Đề xuất đề án về khơi dậy lý tưởng sống, khát vọng cống hiến của giới trẻ
Ngày 11/5, Bộ GD&ĐT và T.Ư Đoàn phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng phê duyệt Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015- 2020".
Quyết định số 1501/QĐ-TTg được ban hành nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giúp thế hệ trẻ Việt Nam bồi đắp tình yêu gia đình, đất nước, kiên định với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ có ý thức tuân thủ pháp luật, năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động; trở thành những người công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại hội nghị, TS. Ngô Thị Minh- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết sau 5 năm, với sự quan tâm Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, gia đình, nhà trường và toàn xã hội, sự phối hợp triển khai của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, công tác này đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ Việt Nam và xã hội.
Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục được triển khai ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo và trong các hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên. Nhiều tấm gương thanh thiếu nhi, học sinh sinh viên (HSSV) sống đẹp, vượt khó học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đã bổ sung, thay thế nội dung giáo dục đạo đức trong chương trình giáo dục hiện hành.
Công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cán bộ làm công tác Đoàn, Hội, Đội được tăng cường; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi, HSSV đạt kết quả bước đầu.
Cảnh quan, môi trường giáo dục từng bước được cải thiện theo định hướng an toàn, thân thiện, dân chủ, kỷ cương, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong xây dựng văn hóa học đường.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án còn một số hạn chế cần khắc phục, như về mức độ quan tâm, đầu tư, triển khai của một số bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT về giáo dục đạo đức, lối sống; hoạt động giáo dục, vận động, thi đua, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn mang tính áp đặt, hình thức; tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho HSSV trên môi trường mạng chưa được triển khai, gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính…
Trong khi đó, những xu hướng, trào lưu mới có dấu hiệu lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm nảy sinh và gia tăng những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
Giai đoạn 2021- 2025 mở ra nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức. Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án giai đoạn tiếp theo với quan điểm tiếp tục tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa và khơi dậy trong thanh niên, HSSV khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, luôn nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão; có tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Tại hội nghị, anh Bùi Quang Huy thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã thống nhất cao với dự thảo báo cáo. Anh Bùi Quang Huy đánh giá trong 5 năm qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với T.Ư Đoàn và các bộ, ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện Quyết định 1501 và đạt kết quả đáng trân trọng. Trong đó, Đoàn thanh niên và các tổ chức thanh niên do Đoàn làm nòng cốt đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.
Một trong những kết quả nổi bật của Đoàn thanh niên là đổi mới phương pháp giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua công cụ hiện đại bắt nhịp tâm tư nguyện vọng, trào lưu, xu hướng mới của thanh thiếu nhi. Đặc biệt, giáo dục thông qua phong trào hành động cách mạng là phương thức giáo dục trung tâm, đạt hiệu quả cao.
"Có thể nói, các phong trào, chương trình đã đáp ứng sát nhu cầu của thanh niên và yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, được thanh niên đón nhận, tham gia tích cực, góp phần phát triển thanh niên toàn diện", anh Bùi Quang Huy nói. Đồng thời, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn thống nhất cao giải pháp Bộ GD&ĐT nêu ra, trong đó tiếp tục xây dựng đề án mới, với việc bổ sung nội dung nêu cao hoài bão, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ, theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Toàn ngành giáo dục gạt bỏ hành động không thực chất, hình thức
Trong phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý, cần phải tiếp tục làm tốt hơn nữa giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên nhi đồng trong thời gian tới, bởi đây là một việc hệ trọng, lâu dài, cho hiện tại và cả cho tương lai, là một phần của công việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cũng là một phần quan trọng cần đổi mới và thực hiện tốt trong định hướng nâng cao chất lượng GD&ĐT mà toàn ngành đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới. Sự đổi mới trong công tác này, theo Bộ trưởng, cần bao hàm cả về nhận thức và hành động, về phương pháp và nội dung, quan điểm và cách thức, quy mô và chiều sâu, số lượng và chất lượng.
Ghi nhận những ý kiến đề xuất, giải pháp đưa ra tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý thêm một số nội dung cơ bản, trong đó, cần tăng cường giáo dục ý thức chấp pháp.
Việc giáo dục ý thức pháp luật, tinh thần thực thi pháp luật phải được coi là một khâu mang tính nền tảng, là xuất phát và chỗ dựa cho triển khai giáo dục khác. Trong các quy phạm pháp luật đã hàm chứa yếu tố của đạo đức, giá trị, văn hóa, ở mức nền tảng, trên cơ sở đó bồi đắp các giá trị khác.
Trong thời đại ngày nay, giáo dục không chỉ thích ứng với đào tạo nhân lực cho Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà cần phải nhận diện, vun đắp, kiến tạo cả các giá trị mới và những giá trị cũ đang được làm mới.
Theo đó, những giá trị Chân - Thiện - Mĩ trong thời kỳ chuyển đổi số không hoàn toàn giống Chân - Thiện - Mĩ của thời kỳ truyền thống. Đạo đức số, đạo đức mạng xã hội, lối sống số, đạo đức của kết nối và chia sẻ cần nhận diện, tác động cho trúng và đúng. Đặc biệt, các giá trị đạo đức cần phải ở dạng để đưa ra trong hành vi, thấm nhuần trong hành động chứ không chỉ là các quy định.
"Đối với giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, làm thế nào để thầy thích dạy, trò thích học, trò mong muốn làm theo, mong muốn các giá trị đó trở thành niềm tự hào của chính con người mình", Bộ trưởng nói.
Đồng thời, tư lệnh ngành giáo dục cũng lưu ý, sự cần thiết của việc sử dụng các phương tiện hiện đại trong công tác này và đổi mới học tập và giảng dạy các môn lý luận chính trị.
Bộ trưởng cho biết, trong các năng lực, phẩm chất của học sinh phổ thông đến đại học, Bộ GD&ĐT sẽ đặc biệt quan tâm đến yêu cầu phát triển một lớp người sống chí hướng, có ý chí, khát vọng, có trách nhiệm. Đây là tiền đề để thực hiện một yêu cầu rất quan trọng của Đại hội Đảng thứ XIII, là khơi dậy khát vọng dân tộc, trách nhiệm đối với đất nước, với nhân loại.
Điều này gắn bó chặt chẽ với phương pháp triển khai đi từ nhỏ đến lớn, từ con người cụ thể cho đến cộng đồng. Bởi nếu mỗi cá nhân thiếu ý chí, chí hướng, khát vọng lành mạnh thì không thể có một thế hệ giàu khát vọng phát triển đất nước.
"Ngành GD&ĐT sẽ đưa nội dung này vào chương trình hành động của ngành. Toàn ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục đổi mới, gạt bỏ những gì hình thức, không thực chất, để làm công việc này tốt hơn", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Khẳng định giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống là một quá trình liên tục, đồng thời không phải là câu chuyện của riêng ngành GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn nhận được sự phối hợp hỗ trợ của các bộ ban ngành trung ương.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các đồng chí lãnh đạo địa phương, Sở GD&ĐT, các thầy cô - những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, nhằm vừa nhận thức đủ, vừa có phương pháp thích hợp để từng người góp sức vào sự nghiệp lớn này.
"Bởi vì tạo dựng ra một con người là công việc của tất cả chúng ta, không một ai đứng ngoài cả", Bộ trưởng nói.
M.C
Ảnh: Bộ GD-ĐT
(PS st Theo Dân trí)