THĂM MỘT MIỀN QUÊ – NƠI LAN TỎA HAI TIẾNG TRƯỜNG SƠN
Trong khuân khổ mối quan hệ bạn bè, đồng chí đồng đội Trường Sơn. Đã không ít lần hẹn nhau mà chưa có cơ hội. Hôm nay chúng tôi quyết định về Bắc Giang – Một địa phương mà chúng tôi thường gọi là “Nơi lan tỏa hai tiếng Trường Sơn”. Khác với những chuyến đi làm chương trình về công tác hoạt động Hội Trường Sơn tại địa phương này. Chuyến đi hôm nay chúng tôi tìm đến với thịnh tình của những người họ là những đồng đội Trường Sơn; những đồng đội là Cựu chiến binh thân thiết – Họ mời chúng tôi về đây với mục đích vừa giao lưu, vừa cùng nhau đi tham quan những gì là nét riêng đặc biệt có trên mảnh đất quê hương Bắc Giang của họ…
Xuất phát từ Hà Nội, sau hơn một giờ đồng hồ - 14 giờ ngày 09 tháng 6 chúng tôi đến điểm hẹn. Đón chúng tôi lúc này tại nhà riêng của chị Nguyễn Thị Vinh – Trường Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang cùng các chị trong Thường trực Ban Liên lạc; các anh là đại biểu đại diện cho BCH Hội Trường Sơn tỉnh Bắc Giang và một số anh chị em trong Đội văn nghệ xung kích Hội Trường Sơn tỉnh Bắc Giang.
Không để mất thời gian – Một hoạt động đầu tiên của chuyến đi đã được tiến hành. Các anh chị địa phương đưa đoàn chúng tôi thăm thủ phủ vải Thiều sớm ở huyện Tân Yên. Điểm chúng tôi tham quan là xã Phúc Hòa. Vừa đặt chân chúng tôi đã bắt gặp cảnh tấp nập của những nông dân đang vào vụ thu hoạch vải Thiều sớm trên các vườn đồi. Vải thiều năm nay được mùa, sai trĩu cành, chín rộ căng mọng nước.
Phóng tầm nhìn chúng tôi thấy vải Thiều sớm trồng trải rộng khắp mọi nơi, từ dưới ruộng đến các ngọn đồi, trông như tấm thảm xanh khổng lồ được tô thêm mảng đỏ của những chùm vải chín rộ bạt ngàn, chạy dài xa tít ngút tầm mắt. Được biết tổng diện tích đất trồng vải của xã Phúc Hòa là 650 ha. Tổng sản lượng vải thiều trên toàn xã Phúc Hòa năm 2022, thu hoạch ước đạt khoảng 10.000 tấn quả. Trong tổng số 650 ha diện tích trồng vải của xã Phúc Hòa có 25 ha trồng theo quy trình GlobalGAP. Sản phẩm thu hoạch trên phần diện tích này sẽ được xuất khẩu đi thị thường các nước Mỹ, Nhật Bản và châu Âu”.
Đoàn chúng tôi hôm nay được ưu ái trực tiếp vào thăm khu vườn vải trồng theo quy trình GlobalGAP, thật thú vị khi mà mỗi người trong đoàn đều lần đầu tiên được đứng giữa bạt ngàn những cây vải đang rộ và được tận tay hái những quả vải tùy chọn bóc và thưởng thức hương thơm vị đượm của nó tại chỗ… Và những giây phút có mặt ở nơi này trong mỗi chúng tôi đều có cảm giác vui mừng giống như những người nông dân đang đón nhận thành quả lao động của mình từ vụ thu hoạch vải bội thu nơi đây.
Ngày thứ 2 của chuyến đi, đoàn chúng tôi cùng các anh chị em đại diện Hội Trường Sơn và Ban Liên lạc nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang hành trình đến huyện Việt Yên. Với sự bố trí trước của hai đơn vị - Hội CCB huyện Việt Yên và Ban Liên lạc nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang đồng tổ chức sự kiện tại Việt Yên hôm nay, ra đón đoàn chúng tôi với tư cách chủ nhà đón khách có đồng chí Đỗ Văn Tập, Ủy viên BCH huyện ủy, Chủ tịch Hội CCB huyện Việt Yên; đồng chí Nguyễn Đức Việt, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện; đồng chí Nguyễn Danh Bình, Ủy viên Thường vụ Hội CCB huyện, Chủ tịch Hội Chiến sỹ thành cổ Quảng Trị huyện Việt Yên. Cùng 2 đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tiên Sơn huyện Việt Yên.
