Một tin vui đặc biệt!

Ngày đăng: 10:54 07/09/2020 Lượt xem: 1.629
     MỘT TIN VUI ĐẶC BIỆT
                                                                 Phạm Thành Long
 
      Cách đây khoảng ba tháng, tôi đến nhà riêng họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ. Anh khoe anh mới hoàn thành bức tranh sơn dầu khổ lớn vẽ Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp câu nói nổi tiếng: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng phải giành cho được độc lập”.
      Hôm ấy sau khi xem bức tranh mới vẽ của anh, tôi và anh còn đàm đạo nhiều về tranh và về những ký ức về Trường Sơn. Rồi anh cũng khoe với tôi:

     -Ông Thành Long này, Vingroup họ có ý định trưng bày toàn bộ gia tài của tôi vẽ về Trường Sơn ở Hà Nội đấy ông ạ.
     -Thế họ mua tranh của anh à? Một gia tài khổng lồ đấy?
     Nghe tôi nói thế, anh Dụ chuẩn bị châm điếu thuốc lào đã rãy nảy lên:
     -Bán là bán thế nào?
     -Thế họ mượn tranh của anh à? Tôi hỏi tiếp.
    -Không! Nhưng cũng có thể cho là như thế đi…Nhưng thôi, không nói về chuyện này nữa. Khi nào chắc chắn chuyện này, tôi sẽ thông báo với Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn nhé…



Họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ tại phòng tranh của anh ở nhà riêng.
 
     Từ đấy, tôi cứ luẩn quẩn nghĩ về số phận những bức tranh Trường Sơn của anh. Anh là họa sĩ có số lượng tranh vẽ về Trường Sơn nhiều nhất Việt Nam. Những bức tranh về Trường Sơn đã làm nên “thương hiệu” họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ. Và tranh của Nguyễn Đức Dụ cũng đã góp phần làm cho Trường Sơn sâu đậm hơn cho lòng công chúng yêu nghệ thuật và xã hội. Từ lâu, đồng đội và những người yêu tranh đã gọi anh là họa sĩ của Trường Sơn – họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ.
     Tôi vô cùng cảm phục về những việc anh đã làm vì Trường Sơn suốt mấy chục năm qua. Anh đã dành tâm sức, trí tuệ, sức sáng tạo và tiền bạc để tiếp tục sáng tác, để thể hiện những bức tranh ký họa vội vàng ngày nào ở Trường Sơn thành những bức tranh sơn dầu khổ lớn, sống động. Chỉ có mầu sắc mới diễn tả gần nhất với hiện thực máu lửa của Trường Sơn trong chiến tranh. Hơn 30 bức tranh sơn dầu về Trường Sơn khổ lớn đã được anh hoàn thành trong thời gian qua. Chỉ có 4-5 bức tranh nhỏ khổ 0,9 x 0,7 mét. Còn lại toàn là những bức có khuôn khổ 2,4 x 1,5 cm. Chưa kể việc đầu tư vải toan để vẽ tranh, số sơn dầu đầu tư cho vẽ tranh đã là một khoản kinh phí khá lớn rồi. Đấy là chưa kể chuyện bỏ tiền đóng khung đẹp và gỗ tốt cho những bức tranh. “Có lẽ lương hưu của một trung tá về hưu của anh đã dồn hết vào việc vẽ tranh?”. Tôi nghĩ thế.  Rồi chuyện anh tổ chức gần 20 cuộc triển lãm tranh tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tại Hải Dương quê hương anh và tỉnh Nam Định…Để tổ chức gần 20 cuộc triển lãm tranh cá nhân về Trường Sơn phải cần một khoản kinh phí khổng lồ! Vì Trường Sơn, Nguyễn Đức Dụ đã không tiếc chuyện gì trong suốt mấy chục năm qua… 
      Một phòng trưng bày gần 1000 mét vuông giữa Thủ đô là một một khoản đầu tư không nhỏ? Rồi chuyện treo tranh, bảo quản tranh, rồi còn tiền trả cho nhân viên bảo vệ, hướng dẫn xem tranh…Cả một đống kinh phí chứ đâu phải chuyện nhỏ. Liệu Vingroup có sẵn sàng làm chuyện đầu tư không sinh lợi ấy không nhỉ?... Tôi có chút hoài nghi…



Người yêu tranh xem triển lãm tranh về Trường Sơn tại TP Nam Định, tháng 12/2019.
 
     Thế rồi chiều muộn hôm qua – chủ nhật 6/9/2020, anh Dụ gọi điện cho tôi. Giọng anh rất vui:

      -A lô, có phải ông Thành Long đấy không? Tôi Đức Dụ đây.
      -Ghớm, không phải giới thiệu đâu. Nghe giọng ông anh thì ai mà lẫn được với giọng anh Dụ “toét” cơ chứ!
     -Cái ông phải gió này, nhắc tên “húy” Trường Sơn làm gì nữa. Này, tôi chính thức thông báo với ông nhé: Chắc chắn ngày kia, 8/9/2020, đại diện Vingroup họ tới làm biên bản và thẩm định để tôi bàn giao 300 bức tranh Trường Sơn của tôi cho họ đấy. Họ mới gọi điện khẳng định với tôi như thế! Họ cam kết với tôi sẽ dành ra khoảng 1000 mét vuông để treo 300 bức tranh sơn dầu và ký họa của tôi vẽ về Trường Sơn, ông ạ.
       -Họ làm bảo tàng tranh về Trường Sơn, hả anh?
      -Bảo tàng thì còn nhiều chuyện phải đầu tư cho nó lắm ông ạ. Nhưng trước mắt họ dùng diện tích ấy để treo tất cả tranh của tôi lâu dài, nhằm giới thiệu với công chúng.
       -Thế thì tốt quá rồi anh. Xin chúc mừng ông anh!
       -Này tôi hỏi thật nhé! Theo ông chuyện này có nên không?
       -Rất nên, anh ạ. Riêng việc quả bá cho những bức tranh Trường Sơn của anh thì cũng đã quá tốt rồi!
       -Ông nói thế thì tôi yên tâm rồi.
       -Chúc anh nhiều thuận lợi trong việc lớn này nhé!...



HS Đức Dụ tặng tranh cho Bảo tàng tỉnh Nam Định, 12/2019.
 
       Chiều muộn hôm nay, ngày 7/9/2020, anh Nguyễn Đức Dụ lại gọi cho tôi.

      -Chắc chắn 10 giờ sáng mai Vingroup họ đến ký biên bản với tôi ông ạ. Ký xong là chuyển tranh đi luôn. Mấy ngày nay tôi suy nghĩ lắm. Mừng thì mừng đấy nhưng buồn và bịn rịn lắm…
      Tôi hiểu tâm trạng của anh lúc này. Với các nghệ sĩ thì mỗi tác phẩm là những đứa con tinh thần thực sự của họ. Bởi người sinh ra nó đã dồn hết tâm sức, trí tuệ và sự sáng tạo cho “đứa con” của họ. Bây giờ phải xa chúng, nhớ lắm, bịn rịn lắm chứ…
      -Em xin chia sẻ cùng anh. Mấy ngày qua, em chưa thật tin chuyện anh thông báo đâu. Bây giờ thì em đánh giá cao tầm nhìn của Vingroup, anh ạ. Không phải doanh nghiệp nào cũng dám đầu tư một số kinh phí lớn cho việc làm phi lợi nhuận này đâu anh ạ. Nhưng cách làm văn hóa độc đáo của Vingroup là bước đi chiến lược đặc biệt của họ, anh ạ. Rồi đây phòng tranh của anh sẽ là một địa chỉ văn hóa, du lịch độc đáo vừa có ý nghĩa về văn hóa nghệ thuật, vừa có giá trị về lịch sử. Em nghĩ, chính vì tầm vóc của Trường Sơn và giá trị nghệ thuật và lịch sử của những bức tranh của anh đã khiến Vingroup đi đến một quyết định độc đáo này anh ạ.
       -Tôi phải biết ơn cô Phó Tổng Giám đốc Vingroup Phạm Thúy Hằng, ông ạ. Đây là ý tưởng của cô ấy đấy. Việc trưng bày triển lãm “Con đường Trường Sơn” tháng 4/2019 nhân kỷ niệm “60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” cũng là ý tưởng của cô ấy đấy, ông ạ… Nhưng tôi vẫn thấy bịn rịn lắm ông ạ. Đành rằng mình vẫn là chủ sở hữu của 300 bức tranh ấy, nhưng suốt mấy chục năm qua tôi đã sống với "chúng nó" rồi. Giờ phải xa chúng nó, mình nhớ lắm chứ, ông!
        -Nhưng anh phải nghĩ xa hơn một chút: Cái phòng vẽ của anh bé tí, với hầm bà làng đủ thứ. Chỉ sơ xẩy là hỏa hoạn. Và anh để tranh trong môi trường ấy rất vừa không an toàn, vừa nhanh hỏng tranh… Giờ được họ bảo quản giúp anh, lại quảng bá tranh cho anh, anh chả mất một đồng xu nào. Quá tốt rồi! Rất nên, rất nên anh ạ. Đừng chần chừ nữa! Đây còn là cơ hội không chỉ của riêng anh đâu mà còn cả của Trường Sơn chúng ta đấy. Dễ gì ở giữa Thủ đô mà có một địa chỉ văn hóa nghệ thuật, lịch sử về Trường Sơn như thế đâu anh.
          -Ký nhé! Sáng mai tôi ký nhé!
         -Ký ngay, ký liền đi, đừng do dự nữa. Chúc mừng anh! Em sẽ thông báo lên zalo của Hội về tin vui này và sẽ viết bài đưa lên Trường Sơn điện tử, anh ạ.
          -Ông nói thế, tôi yên tâm rồi. Nhớ thông báo cho các cụ biết nhé. Chào ông!
 
         Anh Dụ cúp máy rồi mà tôi vẫn chưa hết mừng! Đây không chỉ là tin vui riêng của họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ mà còn là tin vui với Hội Trường Sơn Việt Nam. Một cơ hội quảng bá về Trường Sơn mà không tốn một đồng xu. Có lẽ đây là một sự kiện, một cơ hội đặc biệt có một không hai để có một địa chỉ văn hóa – nghệ thuật và lịch sử Trường Sơn giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến.
          Tôi thầm nghĩ: Có phải anh linh Trường Sơn đã tạo cho anh Nguyễn Đức Dụ và Trường Sơn chúng ta cơ hội đặc biệt này không nhỉ?
 
          22 giờ đêm 7/9/2020
 

tin tức liên quan