BẢO TÀNG "THẾ GIỚI CÀ PHÊ" CỦA TẬP ĐOÀN TRUNG NGUYÊN

Ngày đăng: 04:32 06/03/2021 Lượt xem: 2.713
BẢO TÀNG "THẾ GIỚI CÀ PHÊ" CỦA TẬP ĐOÀN TRUNG NGUYÊN

    Đến TP. Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc, khách du lịch không thể bỏ qua một địa chỉ du lịch thú vị. Ấy là Bảo tàng "Thế giới cà phê" của Tập đoàn Trung Nguyên. Bảo tàng nằm trong "Thành phố Cà phê Trung Nguyên" rộng 40 héc ta. Khuôn viên của Bảo tàng khoảng hơn 1 hé ta. 
     Toàn bộ 5 khối nhà trưng bày của Bảo tàng được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên - Nhà Rông của đồng bào dân tộc Ba Na. Chất liệu đá kết hợp với bê tông vừa cổ kính vừa hiện đại.
    Có thể nói, du khách khi đi xem Bảo tàng sẽ được trở lại quá khứ lịch sử trồng, sản xuất, chế biến và thưởng thức cà phê lâu đời của thế giới và Việt Nam. Du khách tận mắt được xem những dụng cụ thu hái, sơ chế cà phê của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên xưa khi thứ quả được chế biến thành một thức uống được Pháp mang vào trồng và phát triển tại Tây Nguyên từ cuối thế kỷ thứ 19; được thấy các loại dụng cụ thu hái cà phê, các loại cân, máy xoay sát, chế biến, pha chế cà phê đến các loại hòm hộp đựng cà phê... lâu đời ở Brazin và các nước Nam Mỹ - quê hương của cây cà phê; thấy được các loại dụng cụ, các loại máy pha chế cà phê công nghiệp và trong các gia đình ở Đức và Châu Âu... Bảo tàng còn có các biểu đồ diễn tả tỷ trọng kinh tế từ ngành cà phê thế giới...giúp người xem hiểu được vị trí của kinh tế cà phê hiện nay của loài người...
     Đầu tháng 12/2020 vừa qua, tôi có chuyến vào Đắc Lắc. Khi đến thăm  Bảo tàng, tôi đã bị nó mê hoặc bởi sự độc đáo có một không hai trên Thế giới của Bảo tàng. Tôi được biết cách đây hơn 20 năm. Một lần đi nghiên cứu kinh tế cà phê ở Châu Âu, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ biết được thông tin: Hiện có một nhà sưu tầm của CHLB Đức đang sở hữu một bộ sưu tập về lịch sử phát triển của cà phê thế giới. Thế là Chủ tịch Vũ đã tìm gặp Nhà sưu tầm này. Sau khi được nhà sưu tầm dẫn cho xem bộ sưu tập, Chủ tịch Vũ đã bị bộ sưu tập hút hồn. Ông cũng sót sa khi thấy bộ sưu tập này đang được để trong một cái kho lớn của Nhà sưu tập chứ chưa được trưng bày bất cứ ở đâu. Chủ tịch Vũ đã ngỏ lời muốn mua lại bộ sưu tầm này. Ban đầu nhà sưu tầm không muốn bán, vì ông sợ bộ sưu tầm của mình không được sửu dụng đúng tầm. Sau khi nghe ý tưởng về việc lập một bảo tàng để trưng bày bộ sưu tập này ở Việt Nam, thấy một doanh nhân Việt Nam tha thiết thật sự với cà phê, Nhà sưu tầm đã đồng ý bán bộ sưu tập cho doanh nhân Việt Nam Đặng Lê Nguyên Vũ. Bộ sưu tầm lịch sử cà phê trị giá nhiều triệu đô la đã được chuyển về Việt Nam, trong đó có cả một "nhà máy chế biến cà phê cao 5-6 mét" đã được đóng vào nhiều công te nơ xuống tàu biển để về chuyển về Đắc Lắc. Ban đầu, "một góc nhỏ" của bộ sưu tầm đã được mang ra trưng bày tại 2 tầng nhà "Bảo tàng Cà phê Trung Nguyên" trong khuôn viên của "Làng Cà phê Trung Nguyên" giữa trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Năm 2020 toàn bộ bộ sưu tầm này đã được trưng bày đầy đủ tại "Bảo tàng Thế giới cà phê" trong Thành phố Cà phê Trung Nguyên. Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ còn cho sưu tầm nhiều hiện vật liên quan đến lịch sử ra đời và phát triển cà phê tại Tây Nguyên suốt hơn một thế kỷ qua. Bảo tàng Thế giới Cà phê của Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ thể hiện một tầm nhìn chiến lược mà còn biểu hiện của niềm đam mê, mong muốn phát triển kinh tế cà phê của Việt Nam trở thành nền kinh tế cà phê số một thế giới.
      Trân trọng giới thiệu với bạn đọc Trường Sơn một số hình ảnh về BẢO TÀNG THẾ GIỚI CÀ PHÊ tại Thành phố Cà phê Trung Nguyên tại TP. Buôn Ma Thuột -  Bảo tàng có một không hai này của Thế giới. 

