Cần 90.000 tỷ đồng để mỗi năm xóa nghèo cho 1,5 triệu người
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Chiều 13/7, UB Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.
Phấn đấu giảm 1,5 triệu người nghèo/năm
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; khuyến khích các địa phương vận dụng các chính sách, cơ chế giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương.
Trong nhiều chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025, Chính phủ xác định phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia.
Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo tăng 20% - 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500.000 hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.
90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật giảm nghèo và kiến thức, kỹ năng, mô hình giảm nghèo hiệu quả thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
Một số chỉ tiêu đáng chú ý khác của chương trình là giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; tỷ lệ thiếu việc làm nhỏ hơn 1,89%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội ở mức 45%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 35%; tỷ lệ thời gian làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả công là 1,4 lần phụ nữ so với nam giới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin, tổng kinh phí thực hiện chương trình là 90.260 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 50.000 tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu là 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 30.000 tỷ đồng). Ngân sách địa phương cần khoảng 21.760 tỷ đồng (vốn đầu tư: 10.350 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 11.410 tỷ đồng). Nguồn huy động hợp pháp khác khoảng 18.500 tỷ đồng (vốn đầu tư: 11.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 7.500 tỷ đồng).
Bố trí đủ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương
Thẩm tra đề xuất của Chính phủ, UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng chương trình.
Theo cơ quan thẩm tra, để giảm nghèo thực sự bền vững, đòi hỏi cả nước trong giai đoạn 2021-2025 phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh, ngoài việc giảm nghèo về thu nhập cần tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản để đảm bảo hàng năm giảm 1-1,5% tỷ lệ người nghèo theo chuẩn đa chiều.
Điều đó đòi hỏi chương trình cần có sự thay đổi về mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu, các dự án, các giải pháp thoát nghèo bền vững như thông qua tạo việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững để có thể vượt qua thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19 đang diễn ra; dự báo kết quả duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh sau khi chương trình kết thúc để có thể đánh giá tính bền vững của chính sách.
Liên quan đến nguồn vốn, cơ quan thẩm tra nêu rõ, Thường trực UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, chương trình này cùng với 2 chương trình mục tiêu khác tạo ra áp lực rất lớn cho việc cân đối ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra thống nhất bố trí đủ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho chương trình mà Chính phủ đã dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 20.000 tỷ đồng trên cơ sở đã bổ sung các nội dung bảo đảm thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, các chiều thiếu hụt của dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, dinh dưỡng, người nghèo không có khả năng lao động. Các nội dung "an sinh xã hội" được chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được bố trí kinh phí đủ từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn.
( C. H sưu tầm)