua” với Văn Hạnh…
        Trọng tài như thế, cầu thủ như thế, khán giả như thế thì lấy đâu ra bóng đá đẹp, bóng đá hay.
        Bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Mặc dù còn những hạn sạn to, nhỏ nhưng nó vẫn thu hút được một lượng khán giả nhất định đến sân. Tuy nhiên để có thể vươn lên trở thành một nền bóng đá hiện đại, có tên tuổi thì trước hết phải có bước đột phá ngay trong tầm nhìn của lãnh đạo Liên đoàn bóng đá ở tất cả các khâu, phải làm trong sạch ngay từ trong nội bộ của môn thể thao “ vua” này. Có những việc có thể ra tay làm  ngay, làm dứt điểm ngay tại V.League 2021. Vấn đề ở chỗ các cơ quan chức năng, những nhà quản lí có quyết tâm, có muốn và có dám làm hay không.
          Những người yêu chuộng bóng đá đang chờ đợi ở họ.

tin tức liên quan