Mùa xuân đến với thân nhân liệt sĩ trường Lê Hồng Phong

Ngày đăng: 10:29 07/02/2022 Lượt xem: 215
MÙA XUÂN ĐẾN VỚI NHỮNG THÂN NHÂN LIỆT SỸ TRƯỜNG LÊ HỒNG PHONG

Nguyễn Thị Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn (Nam Định).
 

 
Buổi chiều ngày 25 Tết, bỏ lại những tất bật của việc chuẩn bị đón năm mới, chúng tôi lên đường đi chúc Tết những gia đình liệt sỹ của trường Lê Hồng Phong. Đã nhiều lần đồng hành cùng nhau trên những con đường này trong việc kiếm tìm, tri ân các liệt sỹ của mái trường 100 tuổi- nơi chắp cánh ước mơ, nơi điểm tựa và khát vọng cho mỗi chúng tôi nhưng sao tôi vẫn thấy như lạ như quen. Chuyến đi này, theo kế hoạch, chúng tôi đến 6 gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Nơi đầu tiên chúng tôi đến nhà liệt sỹ Trần Xuân Huỳnh ở xóm 22, xã Hòa Hậu, Lý Nhân. Căn nhà tràn ngập sắc xanh của cỏ cây hoa trái này đã in bao kỉ niệm của người con trai (anh sinh năm 1949, lớp B, Khóa 1965/1968) giỏi giang, cần cù mà cháy bỏng khát vọng cứu nước. Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm học, ngày 20/3/1967,  anh đã xếp sách vở, lên đường đánh giặc để đến ngày 16/10/1969, anh đã anh dũng hy sinh tại Bình Thuận. Và rồi niềm ao ước của gia đình đã thành hiện thực khi đưa được anh về với quê nhà.
 