Trước giờ gặp mặt và giao lưu, các đồng chí lãnh đạo Hội CCB huyện Việt Yên và lãnh đạo Hội CCB xã Tiên Sơn đã long trọng dẫn đoàn chúng tôi đi thăm khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt nằm trên địa bàn - Chùa Bổ Đà hay còn gọi là chùa Bổ, toạ lạc trên núi Phượng Hoàng thuộc dãy Bồ Đà sơn, nơi có cảnh quan phong thuỷ hài hoà thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Chùa Bồ Đà có từ thời Lý thế kỷ 11, và được trùng tu vào đời Lê, dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728). Cùng với chùa Vĩnh Nghiêm (Đức la), chùa Bổ Đà là một trung tâm Phật giáo lớn của Bắc Giang, thuộc thiền phái Trúc Lâm. Nơi đây có tượng thờ Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang).Chùa là một công trình kiến trúc cổ kính được xem là đại danh lam cổ tự của vùng đất văn hiến Bắc Giang. Đây là ngôi chùa còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ và có kiến trúc độc đáo, khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam. Trong chùa còn lưu giữ kho mộc bản kinh Phật khắc trên gổ thị cổ nhất với gần 2000 bản ván khắc bằng chữ Hán và khu vườn tháp lớn nhất Việt Nam. Chùa Bổ Đà được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt…
Sau tham quan chùa Bổ Đà là chương trình giao lưu giữa các đồng chí lãnh đạo Hội CCB huyện Việt Yên và lãnh đạo Hội CCB xã Tiên Sơn cùng toàn đoàn chúng tôi. Mở đầu chương trình giao lưu đồng chí Nguyễn Thị Vinh Trường Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang phát biểu giới thiệu thành phần đại biểu và khái quát về mối quan hệ giữa Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang và Hội CCB; Hội Chiến sỹ thành cổ Quảng Trị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Việt Yên nói riêng. Tiếp đó là ý kiến phát biểu của đồng chí Đỗ Văn Tập, Ủy viên BCH huyện ủy, Chủ tịch Hội CCB huyện Việt Yên, trong bài phát biểu của mình đồng chí Đỗ Văn Tập đánh giá cao hoạt động và tầm ảnh hưởng của Hội Trường Sơn trong xã hội, đánh giá cao và cam kết quan tâm nhiều hơn về mối quan hệ tốt đẹp vốn có của Hội CCB; Hội Chiến sỹ thành cổ Quảng Trị địa phương với Hội Trường Sơn và Ban Liên lạc nữ Chiến sỹ Trường Sơn các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Việt Yên nói riêng.
Thay mặt đoàn, đồng chí Phạm Thành Long, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên truyền thi đua Hội Trường Sơn Việt Nam đã có lời phát biểu và cảm ơn Đảng, Chính quyền, các đoàn thể địa phương mà đặc biệt là Hội CCB trên địa bàn đã quan tâm đến Trường Sơn… theo đó đồng chí Phạm Thành Long và Lê Hồng Huân đã tặng sách và Bản tin Trường Sơn số đặc biệt chào mừng thành công Đại hội lần thứ III Hội Trường Sơn Việt Nam tới các đồng chí lãnh đạo Hội CCB huyện Việt Yên và lãnh đạo Hội CCB xã Tiên Sơn.
Tham dự cùng chuyến đi của đoàn, đồng chí Trần Thị Chung, Ủy viên Thường vụ Hội Trường Sơn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ Chiến sỹ Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh xúc động chia sẻ ý kiến của mình, đồng chí cho rằng: Trên phương diện toàn quốc chưa từng thấy nơi nào mà có được sự gắn kết tốt đẹp giữa Hội CCB; Hội Trường Sơn; Hội nữ Chiến sỹ Trường Sơn và còn có cả Hội Chiến sỹ thành cổ Quảng Trị như tại tỉnh Bắc Giang… Hội Nữ Chiến sỹ Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh chúng tôi nhận thấy cần được xem đây là mô hình mẫu để tuyên truyền và nhân ra tại các địa phương khác trong cả nước…
Hình ảnh một nhân viên của Phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện có mặt để dẫn đoàn và thuyết minh về một Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt nằm tại địa phương. Cùng với hình ảnh cặp liền chị mang đến cho buổi giao lưu những làn điệu dân ca, những ca khúc mang âm hưởng của miền Quan họ, đấy là biểu hiện của sự mến trọng khách của chủ nhà. Bên cạnh đó những mẩu chia sẻ, những vần thơ mộc mạc, những bài hát đậm chất lính – Tất cả cùng đồng điệu, cùng tôn vinh và tiếp tục nâng bước quân hành cho những người CCB chúng tôi hôm nay.
Vâng! Một chuyến đi - một hoạt động không chính thức nhưng tất cả những gì diễn ra trong chuyến đi này đã thêm lần khẳng định câu nói: “chưa từng thấy nơi nào mà có được sự gắn kết tốt đẹp giữa Hội CCB; Hội Trường Sơn; Hội nữ Chiến sỹ Trường Sơn và còn có cả Hội Chiến sỹ thành cổ Quảng Trị như tại tỉnh Bắc Giang…” – Câu nói trên ắt có được cũng bởi từ cốt hồn của câu ví Bắc Giang là “Nơi lan tỏa hai tiếng Trường Sơn”.
Những gì diễn ra trong chuyến đi này cùng với một chùm vải đầu mùa ngọt ngào, một ly rượu ấm nồng nổi tiếng của Làng Vân nơi này đã làm cho mỗi người có mặt nơi đây thêm ngọt ngào và ấm áp – cái ngọt ngào và ấm áp của những người một thời mang áo lính mang đến cho những người một thời mang áo lính…
Thăm thủ phủ vải Thiều sớm ở xã Phúc Hòa huyện Tân Yên (4 ảnh trên)
Thăm khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt - Chùa Bổ Đà (7 ảnh trên)
Đồng chí Đỗ Văn Tập, Ủy viên BCH huyện ủy,
Chủ tịch Hội CCB huyện Việt Yên phát biểu trong buổi giao lưu
Thay mặt đoàn khách mời - đồng chí Phạm Thành Long phát biểu trong buổi giao lưu
Cặp liền chị mang âm hưởng miền Quan họ chia vui cùng buổi gặp mặt
Cùng nâng chén rượu Làng Vân
Tỏ lòng mến khách kết thân nghĩa tình...
Thực hiện: Phạm Sinh & Lê Hồng Huân