Bài và ảnh: Phạm Thành Long



Bảo tàng Thế giới Cà phê trung Nguyên nhìn từ xa trong khuôn viên của Thành phố Cà phê Trung Nguyên tại TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc.



Mô hình toàn bộ Bảo tàng Thế giới Cà phê.



Bảo tàng Thế giới cà phê nhìn từ trên cao.



Cửa vào Bảo tàng Thế giới Cà phê Trung Nguyên.



Ngay từ gian trưng bày đầu tiên, đạp vào mắt du khách là dụng cụ làm cà phê và các loại nhạc cụ liên quan đến văn hóa Tây Nguyên trong lễ hội mừng mùa cà phê bội thu.



Các loại vật dụng, phương tiện liên quan đến đời sống của cư dân các dân tộc Tây Nguyên làm cà phê. Ảnh trên và ảnh dưới.






Dụng cụ thu hái, sơ chế cà phê của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh trên và ảnh dưới.






Các loại dụng cụ liên quan đến việc trồng tỉa, chăm sóc cà phê của đồng bào Tây Nguyên đầu thế kỷ 20.




Một chiếc cân bàn được sử dụng ở Brazin từ thế kỷ thứ 18 trong quá trình sản xuất cà phê.



Các loại bình cổ pha chế cà phê tại các tiệm bán cà phê trên thế giới.



Các loại ấm pha chế cà phê tại các quán cà phê trên thế giới.



Bộ ấm chén uống ca phê, chiếc máy xay cà phê gia đình xưa ở Châu Âu.




Các loại hộp đựng cà phê của các nước.




Chiếc máy xay cà phê quay tay cổ có tuổi đời hơn 2 thế kỷ.




Một chiếc máy xay cà phê đạp chân của thế kỷ thứ 19.




Một dụng cụ đựng các loại cà phê đã chế biến phục vụ bán cà phê ở Châu Âu.



Một máy pha cà phê công nghiệp khá hiện đại đầu thế kỷ 20.



Một chiếc cân bàn khá hiện đại phục vụ việc sản xuất và chế biến cà phê tại Nam Mỹ đầu thế kỷ 20. Bên trên là một chiếc máy pha cà phê hiện đại ngày nay.



Các loại hộp đựng cà phê của nhiều quốc gia sản xuất cà phê của thế kỷ trước.



Các loại sản phẩm cà phê của nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới.



Một bốt điện thoại tại Đức đầu thế kỷ trước đã có quảng cáo cho một thương hiệu cà phê.



Một quả cầu bản đồ thế giới về địa chỉ sản xuất cà phê Thế giới - một đồ vật thường thấy tại các quán cà phê lớn ở Đức thế kỷ trước.




Một chiếc bàn uống cà phê ở Tây Nguyên hiện nay.



Bàn ghế tại một quán cà phê ở Châu Âu thời hiện đại.




Biểu đồ về kinh tế cà phê Thế giới trong thị phần nền kinh tế chung.



Trong bảo tàng có một chiếc bàn, một chiếc ghế được đặt dưới một câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ. Người viết bài này cũng muốn ngồi thử vào chiếc ghế "khát vọng" ấy để kỷ niệm.



Trong Bảo tàng có gian trưng bày giới thiệu và bán các loại sản phẩm cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên - Hãng cà phê thương hiệu Quốc gia hàng đầu Việt Nam.



Quầy tư vấn và giới thiệu về cà phê và Tập đoàn Trung Nguyên.



Bên cạnh Bảo tàng có quán bán đủ các loại cà phê thơm ngon nổi tiếng của Trung Nguyên phục vụ du khách.




Hằng ngày, Bảo tàng đón hàng trăm du khách tới tham quan và chụp ảnh lưu niệm trước khuôn viên Bảo tàng.


















 
tin tức liên quan