"Môn học lịch sử - tự chọn" - Góc nhìn của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 04:19 29/04/2022 Lượt xem: 845
---------------------------------------------------

MÔN HỌC LỊCH SỬ - TỰ CHỌN
       Chủ nhật vừa qua về quê, đến quán cắt tóc giữa làng, khách chờ khá đông, giả trẻ trung niên đủ cả, có hai người từ Hà Nội về cũng đến đây cắt tóc. Cùng ngồi chờ chơi cờ tướng, uồng trà, vui chuyện với nhau. Anh chủ hiệu hỏi, bác Kiền ơi, bác từng là thầy giáo rồi lại là cán bộ cao cấp trong Quân đội, cháu hỏi sao bây giờ môn lịch sử cấp III lại cho học sinh tự chọn?. Thế là cuộc trao đổi diễn ra rất sôi nổi. Tất cả các ý kiến đều cho là chủ trương của Bộ Giáo dục xếp môn Lịch sử tự chọn với học sinh PTTH - cấp 3 là sai rồi. Tự chọn có nghĩa là “môn phụ”, chẳng học sinh nào chọn học đâu!
       Tôi nói cứ theo quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
"Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".
       Đó là 2 câu đầu bài thơ lục bát “Lịch sử nước ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ... Bác đã viết bài thơ vào năm 1941 sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại trở về Tổ quốc . Bài thơ tóm lược lịch sử hơn bốn nghìn năm của nước ta, Người hiểu rất sâu về lịch sử dân tộc, qua dó làm cơ sở quan trọng để vạch ra con đường cho cách mạng Việt Nam. Bác đã đặt vấn đề học sử, giáo dục Lịch sử có vị trí hết sức quan trọng đối với các tầng lớp nhân dân.
       Bác Hồ đã chọn giao cho Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, rồi làm Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
       Ở nước ngoài, giới sử học và cả các tướng lĩnh từng là đối thủ của ông trên chiến trường đã công bố nhiều công trình đánh giá rất cao tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng họ chưa giải đáp thoả đáng vấn đề vì sao cụ Hồ đã sớm "chọn mặt gửi vàng", đặt trọn niềm tin khi trao sứ mạng cầm quân cho một giáo sư sử học chưa từng qua một lớp đào tạo về quân sự, và vì sao Võ Nguyên Giáp đã thành công trong việc xây dựng và chỉ huy quân đội, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong từng giai đoạn chiến lược của cách mạng Việt Nam, từ khởi nghĩa toàn dân đến chiến tranh cách mạng, từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ.
       Là một Giáo sư sử học, ông giỏi vận dụng kinh nghiệm dựng nước giữ nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta và hiểu lịch sử chiến tranh của nhân loại để vận dụng vào xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tiến hành chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Hồ Chí Minh đúng là thiên tài cả về lịch sử trong việc chọn người thông tuệ lịch sử.
TÌNH HÌNH HỌC LỊCH SỬ VỪA QUA
       Hãy nhìn lại năm học 2021 vừa qua cho thấy lịch sử là môn có kết quả thi thấp nhất trong tất cả các môn thi, thay thế vị trí của môn tiếng Anh trong kỳ thi năm trước. Môn lịch sử năm nay có hơn 200 điểm 0.
       Như vậy, ít nhất trong 3 năm gần đây, môn lịch sử luôn ở khu vực cuối bảng: năm 2019 thấp nhất, năm 2020 thấp nhì, năm 2021 lại về vị trí thấp nhất. Thi vào đại học các trường đào tạo về lịch sử cũng rất ít học sinh lựa chọn học môn này.
