Tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh đầu tiên của Đoàn 559 mở đường Trường Sơn

Ngày đăng: 08:03 17/08/2019 Lượt xem: 2.123


       Tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh đầu tiên của Đoàn 559 mở đường Trường Sơn


                                 Nguồn: Cổng thông tin Điện tử Bộ Giao thông vận tải

Từ năm 1959 đến 1975, có nhiều vị tướng của quân đội ta đã chỉ huy chiến sĩ, dân quân, thanh niên xung phong xây dựng đường Trường Sơn, chi viện cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Trong số đó, có Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ. Ông là Tư lệnh đầu tiên của Đoàn 559, tổ chức làm Đường 20 - Quyết thắng, tuyến đường số 1 của Trường Sơn hùng vĩ.

 

Đường 20 - Đường Quyết Thắng

Đầu năm 1965, ông Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được Trung ương Đảng phân công làm Tư lệnh Đoàn 559 (còn gọi là Binh đoàn 12). Sau một thời gian nghiên cứu, ông Tuệ và các cộng sự báo cáo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về khó khăn của tuyến trên đường Trường Sơn. Cấp trên đồng ý phải khẩn trương làm đường khác thay đường 129, đường 12 để phá thế độc đạo.

Được phép của Hội đồng Chính phủ, Đoàn 559 sử dụng một lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) rất đông, hình thành các Tổng đội do Trung ương Đoàn tổ chức chuyên bảo đảm giao thông các tuyến đường. Bộ Quốc phòng tăng cường cho Đoàn 559 một số đơn vị pháo phòng không để đánh máy bay Mỹ bảo vệ con đường. Lực lượng ô tô vận tải được tăng cường. Tổng cục Hậu cần lựa chọn những xe tốt nhất cho Đoàn 559.

Để giữ bí mật, ông Tuệ thường ký công văn giấy tờ là Thiếu tướng Phan Thanh Xuân (Thanh Xuân là tên vợ ông. Vì thế, anh em nói đùa: “Tướng Phan Thanh Xuân đang vét quân của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ!”).

Tình hình rất khẩn trương, cả Bộ tư lệnh Đoàn 559 vừa được hình thành rồi vào núi rừng Trường Sơn. Trước khi đi, Bác Hồ đã gọi ông Tuệ lên gặp. Sau khi nghe ông báo cáo tình hình, Bác ôn tồn căn dặn: “Việc mở đường chi viện cho cách mạng miền Nam là cấp bách, có nhiều khó khăn. Nhưng vì miền Nam ruột thịt đang chờ đợi hậu phương tiếp tế, do đó, phải hết lòng, hết sức khắc phục khó khăn để phục vụ tiền tuyến. Đoàn kết một lòng, mưu trí, sáng tạo thì khắc phục được. Phải chăm lo các cháu TNXP. Tiêu chuẩn chế độ TNXP phải như quân nhân, Bác gửi lời thăm các chiến sỹ, công nhân, TNXP và dân quân ở các tuyến đường”.

Vừa tới binh trạm 12 ở chân đèo Mu Giạ, nơi Bộ Tư lệnh tạm thời đóng quân, đã thấy các đoàn về báo cáo tình hình triển khai lực lượng trên toàn tuyến. Túi nước Xiêng Phan dâng sớm hơn mọi năm. Lực lượng máy móc thi công tuyến đường mới đang được tập kết, gồm: Đoàn thi công cơ giới, thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đây là lực lượng mạnh nhất lúc đó. Khả năng làm được 5-6km/ngày. Đội cầu 4 GTVT gồm 10 kỹ sư, 156 công nhân. Bộ Quốc phòng cử vào Trung đoàn công binh 98. Đoàn 559 tăng cường 700 TNXP của tỉnh Hà Tĩnh, 800 TNXP của tỉnh Ninh Bình.

Để tiện quản lý và chỉ huy, toàn bộ đường Trường Sơn được chia ra 3 tuyến: Tuyến I dài 24km, tuyến I có 3 đường nhánh nhằm phá thế độc tuyến. Trung đoàn công binh 98 đảm nhiệm chủ lực tuyến này. Tuyến II từ S1 (gần SêPôn) đến S5, gồm cả nhánh B45 đi Quảng Trị - Huế dài 170km. Lúc này vận tải chủ yếu là gùi thồ, xe cơ giới không hoạt động vì ngập lụt, lầy lội. Trung đoàn công binh 297 đảm nhiệm tuyến này cùng với hai đội khai hoang của Bộ Nông trường. Hiện tại, có trung đoàn vận tải 265 gồm 200 xe đang chờ ở đây. Một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly, một đội giao liên, một tiểu đoàn bảo vệ. Tuyến III từ S5 đến S9 Tây Nguyên, có nhánh B46 về Quảng Ngãi;dài 256km, chia 4 binh trạm,

