Vị Chủ tịch nước duy nhất trong lịch sử không tham gia Bộ Chính trị

Ngày đăng: 09:32 10/04/2021 Lượt xem: 249
  Vị Chủ tịch nước duy nhất trong lịch sử không tham gia Bộ Chính trị

                                                                Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt

Trong lịch sử Việt Nam kể từ khi có chính quyền kiểu mới (từ 1945), có một vị Chủ tịch nước rất đặc biệt. Dù ông có 12 năm ở trên cương vị người đứng đầu Nhà nước nhưng lại không tham gia Bộ Chính trị.

 

Mới đây Quốc hội khóa XIV đã bầu Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước. Ông trở thành vị Chủ tịch nước thứ 11 trong lịch sử.

Chủ tịch nước đầu tiên của nước ta là Bác Hồ. Người giữ chức Chủ tịch nước từ năm 1946 đến năm 1969. Sinh thời Người giữ các chức vụ khác như Chủ tịch Đảng (từ 1951 đến 1969), Tổng Bí thư (từ 1956-1960), Thủ tướng Chính phủ (1946 đến 1955), Người cũng là Thủ tướng đầu tiên của nước ta.

 
Vị Chủ tịch nước duy nhất trong lịch sử không tham gia Bộ Chính trị - Ảnh 1.

Bác Tôn Đức Thắng (áo sáng màu bên trái) vào thăm miền Nam sau ngày đất nước thống nhất (ảnh tư liệu).

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2/9/1969), người kế nhiệm chức Chủ tịch nước là cụ Tôn Đức Thắng (1888-1980). Cụ được gọi thân mật là Bác Tôn. Bác Tôn chính là vị Chủ tịch nước duy nhất từ trước tới nay không tham gia Bộ Chính trị dù có 12 năm đảm nhiệm cương vị này.

Bác Tôn giữ chức Chủ tịch nước từ năm 1969 đến năm 1981, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng 3 khóa II, III và IV.

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Bác Tôn là người đặc biệt, được Đảng, Nhà nước và Quốc hội suy tôn, thể hiện sự kính trọng với nhà cách mạng đã có nhiều công lao đóng góp cho đất nước.

 
Vị Chủ tịch nước duy nhất trong lịch sử không tham gia Bộ Chính trị - Ảnh 2.

Bác Tôn Đức Thắng (áo trắng) đứng giữa (ảnh tư liệu).

Bác Tôn là một hình ảnh trong sáng của tinh thần cách mạng bất khuất và đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: " Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".

Bác Tôn quê ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, học Trường Kĩ nghệ Viễn Đông, làm công nhân Nhà máy Ba Son của hải quân Pháp ở Sài Gòn. Năm 1919 là người kéo cờ đỏ trên chiến hạm Phờrăngxơ để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, tham gia cuộc binh biến của chiến sĩ Pháp ở Hắc Hải.

 

Năm 1920, Bác Tôn về nước lập Công hội bí mật ở Sài Gòn. Đây là tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đến năm 1928 bị địch bắt, bị đưa ra Côn Đảo với án tù 20 năm khổ sai. Tại đây nhà cách mạng Tôn Đức Thắng đã lập chi bộ nhà tù lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh, được Xứ uỷ Nam Kỳ thừa nhận là chi bộ đặc biệt và là đảng viên từ đó. Năm 1930, Bác Tôn đã gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Côn Đảo.

Năm 1945, Bác Tôn từ Côn Đảo trở về Nam Bộ làm Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ phụ trách về vấn đề lương thực và vũ khí…

Sinh thời, ngoài đảm nhiệm chức Chủ tịch nước, Bác Tôn còn trải qua các vị trí lãnh đạo khác như Tổng Thanh tra Chính phủ; quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Chủ tịch Mặt trận Liên Việt; Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960), tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này; Phó Chủ tịch nước.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên được bầu giữ chức Chủ tịch nước là Đại tướng Lê Đức Anh (1920-2019); Bộ trưởng Công an đầu tiên được bầu giữ chức Chủ tịch nước là Đại tướng Trần Đại Quang (1956-2018).Nói về lịch sử các Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc là trường hợp đầu tiên từ Thủ tướng được bầu giữ chức Chủ tịch nước. Có 2 trường hợp là Phó Thủ tướng được bầu giữ chức Chủ tịch nước, đó là ông Võ Chí Công (sinh năm 1912 mất năm 2011, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Phó Thủ tướng) và ông Trần Đức Lương.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan