Gần như cả cuộc đời của ông đều gắn với tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đại đội trưởng chủ công của Tiểu đoàn “Lá Mít”

Tháng 7-1987, từ Sư đoàn 344 ở biên giới phía Bắc, tôi được chuyển công tác về Cục Chính trị Binh đoàn 12 và trở thành sĩ quan trẻ nhất của cơ quan Binh đoàn 12 lúc ấy.  Bộ Tư lệnh Binh đoàn hồi ấy đều là các thủ trưởng đã gắn bó với tuyến lửa Trường Sơn.

Buổi tối, hầu hết các thủ trưởng đều về gia đình (ở Hà Nội), cơ quan Binh đoàn rất vắng, chỉ có Thiếu tướng Phan Quang Tiệp, Tư lệnh Binh đoàn ở lại. Ông thường làm việc rất khuya trong căn phòng quay về hướng tây rất nóng trong mùa hè. Sáng và tối ông thường đi bộ trong khuôn viên của cơ quan và tôi là thanh niên độc thân, cũng hay đi bộ nên trở thành bạn tâm giao của ông.

Thiếu tướng Phan Quang Tiệp kể rằng, tuổi thơ của ông là những ngày vô cùng khổ cực ở vùng “Núi Ấn, Sông Trà” tỉnh Quảng Ngãi.  Ông sinh vào dịp Tết Nguyên đán Quý Hợi (năm 1923) ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cha mẹ ông sinh được sáu người con, bốn trai hai gái.  Ông là con út. Chưa được một tuổi, ông đã mồ côi mẹ, 10 tuổi thì mồ côi cha.

 

Phan Quang Tiệp - Vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Trung đoàn 98 mở đường cơ giới Trường Sơn. Ảnh: TƯ LIỆU 

Bà ngoại đưa ông về nuôi, đem tất cả tình thương bù đắp cho đứa cháu côi cút và cho đi học ở trường làng. Khi bà ngoại già yếu, người anh cả đưa ông về chăm sóc rồi cho ra Huế học.

Ông tham gia cách mạng từ những ngày học ở Huế. Sau cách mạng Tháng Tám, ông trở về quê hương   tham gia vào lực lượng tự vệ rồi tình nguyện vào bộ đội, được học ở Trường Sĩ quan Lục quân rồi trở thành Đại đội trưởng Đại đội 211 thuộc Tiểu đoàn 365.

Tiểu đoàn 365 là đơn vị chủ lực cơ động của Liên khu V, chiến đấu ở trải dài ở các các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, được nhân dân trong vùng rất quý mến. Các mẹ, các chị ở vùng hậu phương chẻ tre đan mũ rồi lấy vải may trùm lên chiếc mũ tre, rút lại xung quanh rồi đan lưới phủ lên. Giữa lớp vải và lớp lưới là... lá mít, dùng để ngụy trang. Chính vì vậy mà Tiểu đoàn 365 còn có tên gọi thân thương, gần gũi là Tiểu đoàn “Lá Mít”.

Tiểu đoàn 365 có 4 đại đội, gồm 211, 212, 213, 214. Đại đội 211 do đồng chí Phan Quang Tiệp làm đại đội trưởng là một trong những đại đội chủ công, lập được nhiều chiến công lớn. Trong đó có trận phá đồn Tú Thủy tại thị trấn An Khê, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai đã được ghi vào lịch sử truyền thống của lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai.

Đồn Tú Thủy án ngữ trên đường 19, kiểm soát con đường huyết mạch từ Bình Định đi Gia Lai, được Pháp xây dựng khá kiên cố. Bên ngoài có giao thông hào sâu, rộng, phải bắc thang mới đi qua được. Phía trong giao thông hào là thành đắp bằng đất và bao cát cao 3m.

