Hoạt động Hội Trường Sơn - Nhìn từ Lễ Kỷ niệm 51 năm thành lập Sư đoàn 471 Anh hùng

Ngày đăng: 10:41 29/07/2022 Lượt xem: 1.926
HOẠT ĐỘNG HỘI TRƯỜNG SƠN
NHÌN TỪ LỄ KỶ NIỆM 51 NĂM THÀNH LẬP SƯ ĐOÀN 471 ANH HÙNG
 
       Với một tiến trình tổ chức 2 sự kiện liền kề - Đại hội lần thứ II Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 và Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Sư đoàn 471 Anh hùng lẽ ra được tổ chức vào tháng 7 năm 2021, nhưng vì đại dịch Covid 19 bùng phát nên cả 2 sự kiện trên đều phải hoãn lại cho đến nay mới được thực hiện.
       Ngày 23 tháng 7 năm 2022. Đại hội Đại biểu lần thứ II Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 được long trọng tổ chức và thành công tốt đẹp tại Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Cầu Giấy, Hà Nội.
       Cũng tại địa điểm nói trên - Ngày 24 tháng 7 năm 2022 Lễ kỷ niệm 51 năm ngày thành lập Sư đoàn 471 Anh hùng được tổ chức trọng thể. Trước ngày diễn ra lễ Kỷ niệm – Tối 23-7 môt chương trình giao lưu Văn nghệ tổng hợp đặc biệt chào mừng Lễ kỷ niệm được tổ chức tại hội trường.
       Về dự lễ mít tinh Kỷ niệm 51 năm ngày thành lập Sư đoàn 471 gồm có: Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam; Đại tá Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam cùng một số đồng chí là Ủy viên Thường vụ, Ủy viên BCH Hội Trường Sơn Việt Nam và các Trưởng phó Ban chuyên môn Hội Trường Sơn Việt Nam; Đại biểu đại diện Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12; Đại biểu đại diện Hội Trường Sơn các Sư đoàn: 470; 472; 473; 571 và Hội Trường Sơn ngành Chính trị Trường Sơn; đồng chí Bùi Tuấn Anh, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy; đồng chí Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch quận Cầu Giấy. Đại biểu đại diện một số tổ chức, Doanh nghiệp và cá nhân… Đặc biệt về dự Lễ kỷ niệm hôm nay còn có: Anh hùng LLVTND Nguyễn Quang Hạnh và Nguyễn Văn Tân là 2 trong số 7 Anh hùng LLVTND của Sư đoàn; Đại diện gia đình Liệt sỹ, Phó Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Tam Anh; đại diện gia đình cố Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn; đại diện gia đình cố Đại tá Ngô Mạnh Thu, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn.
       Dự lễ Kỷ niệm - Về phía Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 có: Đại tá Nguyễn Thuận Quảng, Ủy viên BCH Hội TSVN, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn, Chủ tịch danh dự BCH Hội TS Sư đoàn 471; Đồng chí Nguyễn Kim Chúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội TS Sư đoàn 471 nhiệm kỳ I; Đồng chí Nguyễn Thế Tuấn, Chủ tịch Hội TS Sư đoàn 471, cùng các đồng chí Phó Chủ tịch ( Phạm Thành Long; Trần Thị Chung; Phạm Sinh; Nguyễn Văn Thiệu); Các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và Trưởng phó Ban LL 26 đơn vị Truyền thống 471 và các Ban LL các địa phương trong cả nước. Cùng với hơn 350 đại biểu đại diện cho 3.446 hội viên chính thức của Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 trong cả nước.
       Trước giờ khai mạc Lễ Kỷ niệm là một chương trình Văn nghệ chào mừng do Câu lạc bộ Nghệ thuật Trường Sơn – Đơn vị trực thuộc Hội TSVN với lực lượng nòng cốt là những hội viên Trường Sơn Sư đoàn 471 thực hiện.
       Sau các nghi thức mở đầu buổi Lễ. Đại tá Nguyễn Thuận Quảng, Ủy viên BCH Hội TSVN, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn, Chủ tịch danh dự BCH Hội TS Sư đoàn 471 đọc diễn văn Lễ Kỷ niệm.
        Diễn văn do Đại tá Nguyễn Thuận Quảng trình bầy có đoạn viết: “… 51 năm trước ngày 20 tháng 7 năm 1971 theo quyết định số 110/QĐ - QP của Bộ quốc phòng Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn được thành lập. Bộ tư lệnh khu vực 471 (tương đương cấp Sư đoàn) gồm 4 Binh trạm: 35, 36, 38, 44 và 3 Trung đoàn: Trung đoàn 10 Công binh, Trung đoàn 573 Cao xạ, Trung đoàn 59 Bộ binh. Đầu năm 1972 thành lập thêm 2 Binh trạm: 46 và 47. Mười nghìn cán bộ chiến sỹ Bộ tư lệnh khu vực 471 được giao một khu vực rộng lớn thuộc Hạ Lào và vùng phía tây Quảng Nam - Bắc Kon Tum. Vượt qua mưa bom, bão đạn và những thủ đoạn đánh phá của Mỹ - Ngụy cả trên không và trên bộ. Từ những cánh rừng của vùng Nam Lào theo các trục đường 128, 22, 24, 17, B46 một khối lượng lớn hàng hóa và binh khí kỹ thuật đã được các lực lượng của Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn chuyển theo ba hướng phục vụ cho các chiến trường đánh Mỹ. Hơn hai nghìn km đường ô tô được các chiến sỹ thuộc Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn khởi đầu từ Binh trạm 35 ở nam Đèo Long sông Bạc đi về hướng đông qua Binh trạm 44 cung cấp vũ khí đạn dược binh lực cho khu V và Bắc Kon tum; theo hướng đông nam qua Binh trạm 36, Binh trạm 38 lập chân hàng cho Bộ tư lệnh khu vực 470; Theo hướng nam qua Binh trạm 46, Binh trạm 47, qua cao nguyên Bôlôven về Chămpaksak … vượt qua bom đạn với các thủ đoạn đánh chặn của AC130, của các loại bom đạn thông minh của Mỹ; vượt qua những điểm nống lấn của kẻ thù với truyền thống của bộ đội Trường Sơn dù ở Tây Trường Sơn và sau này về quản lý khu vực rộng lớn phía Đông Trường Sơn. Các chiến binh 471 Trường Sơn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
