Chúng tôi vào bộ Tổng Tham mưu ngụy - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 02:12 30/04/2020 Lượt xem: 2.115
CHÚNG TÔI VÀO BỘ TỔNG THAM MƯU NGỤY SÀI GÒN
                                                             Phạm Thành Long



Hình ảnh Bộ Tổng Tham mưu ngụy Sài Gòn trước lúc bị quân ta tấn công.


          Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 471 đã tung hơn 1.600 chiến sa phục vụ Chiến dịch. Đấy là chưa kể gần một ngàn xe của sư đoàn vẫn ngày đêm mải miết phục vụ kế hoạch vận chuyển chiến lược được giao. Hơn 1.600 chiến sa được tung về Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3 cơ động lực lượng chủ lực của hai Quân đoàn này đi sau xe tăng, xe bọc thép tấn công Sài Gòn theo các hướng của chiến dịch.
            Các mũi tiến công của Quân đoàn 3, Quân đoàn 1 đã ào ạt đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy và Nha Cảnh sát Quốc gia, Nha Cảnh sát Đô thành…
          11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc. Miền Nam hoàn toàn được giải phóng.
          Chiều 30/4/1975, Cơ quan sư đoàn bộ 471 chúng tôi lúc này đóng đại bản doanh tại rừng cao su Phú Riềng, thuộc huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước.
          Sáng sớm ngày 1/5/1975, Tư lệnh Sư đoàn - Thượng tá Nguyễn Lạn, điện xuống Ban Tuyên huấn, lệnh cho tôi mang máy ảnh, súng ống đi theo ông vào Sài Gòn. Tôi mừng vô cùng. Ngày 30/4 tôi và cả cơ quan sư đoàn như sống trong mơ. Tin điện từ các tiểu đoàn, trung đoàn theo các mũi tấn công của các Quân đoàn chủ lực báo về tới tấp. Chúng tôi còn mở radio liên tục để theo dõi diễn biến của chiến cuộc…Hôm nay được tháp tùng Tư lệnh vào Sài Gòn thì còn vinh dự nào hơn. Khi tôi ra xe thì Tư lệnh đã ngồi trên xe từ lúc nào. Cùng đi còn có anh Nguyễn Kim Chúc, trợ lý tác chiến. Anh vẫn được Tư lệnh gọi thân mật là “ông giáo” và là cán bộ tác chiến được ông rất tín nhiệm và quý mến nhất. Anh Kim Chúc và tôi rất có duyên được đi công tác cùng nhau nhiều chuyến. Ngay khi ta đánh căn cứ Đức Lập thì tôi và anh cùng tháp tùng Tham mưu trưởng sư đoàn Nguyễn Thuận Quảng và Phó Chính ủy Phan Biên vào đây thị sát tại đây… Cậu Trợ, cần vụ, Nguyễn Văn Ơn lái xe của Tư lệnh từ nhiều năm nay. Tất cả đều đã sẵn sàng. (Nguyễn văn Ơn sau này chuyển ngành ra làm Đội phó Đội lái xe của Tổng Cục Bưu điện, nay là Bộ Thông tin và truyền thông. Hai vợ chồng Ơn đều làm trong ngành bưu chính viễn thông. Và họ đều đã nghỉ hưu tại Hà Nội).
           Trước khi xuất phát, Tư lệnh nói ngắn gọn: Chúng ta vào Sài Gòn làm việc với Quân đoàn 1 và kết hợp thị sát tình hình Sài Gòn sau 30/4. Cậu Thành Long chuẩn bị máy ảnh thế nào rồi?

      -Báo cáo Tư lệnh tôi đã chuẩn bị máy ảnh, sổ sách ghi chép đầy đủ rồi ạ. Rồi ông đùa vui:
      -Thế thì đi thôi chứ “cán bộ đường lối” Nguyễn Văn Ơn nhỉ? Mọi người trên xe cùng cười vui.
      Xe chúng tôi chạy thẳng ra đường 14, qua Đồng Xoài rồi rẽ vào đường 13 ở Chơn Thành. Chi khu Chơn Thành rợp cờ giải phóng. Dọc đường 13 chúng tôi qua Bến Cát. Hai bên đường ở đây ngổn ngang quần áo, dày, mũ, ba lô, súng ổng của lính ngụy trút bỏ trên đường tháo chạy. Một cảnh tượng mà chưa bao giờ chúng tôi được chứng kiến. Thỉnh thoảng lại có một chiếc xe của địch, chiếc thì bị cháy, chiếc thì bỏ lại bên đường. Chúng đều mang biển số của quân đội ngụy. Xe lướt qua thị xã Thủ Dầu Một vừa giải phóng. Đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh xe, pháo, vũ khí trang bị, quần áo, mũ dày của quân ngụy vứt bỏ ngổn ngang trên đường. Trong tôi rộn lên một tình cảm thật khó diễn tả. Tôi lâng lâng trước cảnh tượng hai bên đường mà tôi được tận mắt chứng kiến. Tôi tranh thủ bấm máy ghi lại một số hình ảnh ấn tượng trên đường đi. Xe qua Lái Thiêu thì cảnh tượng tàn quân ngụy vứt bỏ đồ đoàn kéo dài gần một cây số. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng về một vùng cây trái sum suê suốt hai bên đường ở đây. Sầu riêng, chôm chôm, xoài, măng cụt sai chĩu quả hai bên con đường 13 chạy xuyên qua thị trấn Lái Thiêu.
      Chúng tôi băng qua cầu Bình Triệu để vào trung tâm Sài Gòn. Khi qua cầu Bình Triệu chúng tôi mới thấm thía thế nào là sức mạnh thần tốc của quân đội ta. Ngay phía đầu cầu Bình Triệu là chốt phòng ngự của lính Sài Gòn. Lô cốt đầu cầu, xe tăng án ngữ, vật cản là những bao cát, rào chắn…Tất cả đều ngổn ngang. Một chiếc xe tăng ngụy bị bắn cháy nằm gục bên đường. Có vài chiếc xe GMC nằm yên bên vệ đường cạnh chốt canh… Một số vật cản đã được bộ đội ta gạt ra hai bên đường để có chỗ cho quân ta ào ạt tiến về trung tâm. Chiếc cầu sắt to rộng bắc qua sông Sài Gòn còn nguyên vẹn. Trước sức tấn công như vũ bão của quân đội ta chúng chưa kịp phá cầu Bình Triệu như kế hoạch…
     Đường phố Sài Gòn bây giờ đông nghịt. Người dân Sài Gòn đổ ra đường mừng chiến thắng khiến giao thông tắc nghẽn. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tới được đường Công Lý – nơi Bộ Tổng Tham mưu ngụy đóng đại bản doanh. Lô cốt, bốt canh hai bên cổng vào Bộ Tham mưu ngụy đã được thay thế bằng hình ảnh anh bộ đội mũ cối (tôi xin nhắc lại là bộ đội đội mũ cối có gắn quân hiệu ngôi sao vàng, chứ không phải là mũ tai bèo) bồng súng hiên ngang đứng canh. Nơi này hiện nay do Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 sau khi đánh chiếm và tiếp quản luôn.
      Được hướng dẫn của các đồng chí vệ binh, chiếc xe con của Tư lệnh chạy dọc con đường trải nhựa phẳng phiu rất rộng mang tên đường Trần Hưng Đạo để chạy vào trung tâm của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu ngụy.
         Đón chúng tôi là một đồng chí cán bộ trẻ. Vì lý do bảo vệ, chỉ Tư lệnh và trợ lý Nguyễn Kim chúc mới được vào gặp và làm việc với đồng chí Tư lệnh và Chính ủy Quân đoàn 1. Còn tôi, cậu cần vụ và lái xe Nguyễn Văn Ơn phải chờ ở ngoài.
      Tranh thủ, tôi đi tới một ngôi nhà lớn để xem xét. Hóa ra, tôi đang đứng trước một phòng thư viện lớn của quân ngụy. Biết bao nhiêu là sách. Một số cuốn bị vứt ngổn ngang dưới mặt đất. Chắc chắn đây là bàn tay của bộ đội ta. Tôi vô tình nhìn thấy một cuốn sách có cái tít cuốn hút sự chú ý của tôi “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Sách khá dày. Tôi mở xem. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy bức ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang ngồi võng, tay cầm cuốn sách. Bức ảnh chụp trong vùng căn cứ Trung ương cục Miền Nam. Rồi ảnh đồng chí Đồng Văn Cống, Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Miền và Phó tư lệnh Lê Đức Anh đang xem phim cùng cán bộ, nhiên viên trong Bộ Tư lệnh Miền… Lúc ấy tôi không thể nào trả lời được câu hỏi tự mình đặt ra: Chả lẽ bọn tình báo của Mỹ ngụy lọt được vào căn cứ của ta? Tại sao chúng có được những hình ảnh này? Cuốn sách còn chụp rất nhiều cảnh ném bom, đánh phá trên đường Trường Sơn mà chúng gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh”… Tôi cầm cuốn sách nhét vội vào túi công tác mang về đọc. Rất tiếc, sau này tôi đi Viện quân y 175, rồi từ đây được chuyển ra Bắc cuối tháng 2/1976, cuốn sách để lại cùng nhiều phim ảnh chụp ở chiến trường cho anh em Ban Tuyên huấn tiếp quản. Tôi không còn biết về số phận của cuốn sách ấy nữa.
       Gần quá trưa, Tư lệnh và anh Chúc vẫn chưa quay ra. Chắc hai người được Chỉ huy Quân đoàn 1 mời ăn trưa rồi. Phải tự lo thôi. Tôi kéo cậu Trợ đi dọc con đường Trần Hưng Đạo trở ra phía ngoài cổng. Dọc con đường này có rất nhiều ngôi biệt thự dành cho các tướng ngụy. Đi qua một ngôi biệt thự hai tầng rất đẹp. Thấy cửa mở. Chúng tôi bước vào. Có 3 cậu lính trẻ của Sư đoàn 320B đang canh giữ ngôi nhà. Chúng tôi nhanh chóng làm quen. Một cậu đang chuẩn bị nấu ăn. Thấy thế, tôi bảo họ cho hai đứa bọn tôi ăn cơm với. Một cậu bảo: “Bọn em vừa lục thấy nhà còn gạo. Thức ăn thì không có gì đâu anh. Chỉ có một chai sì dầu mà ngoài bắc mình kêu là magi thôi ạ”. Tôi bảo: Có cơm ăn là tốt rồi! Ở Trường Sơn bọn tớ có khi mấy tháng chả có cơm mà ăn cơ. Nghe tôi nói thế, hai cậu lính trẻ mới nhập ngũ năm 1974, quê Nam Hà bảo: May quá. Bọn em chưa phải đói như các anh…
12 giờ trưa. 5 đứa chúng tôi ăn cơm. Cơm gạo trắng muốt. Một bát nước sì dầu đặc được rót ra. Thế mà mỗi đứa chúng tôi đánh liền ba bát một cách ngon lành. Bữa cơm ngon như chưa bao giờ được ăn ngon như thế. Phần vì đói, phần vì cơm trắng, lại dẻo ngon, rưới với sì dầu ăn sao ngọt thế!
       Ăn xong, các cậu lính dẫn chúng tôi đi xem ngôi nhà. Tôi bước vào một căn phòng làm việc của chủ nhà. Trên bàn, tôi thấy có cái biển tên đề “Trung tướng Hoàng Xuân Hãn”. Lúc này chúng tôi mới biết là ngôi biệt thự này là của gia đình Trướng Hoàng Xuân Lãm. Nghe đài, tôi cũng biết loáng thoáng về tên tướng ngụy này. Chỉ biết thời mùa hè năm 1972 ở Quảng Trị thì tướng Hoàng Xuân Lãm là Tư lệnh Quân đoàn 1. Và Hoàng Xuân Lãm đã bị cách chức sau thất bại ở Quảng Trị và bị đưa về Sài Gòn. Mãi sau này có dịp tìm hiểu, tôi mới biết rõ hơn về tên tướng ngụy Hoàng Xuân Lãm. Ông ta sinh năm 1928 ở Quảng Trị. Ông ta từng tốt nghiệp trường Võ bị của Pháp, rồi qua một Học viện quân sự danh tiếng của Mỹ. Ông ta từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 ngụy đóng ở Buôn Ma Thuột, rồi phụ trách Binh chủng thiết giáp của ngụy, sau đó là Sư trưởng Sư đoàn 2 ngụy rồi Tư lệnh Quân đoàn 1. Năm 1971, Hoàng Xuân Lãm là Tư lệnh của cuộc hành quan Lam Sơn 719 ngăn chặn đường Trường Sơn. Sau khi bị cách chức, ông ta về làm Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng ngụy…Ngày 29/4/1975, ông ta cùng gia đình xuống Vũng Tàu và di tản trên một tàu quân sự của Sài Gòn. Ông ta mất năm 2017 tại thành phố Davis, bang Caliphonia, Hoa Kỳ…
      Trong ngôi biệt thực này đồ đạc còn nguyên vẹn. Tôi đặc biệt ấn tượng về chiếc bàn làm việc của tướng Lãm. Nó rất rộng. Trên bàn có để một cái hang núi nhỏ bằng kim loại. Trên đó có một đoạn ray chạy ra bên ngoài. Chúng tôi tò mò muốn biết đây là cái gì. Ngắm nghía một hồi. Tôi tìm thấy một cái công tác trên bàn. Tôi ấn núi. Tức thì một cô gái rất đẹp từ trong cái hang núi chạy ra theo đường ray. Tới cuối đường ray, cô gái bằng kim loại này dơ một chân lên theo động tác vũ ba lê. Một ngọn lửa bỗng xòe ra từ ngã ba chân của cô ta… Thì ra đây là một cái bật lửa rất sexsi phục vụ cho việc hút thuốc của Tướng Lãm. Thật hết nói về thói ăn chơi của các tướng ngụy Sài Gòn.