Phía ngoài giao thông hào, địch giăng dây thép gai theo hình “mái nhà”. Tại đồn Tú Thủy có một đại đội tăng cường với hơn một trăm lính, được trang bị vũ khí hiện đại lúc bấy giờ. Ngoài ra, đại đội đó còn được pháo lớn ở đồn Cửu An, phía tây An Khê, yểm trợ.

Năm 1953, theo chỉ đạo của Liên khu ủy Liên khu V, Tiểu đoàn 365 đánh đồn Tú Thủy. Sau khi trinh sát xong, đơn vị làm trận giả. Đầu tiên dùng bộc phá ống phá hàng rào kẽm gai, lấy bẹ chuối rải hai bên (bẹ chuối màu sáng, nổi lên trong bóng đêm, các chiến sĩ nhìn vào đó mà biết lối vào), bắc thang qua giao thông hào và tiến vào tiêu diệt địch.  

Trận đánh đồn Tú Thủy bắt đầu từ 1 giờ sáng ngày 13-1-1953, khi An Khê chìm trong bóng đêm và sương mù dày đặc.  Đại đội 211 do đồng chí Phan Quang Tiệp chỉ huy là đại đội xung kích, đánh mũi tấn công chủ yếu. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Đến 5 giờ sáng, ta đại đội 211 đã hạ đồn Tú Thủy, tiêu diệt, bắt sống toàn bộ địch ở đồn này.

Phan Quang Tiệp - Vị tướng của Trường Sơn huyền thoại
Thiếu tướng Phan Quang Tiệp. 

Người bổ nhát cuốc đầu tiên xây dựng đường cơ giới Trường Sơn

Năm 1954, đồng chí Phan Quang Tiệp tập kết ra Bắc, học trường Công binh. Tốt nghiệp, ông về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 98, một trong những trung đoàn ra đời sớm của quân đội ta đã từng lập công lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

 Đại tá kỹ sư Trần Văn Phúc, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 98, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nhớ lại:

Ngày 19-5-1959, Đoàn 559 được thành lập để làm nhiệm vụ chi viện chiến lược cho miền Nam.  Lúc đầu chỉ là đường gùi và thồ hàng hóa rất thô sơ theo phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.  

Tuy nhiên, chiến tranh ngày càng khốc liệt, yêu cầu chi viện cho miền Nam lớn hơn rất nhiều lần mà nếu chỉ vận chuyển thô sơ thì khó lòng đáp ứng được. Trước tình hình hình cấp bách ấy, tháng 3-1964, tại Hội nghị chính trị đặc biệt, Trung ương Đảng đã quyết định: Cả hậu phương lớn miền Bắc phải dồn sức cho miền Nam máu lửa và để đáp ứng yêu cầu đó, cần phải có một con đường để đảm bảo cho vận tải cơ giới. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ lịch sử đó cho Trung đoàn 98.

 Ngày 27-6-1964 tại Trung Hà (Sơn Tây, Hà Nội), Thiếu tướng Lê Quang Hòa (sau này là Thượng tướng), Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thay mặt Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng chính thức giao nhiệm vụ cho Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 Phan Quang Tiệp và trao lá cờ “Mở đường thống nhất” với nhiệm vụ bí mật là mở đường cơ giới Trường Sơn.

Đầu tháng 7-1964, sau khi chuẩn bị xong, từ Trung Hà, Trung đoàn 98 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Phan Quang Tiệp bắt đầu hành quân vào Trường Sơn với mật danh Chi hội Bình Minh thuộc Hội Lao động giải phóng miền Nam. Trang bị mang theo chỉ đơn giản, thô sơ gồm cuốc, xẻng và vũ khí chiến lợi phẩm của Pháp… lặng lẽ vượt núi, băng rừng. Tất cả giấy tờ, sổ sách, ảnh lưu niệm, thư từ cá nhân, đồ dùng của anh em chiến sĩ đều gửi lại nơi hậu phương.

