Những vị trí lãnh đạo chủ chốt nào được kiện toàn tại Quốc hội kỳ họp 11?
Những vị trí lãnh đạo chủ chốt nào được kiện toàn tại Quốc hội kỳ họp 11?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Sáng nay, 24/3, Quốc hội bắt đầu kỳ họp tổng kết khóa XIV, thực hiện việc kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước. Có 25 chức danh chủ chốt sẽ được miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn mới kỳ này.
Theo thông tin từ lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, 7 trong tổng số 12 ngày làm việc của Quốc hội tại kỳ họp 11 này được dành cho công tác nhân sự. Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn sớm những chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước.
Việc kiện toàn thực hiện sớm, dù nhiệm kỳ 2016-2021 của các cơ quan nhà nước chưa kết thúc, được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích là do sau Đại hội XIII của Đảng, nhiều lãnh đạo đương nhiệm không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo toàn diện, việc miễn nhiệm chức vụ với những chức danh mà người đứng đầu không ở trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng nữa, là để những nhân sự mới sớm nhận nhiệm vụ, sớm ổn định bộ máy các cơ quan nhà nước, đảm bảo tính liên tục trong hoạt động điều hành đất nước.
Kiện toàn vị trí 3 lãnh đạo chủ chốt của nhà nước
Cũng theo Tổng thư ký Quốc hội, lần kiện toàn này sẽ thực hiện với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước, của các cơ quan như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ. Như vậy, có thể hiểu, khối cơ quan tư pháp chưa có sự thay đổi nhân sự cấp cao (Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao) kỳ này.
Thực tế, Chánh án TAND Tối cao đương nhiệm - ông Nguyễn Hòa Bình đã tái đắc cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và còn được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị khóa này. Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, thuộc trường hợp đặc biệt được giới thiệu tái cử và đã đắc cử tại Đại hội Đảng vừa qua.
Thông tin đưa ra tại cuộc họp báo trước kỳ họp 11 của Quốc hội, có 25 chức danh lãnh đạo tại 3 khối cơ quan Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ sẽ được kiện toàn những ngày tới.
Theo phân tích của Tổng Thư ký Quốc hội, đối chiếu với kết quả Đại hội XIII của Đảng, trong khối cơ quan Quốc hội, một số lãnh đạo không còn tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Đỗ Bá Tỵ, Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, các ủy viên khác của UB Thường vụ Quốc hội gồm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy.
Một số lãnh đạo các cơ quan khác của Quốc hội là Ủy viên Trung ương khóa XIII nhưng đã được cơ cấu, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở một cơ quan khác, ví dụ như Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc. Ông Phớc đã được giới thiệu ứng cử ở khối cơ quan Chính phủ.
Đây được xác định là những vị trí có sự thay đổi, dự kiến là 14 chức danh. Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 54 của UB Thường vụ Quốc hội vừa qua, thông tin từ lãnh đạo Quốc hội đưa ra cho biết, chỉ những vị trí đã chuẩn bị được nhân sự thay thế, UB Thường vụ Quốc hội mới trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ.
Cụ thể, trong số 14 vị trí này, có 2 vị trí mà nhân sự thay thế được chuẩn bị chưa phải là đại biểu Quốc hội trong khi theo quy định, các thành viên UB Thường vụ Quốc hội phải là đại biểu. Đó là vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội của ông Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh của ông Võ Trọng Việt.
Theo đó, khối cơ quan Quốc hội sẽ chỉ tiến hành việc kiện toàn với 12 chức danh. Vị trí của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt sẽ được kiện toàn tiếp tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới (dự kiến diễn ra trong tháng 7 năm nay).
13 -14 chức danh trong bộ máy Chính phủ cần thay đổi
Với khối cơ quan Chủ tịch nước, Tổng Thư ký Quốc hội đã khẳng định việc đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước mới.
Khối cơ quan này, theo cơ cấu, có 3 chức danh tham gia Quốc hội là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Ngoài việc Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ được miễn nhiệm chức vụ này để tập trung cho trọng trách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung không tham gia Trung ương khóa XIII. Có 2 nhân sự khác đã được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới thuộc khối cơ quan này.
Với khối cơ quan Chính phủ, áp dụng những nguyên tắc tương tự có thể thấy các vị trí có sự thay đổi kỳ này là: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng.
Các Bộ trưởng: Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã hết tuổi công tác, không tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ không trúng cử Trung ương tại Đại hội XIII vừa qua.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Đỗ Văn Chiến được bầu vào Bộ Chính trị, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái được bầu vào Ban Bí thư khóa XIII. Các nhân sự này đã được phân công hoặc được dự kiến đảm nhận chức vụ công tác khác.
Như vậy, các cơ quan Chính phủ có ít nhất 13 vị trí cần thay đổi, kiện toàn tại kỳ họp này.
Một điểm đáng chú ý, trong 15 nhân sự được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc khối Chính phủ, ngoài Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh còn một lãnh đạo khác của ngành ngoại giao là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
( C. H sưu tầm)