       Ngày 23/4/2022, Bộ GD&ĐT tiếp tục ra thông cáo báo chí, đặt trọng tâm vào việc học tập môn Lịch sử trong chương trình phổ thông. Trên một số báo có đăng bài : Bộ GD-ĐT phản hồi về việc môn lịch sử là môn học tự chọn ở cấp PTTH Có đoạn :"...giai đoạn giáo dục cơ bản ( từ lớp 1 đến lớp 9 ) , giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc với tổng thời lượng tăng lên so với chương trình GDPT 2006 . Trong đó, nội dung chương trình phân môn lịch sử cấp PTCS trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông , cơ bản cốt lỏi của toàn bộ LỊCH SỬ THẾ GIỚI , LỊCH SỬ VIỆT NAM ...". Nghe mà thấy ngỡ ngàng. Con cháu chúng ta ngày nay ( từ 6 đến 15 tuổi ) thông minh cực kỳ khi học hết lớp 9 sẽ nắm cơ bản cốt lỏi của toàn bộ lịch sử thế giới lịch sử Việt Nam. Các vị U60-90 thử nhớ lại xem khi chúng ta học hết cấp 2 thời xưa hiểu lịch sử thế giới và trong nước như thế nào?
       Ở cấp tiểu học, lớp 1 đến lớp 3, Bộ GD&ĐT đặt tới 210 tiết cho các em, lớp 4 và lớp 5, tích hợp môn Lịch sử và Địa lý. Ở cấp THCS, có tới 420 tiết tích hợp Lịch sử và Địa Lý, trong đó 50% là Lịch sử. Như vậy, theo Bộ GD&ĐT, chương trình không thay đổi về thời lượng môn học Lịch sử và được tích hợp phù hợp với các bài thuộc phân môn Địa lý.
       Bộ GD&ĐT nhấn mạnh đến thời lượng, cho rằng thời lượng là không thay đổi và nhờ đó học sinh có được kiến thức cơ bản tổng quan về Lịch sử từ thời nguyên thủy – cổ đại- trung đại- cận đại và hiện đại.
       Xét về góc độ tư duy này cho thấy, vì sao học sinh tiểu học chịu áp lực nặng nề về học tập với một khối lượng sách vở khổng lồ trên đôi vai nhỏ bé và chất lượng học tập môn Lịch sử lại tồi tệ đến như vậy.
       Với học sinh bậc Tiểu học chỉ có thể tiếp nhận được khái niệm cơ sở ban đầu, bậc THCS từ khái niệm phát triển thành Nhận thức mở rộng, bậc THPT mới có thể có được nhận thức chuyên sâu và bước đầu có khả năng so sánh.
       Việc nhồi thời lượng lớn như vậy khác nào việc “ăn đấu, làm khoán” không cần biết đến chất lượng của môn học Lịch sử, vốn là linh hồn của dân tộc thấm đến đâu và có thể hình thành được nền tảng tư tưởng của thế hệ trẻ Việt Nam hay không? Nhiều người đã viết lên MXH cảm thấy đây không phải là vấn đề mà Bộ GD&ĐT quan tâm.
       Ở giai đoạn Tiểu học con em chúng ta đang trong quá trình tiếp nhận khái niệm, giai đoạn THCS là từ khái niệm chuyển hóa thành nhận thức mở rộng, nhưng hệ thống tư duy chưa thể học sâu, so sánh, phân tích để hình thành nền tảng tư tưởng. Cả hai giai đoạn này, học sinh hướng đến sự tiếp cận với khái niệm nhận thức thế giới để phát triển hơn là mở rộng và học sâu thêm.
       Giáo dục Lịch sử là nền tảng của quá trình xây dựng và phát triển một công dân của đất nước. Nó đòi hỏi phải có nhận thức sâu sắc quá trình hình thành, phát triển về đấu tranh dựng nước và giữ nước với những tổn thất, hy sinh, những giai đoạn bi thương và anh dũng của dân tộc. Từ đó hình thành lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ lợi ích của quốc gia dân tộc, ý thức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ Quốc. Trong chương trình của Bộ GD&ĐT không thể hiện được yêu cầu này.
       Như vậy, bằng việc dồn toàn bộ thời lượng Môn sử vào Tiểu học và THCS, trên thực tế, Bộ GD&ĐT không chỉ áp một gánh nặng khổng lồ lên thế hệ trẻ mà còn xóa đi giá trị “linh hồn dân tộc” của môn học Lịch sử, vốn được xác định là kiến thức nền tảng để xây dựng hệ tư tưởng của một công dân.
       Bộ GD&ĐT đề cập với môn học Lịch sử tự chọn bằng cái thời lượng 315 tiết. Thực chất là lập lờ đánh lận con đen. Với cái gọi là môn “tự chọn”, bao nhiêu học sinh sẽ học để mở rộng, chuyên sâu các kiến thức lịch sử cốt lõi???
       Như chúng ta đã biết, hàng chục năm nay, dù là môn học bắt buộc, kiến thức Lịch sử của học sinh thực sự đáng báo động. Ngay cả các giáo viên, như nhiều bài viết trên mạng xã hội đã thấy, còn có nhận thức kì quái về vị thế của môn học Lịch sử trong việc xây dựng lòng yêu nước. Có những quan niệm nhận thức “yêu nước theo cách của mình” mà từ đó có thể quy luôn cả Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống đến Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Hoàng Cao Khải… đều có cái gọi là “yêu nước theo cách của mình”. Rồi họ xoá đi tội cõng rắn cắn gà nhà của nhà Nguyễn mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong bài thơ “Lịch sử nước ta”.
       Sẽ diễn ra tình trạng đại đa số học sinh chọn học những môn mà các em cho rằng để hướng nghiệp, ai chọn môn lịch sử ???
       Với chủ trương đưa môn lịch sử thành môn tự chọn ở THPT, sớm muộn môn Lịch sử sẽ kết thúc không kèn không trống, đóng băng bỏ lọ ở THCS, sẽ hoàn toàn biến mất trong tư duy nhận thức của THPT. Các trường đại học đào tạo chuyên ngành sử ra sao ???
       Không có học sinh PTTH học sử thì ai thi đại học sử. Ngành sử sẽ tàn lụi theo.
      Bộ GD&ĐT có đề cập đến giáo dục Lịch sử ở địa phương và những phần liên quan đến GDQP ở THPT, nhưng rõ ràng, những kiến thức lịch sử ở địa phương có giới hạn, một phần rất nhỏ trong chiều dài lịch sử và không thể đóng vai trò hình thành nhận thức được. Ngoài ra, trong GDQP có đề cập đến một số bài học Lịch sử, như Lịch sử hình thành các Lực lượng vũ trang, Nghệ thuật Quân sự Việt Nam, đó là những bài học về nghệ thuật đấu tranh vũ trang, một phần rất nhỏ của lịch sử quân sự Việt Nam phục vụ cho tư duy Chiến tranh Nhân dân Bảo vệ Tổ Quốc, chưa hoàn toàn là nền tảng tư tưởng của một công dân đất nước Việt Nam được.
       Với việc sử dụng thuật ngữ “thời lượng”, Bộ GD&ĐT đang ngụy biện về chất lượng môn học Lịch sử, trong những năm gần đây đang ở tình trạng báo động đỏ, nay với chương trình đã ban hành, Bộ cố gắng làm thêm một việc nữa là xóa hẳn chất lượng Môn học Lịch sử “linh hồn của dân tộc” ra khỏi hệ thống tư duy của thế hệ trẻ.
       Một điều nữa mà Bộ GD&ĐT đề cập đến là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế. Nhưng không đề cập đến quốc tế là quốc tế nào, quốc gia nào và kết quả cụ thể. Trong khi rất nhiều nước người ta đưa môn học lịch sử bậc PTTH là môn bắt buộc.
       Kể từ năm 2015, khi xuất hiện cái gọi là đổi mới chương trình, nhưng chất lượng môn học Lịch sử càng ngày càng đi xuống trầm trọng, nhận thức của thế hệ trẻ càng ngày càng xa rời nền văn hóa dân tộc, nguy cơ một dân tộc mất đi nguồn gốc, bản sắc, lòng yêu nước và tự hào về đất nước đang suy giảm ở mức báo động Đỏ (chỉ cần nhìn tên gọi của các trang báo, việc tự đặt tên mình bằng tiếng Tây, tên gọi của các cơ sở giáo dục đào tạo nhan nhản khắp các trường học tư thục…). Với chương trình mới đang làm cho báo động Đỏ này thành hiện thực, bằng những ngụy biện phản khoa học, vàng thau lẫn lộn.

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU NGÀNH GIÁO DỤC
       Tôi đã xem bộ phim giới thiệu về Giáo sư - Tiến sĩ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, người được Bác Hồ chọn giao cho làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước ta. Thật trân trọng Ông và thấy sâu sắc hơn việc chọn người giao việc "Quốc sách hàng đầu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
       Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một Giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông cũng là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất với 28 năm và 350 ngày.
       Sau ngày độc lập, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao giữ chức Tổng Giám đốc Vụ Đại học Bộ quốc gia Giáo dục kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ. Đúng 9h sáng ngày 15/11/1945, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai giảng khoá đầu tiên của trường Đại học Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị trong Chính phủ lâm thời đã đến dự.
       Ngày 9/2/1946, cũng tại Hà Nội, Bảo tàng Quốc gia mở cửa triển lãm lịch sử- văn hoá dân tộc do Giám đốc Nguyễn Văn Huyên và các cán bộ Viện Bác Cổ tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị trong Chính phủ đã đến dự và chụp ảnh kỷ niệm với anh em cán bộ của Viện.
       Tuy không nhận mình là một nhân tài nhưng GS.TS Nguyễn Văn Huyên rất vui sướng nhận thấy rằng ông và các trí thức thời thuộc Pháp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, dìu dắt với “một sự quan tâm liên tục, cụ thể và hết sức đặc biệt”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên tiếp tục được Hội đồng Chính phủ (HĐCP) cử tham dự hai cuộc hội nghị lịch sử có quan hệ đến vận mệnh đất nước: Ông là thành viên trong Ban cố vấn Hội nghị Đà Lạt và thành viên trong phái đoàn ta dự Hội nghị Fontainebleu tại Pháp.
       Tiếp theo qua nhiều đời bộ trưởng Bộ Giáo dục, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo ở nước ta, nhưng cũng có những vị còn nhiều vấn đề. Có người là Tiến sĩ kinh tế đào tạo ở Hoa Kỳ về làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn đến nhiều vấn đề điều hành chưa phù hợp, thậm chí là sai, thiên về cơ chế thị trường. Chính vì thế mà Bộ trưởng đã giao cho người trong số 72 người ký đơn đề nghị bỏ điều 4 hiến pháp tức là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng chương trình cải cách giáo dục , trong GDPT môn lịch sử ở bậc THPT tự chọn. Không lâu nữa, điều 4 hiến pháp sẽ được 72 vị ký đề nghị trở thành hiện thực.
       Đây là một biểu hiện của diễn biến hòa bình rất nguy hiểm.
      Có một giai đoạn chúng ta chưa quan tâm đến Văn hoá đúng mức. Vừa qua Hội nghị Văn hoá toàn quốc đã diễn ra. Đã quán triệt tư tưởng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu phải đặt vấn đề phát triển văn hoá ngang với phát triển Kinh tế . Vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn,...
       Đến lúc cần đặt vấn đề giáo dục lịch sử theo tư tưởng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
“ Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam “.
       Vừa qua các hiện tượng đòi viết lại lịch sử, lật sử đã diễn ra rất phức tạp, nay học lịch sử như thế thì tương lai về lĩnh vực Lịch sử của nước ta sẽ ra sao???
       Cần xem xét lại việc cải cách giáo dục. Cần xem lại chương trình học môn Lịch sử. Mong rằng Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay sẽ có những điều chỉnh lại cho đúng với chủ trương của Đảng " GIÁO DỤC LÀ QUỐC SÁCH HÀNG ĐẦU ".

Ngày 28/4/2022
Thiếu tướng Hoàng Kiền
KIEN 28-4
THUAN…

 
tin tức liên quan