Đón nguồn điện vô tận: Việt Nam lập kỷ lục, vào top đầu thế giới
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Trong vòng 3 năm nay, điện mặt trời, điện gió đã thực sự vào giai đoạn bùng nổ ở Việt Nam. Từ con số 0 tròn trĩnh, điện gió, điện mặt trời đã đua nhau lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.
Chạy nước rút
Những ngày cuối tháng 1/2021, lãnh đạo 1 tập đoàn lớn đang quay cuồng với những cuộc họp để thúc đẩy dự án điện gió có tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng ở Quảng Trị cho kịp tiến độ.
Tiến độ ở đây chính là hạn áp dụng giá FIT đối với điện gió. Mức giá ưu đãi này sẽ chỉ áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Như vậy, thời gian chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa.
Ngày 10/9/2018, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37. Theo đó, giá điện gió được điều chỉnh tăng lên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) lần lượt là: Điện gió trong đất liền là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh; điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh.
|
Thực hiện dự án trong giai đoạn nước rút, việc mua thiết bị, tua bin không phải là dễ dàng. DN phải xoay sở để tìm kiếm và đàm phán với các công ty cung cấp thiết bị trong top 5 thế giới là không dễ dàng.
Tất nhiên, do thời gian còn rất ngắn nên giá thiết bị cũng tăng trên 10% so với trước. Khi đã có hợp đồng mua sắm thiết bị, doanh nghiệp này lại phải tìm kiếm đơn vị lắp đặt, lắp đặt thiết bị, tổ chức ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển.
“Nói nôm na, chúng tôi vừa phải rửa rau, bắc bếp, vừa phải vo gạo nấu cơm, dọn cỗ. Tất cả mọi thứ thực hiện cùng một lúc để đảm bảo tiến độ", vị lãnh đạo này nói.
|
Điện gió lo lắng trước 'thời khắc sống còn' |
Câu chuyện của doanh nghiệp này cũng tương đồng như nhiều nhà đầu tư điện gió khác. Họ đang chạy hết tốc lực để kịp đưa dự án vào vận hành, hưởng giá ưu đãi. Bởi, nếu chậm chân, họ sẽ không biết được điều gì xảy ra với giá mua điện gió.
Thực tế, trong vòng 3 năm qua, điện mặt trời, điện gió thực sự vào giai đoạn bùng nổ ở Việt Nam. Từ con số 0 tròn trĩnh, điện gió, điện mặt trời đua nhau lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Các con số tăng trưởng của “nguồn điện trời cho” này vẫn chưa dừng lại.
Từ Bắc chí Nam, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, từ đất liền đến ngoài khơi xa xôi, năng lượng tái tạo vẫn là từ khóa được nhiều nhà đầu tư đeo đuổi. Các tập đoàn lớn trên thế giới cũng đổ xô đến Việt Nam để khai phá thị trường tiềm năng này. Sự tăng trưởng vượt ngoài sức kỳ vọng. Sức nóng dường như vượt quá tầm dự báo của những cơ quan ban hành chính sách.
Thông báo phát đi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến thời điểm 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.
Theo số liệu thống kê, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỷ kWh (trong đó riêng điện mặt trời mái nhà là 1,16 tỷ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.
Còn các dự án điện gió, do mức độ khó khăn trong việc đầu tư nên số liệu bổ sung quy hoạch nhiều, vận hành vẫn còn ít ỏi. Tổng công suất nguồn điện gió trên bờ vào khoảng 500 MW, song vẫn còn hàng nghìn MW chạy nước rút để hoàn thành. Hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đã rót vào điện mặt trời, điện gió, bổ sung lượng điện đáng kể cho hệ thống điện quốc gia.
Nhận diện rủi ro
Nhắc đến sự bùng nổ năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Tổ chức Nghiên cứu về năng lượng BloombergNEF viết: Câu chuyện của Việt Nam nói riêng cho thấy rằng các thị trường nhỏ không chỉ tiến nhanh trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và họ cũng không còn nhỏ nữa. Các công ty năng lượng mặt trời trên mái nhà đã cố gắng lắp đặt được gần 9 GW công suất, bao gồm 6 GW vào tháng 12 và 4,6 GW chỉ trong tuần cuối cùng của năm.
Con số này gấp gần ba lần so với những gì BNEF đã dự kiến vào đầu năm và lượng công suất mới đủ đưa Việt Nam trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ ba trên Trái đất.
|
Những "cánh đồng" điện gió, điện mặt trời đang xuất hiện ở nhiều nơi. Ảnh: Lương Bằng |
“Phát triển điện mặt trời, điện gió thời gian qua có thể coi là thành tích hay không?”, câu hỏi này được PV đặt ra với nhiều người am hiểu về loại hình năng lượng này. Tuy nhiên, câu trả lời nhận được là rất khác nhau. Những nhà đầu tư, giới bảo vệ môi trường vẫn khẳng định rằng phát triển điện tái tạo càng nhiều càng tốt, huy động được nguồn lực của khối tư nhân.
Song, có ý kiến cho rằng, sự phát triển quá “nóng” của nguồn điện này cũng có tính hai mặt.
Những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo phải đối mặt với tình trạng cắt giảm công suất phát lên lưới do thừa điện ở một số thời điểm (trưa khoảng từ 10h-14h, nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ). Trước đó, nhiều dự án điện mặt trời đã phải đối mặt cắt giảm công suất do lưới điện quá tải.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cảnh báo "không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện". Trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào các giờ phụ tải thấp điểm vào buổi trưa, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ tết, và dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021.
Nhiều dự án không phát hết được điện lên lưới, rủi ro thua lỗ hiển hiện, kế hoạch tài chính có nguy cơ đổ bể. Đã có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thừa điện ở một số thời điểm, tại sao không sử dụng 100% điện gió, điện mặt trời.
Câu trả lời được giới chuyên môn cho rằng “không thể làm vậy”, bởi tính bất ổn định của nguồn điện này. Một đám mây, một cơn mưa có thể làm nguồn điện này đột ngột sụt giảm về 0. Khi đó, hệ thống điện sẽ gặp rủi ro khi không thể huy động kịp nguồn điện dự phòng lên lưới nếu hàng nghìn MW điện đột ngột “sập”. Tần số sụt giảm bất ngờ sẽ khiến các nhà máy điện truyền thống bị ảnh hưởng, dừng hoạt động, tạo ra phản ứng “sập” dây chuyền. Lưới điện trong tình trạng “rã lưới”, gây mất điện trên diện rộng.
“Công suất giảm đột ngột sẽ ảnh hưởng đến hệ thống điện nói chung chứ không phải riêng hệ thống truyền tải điện”, một chuyên gia ngành điện đánh giá.
Mặt khác, việc nhiều nhà đầu tư đối mặt rủi ro thua lỗ khi rót tiền vào năng lượng tái tạo cũng là điều người làm chính sách cần quan tâm. Bởi dẫu sao, đó cũng là nguồn lực của xã hội. Do đó, cần tính toán để phát triển năng lượng tái tạo ở mức độ phù hợp, đảm bảo lợi ích của Nhà nước - nhà đầu tư và người sử dụng điện.
Theo Bộ Công Thương, tổng công suất của các dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch trên 10.000 MW (8.000 MW dự kiến vào vận hành trước 2020 và 2.000 MW sau 2020). Đó là chưa kể tổng công suất đăng ký nhưng chưa được bổ sung là 25.000 MW (12.300 MW dự kiến vào vận hành trước 2020 và 12.900 MW sau 2020).
( C. H sưu tầm)