“131 DI TÍCH VÀ ĐỊA DANH TRƯỜNG SƠN” – MỘT CUỐN SÁCH QUÝ
Ngày đăng:
11:41 24/09/2021
Lượt xem:
1.996
“131 DI TÍCH VÀ ĐỊA DANH TRƯỜNG SƠN” – MỘT CUỐN SÁCH QUÝ
Bìa 1 cuốn sách "131 di tích và địa danh Trường Sơn" - Vũ Trình Tường chủ biên.
Cuốn sách “131 di tích và địa danh Trường Sơn” đã được Công ty Trí Tuệ Việt in xong cách đây hơn 2 tuần. Nhưng vì giãn cách nên Hội không thể nhận sách, khi mà Công ty Trí Tuệ Việt đã chất sách lên xe…
Sáng 22/9/2021, tại cuộc giao ban đầu tiên sau giãn cách, các đồng chí Thường trực Hội và các đồng chí Trưởng ban cùng một số đồng chí Phó Trưởng ban đã được cầm cuốn sách “131 di tích và địa danh Trường Sơn” trên tay. Ai cũng bất ngờ về sự dày dặn và rất đẹp của cuốn sách. Tôi đọc được sự hài lòng và vui mừng trên gương mặt của nhiều người khi lật từng trang sách…
Cầm cuốn sách trên tay, tôi lại nhớ đến những ngày đầu tiên khi hình thành ý tưởng cho ra đời cuốn sách này cách đây vài năm của Vũ Trình Tường. Sau khi góp phần quan trọng cùng Binh đoàn 12 chuẩn bị bộ hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận các Di tích Trường Sơn là Di tích Quốc gia Đặc biệt; sau hai lần Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận 47 Di tích Trường Sơn là Di tích Quốc gia Đặc biệt…trong Vũ Trình Tường đã hình thành ý định và “xương cốt” của cuốn sách viết về các di tích và địa danh Trường Sơn…
Sau một thời gian âm thầm chuẩn bị tư liệu vô cùng công phu, giữa năm 2019, Vũ Trình Tường đặt lên bàn các đồng chí Thường trực Hội bản đề cương chi tiết về cuốn sách. Vì là bạn viết nên tôi cũng được Vũ Trình Tường “tiết lộ” cho xem trước bản Đề cương này. Ban đầu, sách được dự kiến mang tên “Các di tích và địa danh Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam”. Thú thật là khi đọc qua bản Đề cương tôi vô cùng tâm đắc… Trong một Hội nghị hẹp của 7 đồng chí trong Thường trực và một số lãnh đạo các ban chuyên môn có liên quan của Hội, tôi đã đánh giá: Đây là một công trình khoa học về lịch sử có giá trị. Ban Tuyên truyền – Thi đua và bản thân tôi hoan nghênh cuốn sách được viết theo đề cương này. Tuy nhien tên sách cần phải đặt cho nó một cái tên mới. Theo tôi là “131 di tích và địa danh Trường Sơn”. Rất mong Thường trực ủng hộ…Chủ tịch Võ Sở sau khi nghe nhiều ý kiến phát biểu và đóng góp rất sâu sắc của các đồng chí dự họp, đã kết luận: Thường trực hoan nghênh ý tưởng và đề cương này của đồng chí Vũ Trình Tường. Hội sẽ huy động kinh phí để thực hiện xuất bản cuốn sách này…Tên sách nên lấy tên theo đề xuất của đồng chí Thành Long.
Giữa năm 2020, tôi được Vũ Trình Tường gửi email bản thảo đầu tiên với lời đề nghị “mong anh đọc, sửa, góp ý trực tiếp cho bản thảo cuốn sách của tôi”. Và tôi đã dành ra gần một tuần để đọc và biên tập cuốn sách. Tôi vô cùng ngạc nhiên về cách làm rất khoa học của anh cho cuốn sách này.
Cuốn sách gồm 5 phần:
- Phần 1: Giới thiệu chung các di tích.
- Phần 2: Giới thiệu các di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn 11 tỉnh của Việt Nam (46 Di tích).
- Phần 3: Giới thiệu các di tích và địa danh Trường Sơn còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.
- Phần 4: Giới thiệu các di tích và địa danh Trường Sơn trên lãnh thổ Lào và Campuchia.
- Phần 5: Phụ lục là các bản đồ vị trí các di tích, địa danh.
Về nội dung giới thiệu mỗi di tích
Để người đọc dễ hiểu, dễ theo dõi, hầu hết các di tích, các địa danh đều được giới thiệu theo 5 mục như sau:
Mục 1: Tên di tích (hoặc địa danh) là tên theo danh mục xếp hạng của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch với di tích đã xếp hạng; tên gọi do Ban Biên soạn đặt với các di tích chưa được xếp hạng ở Việt Nam và ở Tây Trường Sơn.
Mục 2: Địa điểm của di tích (hoặc địa danh): Nêu tên xã, bản, huyện, tỉnh có di tích. Thông thường di tích được nằm trên một tuyến Đường Trường Sơn nào đó, ngoài tên địa phương còn nêu kèm theo lý trình của tuyến đường đó. Lý trình chúng tôi lấy theo đăng ký của Cục Công binh Trường Sơn (năm 1973).
Riêng các di tích ở Tây Trường Sơn, việc tra cứu tên bản, huyện rất khó khăn, các địa danh trong các tài liệu lịch sử đã thay đổi nhiều. Vì vậy những địa danh, địa phương chúng tôi nêu ra có thể còn sai lạc. Mong người đọc cảm thông với Ban Biên soạn.
Mục 3: Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm di tích (hoặc địa danh): Tóm tắt những sự kiện lịch sử, những nhân vật... gắn liền với di tích. Tuy nhiên việc thu thập tư liệu khó có thể đầy đủ, nên trong lần ra mắt đầu tiên này còn sơ sài, chưa đầy đủ, có thể có những tư liệu chưa thật chính xác.
Mục 4: Xếp hạng, vinh danh: Giới thiệu các di tích đã được xếp hạng, vinh danh theo quyết định: Cấp quốc gia Đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh... Các đơn vị, cá nhân được tặng danh hiệu, phần thưởng do chiến công diễn ra ở di tích (địa danh).
Toàn bộ các di tích trên đất Lào và Campuchia chưa được xếp hạng nên nhiều di tích bỏ mục này.
Mục 5: Hiện trạng di tích: Các di tích ở Việt Nam hầu hết có phần miêu tả hiện trạng: Mức độ tôn tạo, khả năng phát huy giá trị, kiến nghị... Nhưng các di tích Tây Trường Sơn đều chưa được khảo sát cụ thể nên hầu hết bỏ mục hiện trạng. Các di tích đã được khảo sát có phần miêu tả hiện trạng.
Bìa 4 của sách
Để hoàn chỉnh 131 di tích và địa danh Trường Sơn theo nội dung trên, đòi hỏi tác giả phải sưu tầm, tìm hiểu, kiểm chứng, đối chiếu thực tiễn của các di tích và địa danh một cách vô cùng công phu và khoa học. Gần 40 năm kể từ khi ra tường, lăn với công tác khảo sát và thiết kế của Trường Sơn và sau này là Binh đoàn 12, kỹ sư Vũ Trình Tường đã tích lũy được không chỉ kinh nghiệm, không chỉ thực tiễn mà còn dày công ghi chép, lưu giữ nhiều nguồn tư liệu quý… để trước đó, anh đã dùng cho việc biên soạn cuốn sách “5 trục dọc, 21 trục ngang đường Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ - 1959 – 1975” (NXB Thanh Niên, 2020). Và bây giờ để phục vụ tiếp cho việc viết cuốn sách này. Nói một cách hoa mỹ rằng: Bao nhiêu tinh hoa và kinh nghiệm tích lũy cả một đời làm công tác “Khảo sát – Thiết kế” Trường Sơn đã được Vũ Trình Tường “mang vào” cuốn sách tâm huyết này của anh. Có thể nói, chỉ riêng Mục 3 của mỗi di tích và địa danh là cả một câu chuyện lịch sử chứa trong đó bao thành tích và chiến công đã làm nên di tích và địa danh của Trường Sơn. Mục 5: Hiện trạng di tích. Đây là vấn đề “thời sự” cần được cập nhật của di tích. Người viết phải có thông tin xác thực về hiện trạng của di tích, địa danh. Để làm điều này, công phu lắm thay!