       Tháng 7 năm 1974 Bộ tư lệnh khu vực 471 được chuyển thành Sư đoàn ô tô vận tải 471 với bốn Trung đoàn xe 17, 32, 33, 536 và các đơn vị trực thuộc. Hơn 2.800 xe ô tô vận tải lại vượt Trường Sơn về Sê Sụ. Để từ đây với truyền thống vượt qua gian khó hơn 2.800 xe -  những tuấn mã Trường Sơn lập cung đường mới về Đông Trường Sơn đảm bảo hậu cần chiến lược cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn cũng góp phần to lớn trong đại thắng mùa xuân 1975. Ngay từ những ngày sau tết Ất Mão các đoàn xe 471 đã chuyên chở những Sư đoàn chủ lực: Sư đoàn 10, Sư đoàn 316, Sư đoàn 968 về vị trí chiến đấu cùng với hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài phục vụ cho trận chiến mà kẻ địch không hay biết gì hoạt động của ta. Rồi cũng chính những tuấn mã Trường Sơn này dưới bàn tay cầm lái của những chiến sỹ 471 đã cùng với các Binh đoàn chủ lực truy kích địch ở đường 7 đánh địch giải phóng duyên hải miền Trung. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975 cả đội hình xe Sư đoàn 471 cùng với các Binh đoàn chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn. Và trong ngày 15-5-1975 các đội hình xe của Sư đoàn 471 rầm rập diễu hành trong ngày vui đại thắng.
       Kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng. Sư đoàn 471 Trường Sơn được Nhà nước tuyên dương: Sư đoàn anh hùng. Từ giữa năm 1976 cả Sư đoàn trở lại Tây Nguyên làm kinh tế. Đây là thời kỳ đầy biến động nhưng rất vẻ vang của Sư đoàn. Sư đoàn làm kinh tế ở vùng đất Tây Nguyên trong những thời khắc bọn Fun rô quấy phá; bọn Pon Pốt đánh phá dọc biên giới Việt Nam - Cam pu chia. Hàng ngàn nữ quân nhân miền Bắc vào bổ xung cho Sư đoàn để những chàng trai lại cầm súng ra trận. Bàn chân của người lính Sư đoàn 471 lại đi khắp các nẻo đường: làm đường sang hướng Cam pu chia, về lại vùng Nam Lào ngăn chặn bọn phản động thẩm lậu về nước chống phá. Ở Tây Nguyên những làng lính do Sư đoàn 471 xây dựng vang vọng tiếng trẻ học bài. Cuộc sống tiếp diễn theo chiều hướng tốt lên cùng với chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước…”
       Sau gần 17 năm xây dựng và trưởng thành Sư đoàn 471 đã kết thúc xứ mạng lịch sử một cách vẻ vang. Tháng 9 năm 1988 quy mô và phiên hiệu Sư đoàn 471 được khép lại, theo đó đơn vị được biên chế tổ chức lại thành Đoàn 471 và chuyển sang làm nhiệm vụ chiến đấu giúp nước bạn Cam-puchia…
        Quá trình hình thành và phát triển cho đến khi kết thúc xứ mạng lịch sử, Sư đoàn 471 được phong tặng 2 Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Giai đoạn làm kinh tế Lâm nghiệp tại Tây Nguyên Sư đoàn được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba, bên cạnh đó Sư đoàn còn có 12 đơn vị trực thuộc và 7 cá nhân vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
        Sau Diễn văn Lễ Kỷ niệm do Đại tá Nguyễn Thuận Quảng trình bày. Đại tá Nguyễn Thế Tuấn, Chủ tịch Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 nhiệm kỳ II (2022-2027) thông báo trước buổi lễ về kết quả Đại hội đại biểu Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 nhiệm kỳ II (2022-2027).
        Tại Lễ Kỷ niệm đã nhận được ý kiến phát biểu cảm tưởng của Trung tá Nguyễn Hữu Dụ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 49, thay mặt cho lớp cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sư đoàn và ý kiến phát biểu cảm tưởng của đồng chí Bùi Bích Lụa thay mặt lớp Chiến sỹ Sư đoàn thời kỳ Sư đoàn làm kinh tế Lâm nghiệp kết hợp bảo vệ biên giới phía Nam tại Tây nguyên…
        Thay mặt lãnh đạo Hội Trường Sơn Việt Nam, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Phó Chủ tịch Hội đã phát biểu ý kiến đánh giá cao về lịch sử truyền thống của Sư đoàn trong suốt giai đoạn hình thành và phát triển; đánh giá cao về thành tích tổ chức, xây dựng và hoạt động của Hội Trường Sơn Sư đoàn trong suốt quá trình thành lập cho đến nay và coi thành tích này là điểm sáng nhất của các đơn vị Truyền thống trực thuộc Hội Trường Sơn Việt Nam…