Gần một tháng hành quân ròng rã, vượt qua Đường 9 tới Sê Pôn (tỉnh Savanakhet, Lào), qua dốc Thơm, Trung đoàn 98 dàn quân hạ trại, khẩn trương làm công tác chuẩn bị cho cuộc khai lộ lịch sử.

Ngay sau khi Mỹ gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, ném bom, đánh phá ác liệt miền Bắc, Thường vụ Đảng ủy và Chỉ huy Trung đoàn 98 đã họp chớp nhoáng quyết định chọn ngày 9-8-1964 (đúng với phiên hiệu của Trung đoàn) làm ngày bổ nhát cuốc đầu tiên mở đường cơ giới Trường Sơn. Đoạn Sa Đi - Mường Noòng đã được chọn làm nơi khởi đầu của công trình lịch sử.

Đúng 6 giờ sáng ngày 9-8-1964, trên một đoạn đường rừng núi Tây Nguyên vắng vẻ, ngoài trời còn mưa nặng hạt, Trung đoàn trưởng Phan Quang Tiệp phát lệnh dứt khoát: “Tất cả, bắt đầu!”. Tự tay ông bổ nhát cuốc đầu tiên và tiếp nối là hàng trăm cánh tay săn chắc của các chiến sĩ cùng vào cuộc theo đúng đội hình chiến đấu.  

Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt nhưng ai nấy đều dồn hết tâm trí mình cho từng nhát cuốc, khí thế mở đường sôi lên hừng hực, không ai muốn lơi tay, đến nỗi bộ phận nuôi quân phải mang cơm ra tận chỗ làm phục vụ chiến sĩ mở đường.

Với khí thế sục sôi ấy, chỉ trong ngày đầu ra quân, năng suất lao động của Trung đoàn 98 đạt tới 200%, một đoạn đường dài 10km đã được làm xong, ngụy trang kín đáo dưới tán rừng, sẵn sàng đưa vào sử dụng. 10km đầu tiên ấy trên trục đường 128, một trong năm trục chính xương sống của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

Chỉ sau 4 tháng ra quân, Trung đoàn 98 đã hoàn thành đoạn đường dài 104km từ Đường 9 đến sông Bạc.  

Ngày 8-12-1964, đoàn xe đầu tiên do đồng chí Nguyễn Nhạn, Phó Tham mưu trưởng công binh dẫn đầu đã tới sông Bạc trong sự reo mừng của chiến sĩ và đông đảo đồng bào địa phương, mở đầu cho những hành trình liên tục chi viện cho chiến trường miền Nam khói lửa.

Mệnh lệnh thượng khẩn sáng mồng 2 Tết

Theo hồi ức của Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Binh đoàn 12: Sáng 24-1-1966 (tức mồng 2 Tết Bính Ngọ), trong một khu rừng tre ở ngã ba Đông Dương, lãnh đạo Trung đoàn 98 đang tổ chức vui Tết với bộ đội thì chiến sĩ cơ yếu Đoàn Văn Tập vội vã bước vào trình điện: "Báo cáo thủ trưởng có điện của cấp trên". Tham mưu phó trung đoàn Hoàng Tiến Vinh đỡ bức điện, nói: “Chắc là điện chúc Tết, động viên anh em mình vừa hoàn thành nhiệm vụ, hẳn lại có thưởng to rồi".

Phan Quang Tiệp - Vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Bác sĩ Phan Vũ Nhân, con trai Thiếu tướng Phan Quang Tiệp

phát biểu nhân kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường cơ giới Trường Sơn (năm 2019). Ảnh: HỘI TRƯỜNG SƠN 

Trung đoàn trưởng Phan Quang Tiệp mở bức điện ra xem, ngay đầu điện đã có chữ “Thượng khẩn”, liền căng mắt đọc từng dòng: "Mệnh lệnh gửi E98. Chuyển ngay trung đoàn sang làm đường 49 (tức đường C4). Điểm đầu ngã ba Phi Hà qua các điểm Chín Suối, bãi đá Lâm Phu, Lanh Tanh, đèo 200, vượt Nậm Kông, qua suối Tà Ngâu, điểm cuối nối sang đất bạn Campuchia K20 Siêm Pạng... Yêu cầu thi công thật khẩn trương để chuyển hàng ngàn tấn hàng đang bị ứ đọng, thời gian không quá 4 tháng, liên hệ chặt chẽ với đồng chí Đức Phương mật danh là “Ông chủ” triển khai ngay và báo cáo về đoàn...”.

