Cáo mượn oai hùm Thứ sáu, 14/5/2021, 08:25 (GMT+7) Hàng chục thùng hàng trên băng chuyền tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 7/5 dán dòng chữ in hoa “Bộ trưởng Bộ GTVT”. Trên thùng hàng ghi tên người nhận là "Mr Mạnh" cùng số điện thoại. Sau đó, đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định lô hàng không liên quan Bộ trưởng. Theo đại diện Bộ, chủ số hàng trên - một nhân viên hợp đồng của Văn phòng Bộ - trình bày rằng, nhờ một số mối quan hệ công tác tại sân bay Nội Bài để gửi lô hàng cho bạn tại TP HCM. Dòng chữ dán trên các thùng hàng nhằm mục đích được ưu tiên vận chuyển nhanh và tránh hư hỏng. Câu hỏi đặt ra: Tại sao cán bộ này lại tin rằng dòng chữ "Bộ trưởng Bộ GTVT" sẽ giúp hàng của mình được chuyển nhanh và an toàn qua đường hàng không? Gần 20 năm trước, khi còn làm phóng viên, chúng tôi thi thoảng có chuyến công tác xa nhà bằng máy bay. Các kiện hành lý ký gửi thường được ghi rất to bên ngoài tên người nhận cùng tên cơ quan báo chí. Lúc đó, chúng tôi được truyền "bí kíp" rằng, ghi như vậy thì những nhân viên sân bay sẽ "ngại". Và quả thật, khi tình trạng vali bị phá khóa, hàng hóa ký gửi bị hụt vẫn được phản ánh đều đều hồi đó, những "kiện hàng nhà báo" hầu như không suy suyển. Dù tôi không mấy tự hào, nhưng ví dụ trên có thể minh họa cho đặc quyền nho nhỏ của cái gọi là "quyền lực thứ tư". Nhưng sự nương nhẹ đó không là gì nếu đặt cạnh đặc quyền của các cán bộ mà phụ cấp lãnh đạo trên "một chấm" hay có tiêu chuẩn "được sử dụng xe ôtô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác". Có điều xe biển xanh không chỉ đưa đón cán bộ đi làm. Xe biển xanh đi đám giỗ, xe biển xanh chở khách dự tiệc thôi nôi, xe biển xanh đi chùa, xe biển xanh phóng nhanh vượt đèn đỏ, xe biển xanh được tiếp cận chân máy bay đón người nhà lãnh đạo... Nhiều tình huống đã xảy ra. "Quyền lực mềm" của cán bộ thể hiện tinh tế qua nhiều tầng nấc khác nhau. Như sự kiện xảy ra tuần trước tại Hà Nội. Chủ một doanh nghiệp xây dựng ở Hưng Yên dán "Giấy ra vào trụ sở 47 Phạm Văn Đồng" - trụ sở Bộ Công an - lên kính chiếc xe Lexus của mình và đỗ sai quy định. Khi bị thanh tra giao thông kiểm tra, người này hỏi lại: "Biết xe của ai không?", rồi khóa cửa xe, bỏ đi. Phía sau những tờ giấy như thế là cả một hệ thống vận hành theo quy ước riêng. Nếu bạn đọc hỏi rằng hệ thống đó ở đâu? Câu trả lời gần như đồng thanh: không có hoặc nó vô hình. Nhưng tôi biết, bạn biết nó có tồn tại. Người ta không hồn nhiên dán chức danh lên hàng hóa, lên kính xe ôtô, hay đọc to tên ai đó trong một vài tình huống vi phạm pháp luật, trong những hợp đồng kinh tế, hay dự án cần triển khai nhanh chóng. Khi quốc gia đang phải dồn mọi nguồn lực chống dịch, xóa bỏ những ưu đãi ngầm cũng là một cách tiết kiệm. Và tôi xin nhắc lại đề xuất từng đăng trên chính chuyên mục này: xóa bỏ xe biển xanh - một biểu hiện của việc phân biệt quan - dân và đặc quyền đặc lợi. Từ lâu, xe công vụ, suất bay hạng thương gia và các ưu tiên khác cho quan chức đã không còn tồn tại ở nhiều nền hành chính trên thế giới. Ở Singapore hay Nhật Bản, lãnh đạo cơ quan nhà nước đi công việc bằng taxi, tàu, xe công cộng. Chưa kể với mục tiêu xây dựng nền hành chính tiên tiến, một hệ thống hậu cần tinh gọn có thể giúp ngân sách tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Xoá bỏ những ưu đãi đặc biệt nếu chúng không kích thích nền hành chính công vụ văn minh và hiệu quả cũng giúp xóa đi thói hư tật xấu của các công chức thích mượn oai hùm. Trần Anh Tú (PS st Theo VnExpress)