Quân số Đoàn 559 lúc này lên tới 20.000 người gồm nhiều lực lượng: quân nhân, công nhân, thanh niên xung phong... rải trên 2000km, trên nhiều tuyến ngang dọc, địa hình hết sức phức tạp, rừng suối chằng chịt. Tiền tuyến miền Nam yêu cầu từ tháng 6/1965 vận chuyển đến S8 là 1.200 tấn hàng, đến B46 là 390 tấn, đến B45 là 600 tấn. Ngoài ra, còn phải vận chuyển lượng hàng để nuôi sống Đoàn 559 lên tới 4.000 tấn.

Tuyến I dải Trường Sơn hùng vĩ được nhanh chóng hình thành kế hoạch thiết kế. Đường dài khoảng 150km, chia 2 mũi Đông, Tây cùng làm gặp nhau ở dốc Ba Thang, Thời gian chỉ còn 4 - 5 tháng, nên vừa thiết kế vừa thi công. Vì con đường mở với ý chí quyết tâm cao nên gọi nhiều tên khác nhau: Đường Thắng Lợi, đường Quyết Thắng, đường thắng Mỹ...

Lực lượng trực tiếp mở đường này rất lớn: Phải lấy thêm TNXP ở các tỉnh Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, hầu hết họ ở tuổi 20 vì thế đặt tên cho con đường là: “Đường 20!”. Đầu năm 1966, con đường 20 đã thông xe toàn tuyến. Mùa Xuân năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi suốt Đường 20 đến cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pha La Nhích. Tại đây, Đại tướng nhận xét: “Đường 20 Quyết thắng là một kỳ công kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên”. Đó cũng là lúc ông Phan Trọng Tuệ rời Trường Sơn đi nhận nhiệm vụ mới.

                                                            

Đồng chí Phan Trọng Tuệ (khi làm Bộ trưởng Bộ GTVT) kiểm tra cầu đường sắt qua sông Trà Khúc năm 1977

                 

Đường Hồ Chí Minh trên biển

Trước đó, giữa năm 1961, Phó Thủ tướng Phạm Hùng giao nhiệm vụ cho ông Phan Trọng Tuệ tổ chức mở đường trên biển để chi viện cho miền Nam, sau này gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển. Ông Tuệ chọn Xí nghiệp đóng tàu số 3 Hải Phòng làm chiếc tàu đầu tiên bằng loại gỗ tốt, mớn nước thấp, giống tàu cá, đạt tốc độ trên 10 hải lý/giờ, chịu được sóng gió bão cấp 7, trọng tải 30 tấn. Nếu ta chất lưới lên mặt tàu, thì hoàn toàn giống tàu đánh cá loại lớn mà người ta thường gặp ở vùng Biển Đông.

Chuyến vượt biển đầu tiên vào tháng 4/1962, do anh Bông Văn Dĩa, quê Rạch Gốc (Bạc Liêu) làm thuyền trưởng, chở vũ khí vào tận Nam Bộ. Sau thắng lợi của chuyến tàu gỗ đầu tiên, Trung ương yêu cầu Bộ GTVT thiết kế và đóng tàu sắt có trọng tải lớn hơn, có sức chịu đựng gió bão cao hơn, sức ngựa mạnh hơn, số lượng tàu nhiều hơn.

Ông Phan Trọng Tuệ (1917 - 1991) quê ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ông vào Đảng cộng sản Việt Nam năm 1934, nhập ngũ năm 1945. Từ năm 1939 đến 1940, là Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây, Hà Đông, sau đó phụ trách liên tỉnh Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây. Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt, xử án từ 27 năm và đầy đi Côn Đảo. Tháng 8/1945 ra tù, tiếp đó ông công tác ở Nam Bộ đến 1956. Tháng 3/1957 ông giữ chức Phó Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng, năm 1958 là Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy của lực lượng công an vũ trang. Năm 1961 là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Năm 1965 là Tư lệnh đầu tiên kiêm Chính ủy Đoàn 559. Từ 1974 đến 1975 là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Thường trực Hội đồng chi viện giải phóng miền Nam. Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa III, khóa IV, đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI. Được nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng. Tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai có nhà tưởng niệm ông Phan Trọng Tuệ và tại xã Vĩnh Quỳnh, Tam Hiệp (huyện Thanh Trì) có một con đường mang tên ông từ tháng 8/2005.

 

tin tức liên quan