Trung đoàn trưởng Phan Quang Tiệp lập tức triệu tập cơ quan quán triệt bức điện. Mọi người đều hiểu, từ khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào, chúng mở liên tiếp các đợt tấn công hòng bình định nhanh, tiêu diệt quân giải phóng, muốn thắng chúng phải đánh mạnh tuyến chi viện đường Trường Sơn, các cửa khẩu và các trọng điểm phía bắc đường Trường Sơn bị đánh phá rất mạnh và rất ác liệt, như: Pha Nốp, Seng Phan, Văng Mu, Thà Khống, Dốc Thơm, Mường Phin... Lực lượng vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có cung đường mới.

Đúng mồng 2 Tết Bính Ngọ, mệnh lệnh hành quân được triển khai. Tất cả cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 98 thay quân trang bằng đồng phục áo quần bà ba đen, cán bộ được trang bị thêm mũ cát nhựa màu trắng đóng vai những viên “cai lục lộ”, chiến sĩ đóng vai “cu li” làm đường cho “ông chủ” ở Campuchia (“Ông chủ” là đồng chí Đức Phương, cán bộ Quân đội ta hoạt động tại Campuchia dưới “vỏ bọc” là nhà đại tư sản).

Các tiểu đoàn lên đường ngay, thứ tự từ ngoài vào lần lượt là Tiểu đoàn 1, 2, 3. Riêng trung đoàn bộ, gồm Trung đoàn phó Chu Minh Đông, Tham mưu trưởng Tô Đa Mạn và cán bộ tham mưu Nguyễn Văn Bảy cùng một số trợ lý đi thẳng vào K20 gặp “Ông chủ” để báo cáo tình hình và phối hợp triển khai nhiệm vụ.

8 giờ ngày mồng 3 Tết Bính Ngọ, lực lượng đến làm việc với “Ông chủ’’ đã có mặt ở K20 trên bờ sông Sê Kông. Trong gian phòng nhỏ thông thoáng, trên chiếc bàn dài có bộ ấm chén màu nâu, hai bộ ghế mây trang nhã, đoàn được “Ông chủ” đón ân cần.

Đồng chí Đức Phương vào vấn đề ngay: “K20 đã nhận được điện của Tổng cục Hậu cần và Đoàn 559 cho biết, Trung đoàn 98 đã nhận lệnh vào làm đường ô tô để chở hàng từ đây, rất mong các đồng chí làm thật nhanh để rút hàng”. Đồng chí khoát tay nhìn và chỉ vào bãi hàng xung quanh nói: “Đấy các anh xem, hàng chất đống, toàn hàng cho chiến trường, nào gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm và cả xăng dầu nữa, cỡ hàng vạn tấn, phải có đường ô tô thì mới chuyển nhanh được...”. “Ông chủ” cũng không quên nhắc: “Nếu gặp người dân Campuchia hỏi thì các cậu cứ nói là “cu li" của ông chủ, không được nói là bộ đội nhé”. 

Bộ đội các đơn vị nhanh chóng chiếm lĩnh địa bàn, người chặt cây, người đào rễ, người kéo đất san nền... Trong những ngày này, lao động kéo dài một ngày từ 15 giờ đến 16 giờ, có một số ngày làm thông đêm, bộ đội chỉ được phép có một giấc ngủ ngắn ngủi tại chỗ, hoặc tại võng treo trên hai gốc cây bên đường.

