Liên tiếp có hành động khiêu khích, Triều Tiên muốn gì?

Ngày đăng: 08:33 06/04/2021 Lượt xem: 291

          Liên tiếp có hành động khiêu khích, Triều Tiên muốn gì ?

                                                         Nguồn: Báo Điện tử Infonet

Những hành động mang tính khiêu khích gần đây cho thấy Triều Tiên đang nỗ lực cô lập khỏi cộng đồng quốc tế để thử nghiệm năng lực quốc gia. 

 

Trong khi vẫn phong tỏa các đường biên giới để ngăn chặn dịch bệnh, Triều Tiên lại liên tiếp cho phóng thử tên lửa thời gian gần đây và thậm chí là còn cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia. Vậy nguyên nhân gì khiến Triều Tiên gia tăng những hành động mang tính khiêu khích trong thời gian gần đây?

Các nhà phân tích nhận định, hàng loạt động thái của Triều Tiên là nhằm ngăn chặn thông tin trong nước bị rò rỉ ra bên ngoài, cũng như hạn chế sự tiếp cận và sức ép từ cộng đồng quốc tế đối với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un. Nói cách khác, Triều Tiên đang muốn tự thử nghiệm năng lực của quốc gia. 

 
Liên tiếp có hành động khiêu khích, Triều Tiên muốn gì?
Triều Tiên đang có những nỗ lực tự cô lập khỏi cộng đồng quốc tế. (Ảnh: AP)

Hồi tháng Ba, Liên Hợp Quốc (LHQ) thông báo không còn nhân viên quốc tế nào của tổ chức còn ở lại Triều Tiên, sau khi 2 nhân viên cuối cùng của Chương trình Lương thực Quốc tế rời khỏi Bình Nhưỡng vào cuối tháng Ba.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhân viên LHQ hiện không có mặt ở Triều Tiên. Điều này được thể hiện qua thông báo của phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric. Theo ông Dujarric, các nhân viên của tổ chức đã về nhà để thăm gia đình và trong thời gian tới họ sẽ sớm trở lại Triều Tiên một khi Bình Nhường dừng phong tỏa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

Cho tới nay, Triều Tiên vẫn khẳng định quốc gia này chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào mắc Covid-19. Không giống như các quốc gia khác tìm kiếm nguồn cung cấp vắc-xin hay các phác đồ chữa bệnh, Triều Tiên lại lựa chọn phương án tự cách ly khi đóng cửa toàn bộ các đường biên giới để ngăn người nước ngoài nhập cảnh. Động thái này đã gây ảnh hưởng tới các nhà ngoại giao và nhân viên làm việc cho những tổ chức phi chính phủ quốc tế ở Triều Tiên.  

Mới đây, chia sẻ với tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc, ông John Everard, cựu đại sứ Anh tại Triều Tiên, cho hay tất cả nhân viên của các tổ chức phi chính phủ từng hoạt động tại Triều Tiên trong vòng 20 năm qua đều đã rời khỏi Triều Tiên do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cùng nguồn cung những mặt hàng thiết yếu bị thiếu hụt. Tính tới ngày 18/3, ngay cả các nhân viên đại sứ quán của Cộng hòa Sức, Nigeria và Pakistan cũng đã rời khỏi thủ đô Bình Nhưỡng. Hiện chỉ còn 13 đại sứ quán nước ngoài mở cửa hoạt động ở Triều Tiên, nhưng với số nhân viên thấp nhất.

Ngoài đóng cửa biên giới để phòng dịch, hoạt động thương mại của Triều Tiên cũng bị phong tỏa.

“Trong bối cảnh Triều Tiên vẫn triển khai các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, hoạt động giao thương với nước ngoài đều bị tạm dừng. Hoạt động thương mại song phương Trung – Triều trong tháng 1 và 2/2021 chủ yếu là xuất khẩu điện. Lĩnh vực này không cần tới sự trao đổi nhân sự hay nguyên vật liệu”, một quan chức tại Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay.

Theo báo cáo từ Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, giá trị thương mại giữa Trung – Triều trong tháng 1 và 2/2021 là 3,27 triệu USD mà trong đó có 3,24 triệu USD là từ hoạt động xuất khẩu điện từ Triều Tiên sang Trung Quốc. Trong khi đó, phần lớn nguyên liệu thô và thực phẩm mà Triều Tiên nhập khẩu là đến từ Nga và Trung Quốc. Nhưng do Triều Tiên phong tỏa biên giới, cuộc sống của người dân nước này hiện chỉ còn phụ thuộc vào nguồn tự cung tự cấp.

Các nhà quan sát cho rằng, những động thái gần đây của Triều Tiên không xuất phát từ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, mà thực chất đây là một chiến thuật để đối phó với tình hình ngoại giao.

“Hiện tại, Triều Tiên đang cố gắng hạn chế thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài. Ít nhất cho tới nay, Triều Tiên hiểu rằng họ không đủ khả năng cung cấp và tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân, cũng như chưa thể sớm được Mỹ và các đồng minh của Mỹ xóa bỏ lệnh trừng phạt. Do đó, điều mà chính quyền Bình Nhưỡng đang làm là giới hạn thông tin được công bố ra bên ngoài trong khi chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hiểu rằng, năm tới sẽ là năm khó khăn khi mà sức ép từ cộng đồng quốc tế gia tăng, bởi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden chắc chắn sẽ tăng cường gây sức ép và lệnh trừng phạt vói Triều Tiên”, ông Harry Kazianis, Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ chia sẻ với tờ Korea Times.

Việc Triều Tiên cắt đứt mối quan hệ ngoại giao 48 năm với Malaysia cũng được xem là một phần trong nỗ lực tự cô lập mình khỏi cộng đồng quốc tế. Nguyên nhân khiến Triều Tiên “chia tay” Malaysia là do Malaysia đồng thuận dẫn độ Mun Chol-myong, một doanh nhân Triều Tiên, sang Mỹ trước cáo buộc rửa tiền. Nhưng theo các chuyên gia, động thái này có thể được hiểu là một phần trong chính sách cô lập chiến lược của Bình Nhưỡng.

“Mục tiêu cuối cùng của chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un là tự cung tự cấp”, ông Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm Ngoại giao và An ninh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc nhận định.

“Khi mà tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn do tác động của lệnh trừng phạt và dịch bệnh, Triều Tiên dường như sử dụng chiến thuật tăng cường cô lập bằng cách hạn chế thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài nhằm củng cố tính vững chắc của hệ thống lãnh đạo. Chừng nào Triều Tiên còn duy trì quan hệ mật thiết với Trung Quốc, Triều Tiên khó có thể thay đổi quan hệ với Hàn Quốc, Mỹ hay các quốc gia khác, nhưng nó lại giúp Triều Tiên tăng thêm tính cô lập và đây là lúc quốc gia này có thời gian để thử nghiệm năng lực quốc gia”, ông Shin nói.

Cũng theo ông Shin, Triều Tiên dường như sẽ cho nới lỏng hoạt động kiểm soát biên giới với Trung Quốc.

Nhận định trên cũng từng được một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra hôm 1/4. Theo vị quan chức Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ nới lỏng kiểm soát biên giới với Trung Quốc, nhưng thời gian cụ thể là bao giờ thì chưa thế đoán được. 

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan