Nhiều tỉnh khẳng định mua bán đào trồng dịp Tết không có trở ngại gì
Nhiều tỉnh khẳng định mua bán đào trồng dịp Tết không có trở ngại gì
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Lãnh đạo ngành nông nghiệp hai tỉnh Điện Biên, Sơn La khẳng định, đào trồng trên nương rẫy, không phải cây rừng, người dân hoàn toàn được chủ động buôn bán, vận chuyển, không bị ngăn cấm.
Sau khi huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) kiến nghị dán tem chỉ dẫn địa lý, phân biệt đào rừng với đào nhà để thuận tiện cho việc buôn bán, giao thương đối với 500 ha đào do người dân trồng trên nương rẫy, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La đã thông tin thêm với VietNamNet.
Cụ thể, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Dũng Tiến cho hay, toàn tỉnh Sơn La có khoảng trên dưới 5.000ha có cây đào, tập trung chủ yếu ở huyện Vân Hồ và Mộc Châu.
|
Ông Nguyễn Đức Lợi (bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) chủ sở hữu hơn 1.000 gốc đào trồng |
Nhiều năm qua, cây đào của Sơn La là một loại cây ăn quả, là nguồn phát triển kinh tế hộ gia đình. Đào quả thu hoạch cùng thời điểm với cây mận, khoảng tháng 7. Đào cành bán hoa thu hoạch vào dịp trước Tết nguyên đán.
“Người trồng đào rất lo lắng, hoang mang trước chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cấm chặt, khai thác đào rừng để chơi Tết. Điều này hoàn toàn đúng, bởi không riêng cây đào, tất cả các loại cây trong rừng, nằm trong quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng; rừng phòng hộ; rừng sản xuất) đều được quản lý chặt chẽ theo Luật Lâm nghiệp.
Tuy nhiên, bà con không hiểu, đối với cây đào trên nương rẫy, trong vườn nhà, do người dân trồng, không nằm trong đất lâm nghiệp thì vẫn buôn bán, khai thác bình thường” - ông Tiến cho biết.
|
Khách du lịch mê đắm trong khu vườn đào trồng tại Mộc Châu (Sơn La) |
Theo ông Tiến, thời gian vừa qua, không riêng huyện Vân Hồ đề xuất dán tem lên cây đào để chỉ dẫn địa lý, lưu thông, huyện Mộc Châu cũng đề xuất dán tem cho cây đào của huyện mình.
Gần đây nhất, ngày 7/1/2021, Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La đã có văn bản số 140 gửi UBND huyện Mộc Châu hướng dẫn việc quản lý, mua bán, vận chuyển cây đào.
Sở NN-PTNT cho biết, đối với cây đào có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ dưới mọi hình thức.
Đối với đào trồng trên đất quy hoạch rừng sản xuất, vườn nhà, cây trồng phân tán của tổ chức, cá nhân, việc khai thác, mua bán, sử dụng, tiêu thụ do chủ sở hữu tự quyết định. Sau khi khai thác, tổ chức, cá nhân tự lập bản kê lâm sản theo quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản.
|
Đào trồng trong nhà đồng bào Mông, tỉnh Sơn La. |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Sơn La cho hay, Sở Khoa học Công nghệ đang là đấu mối phối hợp với hai huyện Vân Hồ, Mộc Châu thiết kế, cung cấp mẫu tem để chỉ dẫn nguồn gốc cho cây đào trồng.
Cùng quan điểm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên Bùi Minh Hải cho biết, Điện Biên cũng đã thông tin, định hướng tới các hộ dân trồng đào trên nương rẫy để có sự nhận biết, chủ động trong khai thác, thu hoạch đúng mùa vụ.
Theo ông Hải, tại Điện Biên không có vùng quy hoạch trồng đào. Người dân trồng tự phát theo phong tục tập quán từ xa xưa. Điện Biên cũng không có đào rừng, đào dại mọc tự nhiên trong rừng. Đào là do người dân trồng, bà con vẫn khai thác bán cho những người thu mua về xuôi trong dịp Tết.
|
Đào trồng trên nương của huyện Vân Hồ |
Ông Hải cho biết, tỉnh này cũng chưa có thống kê cụ thể về quy mô, diện tích trồng đào, do loại cây này được trồng xen canh trên nương rẫy.
"Chúng tôi đã có văn bản gửi Tổng cục Lâm nghiệp để có hướng dẫn cụ thể tiếp theo”- ông Hải nói.
Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp tỉnh Điện Biên Hà Lương Hồng giải thích, theo phân biệt của người dân Tây Bắc, “đào rừng” có tên gọi là cây hoa Tớ Dày, nhiều nơi gọi là cây mai anh đào. Cây này giống họ đào nhưng thân duỗi chứ không rụt đốt như đào, tán vươn cao 7-8m để cạnh tranh ánh sáng với các tầng rừng.
Cây có sức sống tốt, nhiều nhựa, nhưng hoa ra ngắn lại rất nhanh héo khi bị chặt. Hơn nữa, từ cổ chí kim chưa thấy ai mang về chơi tết. Còn cây đào nhà là cây ưa trực xạ, tán thấp, cạnh tranh yếu, thả vào rừng tự nhiên 90% là chết, vì khi bị cây dây rừng cạnh tranh dinh dưỡng và đặc biệt là ánh sáng sẽ sinh bệnh khô cành và chết; họa hoằn còn cây thì ốm yếu không thể ra hoa.
Tại Tây Bắc, thủ phủ của cây đào thì đây cây ăn quả, được người dân, đặc biệt là dân tộc Mông và dân tộc Thái trồng trong vườn nhà, trên nương rẫy.
Việc tự ý khai thác, mua bán, vận chuyển cành đào, cây đào hay bất kỳ loại cây khác trong những diện tích rừng nêu trên đều là hành vị bị cấm.
Đối với những cây đào do người dân tự trồng, chăm sóc thì vẫn được khai thác, mua bán và vận chuyển theo quy định tại Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Ông Hà Lương Hồng cũng cho biết, nếu người dân có cây đào được trồng trên đất ở, đất nông nghiệp… hay diện tích đất không thuộc rừng, khi muốn mua bán, vận chuyển cần báo cho chính quyền địa phương để phối hợp với lực lượng kiểm lâm xác minh và cấp giấy chứng nhận cho việc mua bán, vận chuyển.
( C. H sưu tầm)