BÁC HỒ VỚI MỘT BÀI BÁO NHỎ - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 10:11 28/03/2020 Lượt xem: 1.820
                  
                   BÁC HỒ VỚI MỘT BÀI BÁO NHỎ
                                                 Phạm Thành Long
Lời tác giả 

      Nhạc sĩ Phong Nhã, nguyên Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thiếu niên Tiền phong vừa qua đời ở tuổi 97. Ông làm Tổng Biên tập báo từ 1/6/1954 đến cuối năm 1966. Từ năm 1945, ông là cán bộ phụ trách thiếu nhi của Hà Nội. Năm 1952, ông là Phó Trưởng ban Thiếu nhi Thường trực Trung ương Đoàn. Ông được Ban Bí thư Trung ương Đoàn giao nhiệm vụ tổ chức xuất bản tờ báo dành riêng cho các em thiếu nhi theo chỉ thị của Bác Hồ.  
     Tôi trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết của tôi về sự kiện Nhạc sĩ – Tổng Biên tập Phong Nhã liên quan đến sự quan tâm của Bác Hồ khi Bác đọc và góp ý với Báo Thiếu niên Tiền phong những năm 60 của thế kỷ trước.  Nhạc sĩ Phong Nhã có 4 bài hát được bình chọn trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất Thế kỷ 20...

