Một nhân cách Trường Sơn đã về Trời!

Ngày đăng: 02:13 21/01/2023 Lượt xem: 742
MỘT NHÂN CÁCH TRƯỜNG SƠN ĐÃ VỀ TRỜI!
                               Nhà báo – Nhà văn Phạm Thành Long



Đại tá Trần Văn Phúc đọc thơ Tết trong cuộc gặp mặt đầu xuân 2022 tại Cơ quan Hội TSVN ( trụ sở Sở chỉ huy Binh đoàn 12).

 
          Buổi trưa ngày 10/1/2023, tôi nhận được điện thoại của cháu Diện – cháu ngoại anh Trần Văn Phúc, báo tin:
     -Ông ơi, ông Phúc cháu đã mất lúc 10 giờ 20 phút sáng nay rồi ạ!
     Tôi không tin vào tai mình nữa. Sao anh ra đi nhanh thế!
    Thời tiết Hà Nội thật đỏng đảnh. Giữa mùa đông rét buốt mà trời bỗng nổi cơn mưa trái mùa: Mưa rào giữa mùa đông! Biết anh Phúc ngã bệnh nhưng vì đang điều trị bệnh trên Thái Nguyên, nên tôi chưa kịp đến thăm anh. Cuối tháng 12/2022 từ Thái Nguyên về Hà Nội. Ngay buổi tối hôm ấy tôi đội mưa đến thăm anh Phúc.
     Mở cửa đón tôi vào nhà là cậu con trai lớn của anh mới từ Pari trở về thăm bố. Nhìn thấy tôi, anh cười dù khóe miệng đã không còn bình thường như trước. Anh định ngồi dậy nhưng tôi vội ngăn lại:
    -Anh cứ nằm đi! Rồi anh nắm tay tôi:
    -May quá, tôi rất mong gặp được Thành Long.
    -Dạ anh thông cảm, biết anh mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vì đi chữa ở Thái Nguyên nên hôm nay em mới đến thăm anh được.
   -Không, không. Mình mong gặp được Thành Long về chuyện khác cơ. Mình đã viết xong cuốn sách về làng hương quê mình. Cuốn sách tạm lấy tên “Từ Trang La Miên đến làng Đồn Xá”. Nhờ anh Thành Long đọc, biên tập và in giúp cuốn sách này. Kinh phí mình đã có rồi! Không phải lo. Nhờ Thành Long nhé. Anh nắm tay tôi lắc lắc gửi gắm sự tin tưởng. Nói xong, anh bảo con trai lên gác lấy tập bản thảo cuốn sách. Tôi lật dở nhanh tập bản thảo. Tập bản thảo dày cộm với hơn 300 trang in. Tôi thầm cảm phục sức làm việc của anh.
     -Vâng anh. Em sẽ cố gắng hoàn thành như ý nguyện của anh.
     -Gắng giúp mình nhé! Anh lại nhắc lại…
 
    Ba ngày sau, cháu Diện thông báo cho tôi:
    -Ông cháu đã vào Viện 103 để chữa bệnh viêm bàng quang rồi, ông ạ. Sau đó tôi còn được biết, bệnh viện đã “rút” ra hai lít nước tiểu trong bàng quang của anh! Nếu không cấp cứu kịp thời thì anh có thể chết vì vỡ bàng quang chứ không phải ra đi vì bệnh K phổi.
     Anh trở bệnh rất nhanh. Gia đình đã đưa anh từ bệnh viện về xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Hai ngày sau anh đã ra đi…
 
xxx
 
     Năm 2007, khi tham gia làm Ủy viên Thường trực Ban Liên lạc Toàn quốc Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, tôi mới biết anh Trần Văn Phúc. Anh là Ủy viên Thường trực Ban Liên lạc, phụ trách công tác Văn phòng. Tìm hiểu, tôi biết anh nguyên là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12). Một lần tôi cùng đoàn lãnh đạo Hội Trường Sơn Việt Nam đến chúc mừng sinh nhật Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Cụ chỉ vào Thiếu tướng Tô Đa Mạn, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, giới thiệu với chúng tôi:
     -Năm 1965, ông này là kỹ sư cầu đường đầu tiên bổ sung cho Trường Sơn đấy.