Tại buổi Lễ Kỷ niệm hôm nay, Ban tổ chức đã điều hành chương trình trao, nhận quà; chương trình mừng thọ cho hội viên gồm:
        + Phần trao, nhận quà: Trao tặng quà cho đại diện gia đình của 3 đồng chí cố lãnh đạo Sư đoàn ( Nguyễn Tam Anh; Nguyễn Lạn; Ngô Mạnh Thu). Trao 25 phần quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
        Cũng trong chương trình trao nhận quà, Ban tổ chức đặc biệt ghi nhận đồng chí Vũ Hồng Khanh, nguyên Trợ lý Tài vụ Binh trạm 38 của Sư đoàn, nay là Thầy thuốc Đông y, là Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Tâm Sen của Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng chí Vũ Hồng Khanh đã trao tặng 5 phần quà, mỗi phần trị giá 4 triệu đồng cho 5 hội viên bệnh tật hiểm nghèo của hội, bên cạnh đó đồng chí Vũ Hồng Khanh còn vận động các cháu sinh viên Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia cùng CLB thiện nguyện của mình tặng 4 phần quà bằng hiện vật gửi đến Ban tổ chức buổi lễ Kỷ niệm.
        + Phần mừng thọ hội viên: Tại Lễ Kỷ niệm này, Ban tổ chức đã trao Bằng và quà mừng thọ cho hàng chục hội viên ở độ tuổi 70, 75, 80, 85 và từ 90 tuổi trở lên.
        Tại buổi Lễ Kỷ niệm hôm nay, tiếp tục hưởng ứng chủ trương quên góp tài trợ xây dựng công trình Bia di tích Lịch sử Sư đoàn tại Bến Giằng – Quảng Nam. Ban tổ chức nhận được tiền ủng hộ lần thứ 2 của gia đình đồng chí Bùi Bích Lụa, hội viên thuộc Ban LL Sư đoàn 471 khu vực TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ với số tiền 15 triệu đồng, cùng với số tiền đã ủng hộ lần thứ nhất 5 triệu đồng – Tổng số tiền gia đình đồng chí Bùi Bích Lụa ủng hộ xây dựng Bia di tích Lịch sử Sư đoàn là 20 triệu đồng. Cũng tại buổi Lễ kỷ niệm này Ban tổ chức còn nhận được tiền ủng hộ xây dựng Bia di tích Lịch sử Sư đoàn của đồng chí Vũ Thị Phượng hội viên thuộc Ban LL Sư đoàn 471 khu vực TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ với số tiền là 2 triệu đồng.
        Điểm lại công tác đảm bảo cho 2 sự kiện vừa được coi là thành công của Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 chúng ta thấy: Để phục vụ một cách tốt nhất có thể cho việc tổ chức 2 sự kiện nói trên. Ban tổ chức sự kiện của Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 đã làm tốt tất cả các khâu chuẩn bị. Ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo hệ thống tài liệu văn kiện Đại hội, khâu chọn địa điểm tổ chức, khâu trang trí khánh tiết, nơi hội họp, nơi phục vụ hậu cần đều được quan tâm và thực hiện thuận lợi, hoành tráng trang nghiêm và an toàn tuyệt đối.
        Với số lượng đai biểu tham dự Đại hội và Lễ Kỷ niệm trong cả 2 ngày lên tới 650 người. Trong đó ngày Đại hội với 200 đại biểu, Ban tổ chức đã không đặt vấn đề đại biểu hội viên đóng góp kinh phí, trong khi mỗi đại biểu về dự Đại hội đều được nhận phần quà bằng hiện vật trị giá 500 ngàn đồng. Ngày tổ chức Lễ Kỷ niệm Ban tổ chức phát động đại biểu là hội viên đóng góp 250 ngàn đồng ( hội viên không có khả năng đóng góp được miễn huy động) tại buổi Lễ kỷ niệm này mỗi đại biểu được nhận phần quà lưu niệm – Cuốn sách “Ký ức Sư đoàn 471 Anh hùng” – Cuốn sách có giá trị xuất bản là 70 ngàn đồng.
        Một khoản kinh phí tương đối lớn phục vụ cho 2 sự kiện của Hội Trường Sơn Sư đoàn 471. Ngoài phần huy động đóng góp của hội viên, số còn lại là phần không nhỏ đã được Ban tổ chức huy động từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm tài trợ. Ban tổ chức trân trọng ghi nhận và cảm ơn đồng chí Ngô Văn Dụ, Hội viên Trường Sơn Sư đoàn 471 tại Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thị Minh Hà, Hội viên Trường Sơn Sư đoàn 471 tại Hải Phòng; đặc biệt trân trọng ghi nhận và cảm ơn Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Phát triển Nhà và Thương mại Hà Nội của gia đình đồng chí Trần Thị Chung đã hỗ trợ một khoản kinh phí đáng kể cùng với đội ngũ nhân lực phục vụ các sự kiện. Ban tổ chức cũng trân trọng và ghi nhận sự quan tâm chia sẻ đến từ Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch quận Cầu Giấy; từ các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm trong và ngoài hội.
          Thành công của Lễ kỷ niệm 51 năm thành lập Sư đoàn 471 Anh hùng hôm nay và trước đó là thành công của Đại hội Đại biểu lần thứ II Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 là kết quả của tinh thần đoàn kết, sáng tạo, là niềm tin, là ý thức trách nhiệm và là tình người, tình đồng chí đồng đội của mỗi cán bộ hội viên trong Hội – Đây cũng là thực hiện phương châm và tôn chỉ mục đích “Tập hơp - Đoàn kết - Tổ chức vững chắc - Hoạt động hiệu quả” của Hội Trường Sơn chúng ta.