Mảnh đất Quảng Trị, nơi chảo lửa của 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ đã lưu giữ hình hài của người chiến sỹ Trần Văn Hùng (sinh năm 1951, Lớp 10C khóa 1967-1970) để anh mãi mãi tuổi 20 trong ngày 21/06/1972 với những chiến công oai hùng. Có ai biết rằng, trước khi nhập ngũ (13/07/1971), anh là sinh viên khoa toán ĐHSP Hà Nội. Bỏ lại những tháng ngày miệt mài với đèn sách, bỏ lại bao kỉ niệm ngọt ngào, dịu êm nơi giảng đường với ước mong sau này dạy dỗ lớp lớp đàn em nên người, người thày giáo của tương lai đã thay cây bút bằng cây súng để băng rừng, vượt núi, vào với chiến trường để giờ đây, tại NTLS đường 9, anh mãi mãi cùng đồng đội ca bài ca giữ nước trong âm vang vọng mãi của đại ngàn hùng vĩ.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, mảnh đất Nhân Tiến (nay là xã Tiến Thắng) là nơi trường Lê Hồng Phong sơ tán về đây để ngày đêm, lớp lớp học sinh “mang mũ rơm đi học đường dài”. Và cũng chính nơi đây, trong một căn nhà bé nhỏ, đơn sơ như bao mái nhà ấm áp của miền thôn quê, thầy giáo Phạm Vũ Bành, giáo viên Toán đã ở trọ, cũng là nơi người học trò Trần Văn Cầu  (Sinh năm 1948, Lớp 10C, khóa 1962 – 1965) sinh ra và lớn lên. Là anh cả của bốn cậu em trai, tuổi thơ của liệt sỹ Cầu là những năm tháng ngày vất vả cùng cha mẹ “trên đồng cạn, dưới đồng sâu” để đêm đêm mê mải với những trang sách. Tháng 08/1967, anh lên đường nhập ngũ. Trên bảng VINH DANH LIỆT SỸ có ghi Hy sinh ngày 18/5/1972 tại MTPN. Tuy nhiên, sau bao năm tháng miệt mài kiếm tìm, người em của liệt sỹ đã tìm được một người quê ở Hà Tĩnh, cùng đơn vị chiến đấu kể lại sự hy sinh của anh trai mình. Trong một lần đi thực hiện nhiệm vụ liên lạc, cả căn hầm của anh bị trúng đạn. Mãi sau này, đồng đội mới phát hiện ra, đưa hài cốt anh về Nghĩa trang thành phố Buôn Ma Thuột. Nhiều lần gia đình vào thắp hương “mời” anh về quê mẹ, nhưng anh không muốn về. “Ở đây đã có đồng đội. Trên đất nước này đâu cũng là quê mẹ.” Chỉ học ở trường Lê không đầy hai năm, ngày 3/2/1966, Trần Duy Giá (Lớp C, Khóa 1965/1968) lên đường ra trận. Tháng 4/1967, anh vào chiến trường (đơn vị C2, D5, E2, F2, Quân khu V). Ngày 13/8/1967, anh đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu quyết liệt với kẻ thù tại đồi Tranh Phước, Hiệp Tiên Phước (Quảng Nam).
Đón tiếp chúng tôi, ông Trần Đức Bút nghẹn ngào ôn lại những kỉ niệm về người em trai là liệt sỹ Trần Đức Phan (Khóa 1961/1964). Sau khi tốt nghiệp, tháng 10/1964, anh tiễn bạn lên đường ra trận. Đến nơi giao quân, khi biết trong danh sách những người nhập ngũ, vẫn thiếu người. Không một phút chần chừ, anh xung phong ghi tên vào đội ngũ để lên đường mà không kịp báo cho gia đình, bạn bè. Chỉ vài ngày sau, giấy báo nhập trường Đại học Bách Khoa bay về nhưng không đến được tay người đáng lẽ ra sẽ là sinh viên của trường, hiện đang ngày đêm miệt mài trên thao trường (Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 10 Ngô Quyền). Ngày 27/12/1967, khi đại đội của anh đang ém quân tại hộc Bà Chèn, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên thì bất ngờ bị tập kích. Một trận chiến đấu không cân sức đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Và cho đến nay, nghĩa trang liệt sỹ Xuân Quang 2 (Đồng Xuân, Phú Yên) vẫn lưu giữ hình hài anh.
Dù trong chiến tranh hay giữa thời bình, những người lính vẫn thầm lặng hy sinh trước mọi tình huống. Mới chỉ hai năm học tập dưới mái trường Lê Hồng Phong, ngày 22/12/1969, Trần Đình Hiệp (sinh năm 1948, Lớp C,  Khóa 1967/1970) đã xung phong lên đường ra trận. Chiến trường Cam-pu-chia đầy máu và nước mắt đã không ngăn được ý chí quyết chiến của  Thượng úy Trần Đình Hiệp, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, E1, F2, (Quân khu 7). Trong một trận chiến đấu, anh bị thương ở Pnom Pênh, đưa về TP. Hồ Chí Minh điều trị nhưng không qua khỏi và hy sinh ngày 07/08/1979 tại Bệnh viện Quân y 175.
Chiến tranh đã qua đi hơn nửa thế kỉ nhưng dư âm về những mất mát, đau thương dường như vẫn hằn sâu trong mỗi trái tim người dân Việt Nam. Suốt sáu năm qua, quá trình không mệt mỏi tìm kiếm và tri ân 141 gia đình liệt sỹ trường Lê luôn mang đến cho chúng tôi những kỉ niệm không quên, những cảm xúc nghẹn ngào. Hình như các liệt sỹ luôn dõi theo những việc làm của chúng tôi, “thử thách”, bằng đủ cách, rồi mới đưa chúng tôi về với gia đình họ. Và mỗi một liệt sỹ là một câu chuyện về những con người cần cù, giỏi giang, nhân hậu, về những người con hiếu thảo, về những tấm gương quả cảm khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng lên đường để “Tên anh đã thành tên đất nước” cho  “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê Anh Xuân). Tuy nhiên, thời gian dần trôi, mọi chuyện đã lui vào quá khứ. Ngay cả thân nhân của liệt sỹ cũng không biết hết, không nhớ hết những gì về con, em của mình. Nhiều gia đình, liệt sỹ chỉ còn là cái tên được nhắc đến trên tấm bảng vàng, trên TỔ QUỐC GHI CÔNG.
Và giờ đây, trên mọi nẻo đường hướng về các gia đình liệt sỹ trường Lê của Lý Nhân, mùa xuân đang tràn dâng mọi nẻo. Xuân thắm tươi trên những cành đào khoe sắc thắm, Xuân trĩu ngọt trên sắc óng vàng của những cây quất trĩ cành, xanh lá. Xuân ngọt ngào trong sắc thắm của muôn loài hoa. Và đặc biệt, một loại hương xuân đặc biệt, không đâu có, đang ngào ngạt tỏa hương khắp đường làng ngõ xóm của làng “Vũ Đại”. Đó là hương của món cá kho, nơi quê hương của Chí Phèo. Nơi, nếu có thời gian dừng lại, nhất định ta sẽ thấy thoang thoảng đâu đây mùi cháo hành cũng thật đặc biệt, loại món ăn “lạ kì”, khiến một con người chuyên rạch mặt ăn vạ, bỗng chốc muốn trở thành...người lương thiện.
          Chỉ với một món quà bé nhỏ với những nhành hoa tươi, chúng tôi – những cựu học sinh của trường Lê đã đem mùa Xuân đến không chỉ cho những gia đình liệt sỹ ở Hà Nam trong chuyến đi này mà cho 141 thân nhân liệt sỹ của trường Lê. Tôi như thấy các anh cũng đang về vui xuân gia đình, cùng chúng tôi trong nét cười sau làn khói hương, trong niềm xúc động, nghẹn ngào, trong cái xiết chặt tay ứ nghẹn nước mắt của người anh trai liệt sỹ Trần Huy Phan: “Không thể nói hết được lời cảm ơn của gia đình đối với những tình cảm của các anh, các chị. Tôi thật sự cảm phục, biết ơn những việc làm của các anh chị, những việc có lẽ chưa có một trường học nào làm được.”
 

tin tức liên quan
test 123