          Tôi biết, anh Trần Văn Phúc năm 1962, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp cầu đường, anh về làm giám sát kỹ thuật ở Ban Kiến thiết cơ bản, Bộ Giao thông vận tải. Sau đó anh tốt nghiệp kỹ sư cầu đường. Tháng 12/1967, anh trở thành Trợ lý công binh trong lực lượng của Bộ Tư lệnh Công binh. Tháng 10/1971 anh vào Trường Sơn. Từ Binh trạm 29, anh về làm Trợ lý cầu đường Trung đoàn 98 và sau đó công tác tại Cục Công binh Trường Sơn.
       Có thể nói anh đã cùng với Trung đoàn 98 mở nhiều con đường huyết mạch của Trường Sơn từ đường 9 đến biên giới Việt Nam - Cămpuchia… Sau này, anh được điều về Binh đoàn 12. Tháng 3 năm 1991, anh được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn. Tháng 11 năm 2000, anh được quân đội cho nghỉ hưu…
     Trong chuyến thăm Lào từ ngày 29/3 đến 8/4/2011 của Ban Liên lạc Toàn quốc, tôi mới chứng kiến vai trò tận tụy đầy trách nhiệm của anh Trần Văn Phúc. Hành trình trong 11 ngày thăm lại chiến trường xưa của Đoàn với biết bao hoạt động đối ngoại đầy ắp. Ngần ấy con người gần lấp đầy trên 2 chiếc ô tô loại 45 chỗ ngồi diễn ra trong hành trình xuyên suốt hơn hai ngàn cây số, quả thật không đơn giản chút nào. Thế mà anh đã chỉ huy ngon lành các cộng sự của mình thực hiện thành công tốt đẹp các hoạt động giao lưu đối ngoại của chuyến đi. Đặc biệt nhất là việc đoàn tìm được cửa hầm địa đạo Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 tại chân núi Phucaton, thuộc bản Huội Chăng, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet. Cuộc hành quân xuyên rừng hôm ấy do đồng chí Võ Sở, Hoàng Anh Tuấn cùng các cộng sự trong đoàn: Trần Văn Phúc, Vũ Trình Tường, Phan Khắc Hải và nhà báo Nguyễn Văn Vinh… Cuộc xuyên rừng đầy vất vả tưởng như vô vọng ấy đã thành công ngoài mong đợi. Đại tá Trần Văn Phúc là người đã ghi dòng chữ: “12 giờ 9 phút ngày 3/4/2011” bằng chiếc bút trắng không xóa trên một khúc gỗ ở ngay trước cửa hầm… Đây là một thành công có ý nghĩa lịch sử của chuyến đi và đối với lịch sử của Trường Sơn…Ngày 5/4/2011, Đoàn còn vinh dự được Tổng Bí thư – Chủ tịch nước CHDCND Lào Chum Ma Ly Xay Nha Xỏn tiếp thân mật. Cũng trong chuyến đi này, Ban Liên lạc lần đầu tiên đặt mối quan hệ hữu nghị anh em chính thức với Hiệp hội Cựu chiến binh quốc gia Lào…
     Ấn tượng đối với tôi trong suốt cuộc hành trình là hình ảnh anh Trần Văn Phúc luôn cầm trong tay một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiệu Fuji (loại máy ảnh du lịch, màu trắng). Anh liên tục ghi lại toàn bộ hình ảnh hoạt động của đoàn. Sau chuyến đi, anh bỏ tiền túi ra in tặng nhiều đồng chí những bức ảnh chọn lọc của chuyến đi, trong đó có tôi. Tôi ấn tượng nhất là trên mỗi bức ảnh, anh đều ghi đầy đủ chú thích ảnh được anh đánh máy vi tính co chữ 9, rồi dán vào dưới mỗi bức ảnh. Tôi biết, anh tự tay đánh máy vi tính, in ra rồi cắt dán chú thích cho mỗi bức ảnh. Cán bộ cao cấp quân đội rất ít người vào thời điểm đó biết sài vi tính và chụp ảnh kỹ thuật số. Vì công việc ấy đã có các trợ lý lo chu toàn cho rồi!. Ở cái tuổi 70 thời điểm năm 2011 mà anh đã khá thành thạo vi tính và chụp ảnh kỹ thuật số thì thật quý và hiếm! Hội đã chọn đúng một Chánh Văn phòng!
       Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (5 và 6/7/2011), anh được Đại hội tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành, được Ban Chấp hành bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Chánh Văn phòng. Đại hội nhiệm kỳ 2 (2016 – 2022), anh tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ - kiêm Chánh Văn phòng. Ngày 20/4/2020, anh được Ban Chấp hành Nhiệm kỳ II tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội.
        Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, Đại hội nhiệm kỳ III của Hội Trường Sơn Việt Nam (diễn ra ngày 18/5/2020) đã thành công tốt đẹp. Để chuẩn bị cho Đại hội, Cơ quan Hội Trường Sơn Việt Nam có cả một núi công việc trong đó công việc của Văn phòng Hội thật nặng nề. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của anh, Văn phòng Hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tại Đại hội Nhiệm kỳ III, anh Trần Văn Phúc tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Chánh Văn phòng của Hội.
        Đồng đội ở Cơ quan Hội rất cảm thương trước hoàn cảnh của anh. Từ năm 1995, chị Phạm Thị Gấm, người vợ thân yêu của anh không may mắc bệnh gai đôi toàn bộ cột sống và bệnh azemer. Bệnh của chị càng ngày càng nặng. Khi anh nghỉ hưu tháng 11/2000 thì cũng là lúc bệnh tình của chị rất nặng. Chị rất khó khăn trong việc cử động. Đứng lên, ngồi dậy đều phải có sự trợ giúp của người thân. Các con anh trưởng thành đều đã ở riêng. Ngôi nhà ở 569 đường Nguyễn Trãi chỉ có hai vợ chồng anh sinh sống. Một người cháu họ sống với anh chị. Suốt hơn hai mươi năm trời, anh Trần Văn Phúc phải chăm sóc người vợ bệnh nặng. Anh đảm đương vừa là “y tá vừa là điều dưỡng viên” của vợ. Một điều không may ập đến gia đình của anh. Con gái Trần Thị Nhung (sinh năm 1968) của anh không may mắc bệnh hiểm nghèo. Cháu đã ra đi năm 2018. Trước hoàn cảnh ấy, sau khi con gái qua đời, anh đã đưa chị về Đồn Xá để nhờ con cháu ở quê nhà chăm sóc. Vì thế, tuần nào anh cũng phải từ Hà Nội về Quỳnh Phụ, Thái Bình thăm non vợ, và sáng thứ hai hằng tuần kịp dự giao ban của Hội ở Hà Nội. Vất vả là thế, nhưng anh vẫn âm thầm vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành tốt đẹp công tác của Hội.
       Là một người con nặng lòng với quê hương, năm 2014, anh đã chủ động bàn với Ban di tích của xã và cán bộ thôn lập kế hoạch xây dựng ngôi miếu thờ ông Lý Hiệu Quang, một người cháu vua Lý Thánh Tông – người được Trang La Miên (thôn Đồn Xá ngày nay) tôn làm Thành hoàng làng của anh. Tháng 5/2015, sau 50 năm Đức Thánh Lý Hiệu Quang phải “ở nhờ” trong ngôi chùa làng đã được đón về thờ tại ngôi Miếu được anh và dân làng xây dựng lại…
        Hai năm trở lại đây, anh mải miết lao vào sưu tầm tư liệu để viết cuốn sách mang tên “Từ Trang La Miên đến làng Đồn Xá”. Giữa năm 2022, anh đã hoàn thành bản thảo của cuốn sách. Anh tiếp tục sưu tầm hình ảnh lịch sử phục vụ cuốn sách…Mải mê lao vào công việc của Hội, công việc của làng và việc viết sách, bệnh ung thư phổi đã ủ bệnh từ bao giờ mà anh không hay biết. Đến giữa tháng 10 năm 2022, vào viện kiểm tra anh mới biết mình bị K phổi giai đoạn cuối!...
        Anh Trần Văn Phúc là một người rất khiêm nhường. Đối thoại với anh em đồng đội ít tuổi hơn anh, ít khi anh gọi đồng đội là “cậu”, hay là “chú”. Anh luôn tôn trọng gọi bằng “anh” hoặc gọi thẳng bằng tên người đối thoại với mình…  Giữa tháng 9/2022, khi tôi đang chữa bệnh ở Thái Nguyên thì nhận được điện thoại của anh.
      -Anh Thành Long ơi. Biết anh đang chữa bệnh nhưng gặp phải từ ngữ này nên phải hỏi anh đây.
        -Vâng, anh cứ trao đổi đi ạ. Tôi trả lời.
       -Khi người ta gặp gỡ, giao lưu, gặp mặt ở một sự kiện nào đó thì gọi bằng từ gì nhỉ? Nghe xong, tôi nói luôn:
       -Người ta hay dùng từ “Festival” anh ạ. Festival có nghĩa là “liên hoan” – một từ phổ biến toàn cầu đấy, anh.
        -Tôi biết còn một từ nữa người ta cũng hay dùng mà tôi chưa nghĩ ra. Anh Phúc trao đổi lại.
        -“Gala”! Đây cũng là từ mà người ta hay dùng gần như đồng nghĩa với từ “Festival” anh ạ.
       -Đúng đúng rồi. Thế mà tôi nghĩ mãi không ra. Cám ơn Thành Long nhé!
       -Sao bỗng nhiên anh lại hỏi chuyện về từ ngữ này? Tôi hỏi lại. Anh cười trong điện thoại:
      -À có việc người ta nhờ ấy mà. Thôi, không phiền anh nữa đâu. Cố gắng chữa bệnh mau khỏi nhé.
      Anh cúp máy rồi nhưng sự nhiệt tình và trách nhiệm với người khác của anh khiến tôi thật sự cảm động.
      Hôm gặp mặt tất niên sáng 16/1/2022 của Cơ quan Hội, Đại tá Nguyễn Gia Cam, nguyên Ủy viên Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tài chính nói với tôi:
       -Em đã đọc mấy lời nhận xét đánh giá của anh về anh Trần Văn Phúc trên zalo của Cơ quan Hội. Em thấy anh nhận xét rất chí lý về anh ấy. Em có nhiều năm ở cùng  anh Phúc ở Trung đoàn 98 và sau này ở Cơ quan Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 mà. Anh Phúc là một con người sống rất tình cảm, chân tình và chân thật anh ạ. Năm 1992, em theo anh Phúc xuống kiểm tra một công trường đang thi công đường. Thấy một cậu lái máy gạt đang là mặt đường phẳng lỳ không chê vào đâu được. Anh Phúc vội ra hiệu cho cậu lái máy gạt dừng lại. Anh ấy nhảy lên xe, rút ví ra tờ một trăm ngàn đồng.
      -Tớ thưởng cậu vì tay nghề giỏi! Cố gắng nhé!
      Anh Nguyễn Gia Cam chân tình:
     -Ngày ấy một trăm ngàn đồng có giá trị lắm, hình như một chỉ vàng chỉ hơn năm trăm ngàn đồng thôi anh ạ. Thấy vậy, em bảo với anh Phúc:
     -Em sẽ làm phiếu thanh toán một trăm ngàn đồng anh vừa khen tặng cậu lái máy gạt.
      Anh Phúc vội xua tay:
          -Không không! Đây là tiền riêng của tớ. Không phải thanh toán.
         Lúc ấy anh ấy đã là Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn rồi. Một cán bộ như anh ấy thật hiếm, anh ạ...
