ÔNG HOÀNG CÔNG THUÝ, NGUYÊN TỔNG THƯ KÍ HỘI VIỆT -MỸ: Tôi vẫn tin công lý sẽ đến với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
ÔNG HOÀNG CÔNG THUÝ, NGUYÊN TỔNG THƯ KÍ HỘI VIỆT -MỸ:
Tôi vẫn tin công lý sẽ đến với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại
Đây là nhận định của ông Hoàng Công Thuý, Nguyên Tổng thư kí Hội Việt -Mỹ. Ông từng là Phó trưởng Đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã sang Mỹ tham dự phiên tranh tụng tại Tòa phúc thẩm New York năm 2007.
- Được biết, năm 2007, ông đã cùng đoàn Hội nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) sang Mỹ tham dự phiên toà phúc thẩm vụ kiện của với các công ty hoá chất Mỹ. Ông có thể kể đôi nét về chuyến đi đó được không?
Lúc đó tôi đang là Tổng thư kí của Hội Việt -Mỹ, được cử tham gia đoàn sang Mỹ dự phiên toà phúc thẩm nhằm góp phần đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam. Đoàn gồm có 6 người, ông Trần Xuân Thu làm trưởng đoàn còn tôi là phó đoàn. 4 thành viên còn lại đều là những nạn nhân chất độc màu da cam gồm bà Nguyễn Thị Hồng ở Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Quý ở Hải Phòng, ông Võ Thanh Hải và anh Nguyễn Mười ở Thừa Thiên-Huế và họ đều bị nhiều bệnh khác nhau trong đó có ung thư giai đoạn cuối.
Trước khi đi đoàn chúng tôi vinh dự tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà. Đại tướng đã ân cần tiếp đoàn và bày tỏ thông cảm với những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của các nạn nhân da cam trong những năm qua. Đại tướng dặn dò, tình cảm hữu nghị nhân dân Việt Nam với nhân dân Mỹ là một vốn quý, đoàn nên tranh thủ tình hữu nghị, sự ủng hộ của bạn bè nhân dân Mỹ. Đoàn đi đấu tranh vì công lý, nên chính nghĩa thuộc về đoàn và chúc đoàn đi mạnh khoẻ và thành công.
|
Ông Paul Fox và bà Merle Ratner (ở giữa) ra sân bay San Francisco đón bà Nguyễn Thị Hồng (bên phải), nạn nhân chất độc da cam, và các thành viên trong đoàn. |
- Điều gì khiến ông ấn tượng nhất trong chuyến đi này?
Trong thời gian ở Mỹ, đoàn đã đến thành phố San Francisco, New York, Thủ đô Washington DC, Chicago, Los Angeles... trả lời phỏng vấn của nhiều báo chí, đài phát thanh, truyền hình, các tổ chức phi chính phủ, gặp các nghị sĩ, chuyên gia y tế cộng đồng, luật gia, cựu chiến binh, các nhà hoạt động hòa bình, trí thức, sinh viên,...
Ðoàn đã trình bày những hậu quả nặng nề, lâu dài qua nhiều thế hệ mà nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nói chung và bản thân họ nói riêng phải gánh chịu và vận động dư luận Mỹ tiếp tục ủng hộ vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam/dioxin cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh mà Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) và nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang theo đuổi. Tại các cuộc gặp, nhiều người Mỹ không thể tin được khi biết rằng, hơn ba triệu người Việt Nam là chất độc da cam/dioxin vẫn phải chịu đựng nhiều bệnh tật đau đớn trong hoàn cảnh sống hết sức khó khăn.
|
Hoàng Công Thuý trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ tại New York. |
Hầu hết những người mà đoàn tiếp xúc đều bày tỏ cảm thông và đồng tình, ủng hộ vụ kiện, đòi các công ty Mỹ phải có trách nhiệm về đạo lý đối với những gì mà họ gây ra cho con người, sinh thái và môi trường Việt Nam. Cảm động nhất là cuộc gặp các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Nhiều người trong số họ cũng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Nhiều cựu chiến binh Mỹ cũng có con bị dị tật bẩm sinh như các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Nhiều cựu chiến binh Mỹ xúc động và xin lỗi vì những gì họ đã gây ra ở Việt Nam. Những người từng đối đầu nhau trên chiến trường hôm nay, lại có dịp cùng nhau đấu tranh đòi công lý cho cả hai bên.
