Những quốc gia có thể đối đầu với Facebook sau Australia

Ngày đăng: 08:40 21/02/2021 Lượt xem: 232

Những quốc gia có thể đối đầu với Facebook sau Australia

Quyết định chặn tin tức ở Australia có thể khiến Facebook đối đầu với ít nhất 7 nước phương Tây đang xem xét các đạo luật kiểm soát thông tin.

Facebook hôm 18/2 ngăn các nhà xuất bản, cơ quan báo chí ở Australia đăng tin tức lên trang Facebook của họ. Người dùng nước này không thể chia sẻ và xem tin bài, kể cả trong nước và quốc tế trên Facebook. Người dùng Facebook toàn thế giới cũng không thể chia sẻ hoặc xem tin bài từ các nhà xuất bản Australia.

Mark Zuckerberg điều trần trước Thượng viện Mỹ năm 2019. Ảnh: AP.

Mark Zuckerberg điều trần trước Hạ viện Mỹ năm 2019. Ảnh: AP.

Động thái này nhằm nhằm đáp trả việc quốc hội Australia xem xét đạo luật Đàm phán Truyền thông Tin tức, trong đó yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ này.

Đây là lần đầu tiên Facebook hành động cứng rắn như vậy, nhưng có thể không phải lần cuối cùng vì hàng loạt chính phủ đang xem xét những đạo luật mới liên quan tới trả tiền cho tin tức.

Mỹ

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) hồi tháng 12/2020 tiến hành hai đơn kiện chống độc quyền nhằm vào thương vụ mua Instagram và WhatsApp của Facebook.

Bên cạnh áp lực từ FTC, Liên minh Truyền thông Tin tức Mỹ với 2.000 tổ chức thành viên cũng đang vận động thông qua dự luật "Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí" với những điều khoản tương tự dự luật của Australia. Nếu được phê duyệt, đạo luật sẽ cho phép các nhà xuất bản "đàm phán với những nền tảng online chủ chốt về điều khoản phân phối nội dung của họ".

Facebook phản ứng với những chỉ trích này bằng hàng loạt sáng kiến cấp vốn cho báo chí và tăng cường nội dung tin tức trên nền tảng của họ, bao gồm mục Journalism Project và News, nhưng ảnh hưởng của chúng khá mờ nhạt và ngành truyền thông Mỹ vẫn phải chật vật cạnh tranh với các mạng xã hội.

Chủ tịch Microsoft Brad Smith cũng đổ thêm dầu vào lửa khi kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ soạn thảo dự luật tương tự đề xuất của Australia.

Canada

Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault hồi đầu tháng hứa hẹn sẽ đưa ra quy định mới, buộc những người khổng lồ công nghệ phải trả phí cho những tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ. Chưa rõ kế hoạch này có điểm nào khác so với dự luật của Australia.

Thông báo được đưa ra sau chiến dịch toàn quốc được ủng hộ bởi 105 tờ báo địa phương, trong đó toàn bộ trang nhất của họ được để trống nhằm nhấn mạnh "nhu cầu cải cách bức thiết".

"Tin tức chưa bao giờ miễn phí. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, các nhà xuất bản phải được đền bù công sức và chúng tôi sẽ hỗ trợ họ trong lúc họ cung cấp thông tin thiết yếu vì lợi ích của cộng đồng", Bộ trưởng Builbeault nói.

Liên minh châu Âu (EU)

EU luôn đi đầu trong nỗ lực điều hành dữ liệu và công nghệ mới những năm gần đây, mang đến hàng loạt đạo luật bảo vệ thông tin và kiểm soát các tập đoàn kỹ thuật số.

Cờ EU bên ngoài trụ sở Nghị viện châu Âu. Ảnh: Reuters.

Cờ EU bên ngoài trụ sở Nghị viện châu Âu. Ảnh: Reuters.

EU đang tìm cách theo bước Australia nhằm buộc Facebook và Google trả phí cho những tin tức trên nền tảng của họ. Các nhà lập pháp EU muốn xây dựng khuôn khổ được đề xuất trong đạo luật Thị trường và Dịch vụ Kỹ thuật số EU, dù chưa có chi tiết nào được công bố.

