Anh linh Liệt sĩ Trường Sơn - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 10:06 28/01/2020 Lượt xem: 2.002
ANH LINH LIỆT SĨ TRƯỜNG SƠN

                                                             Phạm Thành Long


 

     Những ngày đầu xuân, tôi miên man nghĩ về hiện tượng mưa đá và sấm chớp trong đêm giao thừa và sáng Mồng Một Tết Canh Tý năm nay. Tôi tin là có điềm gì đó thiêng liêng lắm. Dấu hiệu bất thường của thời tiết báo hiệu một điềm tâm linh tốt lành cho đất nước mình. Vì, như Tổng Bí thư - Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Vận nước của chúng ta đang lên...".  Đúng thế! Nếu Vận nước không đang lên thì làm sao chúng ta có hàng loạt tin vui tới tấp: Chủ tịch Hiệp hội các nước Asean, Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Huy chương vàng SeaGame 30 Bóng đá Nam và Nữ, Kim ngạch xuất nhập khẩu lần đâu tiên vượt ngưỡng 500 tỷ  đô la, tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, quốc gia thứ 6 làm được mạng 5G...
     Nghĩ về vận nước, khiến tôi lại nghĩ về cội nguồn của cơ đồ của đất nước hôm nay.
     Ông cha ta vẫn thường dăn dạy con cháu: “Nhờ ân đức của tổ tiên mà chúng ta mới được như ngày nay”. Hoặc như: “Nhờ hồng đức của tiên tổ mà con cháu mới được hiển vinh như ngày hôm nay”! Sự biết ơn ấy chính là đạo đức “uống nước nhớ nguồn” đã trở thành truyền thống, trở thành phẩm chất tốt đẹp và được trao truyền từ ngàn đời của người Việt Nam chúng ta.
      Điều ấy khẳng định rằng: Nhờ sự tạo dựng của tổ tiên đời trước mà con cháu đời sau mới được thụ hưởng cơ đồ vẻ vang... Trong quan niệm của người Việt Nam chúng ta, ai cũng hiểu: Anh linh của tổ tiên ngàn đời vẫn đã và đang phù trợ cho con cháu và đất nước. Đó không chỉ là quan niệm của chúng ta về tâm linh mà còn là điều được khẳng định trong thực tiễn cuộc sống!
      Anh linh của tổ tiên đã và đang đang phù trợ cho đất nước chúng ta hôm nay! Anh linh của các Anh hùng – Liệt sĩ Trường Sơn đang phù trợ chúng ta! Đó là điều mà từ lâu rồi không chỉ là tâm niệm của tôi. Điều ấy trên thực tế có những cơ sở chắc chắn thuyết phục tôi. Tôi để ý, tổng hợp và sâu chuỗi lại các sự kiện để củng cố cho niềm tin và sự tâm niệm của mình.
      Thiếu tướng Võ Sở năm Canh Tý này đã bước sang tuổi 92. Nhưng ông vô cùng minh mẫn và khỏe mạnh. Chỉ hai chiếc đầu gối thỉnh thoảng làm ông đau nên việc đi lại có vẻ không được dễ dàng như trước mà thôi. Từ nhiều năm nay, người đứng đầu Hội Trường Sơn Việt Nam chúng ta năm nào ông cũng vào viếng các Anh hùng – liệt sĩ Trường Sơn. Dù có lần chỉ công tác ở Quảng Bình nhưng ông đều tìm mọi cách để vào thắp nén hương thơm cho đồng đội ở nghĩa trang Trường Sơn. Có năm ông vào thăm các Anh hùng – Liệt sĩ Trường Sơn hai đến ba lần… Một lần tôi đi cùng Chủ tịch Võ Sở và đoàn công tác đã chứng kiến một hiện tượng rất lạ. Khi chúng tôi tới dâng hương tại Nghĩa trang LS Trường Sơn thì mây đen vần vũ. Trời đã lắc cắc mưa. Lạ thay, khi Chủ tịch Võ Sở và chúng tôi dâng hương hoa xong thì trời bỗng bừng sáng. Cơn mưa tưởng chừng đổ ụp xuống bay nãy giờ không còn mà thay bằng những làn nắng nhẹ... Có lần ngồi cùng xe với ông, tôi bảo: “Chú có được trí tuệ và sức khỏe như hôm nay cháu nghĩ một phần là nhờ anh linh các Anh hùng – Liệt sĩ Trường Sơn phù trợ cho chú đấy”!. Ông kém cha tôi năm sáu tuổi nên từ hồi ông làm Chính ủy Sư đoàn 471, tôi ít gọi ông là “thủ trưởng” hoặc “Chính ủy” mà xưng với ông bằng “chú”. Vì tôi quan niệm, xưng hô như thế không chỉ là sự kính trọng mà còn thân thiết và gần gũi hơn… Nghe tôi nói thế, ông chỉ cười. Ở cái tuổi như ông, không nhiều người có được trí tuệ minh mẫn và sức khỏe như ông. Năm 2019 ông đã đi công cán gần 20 địa