Giá trị của cuốn sách còn ở chỗ: Với 131 di tích và địa danh thì có ít nhất 131 hình ảnh về di tích, địa danh. Phần lớn là hình ảnh tư liệu quý được Vũ Trình Tường sưu tầm. Có những di tích, địa danh chính anh đã chụp ảnh hoặc cập nhật hình ảnh mới nhất về địa danh, di tích. Trong cuốn sách này Vũ Trình Tường còn giới thiệu được nhiều bức tranh sơn dầu quý vẽ các trọng điểm nổi tiếng Trường Sơn của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ…
2.000 cuốn sách đã được xếp vào kho của Văn phòng Hội chuẩn bị phân phối tặng 95 đầu mối trực thuộc Hội TSVN.
Và điều đáng ngạc nhiên hơn với tôi là khi tôi nhận được bản thảo cuốn sách anh đã trình bày sách như một họa sỹ thực thụ. Sự công phu của anh đã tạo thuận lợi rất nhiều cho nhà in khi chỉ phải chuyển phần mền chế bản để in mà không phải “dỡ ra” trình bày lại cuốn sách.
Sau khi được từng đồng chí trong Thường trực và một số đồng chí khác đọc và cho ý kiến, Vũ Trình Tường lại ra công sửa chữa, bổ sung. Anh đã gửi cho tôi thêm 2 lần nữa bản thảo sau khi đã được hoàn chỉnh lại. Tôi đã chọn giúp anh 2 bức tranh: Trọng điểm bắc Tha Mé và Chiều ở trạm giao kiên bộ Trường Sơn (tranh sơn dầu của Đức Dụ).
Bộ đội Trường Sơn và Binh đoàn 12 đã có 3 cuốn sách vô cùng có ý nghĩa. Đó là cuốn “Lịch sử Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh” (NXB Quân đội Nhân dân 1999), cuốn “Công tác Đảng, công tác chính trị Bộ đội Trường Sơn và Binh đoàn 12 – Biên niên sự kiện 1959-2009”. Cuốn “Lịch sử Đảng bộ Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn Binh đoàn 12 (1959-2015)”.
Hôm nay, Hội TSVN chúng ta cũng có những cuốn sách vô cùng có ý nghĩa. Đó là 2 cuốn: “Kỷ yếu Đại hội lần thứ Nhất Hội TSVN – 2011-2016”, “Kỷ yếu Đại hội lần thứ II Hội TSVN 2016 -2021”; cuốn “Lịch sử và dấu ấn Trường Sơn” (2018); cuốn “5 trục dọc, 21 trục ngang đường Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ 1959-1975” và cuốn “131 di tích và địa danh Trường Sơn”. Sắp tới Hội sẽ cho ra đời cuốn “Biên niên sự kiện 10 năm Hội Trường Sơn Việt Nam”. Đó là những cuốn sách tư liệu lịch sử quý về Trường Sơn và Hội TSVN.
Để cuốn sách “131 di tích và địa danh Trường Sơn” được ra mắt bạn đọc, không thể không nói đến tầm nhìn và quyết tâm rất cao của Thường trực Ban Thường vụ Hội. Khi quyết định chủ trương biên soạn và xuất bản cuốn sách, các đồng chí Chủ tịch và các Phó Chủ tịch đã cho thấy tầm nhìn về lịch sử Trường Sơn. Để quyết định in 2000 cuốn sách với kinh phí gần 100 triệu đồng, một lần nữa cho thấy các đồng chí trong Thường trực Hội đã có quyết định rất dũng cảm trong hoàn cảnh Hội chẳng dư dật gì về kinh phí. 2 quyết định trên để lịch sử Trường Sơn đã giúp Hội chúng ta có thêm nguồn tư liệu quý mà nếu Hội TSVN không làm thì không một cơ quan và cá nhân nào hiện nay làm thay chúng ta chuyện này. Đó là sự vô giá!
Cám ơn Đại tá Vũ Trình Tường đã có thêm tác phẩm thứ 3 đầy ý nghĩa của anh.
Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2021.
Phạm Thành Long
tin tức liên quan