 
MỘT SỐ HÌNH ẢNH GHI LẠI TỪ LỄ KỶ NIỆM


Tấm Pano cổ động rộng 25m2 Chào mừng Đại hội nhiệm kỳ II Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 và Lễ Kỷ niệm 51 năm thành lập Sư đoàn được đặt ở vị trí trang trọng khu sảnh Hội trường - nơi tổ chức 2 sự kiện


Đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm



Một số tiết mục trong chương trình Văn nghệ chào mừng (2 ảnh trên)


Đại tá Nguyễn Thuận Quảng, Ủy viên BCH Hội TSVN, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn,
Chủ tịch danh dự BCH Hội TS Sư đoàn 471 đọc diễn văn Lễ Kỷ niệm


Đại tá Nguyễn Thế Tuấn, Chủ tịch Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 nhiệm kỳ II thông báo
 kết quả Đại hội đại biểu Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 nhiệm kỳ II (2022-2027).


Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam phát biểu chúc mừng tại Lễ Kỷ niệm


Trung tá Nguyễn Hữu Dụ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 49, thay mặt cho lớp
cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sư đoàn phát biểu cảm tưởng


Đồng chí Bùi Bích Lụa thay mặt lớp Chiến sỹ Sư đoàn thời kỳ Sư đoàn làm kinh tế Lâm nghiệp
kết hợp bảo vệ biên giới phía Nam tại Tây nguyên phát biểu cảm tưởng


Ban tổ chức trao quà cho những hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn


Đồng chí Vũ Hồng Khanh cùng 
các cháu sinh viên Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia
trao tặng quà tại buổi Lễ



Đại tá Nguyễn Thế Tuấn, Chủ tịch Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 nhiệm kỳ II,
Trao Bằng và quà mừng thọ cho Đại tá Nguyễn Thuận Quảng




Những tấm ảnh lưu niệm được "ra đời" tại Lễ Kỷ niệm (3 ảnh trên)
 
Phạm Sinh thực hiện
tin tức liên quan
test 123