phương trong cả nước. Xa như Hà Giang, Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Đắc Lắc, Kiên Giang… Những ngày cận Tết Canh Tý, ông đi Lạng Sơn, Hà Giang rồi Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế tặng quà, tặng chăn ấm cho các hội viên Trường Sơn nghèo… Sáng thứ hai và thứ năm hằng tuần, ông đều đặn ngồi xe ôm đến Cơ quan Hội để chủ trì giao ban và hội ý với lãnh đạo cơ quan về công việc của Hội. Nhiều việc lắm! Có hôm hơn 11 giờ 30 mà vẫn chưa giải quyết xong công việc. Hơn một trăm đầu mối (cuối năm 2019 còn 95 đầu mối trực thuộc), có biết bao việc phải nắm thông tin, phải chỉ đạo và triển khai hai hoạt động lớn của Hội. Lắng nghe, nắm bắt, tổng hợp tình hình rồi ông kết luận đâu ra đấy, kể cả những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách của Hội. Tất cả đều rõ ràng, mạch lạc. Bao giờ kết thúc “kết luận” của mình ông cũng đều hỏi lại: - “Có đồng chí nào có ý kiến gì không?”. Ông chưa bao giờ cho rằng kết luận của mình là ý kiến cuối cùng. Ông luôn luôn tìm sự đồng thuận ở đồng chí, đồng đội. Đây là kinh nghiệm, là phẩm chất cao quý của người dành gần trọn cuộc đời làm công tác chính trị  như ông. Nhiều lần ông tâm sự với chúng tôi: “Hội mình là Hội xã hội tự nguyện. Vì thế không thể vận hành theo kiểu hành chính, mệnh lệnh được. Phải tìm sự đồng thuận. Có đồng thuận thì Hội mới xây dựng được sự đoàn kết và phát triển”. Từ phẩm chất, từ sự điều hành ấy của ông mà tất cả anh em chúng tôi dù trước khi “họp mặt” ở ngôi nhà chung của Hội Trường Sơn, dù mỗi người một lĩnh vực, mỗi cơ quan, mỗi chức vụ khác nhau nhưng đều rất đồng thuận… Nghĩ tới đây, tôi lại nhớ lại có lần anh Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội ngồi với chúng tôi đã tâm sự thật: “Bây giờ ở Hội Trường Sơn chúng mình đều là những anh lính già cả. Thế mà làm việc thì như điên. Có một nhúm người ở Cơ quan mà thực hiện cả một núi công việc của cả một Quân khu! Kinh khủng quá!...” Có lẽ nhờ tấm gương tận tụy vì Hội của ông mà tất cả anh em chúng tôi ở Cơ quan Trung ương Hội đều làm việc quên mình với một khối lượng công việc có thể nói là khổng lồ so với tuổi tác.
      Trung tâm Tổ chức thăm chiến trường xưa Hội Trường Sơn Việt Nam của chị Vũ Thúy Lành ra đời từ đầu năm 2015. Tính đến nay, Trung tâm của chị đã tổ chức gần 100 chuyến đi thăm chiến trường xưa cho cả ngàn những chiến sĩ Trường Sơn và thân nhân của họ. Chị Lành và đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm đều không ai có kinh nghiệm tổ chức hoạt động du lịch. Ấy vậy mà từ đó tới nay chưa để xảy ra một bất cứ một tai nạn hoặc một sự cố mất an toàn nào! Có một điều khẳng định là: Bất cứ một chuyến đi nào Trung tâm đều tổ chức cho đoàn dâng hương viếng các Anh hùng – Liệt sĩ Trường Sơn! Phải chăng các anh linh liệt sĩ Trường Sơn đã phù trợ cho các chuyến đi của những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa?
      Năm 2019 kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Hội chúng ta theo cách nói vui thì từ Trung ương đến địa phương đều “tay không bắt giặc” cả. Ấy vậy mà năm 2019 chúng ta đã huy động được các nguồn lực xã hội và nguồn lực của chính hội viên được hơn 37 tỷ đồng! Đó là một con số không thể tưởng tượng được. Tất cả mọi việc của Hội triển khai trong năm 2019 đều thắng lợi tốt đẹp. Nếu không được anh linh của các liệt sĩ Trường Sơn phù trợ thì liệu chúng ta có đạt được con số “khủng khiếp” như thế không? Chắc chắn là không!