Đoàn còn đến tận nơi hai nhà máy sản xuất hoá chất của Mỹ là Dow Chemical và Monsanto. Khi gặp những người dân địa phương sống xung quanh hai nhà máy này họ đều cho biết, trong nhiều năm qua họ đã liên tục phản đối các chất thải và ô nhiễm do hai nhà máy này gây ra.
Cả đoàn đều có mặt tại phiên toà dự phán quyết để toà án và những người tham dự phiên toà được chứng kiến những nạn nhân chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam bằng xương bằng thịt.
Dù phía toà án Mỹ bác bỏ vụ kiện phúc thẩm, nhưng chuyến đi của đoàn lúc đó và những chuyến đi sau này đã góp phần để nhân dân Mỹ hiểu thêm nỗi đau của các nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất da cam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và các nghị sĩ tiến bộ Mỹ đối với vụ kiện và thức tỉnh lương tri và trách nhiệm đạo lý đối với những hậu quả chiến tranh mà họ đã gây ra.
-Sau khi trở về Việt Nam và trở thành Đại sứ Panama và kiêm nhiệm Costa Rica, ông đã tiếp tục làm gì cuộc chiến đòi công lý cho các nạn nhân da cam?
Tôi tiếp tục kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam tại Panama và đất nước kiêm nhiệm Costa Rica. Tôi tiếp xúc với nhiều người dân và chính quyền Panama, từ nguyên tổng thống, các nhà chính trị, các tổ chức phi chính phủ và thế hệ trẻ và các Việt kiều. Tôi đã nói chuyện và chiếu phim minh hoạ ảnh hưởng chất độc màu da cam Việt Nam tại Bộ Ngoại giao và một số trường đại học của Panama, Costa Rica. Qua vận động, các bạn bè đã tích cực ủng hộ về tinh thần và vật chất cho nạn nhân da cam Việt Nam.
Tôi cũng đã dẫn một đoàn lãnh đạo của Hội nạn nhân da cam sang thăm vận động tại Panama, Costa Rica, đồng thời trao kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam” cho những người tích cực tham gia ủng hộ..
Đặc biệt, bà Maggie Brooks (Costa Rica) gần chục năm qua, bà cùng với bạn bè đã quyên góp tiền xây dựng nhà tình nghĩa cho các nạn nhân chất độc da cam ở một số địa phương. Nỗ lực của bà đã được Chính phủ, Hội nạn nhân chất độc màu da cam đánh giá cao.
|
Bà Maggie Brooks (Costa Rica) gần chục năm qua, bà cùng với bạn bè đã quyên góp tiền xây dựng nhà tình nghĩa cho các nạn nhân chất độc da cam ở một số địa phương. |
- Ông có theo dõi và có suy nghĩ gì về vụ kiện của bà Trần Tố Nga kiện các công ty hoá chất của Mỹ không?
Tôi có theo dõi vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với các công ty hoá chất Mỹ. Thật đáng tiếc khi toà án Envy của Pháp ra tuyên bố không đủ thẩm quyền để xử lý vụ kiện. Một lần nữa công lý chưa được thực thi với các nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam.
Phán quyết của Tòa án Evry không có tính thuyết phục khi thực tế các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp khoảng 80 triệu lít chất độc da cam cho quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, sức khỏe, sinh thái, con người Việt Nam.
Tôi vẫn tin công lý sẽ đến với nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam.
- Theo ông thời gian tới cần phải làm gì?
Việt Nam và Mỹ đã bình thường hoá và đang xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược. Đây là cơ sở để hai bên cùng nâng cao hiểu biết lẫn nhau, tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị là cơ sở để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của chiến tranh trong đó có chất độc màu da cam.
Bên cạnh việc theo đuổi vụ kiện, cần phát huy hơn nữa sự ủng hộ của dư luận quốc tế với Việt Nam. Tuyên truyền cho người dân và Chính phủ Mỹ nâng cao hiểu biết, trách nhiệm nhận thức về mặt đạo lý, công lý cho các nạn nhân da cam.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
( C. H sưu tầm)