 
Một trưa tháng 4 năm 1964. Máy điện thoại của Tổng Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong – nhạc sĩ Phong Nhã - đổ một hồi chuông.
- Đồng chí có phải là Tổng Biên tập Phong Nhã, không?
- Vâng. Tôi là Phong Nhã đây. Xin lỗi ai ở đầu dây đấy ạ?
- Tôi là cán bộ Văn phòng của Bác đây. Bác vừa đọc bài báo „Sông Bạch Đằng từ cổ máu còn hồng“ của An Ly, đăng trên số báo Thiếu niên Tiền phong 361, ra ngày 10/4/1964 của các anh. Bác chỉ thị cho chúng tôi hỏi lại các anh về một chi tiết: Tấm bằng khen mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tự tay viết tặng dân làng Yên Hưng vùng Quảng Yên ngày xưa đã phối hợp với quân nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng...ngày ấy có còn lưu giữ được không? Nếu còn thì nay ở đâu?
Nhạc sĩ Phong Nhã quá bất ngờ trước tình huống này. Cách đây ít hôm, nhà sử học trẻ tuổi Lê Văn Lan (sau này là Nhà sử học nổi tiếng Lê Văn Lan), giảng viên Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – một cộng tác viên nhiệt tình của báo Thiếu niên Tiền phong đã gửi cho ông bài báo có tựa đề „Sông Bạch Đằng từ cổ máu còn hồng“, với bút danh An Ly (Lê Văn Lan lấy tên của con gái mình). Bài báo đưa ra một câu chuyện rất hay. Trong bài Lê Văn Lan kể về một câu chuyện còn lưu truyền trong nhân dân vùng Quảng Yên (Quảng Ninh) về việc Đại tướng quân Trần Hưng Đạo đã tự tay viết một tấm bằng khen gửi tặng dân làng Yên Hưng vì đã có thành tích trực tiếp giúp đỡ đội quân của Trần Hưng Đạo trong việc bí mật xây dựng hàng cọc trên sông Bạch Đằng chặn thuyền giặc. Hàng cọc bí mật ấy đã đâm thủng nhiều chiến thuyền của giặc Nguyên Mông, góp phần làm nên chiến thắng oai hùng của quân và dân ta trên sông Bạch Đằng thuở nào...  
Nhạc sĩ Phong Nhã phải thú thật với đồng chí cán bộ Văn phòng của Bác:
       -Thưa anh, chi tiết mà Bác hỏi bất ngờ quá. Để chúng tôi hỏi lại nhà sử học Lê    
Văn Lan, tác giả bài báo này rồi thưa lại với các đồng chí để báo cáo với Bác...
Khi được Tòa soạn trao đổi lại câu chuyện này, nhà sử học trẻ tuổi Lê Văn Lan cũng hoàn toàn bất ngờ. Anh vô cùng sung sướng và cảm động. Thật không ngờ một bài báo nhỏ của mình viết cho các em lại được Bác quan tâm đến từng chi tiết như thế. Theo đề nghị của Tổng Biên tập Phong Nhã, giảng viên sử học Lê Văn Lan đã viết một bức thư diễn giải về chi tiết về tấm „Bằng khen“ của Trần Hưng Đạo. Trong những lần đi điền giã nghiên cứu về vùng đất lịch sử Quảng Yên – nơi còn lưu giữ một bãi cọc Bạch Đằng mà lịch sử đã đề cập - anh đã thu thập được chi tiết còn lưu truyền trong nhân dân ở đây về tấm „Bằng khen“ của Trần Hưng Đạo. Đáng tiếc là do biến cố của thời gian mà dân làng Yên Hưng không còn lưu giữ được tấm „Bằng khen“ ấy... Bức thư của Lê Văn Lan sau đó được gửi kèm với bức thư của Tòa soạn gửi lên Văn phòng của Bác để báo cáo với Bác...
Câu chuyện về tấm „Bằng khen“ của Trần Hưng Đạo chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện biểu hiện sự quan tâm của Bác đến tờ báo dành cho các cháu của Đoàn Thanh niên. Cán bộ, phóng viên Tòa soạn xúc động, vui mừng và nghĩ rằng nếu tấm „Bằng khen“ của Hưng Đạo Vương mà giữ được đến ngày nay thì chắc chắn, Tòa soạn và tác giả bài báo sẽ nhận được những chỉ thị quý báu để tuyên truyền, giáo dục về lòng yêu nước, về tinh thần đoàn kết quân dân của cha ông ta cho thế hệ trẻ hôm nay...
Có một chi tiết vô cùng thú vị là: Ngày ấy, những người làm báo Thiếu niên Tiền phong (thập kỷ 50 của thế kỷ 20) còn khá ấu trĩ. Bởi vì cả Tòa soạn không một ai có nghiệp vụ báo chí cơ bản. Tất cả đều là những cán bộ Đoàn, cán bộ Thiếu nhi có một chút năng khiếu viết lách được phân công làm báo cho các em mà thôi. Vì thế nên có chuyện về cái măng sét báo. Trên nhiều số báo (nhất là từ sau ngày 1/4/1958, báo Thiếu niên Tiền phong chính thức trở thành tuần báo và có khuôn khổ 29 x 42 cm, thay vì khổ nhỏ ngay từ khi ra đời vào 1/6/1954), măng sét của tờ báo khi thì để ở đầu trang, lúc lại để ở cuối trang. Có số báo măng sét lại được để ở giữa trang báo. Tòa soạn „phó mặc“ cho họa sĩ trình bày bìa và tít báo.  
Một hôm, Tổng Biên tập Phong Nhã đã nhận được một bức thư nhỏ góp ý của Bác. Trong thư Bác viết „...Tên của tờ báo mà các chú lúc thì để ở trên, lúc thì các chú lại để ở bên dưới. Các chú cho nó „chạy nhảy lung tung“ thế thì các chú giáo dục tính kỷ luật, trật tự cho các cháu thế nào được...“
Khi đọc bức thư của Bác, Tổng Biên tập Phong Nhã và cả Tòa soạn như „bừng tỉnh“ trước „sự hồn nhiên chủ nghĩa“ và sự ấu trĩ trong làm báo của mình...
Với sự nhạy cảm của một nhà báo vĩ đại, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học đắt giá về làm báo cho những người làm báo cho thiếu nhi của Thiếu niên Tiền phong.
PTL
 

     Năm 1999, 4 Tổng Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong các thời kỳ đã lên thăm nơi ra đời báo TNTP số đầu tiên tại Xóm Dõn, xã Thanh Sơn, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang - nằm trong Chiến khu Tân Trào năm xưa.
    TBT báo TNTP đầu tiên - Nhạc sĩ Phong Nhã, thứ 2 từ phải sang hàng ngồi bên cạnh là tác giả.
 
  Ảnh Xuân Tiến.

 

tin tức liên quan