      Lâu nay, tôi đã đọc và nghe kể nhiều về những câu chuyện tâm linh ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi qua đêm ở Nghĩa trang Trường Sơn, anh đã “nghe được” những người lính Trường Sơn vẫn tập hợp đội ngũ đêm đêm… Năm 1974, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên cùng thuộc cấp mấy ngày liền chống gậy đi tìm vị trí làm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ông đã chọn khu vực Bến Tắt làm nghĩa trang Trường Sơn. Ngày ấy, khu vực Bến Tắt toàn là cỏ tranh và sim mua. Thế mà khi hình thành Nghĩa trang Trường Sơn không biết từ đâu có rất nhiều cây bồ đề mọc lên. Người ta bảo rằng, ở những nơi hội tụ khí thiêng của trời đất thì thường là nơi cây bồ đề mọc…
      Năm 2019, trong một lần ngồi nói chuyện với Đại tá Nguyễn Văn Dũng, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 11. Anh là con nuôi của Đại tá Ngô Mạnh Thu, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 471 Trường Sơn. Anh kể: Cậu Long, em trai vợ của anh một lần vào Huế. Cậu Long đã chuẩn bị mua rất nhiều hương với tâm niệm sẽ vào Nghĩa trang Trường Sơn thắp hương cho tất cả hơn 10 ngàn mộ liệt sĩ. Nhưng khi từ Huế trở ra đến Nghĩa trang Trường Sơn thì trời gần tối. Vì thế, cậu ấy chỉ vào thắp hương được ở Đài Tổ quốc ghi công. Toàn bộ mấy trăm bó hương trên xe, cậu ấy phải gửi lại, nhờ Ban Quản lý thay mình thắp hương cho các liệt sĩ. Trên đường trở ra Đồng Hới, Quảng Bình lốp xe của cậu ấy bị hết hơi. Cậu Long phải tạt vào tiệm sửa xe bên đường để sửa. Người thợ sửa xe thử đi thử lại mà không tìm thấy chỗ lốp bị thủng. Cậu Long lại lên đường. Đi được một đoạn lốp xe lại hết hơi. Lại vào tiệm sửa. Nhưng thử mãi vẫn không tìm thấy vết thủng của lốp. Đến lúc này, cậu Long chợt giật mình nhận ra lỗi của mình là đã không kịp thắp hương cho các mộ liệt sĩ như ý định ban đầu của mình. Điều đáng trách là cậu ấy đã không khấn tạ lỗi với các liệt sĩ mà chỉ vô tư gửi lại mấy trăm bó hương nhờ Ban Quản lý thắp hương hộ. Thế là cậu Long đã tịnh tâm, hướng về phía Nghĩa trang Trường Sơn lẩm rẩm khấn tạ lỗi với các anh linh liệt sĩ Trường Sơn… Lốp xe được bơm căng. Cậu ấy lại lái xe đi tiếp ra Đồng Hới. Cái lốp xe từ đấy cho tới khi về Hà Nội chả gặp một sự cố gì nữa! Thật kỳ lạ! Cậu Long thú nhận với em: “Các liệt sĩ Trường Sơn thiêng thật anh ạ. Nếu chuyện của người khác thì em chưa chắc đã tin. Nhưng đây là chuyện của chính em. Không tin không được anh ạ. Các anh linh liệt sĩ Trường Sơn đã cho em một bài học: Đã hứa, đã tâm niệm điều gì thì phải thực hiện cho bằng được! Và các liệt sĩ Trường Sơn cũng thật độ lượng. Khi em mắc lỗi nhận ra lỗi, các anh ấy đã bỏ qua cho! Thật không thể tin điều ấy lại là sự thật!.”
     Từ năm 1977, nhà thơ Trường Sơn Nguyễn Hữu Quý đã viết rất xúc động về đề tài về “mười ngàn ngôi mộ ở nghĩa trang Trường Sơn” trong bài thơ “Khát vọng Trường Sơn”. Những linh hồn của hơn mười nghìn người lính -  hơn mười nghìn ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn không hề nằm yên. Những anh linh ấy đã kết tinh thành “Anh linh Trường Sơn”. Dù thịt xương các đồng đội của chúng ta đã tan vào đất Mẹ, nhưng các “Anh linh Trường Sơn” vẫn ngày đêm phù trợ cho đất nước, phù trợ cho Hội Trường Sơn chúng ta…
     Hơn 40 năm trước, hơn 20 ngàn đồng đội thân yêu của chúng ta đã ngã xuống trên đại ngàn Trường Sơn. Dù còn hơn mười ngàn đồng đội vẫn còn nằm đâu đó rải rác trên đại ngàn Trường Sơn, họ chưa được đưa về đất Mẹ, chưa được đưa về các nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng tôi tin là tất cả họ đều đang tiếp tục phù trợ đất nước, phù trợ chúng ta để Trường Sơn mãi mãi bất diệt, mãi mãi trường tồn không chỉ trong những trang sách lịch sử mà trường tồn và hiện hữu mãi mãi trong cuộc sống của các thế hệ người Việt Nam chúng ta hôm nay.
      Chúng ta phải làm gì để xứng đáng với Anh linh của các liệt sĩ Trường Sơn?

      PTL
 
 

tin tức liên quan