Nghị viên châu Âu Alex Saliba cho biết cách tiếp cận của chính phủ Australia đã giải quyết tình trạng "bất cân bằng quyền lực nghiêm trọng" giữa các nền tảng mạng xã hội và nhà xuất bản tin tức. "Vị thế thống trị thị trường tìm kiếm, mạng xã hội và quảng cáo giúp các nền tảng kỹ thuật số tạo ra bất cân bằng quyền lực và kiếm lợi nhuận lớn từ nội dung tin tức. Tôi nghĩ việc họ chi trả là điều công bằng", ông nói.

Anh

Nhóm chuyên trách thị trường kỹ thuật số của chính phủ Anh hồi tháng 12/2020 khẳng định Facebook và Google sẽ sớm phải trả tiền cho các hãng tin để hiển thị nội dung của họ. Các thành viên của nhóm đề xuất thành lập cơ quan giám sát mang tên "Đơn vị Thị trường Điện tử", cho họ quyền phạt 10% lợi nhuận toàn cầu với mỗi hãng công nghệ không đáp ứng yêu cầu.

"Để bảo đảm Anh tiếp tục sở hữu lĩnh vực công nghệ phát triển, người dùng và doanh nghiệp phụ thuộc vào các hãng lớn như Google và Facebook nên được đối xử công bằng, các đối thủ cạnh tranh cần được xếp vào sân chơi ngang hàng nhau, giúp họ mang tới nhiều sản phẩm sáng tạo và những dịch vụ mà chúng ta đánh giá cao. Chúng ta cần quy định kiểm soát hiện đại để thúc đẩy đổi mới và hành động nhanh chóng để ngăn chặn vấn đề", giám đốc Cơ quan Thị trường và Cạnh tranh Anh (CMA) Andrea Coscelli nói.

Ủy ban thông tin và kỹ thuật số thuộc quốc hội Anh cũng đề xuất các nghị sĩ công bố dự luật tương tự Australia. Facebook cuối tháng 1 khởi động chương trình tin tức cho riêng nước Anh, cung cấp cho người dùng thông tin từ hàng loạt hãng tin của nước này.

Pháp

Ủy ban Cạnh tranh Pháp đang dẫn đầu những nỗ lực buộc các nền tảng công nghệ trả tiền cho tin tức từ nhiều năm qua.

Pháp là nước EU đầu tiên áp dụng chỉ đạo mới về bản quyền hồi năm 2019, trong đó yêu cầu Google và Facebook trả tiền cho nhà xuất bản để hiển thị nội dung tin tức. Cả hai hãng đều từ chối.

Google đã tìm cách hạn chế thiệt hại khi ký thỏa thuận 76 triệu USD với nhiều hãng tin Pháp, nhằm cho phép nội dung của họ xuất hiện trên nền tảng Google News Showcase.

Tây Ban Nha

Đây là nước đầu tiên ra mắt "thuế Google" từ năm 2014, trong đó hãng phải trả cho những tin tức được đăng trên nền tảng Google News. Thay vì trả phí, Google quyết định đóng cửa dịch vụ News ở Tây Ban Nha và chưa từng khôi phục lại suốt 7 năm qua.

Các nhà phát hành nhỏ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khi giới phân tích cho rằng họ đã mất khoảng một tỷ USD doanh thu kể từ đó. Tây Ban Nha chưa đưa ra dự luật mới nào về quan hệ giữa nền tảng công nghệ và truyền thông, nhưng vẫn trong tầm theo dõi của giới chuyên gia.

Đức

Trong giai đoạn cao điểm của bê bối Cambridge Analytica, các nhà lập pháp Đức đã hành động rất nhanh để chặn đà lan truyền tin giả. Theo đề xuất được đưa ra năm 2016, chính phủ Đức cho rằng Facebook nên trả nửa triệu euro cho mỗi tin giả bị bỏ sót. "Nếu Facebook không xóa bài viết vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi kiểm tra, họ cần chịu hình phạt tối đa 500.000 euro", nghị sĩ Thomas Oppermann nói.

Năm 2019, bốn tổ chức xuất bản Đức hợp lực nhằm buộc các hãng quảng cáo Big Tech chi tiền cho những kênh tin tức truyền thống. Giới chức Đức chưa có động thái cứng rắn nào, nhưng chắc chắn các nhà lập pháp nước này đang theo dõi rất kỹ mọi diễn biến giữa Facebook và Google.

Điệp Anh (theo Business Insider)

tin tức liên quan