Tròn 10 năm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản nhân loại: Sức mạnh quy tụ các thế hệ người Việt

Ngày đăng: 08:45 10/04/2022 Lượt xem: 275

Tròn 10 năm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản nhân loại: Sức mạnh quy tụ các thế hệ người Việt

 Việt Hà
 Chủ nhật, ngày 10/04/2022 07:35 AM (GMT+7)
 
Năm 2022 này đánh dấu tròn 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
 

Sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang được phát huy mạnh mẽ, quy tụ được sự đoàn kết các thế hệ người dân Việt Nam.

Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 (10/3 âm lịch), bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL), đã có những chia sẻ với phóng viên Báo NTNN về ý nghĩa và giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cuộc sống hôm nay.

 
 
 

Theo đánh giá của bà, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có ý nghĩa như thế nào trong tâm thức của người dân Việt Nam trong lịch sử và hôm nay?

- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam được xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra một quốc gia, dân tộc. Tất cả những người dân đất Việt đều có ý thức tôn thờ các Vua Hùng là vị vua thủy tổ, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam, là ông tổ khai sinh của dân tộc - đất nước và trở thành vị thần ban linh khí cho đất đai, vạn vật, con người sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.

gio to/ 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản nhân loại: Sức mạnh quy tụ các thế hệ người Việt - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021. Ảnh: TTXVN

"Nếu biết phát huy sức mạnh cội nguồn - sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng ta sẽ tập hợp được sự đoàn kết đối với tất cả người dân đất Việt, cùng chung sức, chung lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản

Thực hành di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương diễn ra thường xuyên trong cả năm, nhưng tập trung nhất vào mùa xuân, trong đó nghi lễ lớn nhất là Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch tại Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ. Tại Phú Thọ có gần 300 đình, đền, miếu tại các làng xã thờ cúng Hùng Vương.

 

Sau khi được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương càng lan tỏa mạnh mẽ. Vào dịp lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, hàng chục triệu đồng bào cùng tham gia thực hành tín ngưỡng ở các đình, đền, miếu trong cả nước, riêng ngày chính hội 10/3 âm lịch hàng năm ở Đền Hùng tại Phú Thọ đã thu hút hàng triệu người tham gia. Nghi thức thờ cúng, lễ vật, diễn xướng và các hoạt động văn hóa theo truyền thống được cộng đồng duy trì, bảo tồn, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ.

Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng bao gồm lễ, cúng, hành hương và các trò diễn ở hơn một trăm làng ở tỉnh Phú Thọ và các nơi khác trong cả nước; thực hành này mang lại sự tôn kính đối với tổ tiên từ đó nâng cao ý thức về sự tự hào và gắn kết xã hội.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tròn 10 năm UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Nhìn lại 10 năm qua, theo bà, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự bảo tồn và phát triển như thế nào?

- Vai trò tổ chức, thực hành nghi lễ của cộng đồng ngày càng được phát huy. Ý thức bảo tồn và duy trì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các cộng đồng tự nguyện tham gia, thể hiện qua các hành động đóng góp công sức và vật lực cụ thể vào hoạt động thực hành nghi lễ và tu bổ, tôn tạo không gian văn hóa của di sản.

Các cụ cao tuổi nắm giữ kỹ năng thực hành di sản là những người đóng vai trò tích cực trong việc tổ chức, hướng dẫn cộng đồng thực hành tín ngưỡng và trao truyền các tập tục cho thế hệ kế tiếp. Ở một số địa phương, người cao tuổi đã sưu tầm truyền thuyết, dịch tư liệu chữ Hán ra chữ quốc ngữ, ghi chép các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để khôi phục, lưu giữ, truyền dạy cho lớp trẻ, giới thiệu cho du khách.

Thành phần tham gia thực hành tín ngưỡng đã không dừng ở những người cao tuổi, nay lớp trẻ trong cộng đồng với nhiều nghề nghiệp và vị trí công tác khác nhau cũng hào hứng tham gia. Cộng đồng ý thức sâu sắc việc trao truyền các tri thức và kỹ năng thực hành các nghi lễ cho các thế hệ kế cận nên họ tự truyền dạy cho nhau vào dịp tổ chức lễ hội. Cơ quan quản lý và chuyên môn tiến hành tư liệu hóa di sản để lưu giữ và hỗ trợ cộng đồng trong việc truyền dạy.

Từ góc độ nhà quản lý lĩnh vực văn hóa - di sản, bà đánh giá vì sao Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hiện tượng văn hóa có sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa sâu rộng và bền vững trong cộng đồng người Việt?

- Có thể nói, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức sống mãnh liệt, trường tồn với thời gian còn bởi lẽ người dân tôn thờ Hùng Vương vì ở sự linh thiêng và đức tin. Đó chính là hai yếu tố cơ bản tạo thành sợi dây cố kết cộng đồng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trong tâm thức của nhân dân ta, Vua Hùng là vị vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Do đó dân tôn vinh Vua Hùng là Thánh Tổ và dựng lên các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh để thờ tự từ bao đời nay.

Thái độ tôn kính Hùng Vương với tư cách là thủy tổ của dân tộc, theo đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của các thế hệ người dân Việt Nam, khiến cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng linh thiêng và sức lan tỏa sâu rộng khắp mọi miền đất nước, kể cả đối với kiều bào ta đang ở nước ngoài.

Truyền thống tôn thờ Hùng Vương là một hình thức biểu hiện mạnh mẽ nhận thức về lịch sử và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, truyền cảm hứng mãnh liệt sự tôn kính của người dân với quá khứ, với tổ tiên.

Theo đánh giá chung thì đến nay giá trị văn hóa này có ảnh hưởng như thế nào đối với nền văn hóa chung của nhân loại?

- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh di sản của nhân loại góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng nắm giữ di sản, nâng cao tâm thức người Việt về cội nguồn dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam. Cộng đồng ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của di sản đối với đời sống văn hóa của con người, mong muốn sự gắn kết giữa các cá nhân trong cộng đồng làng xã thực hành di sản, giữa các vùng miền, các quốc gia với nhau về một cuộc sống hòa bình, no ấm.

Việc UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương góp phần ghi nhận tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nhiều quốc gia khác, do đó khuyến khích cộng đồng nhận ra những điểm chung đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đóng góp vào sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại.

Theo bà, giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với niềm tự hào dân tộc, sức mạnh của tinh thần cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc trong xây dựng đất nước phát triển như thế nào?

- Tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Đền Hùng và các làng xã, địa phương một cách trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, với sự tham gia đông đảo của nhân dân, để tri ân tổ tiên, gắn kết các cộng đồng, cầu mong cho sự an lành và phồn vinh của đất nước. Tín ngưỡng này là sợi dây tình cảm, tinh thần gắn kết gia đình, dòng họ, làng xóm, quốc gia, dân tộc; là biểu tượng quốc gia, kết nối giữa quá khứ và hiện tại và sự đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc.

Ngày nay, đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển, để đưa đất nước đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu, chúng ta cần có sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào cả nước, kể cả những người con đất Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Nếu biết phát huy sức mạnh cội nguồn - sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng ta sẽ tập hợp được sự đoàn kết đối với tất cả người dân đất Việt, cùng chung sức, chung lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xin cảm ơn bà!


tin tức liên quan
test 123