Tất cả mọi người từ trung đoàn trưởng, văn thư đánh máy, liên lạc, y tá... ai cũng cầm cuốc, xẻng, dao cùng tham gia mở tuyến, nhiều chiến sĩ sốt rét vẫn xung phong ra mặt đường thi công. Ai cũng muốn góp phần nhỏ bé vào nhiệm vụ thần tốc đặc biệt này.

Đúng ngày 4-3-1966, qua 38 ngày đêm lao động miệt mài, liên tục, Trung đoàn 98 đã hoàn thành con đường dài 200km trước thời hạn 2 tháng 22 ngày. Thật là một kỷ lục thần tốc mở đường. Ngay sau khi đường C4 mở xong, nhiều đoàn xe nối đuôi nhau vào K20 tranh thủ những tháng còn lại của mùa khô để rút nhanh lương thực, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu (lên tới hàng vạn tấn) còn tồn đọng kịp đưa cho các chiến trường Tây Nguyên, khu V và Đông Nam Bộ.  

Được tin Trung đoàn 98 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường C4, Tư lệnh Đoàn 559 Hoàng Văn Thái đã đến thăm và tặng trung đoàn lá cờ “Mở đường thần tốc”.

Tư lệnh đầu tiên của Binh đoàn 12

Tháng 10 năm 1977, Binh đoàn 12 được thành lập trên cơ sở lực lượng chủ yếu của Đoàn 559 chuyên làm cầu đường trong chiến tranh và được kế thừa truyền thống Bộ đội Trường Sơn Anh hùng.  

Thiếu tướng Phan Quang Tiệp, nguyên Cục trưởng Cục Công binh Bộ đội Trường Sơn được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm Tư lệnh đầu tiên của Binh đoàn 12. Nhiệm cụ chủ yếu đầu tiên của Binh đoàn 12 là xây dựng cơ bản Đường Hồ Chí Minh dọc theo Đông Trường Sơn với tổng chiều dài 1.920km, góp phần quy hoạch lại dân cư, phát triển kinh tế các địa phương dọc theo dãy Trường Sơn và Tây Nguyên.

Như có duyên nợ với Trường Sơn, Thiếu tướng Phan Quang Tiệp lại tiếp tục bám trụ con đường huyền thoại từ thời chiến tranh.  Năm 1978, trước yêu cầu phòng thủ đất nước ở phía Bắc, Binh đoàn 12 tổ chức lực lượng xây dựng Quốc lộ 279, đường vành đai chiến lược nối thông các tỉnh biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh đến Lai Châu dài hơn 1.000km, góp phần đảm bảo cơ động lực lượng phương tiện làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng cầu đường chiến lược, Binh đoàn 12 còn tham gia xây dựng hàng trăm công trình trọng điểm của Nhà nước như: Xây dựng 6 tuyến đường sắt; xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, thủy điện Đray Hling, mỏ Apatít (Lào Cai), thiếc Quỳ Hợp, khai thác than (Quảng Ninh), trồng cà phê (Tây Nguyên)….

Hơn 10 năm đảm nhiệm Tư lệnh Binh đoàn 12, Thiếu tướng Phan Quang Tiệp đã cùng với tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn ghi thêm nhiều chiến công mới trong xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng. Cái “chất Trường Sơn” trong Thiếu tướng Phan Quang Tiệp lại bùng cháy khi phải đối mặt với khó khăn.

Đầu năm 1989, Thiếu tướng Phan Quang Tiệp được nghỉ hưu, ông vào thành phố Hồ Chí Minh sống với vợ con.  Năm 2002, Thiếu tướng Phan Quang Tiệp qua đời, để lại niềm thương tiếc vô bờ cho gia đình, bạn bè, đồng đội. Trước lúc qua đời, ông đã có chuyến đi thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn một vạn đồng đội của ông đã xuống trên đường Trường Sơn huyền thoại.

ĐỖ PHÚ THỌ