          Không phải đến khi nghe câu chuyện cụ thể mà Nguyễn Gia Cam kể tôi mới hiểu về anh Trần Văn Phúc. Hơn 15 năm qua tôi trực tiếp chứng kiến nhiều việc làm của anh, tôi có quá đủ “dữ liệu” thực tế để đánh giá về anh.
          Khi biết, anh từng là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Trường Sơn – một chức vụ cao cấp, nhưng anh lại không nề hà khi được phân công làm Chánh Văn phòng của Hội từ khi thành lập cho tới khi rời bỏ thế giới này, tôi càng cảm phục anh hơn. Từ khi thành lập (năm 2011) cho tới đầu năm 2022, Hội Trường Sơn của chúng ta đã trải qua 7 lần chuyển trụ sở làm việc. Ở 475 Nguyễn Trãi có tới 6 lần “chuyển nhà”. Được sự ưu ái của Bộ Tư lệnh Binh đoàn, lần chuyển nhà sau bao giờ cũng rộng rãi hơn lần ở trước. Cả một núi công việc phải triển khai cho việc di chuyển nhà. Nào là việc sửa chữa lại các căn phòng cũ, đi lại đường điện chiếu sáng, lắp đặt điều hòa, làm kho, sắp đặt bàn ghế và nội thất cho phòng họp giao ban chính, phòng văn thư, phòng kho… Nhưng dưới sự điều hành của anh, cả 7 lần di chuyển, mọi việc đều suôn sẻ, thuận lợi, chu đáo và tiết kiệm. Đặc biệt là lần di chuyển thứ bảy từ 475 Nguyễn Trãi đến Sở chỉ huy mới của Binh đoàn 12 tại KM 6 +500 đường gom Đại lộ Thăng Long. Văn phòng luôn nhận được lời khen từ Thường trực Hội đến anh chị em các ban chuyên môn.
          Văn phòng là cơ quan thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng của Hội; là nơi soạn thảo các văn bản của Thường trực, của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành; là đầu mối giải quyết hậu cần của Hội và quan hệ đối nội, đối ngoại…Hằng ngày, hằng tuần đối mặt với bao công việc, bao đối tượng trong cơ quan trong về “cơm áo, gạo tiền”, song anh Trần Văn Phúc luôn giữ được “cái đầu lạnh”. Trong thực tế nhiều năm qua Hội của chúng ta luôn và mãi mãi “tay không bắt giặc” nên thiếu thốn đủ bề. Vì thế, nhiều lúc tôi nghĩ Chánh Văn phòng Trần Văn Phúc phải mềm tính lắm mới đối mặt “hoàn hảo” với bao sức ép của công việc. Tôi và 40 con người của Cơ quan Hội chưa bao giờ thấy anh Trần Văn Phúc thể hiện “cái tôi” của một người từng có gần 10 năm là Phó Tổng Giám đốc. Có lẽ anh nghĩ: đã nghỉ hưu rồi thì mọi chức vụ xin để lại phía sau. Cái cao quý còn lại của mỗi con người chính là đạo đức, là nhân phẩm và nhân cách của mình. Vì thế mà anh ứng xử với đồng chí, đồng đội bằng tình cảm chân thật, chan hòa tình cảm của người lính Trường Sơn với nhau. Ở anh tuyệt nhiên không phải là sự ứng xử của một cấp trên với cán bộ, nhân viên dưới quyền. Điều này không phải ai cũng làm được. Không ít người vẫn không bỏ được “cái áo chức vụ” mà tổ chức cho họ “mượn” để "mặc" khi còn đương chức! Thế mới có chuyện một vị Trung tướng nọ ở phía Nam đã nghỉ hưu. Một hôm ra đường, xe của ông ta vi phạm giao thông, bị cảnh sát giao thông tuýt còi. Sau một hồi cự cãi, ông ta đã vỗ ngực, quát lên: “Mày có biết tao là ai không?”. Thật buồn khi không ít người đã quên một quan điểm cốt lõi mà cả Tây và Ta cùng chung quan điểm: “Uy tín của một cá nhân luôn gắn liền với một tổ chức”! Khi anh không còn là người của một tổ chức thì uy tín của cá nhân chính là uy tín của riêng anh mà thôi!!!