      Trên bàn còn để một chiếc giá nhỏ cắm tới 9 chiếc can chỉ huy. 9 chiếc can chỉ huy này làm bằng các chất liệu khác nhau: gỗ mum, gỗ trắc, xương, nhựa… Mấy cậu lính trẻ 320B mỗi cậu cầm một chiếc can bằng gỗ bóng loáng và có nhiều vân rất đẹp để làm kỷ niệm. Tôi chọn một chiếc màu ngà ngà, hai đầu có bịt bạc màu đã ngả xám vì bụi bậm…Xem kỹ, tôi nghĩ bụng, đây rất có thể là ngà voi hoặc bằng xương gì đó…
        Đặc biệt ấn tượng là khi chúng tôi bước vào một căn phòng để máy móc. Một cái máy khá đồ sộ choán gần hết căn phòng rộng phải hơn 30 mét vuông. Chúng tôi không biết là loại máy móc gì. Tôi tìm đọc cái đề can của máy, thì biết đây là một chiếc máy tính điện tử (chả là từ năm 1972, chú em tôi là Nguyễn Văn Vinh – phóng viên Đài truyền hình Việt Nam, nay là Cố vấn truyền thông đối ngoại của Hội Trường Sơn Việt Nam gửi vào chiến trường cho tôi cuốn “Tự học tiếng Anh của Vũ Tá Lâm”. Phó Chủ nhiệm hậu cần Binh trạm 35 Nguyễn Văn Nhâm ra Hà Nội công tác đã mang vào giúp tôi). Vì thế tôi mới võ vẽ đọc và hiểu được cái đề can của chiếc máy này.             Tên tướng tốt nghiệp hai trường đại học này rất chịu khó đầu tư cho con cái của ông ta…
     
       Ngồi trên ô tô trở về căn cứ Sư đoàn, xe chúng tôi vẫn rất vất vả mới thoát ra được trung tâm thành phố để qua cầu Bình Triệu...
        Sau này, tôi được biết Tư lệnh Quân đoàn 1, Thiếu tướng Nguyễn Hòa và Thiếu tướng Chính ủy Hoàng Minh Thi đã làm việc với Tư lệnh Sư đoàn 471 Nguyễn Lạn. Hai ông đã cám ơn Bộ Tư lệnh sư đoàn 471 đã cử lực lượng thiện chiến cơ động đội hình của Quân đoàn 1 tiến công theo hướng Bắc của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Các mũi tấn công của Quân đoàn đã đánh địch giải phóng các mục tiêu: Phú LợiBến CátBình DươngLai KhêTân Uyên, đánh chiến Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Hai ông thân mật và hết lời ca ngợi cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 471. Chính ủy Hoàng Minh Thi nói: “Qua cuộc chiến đấu này, lái xe Trường Sơn đã tỏ ra rất thiện chiến. Các đồng chí thật dũng cảm, mưu trí, tháo vát. Không những thông thạo trên địa hình rừng núi, mà các đồng chí lại có kinh nghiệm chống máy bay, bộ binh địch và trực tiếp cùng bộ binh chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt địch…”
      Ngay buổi chiều 1/5/1975, Bộ Tư lệnh Sư đoàn nhận được mệnh lệnh của cấp trên vào đóng quân tiếp quản căn cứ Sư đoàn Thủy quân lục chiến của ngụy tại Sóng Thần (cách không xa Ga Sóng Thần). Cơ quan sư đoàn bộ đã hành quân ngay lập tức từ Phú Riềng vào Sóng Thần…
       Tôi sẽ nói về những ngày ở căn cứ Sóng Thần và Long Bình trong một bài báo khác.

tin tức liên quan