'Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu'
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Những lời dạy của Hồ Chủ tịch về công tác cán bộ vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, Người nhắc nhở mỗi cử tri khi cầm lá phiếu: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.
Sau ngày thành lập nước, công việc cấp bách đầu tiên của chính quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ là tổ chức bầu Quốc hội lập hiến, diễn ra đồng loạt trên cả nước vào ngày 6/1/1946.
Để giải thích cho đồng bào về tầm quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên mà nước Việt Nam độc lập tiến hành, Chủ tịch Chính phủ lâm thời viết bài trên báo Cứu Quốc số 130, ra ngày 31/12/1945 với tiêu đề “Về ý nghĩa tổng tuyển cử".
Trong bài viết, Chủ tịch chỉ rõ quyền bầu cử, ứng cử của công dân: "Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó".
Chủ tịch nhắc nhở toàn thể người dân về quyền và trách nhiệm của công dân: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà… Do tổng tuyển cử mà bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.
|
Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND tại đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Về bản chất của nhà nước dân chủ cộng hòa, Chủ tịch nêu rõ: "Tính chất Nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Ðó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Ðiều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp”.
Không có đặc quyền, đặc lợi
Là người có công khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, đứng đầu Chính phủ mới thành lập, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết yêu cầu việc ứng cử, bầu cử phải theo đúng quy trình, quy định được ủy ban bầu cử đặt ra, không có đặc quyền, đặc lợi.
Trong kỳ tổng tuyển cử Quốc hội khóa 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử tại thủ đô Hà Nội cùng 73 ứng viên khác. Với tình cảm và sự thành kính dành cho Người, 118 vị là Chủ tịch Ủy ban Hành chính cùng công bố bản đề nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn Cụ là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Đáp lại yêu cầu này, Hồ Chủ tịch viết bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào cho Người thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Bức thư có đoạn: “Tôi là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên không thể vượt qua thể lệ của cuộc tổng tuyển cử đã định”.
Hồ Chủ tịch trúng cử với số phiếu rất cao, trở thành đại biểu Quốc hội đại diện cho Hà Nội cùng 5 vị nữa. Khi được Quốc hội, tại kỳ họp thứ nhất, tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Chính phủ kháng chiến, Người phát biểu: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”.
Yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta
Đi sâu vào tiêu chuẩn người đại biểu dân cử, khi nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá 2 (7/1960), Hồ Chủ tịch nói: "Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội. Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của từng cử tri...".
Về vai trò của của đại biểu HĐND và nhiệm vụ của HĐND, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ trong buổi tiếp và nói chuyện thân mật với các vị đại biểu HĐND Hà Nội khóa 1 (kể từ sau ngày Thủ đô giải phóng), diễn ra ngày 4/1/1958.
|
Khi đã cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng, chúng ta đã thực hiện một phần mong mỏi của Hồ Chủ tịch về việc “Bầu những đại biểu thật xứng đáng, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, nhân dân” |
Người nói: “Mỗi vị đại biểu HĐND phải phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đến nhân dân, biến những chủ trương chính sách đó thành hành động của nhân dân. HĐND phải hết sức gần gũi, quan tâm đến đời sống của nhân dân; phải thực hành cần kiệm liêm chính, phải luôn nghĩ rằng mình là đầy tớ của nhân dân và ra sức phục vụ nhân dân. Trước mắt HĐND phải tập trung sức động viên nhân dân ra sức chống hạn, đẩy mạnh sản xuất".
Hồ Chủ tịch cũng từng nhắc nhở cử tri, nhân dân luôn ghi nhớ các quyền của mình với Quốc hội, HĐND các cấp: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình...”.
Với toàn thể cán bộ trong bộ máy chính quyền từ làng lên cấp tỉnh, kỳ, Hồ Chủ tịch cũng căn dặn kỹ càng qua “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu Quốc ngày 17/10/1945.
Người nhắc nhở: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Những lời dạy của Hồ Chủ tịch về công tác cán bộ, suốt bao nhiêu năm qua, vẫn còn nguyên giá trị: “'Làm việc nước bây giờ là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”. “Vì lợi nước, quên lợi nhà”. Đặc biệt, Chủ tịch nhắc nhở mỗi cử tri cân nhắc khi cầm lá phiếu: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.
Ngày bầu cử Quốc hội đã đến gần. Nhớ về Người, mỗi chúng ta cân nhắc kỹ trách nhiệm của mình với vấn đề trọng đại của đất nước, nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, các bài phát biểu, chương trình hành động của từng ứng viên, xem ai thực sự dám “hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”, ai muốn “làm quan cách mạng” để lựa chọn cho sáng suốt.
Khi đã cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng như vậy, chúng ta đã thực hiện một phần mong mỏi của Hồ Chủ tịch về việc “Bầu những đại biểu thật xứng đáng, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, nhân dân”.
Chúng ta cũng luôn nhớ, mỗi công dân có quyền giám sát các đại biểu dân cử, xem xét ai trúng cử mà vẫn ghi nhớ lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Việc gì có lợi cho dân thì nên làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, hoặc ai là người “yêu dân, kính dân”.
( C. H sưu tầm)