          Trở lại cuốn sách “Từ Trang La Miên đến làng Đồn Xá” mà anh Trần Văn Phúc đã dành ra suốt hai năm trời để sưu tầm rồi viết. Tôi đã đọc nhanh bản thảo anh viết. Để viết về lịch sử hơn một ngàn năm của làng quê anh, anh đã dày công lần theo cội nguồn lịch sử đất nước từ thời Nhà nước Âu Lạc đến bối cảnh ra đời của triều đại nhà Lý. Vì Trang La Miên – làng Đồn Xá của anh có nguồn gốc “giao hòa” với những tù binh Chăm Pa nên anh đã viết những trang sách giàu tính lịch sử, tư liệu về đất nước Chăm Pa, lịch sử về ông Lý Quang Hiệu, cháu vua Lý Thánh Tông – một vị tướng tài có công với đất nước và là đức thành hoàng mà dân làng ông tôn thờ gần một ngàn năm qua. Tác giả còn viết khá tỉ mỉ về lịch sử, dư địa chí trong tiến trình hình thành và phát triển của làng Đồn Xá quê hương. Rất nhiều câu chuyện sinh động kể về đất, về người làng Đồn Xá mà anh Trần Văn Phúc đã dày công sưu tầm. Chuyện từ xa xưa, chuyện từ thời chống Pháp, chống Mỹ, chuyện thời bao cấp, những câu chuyện trồng, bán và hút thuốc lào của làng quê anh; chuyện về dòng sông quê hương, chuyện về những mảnh đời sau lũy tre làng; chuyện những ông cai, ông vệ của làng; chuyện về ngôi chùa, chuyện về những cổ vật bị mất, chuyện kể về những chàng trai rời làng Đồn Xá chiến đấu trên các mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vv…Đọc những câu chuyện anh kể, người đọc như được cùng tác giả trở lại với “sự chuyển động” sống động của đất và người của một làng cổ đất Việt hôm qua và hôm nay...
      Có thể nói cuốn sách “Từ Trang La Miên đến làng Đồn Xá” của hội viên Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn Trần Văn Phúc không chỉ thể hiện sự phong phú về hiện thực lịch sử mà còn giàu chất văn học. Những câu chuyện kể của tác giả dẫn dắt người đọc bằng một giọng điệu rất riêng, mộc mạc, dân dã và rất gần gũi của của làng quê đồng bằng sông Hồng. Bởi thế nó cuốn hút người đọc.
          Đại tá Trần Văn Phúc còn để lại ấn tượng mạnh với đồng đội ở Cơ quan Hội. Nhiều năm liền, anh là người kỳ công chọn ra 10 sự kiện ấn tượng nhất của Hội Trường Sơn Việt Nam trong năm và công bố trong dịp Gặp mặt Tất niên. Hầu như năm nào vào dịp gặp mặt Đầu xuân mới, anh và Phó Chủ tịch Hội – nhà thơ Hoàng Kiền cũng đọc tặng anh chị em Cơ quan Hội thơ chúc Tết của mình. Trang thông tin điện tử Trường Sơn công bố thơ chúc Tết của các anh đã nhận được sự đánh giá cao của độc giả. Với khả năng viết lách của mình, anh Trần Văn Phúc và anh Hoàng Kiền là 2 trong 87 hội viên sáng lập của Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn – ngày 22/3/2017…
 
          Giờ thì Đại tá Trần Văn Phúc đã đi gặp tổ tiên, ông bà và cha mẹ mình ở dưới cửu tuyền. Một cây bút của Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn đã ra đi mãi mãi.
          Một nhân cách Trường Sơn đã về trời!
       Anh để lại niềm tiếc thương và kính trọng của bao đồng chí, đồng đội Trường Sơn và Hội Trường Sơn Việt Nam.
        Một nhân cách Trường Sơn - một người lính Trường Sơn như anh sống mãi trong lòng biết bao đồng chí, đồng đội!

                   30 Tết Quý Mão, 2023.
         
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan