NHỮNG NGÀY SÂU ĐẬM NGHĨA TÌNH
Những ngày tháng 7 của 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, thật sâu đậm nghĩa tình của cả nước, cả tỉnh và mỗi đơn vị, địa phương.
Hội Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Thái Bình đã tổ chức chuyến đi tri ân, tìm mộ đồng đội ở chiến trường xưa thật chu đáo, sâu đậm nghĩa tình với đồng đội, đồng bào nơi họ đã sống, đã chiến đấu thời chống Mỹ. Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn tỉnh cùng tham gia đoàn, đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh, đồng chí Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn trực tiếp chỉ đạo chuyến hành hương.
Tháng 7 về với 7 địa chỉ đỏ linh thiêng ở từng nơi đoàn tới đều ấn tượng, đều chan chứa nghĩa tình đồng đội, đồng bào của người đi, người đón. Người đi thì hăm hở náo nức như lâu ngày trở lại, họ mang những sản vật trân quý quê nhà: Hương thơm, hoa huệ, nón trắng, bánh kẹo thương hiệu Thái Bình và không quên chùm bồ kết, ôn luyện những bài ca đã cùng chia lửa một thời, những bài ca của quê hương 5 tấn. Người đón thì chu đáo tận tình, mong ngóng.
Ngã ba Đồng Lộc, nơi: hốm bom như mắt sàng mà giờ rừng đã xanh cây, theo thứ tự từng đoàn, đoàn Nữ Trường Sơn Thái Bình dâng lễ hương thơm, huệ trắng, nón trắng, bồ kết lên lễ đài và 10 ngôi mộ; Các chị cười vui, trẻ mãi tuổi 20 khi nghe các bài ca: "Cô gái mở đường" và bài "Cúc ơi" do Ngọc Tú trình bày. Người hát lệ rơi dưới tán cây xanh, các đoàn hành hương ngưỡng mộ nghẹn ngào.
Tới Ngã ba Bến Tắt, dòng xe ngược rẽ trái, dòng xe xuôi rẽ phải vào Nghĩa trang Quốc gia đặc biệt Trường Sơn. Rừng xanh, hồ thiêng nước trong làm dịu nắng hè, nhưng vì nhiều đoàn, xe khách phải đỗ ngoài xa, thế mà các chị các anh vẫn hăm hở ngược dốc, muốn được tới nhanh để dâng lễ đền thờ Bác, đặt vòng hoa tượng đài theo nghi thức lễ trọng và dâng hương, hoa ở nhà tưởng niệm 687 liệt sỹ Thái Bình. Họ đã ôm vào mộ, sờ vào ngôi sao đang nóng tỏa sáng dưới nắng hè. Nhận được mộ anh, mộ người cùng đơn vị, người cùng quê, họ cười và họ khóc, giọt lệ vừa rơi nắng đã bốc hơi, hương thơm, huệ thơm và lễ vật ngọt ngào đã tỏa. Họ hát đồng ca, tốp ca, đơn ca và cả hát chèo để đồng đội nghe:"Hát mãi khúc quân hành" "Bài ca năm tấn" bên từng hàng mộ, dưới bóng cây Bồ đề.
Đến Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 đã gần giờ Ngọ mặt nhựa đường 9 bốc hơi nắng lóa, chờ 2 đoàn thì đến lượt. Những cánh chim câu bay lượn quanh tượng đài. Ban tổ chức cử hành dâng hương, tượng đài lồng lộng dưới trời xanh mây trắng. Đoàn lên khu mộ Liệt sỹ quê hương Thái Bình dâng hương và hát "Bài ca đường 9" "Bài ca Trường Sơn", bài "Nắng ấm quê hương", "Nổi lửa lên em". Nhiều các chị các anh đoàn khác cùng hát dưới bóng mát cây Bồ đề.
Xe đỗ dài ngoài đường số 1, nắng chiều xiên kẽ lá xuống "Cỏ non, xanh non tơ" như tấm thảm thiên nhiên tuyệt mỹ. Quảng trường như nhỏ lại bởi dòng người từ Nam tới, Bắc vào dưới tượng đài Thành Cổ, nổi bật đoàn Nữ CS Trường Sơn Thái Bình với nghi lễ trang trọng, đi tiếp sau đoàn Bộ kế hoạch Đầu tư. Lẵng hoa huệ trắng, sản vật từ Vũ Chính nổi bật với dòng người chầm chậm dâng lên tháp thiêng Cây Thiên Mệnh dưới trời xanh lộng gió từ Thạch Hãn, Cửa Việt thổi vào, hương trầm chùa Tiền đã tỏa từ tượng đài. Đại mộ phần của hàng ngàn liệt sỹ yên nghỉ dưới bóng cây. Nhạc lại nổi lên, đội văn nghệ Trường Sơn của Thái Bình lại: Hát cho đồng đội tôi nghe, hát về Quảng Trị, Cỏ non Thành Cổ, Anh có về Quảng Trị với em không, Về thăm Thành Cổ Quảng Trị và bài hát chèo: Trường Sơn quê lúa. Một cảnh thật ấn tượng nơi đất thiêng trong giờ phút thiêng. Các phóng viên chuyên nghiệp và phóng viên điện thoại, hàng chục đoàn đã vây quanh ghi hình. Đoàn Hà Nội các chị mặc tân thời trắng xen lẫn màu xanh của lính cùng hát thì: trên tượng đài Cây Thiên Mệnh lư hương bùng phát ngọn lửa thiêng. Ngọn lửa reo vui theo lời ca, nụ cười và giọt lệ, phù hộ cho quốc thái dân an.
Chiều đã tà, mặt trời như xà xuống dòng Thạch Hạn, hàng trăm, hàng ngàn ngọn sóng lô xô vỗ bờ. Chúng tôi tới đền thờ bến thiêng, đội ngũ nghiêm trang dâng lễ, thắp hương ban thờ Bác Hồ, ban thờ Anh hùng Liệt sỹ, cùng các đoàn thả hoa tươi, mâm hoa xuống dòng nước nắng lóa bóng hình, mọi người chắp tay cầu nguyện hương hồn Liệt sỹ nơi dòng sông đỏ máu 81 ngày đêm. Cả đoàn hát: "Hôm nay ta về đây", Hải Lâm hát: "...Chúng con mỗi đứa một quê... mất con, nhưng Tổ quốc còn hôm nay..." Mọi người trong các đoàn đều rưng rưng lệ. Đặc biệt khi Anh Tú hát: "Có một bài ca không bao giờ quên". Cả bến thiêng rung động, tiếng khóc nhớ thương Anh hùng Liệt sỹ, thương các bác các cô cựu chiến binh, có lúc át cả lời ca. Không hề quen, chưa lần gặp mặt mà cả đoàn hành hương Hà Nội cứ người ôm, người vịn vào đoàn Thái Bình mà khóc, ngưỡng mộ tự hào. Đột nhiên có cháu trai độ 20 tuổi trong đoàn Hà Nội thưa: "Ông cháu cũng hy sinh ở dòng sông này. Ông cháu bảo cô cháu phát lộc cảm ơn các bác, các cô" và cô, cháu trao tiền 200 ngàn không sót một ai. Cảm động nhân đôi. Họ vẫn nghe hát, vẫn chia sẻ như hứa với người hy sinh, giữ gìn non sông Tổ quốc mãi mãi trường tồn, rồi tất cả cùng nhau đứng nghiêm tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ. Phút giây thiêng chỉ còn nghe: Sóng nước “vỗ yên bờ…”.
Tạm biệt Cố Đô, ngược dòng Hương Giang, theo đường 49 quanh co với nắng vàng ban mai, đoàn lên với đất thiêng son sắt của các dân tộc họ Hồ. A Lưới nơi đa phần trong họ đã được sống chiến đấu ở đây. Đến đèo A Co cảnh đẹp bây giờ, nhưng quá gian khó vất vả ác liệt khi xưa. Mỵ, Vị, Phương khởi xướng hát bài: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Rồi Ngọc Tú cầm micrô bắt nhịp: Bài ca Trường Sơn. Cả cánh rừng sôi động, nhiều xe con, xe máy cũng ngược lên phía ấy. Cầu Mỏ Quạ, biển chỉ đường ghi. Ôi cái nơi: Đèo Mỏ Quạ ngày ấy là mục tiêu phấn đấu để trả hàng (lương thực, vũ khí), nơi lính lái xe D55 được nghe tiếng "dạ" ngọt ngào, ghé vai đón hòm đạn và đưa trao lọ dầu thơm Thịnh Phát với ánh mắt sao mai. Nhưng cũng có lần cũng nơi đây trong đêm tối phải tìm xác đồng đội đưa về, vì máy bay Mỹ oanh tạc. Cách ngã ba Bốt Đỏ 12km đồi sạt có lẽ hôm qua, xe ben đang khắc phục nên không phải đợi lâu. Gầm 10 giờ tới Ngã ba Bốt Đỏ, cái bốt thời Pháp mà bao cô gái đang có trong xe đã phấn đấu thông đường thông xe để vào Bù Lạch thời chống Mỹ, chắc mỗi người đang nhớ lại những chuyện buồn vui.
Hát cho người nằm dưới mộ ( một hình ảnh trong chuyến đi của Hội Nữ CSTS tỉnh Thái Bình)
Rẽ phải theo đường Hồ Chí Minh (đường 14) "Cô gái mở đường" lại được cả xe hát... Tình em gửi trọn con đường.... Đúng vậy Thuần ơi! Nguyễn Thị Thuần, Phùng Quốc Phi, Trương Sỹ Thòa, Nguyễn Thị Dinh, Phan Văn Phước... đã ở lại đất này, đường phẳng, xe tốt mà sao như chậm thế. Đây rồi cổng nghĩa trang A Lưới. Đồng chí Hồ Thị Hoa thương binh cụt một chân và đồng đội A Lưới nhao ra đón bạn. Các bác các anh CCB tuổi cao cũng không ngại nắng chói trưa hè, họ che ô cho nhau, họ cùng nâng lưu lễ vật. Phạm Thị Mỵ, Tạ Thị Hạnh, đôi bạn thân của Thuần chuẩn bị phần lễ và quà riêng cho bạn. Đồng chí Nguyễn Hữu Bản điều hành lễ viếng. Tượng đài Tổ quốc ghi công ở nghĩa trang A Lưới vút lên trời xanh. Nổi bật dòng chữ: Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ và Lễ thắp nến tri ân. Chúng tôi dâng hoa, dâng hương ngước nhìn ngọn tháp như thấy đồng đội trở về, rồi ùa ra thắp hương, ùa ra tìm soi có tên thủ trưởng và đồng đội mình không. Ôi! có tên cả, sao lại không tên, sao lại chưa xác định được? Tiếng khóc nấc, tiếng gọi Thuần ơi của Mỵ, Hạnh và các bạn như xé lòng. Đồng chí lãnh đạo CCB huyện A Lưới nói: Trong tám mộ chưa rõ tên này, có một mộ bên khóm mẫu đơn có chiếc kẹp tóc 3 lá. Cả đoàn lại khóc to rồi hát cho Thuần và đồng đội nghe: Cô gái mở đường, Tình em gửi trọn con đường, tiếng Pa Cô tiếng Kinh bản hợp ca chưa đâu có.
Về nơi họp mặt tri ân và giao lưu, Anh hùng Hồ Vai, Kan Lịch và đồng bào đã đợi chúng tôi. Hội trường như chật hơn. Đồng chí Phạm Thị Mỵ Chủ tịch Hội Nữ Trường Sơn Thái Bình phát biểu khai mạc và trân trọng mời đồng chí Hà Văn Ngưm Phó chủ tịch UBND - đồng chí Hồ Hải Dương - Chánh văn phòng UBND, đồng chí Nguyễn Công Thành trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Anh hùng Hồ Vai, Anh hùng Kan Lịch lên nhận Kỷ niệm chương Trường Sơn và quà, đồng chí Vũ Hồng Thái, đồng chí Phạm Thị Mỵ được Trung ương Hội ủy quyền trao.
Đồng chí Trần Khánh Vượng và đồng chí Phạm Thị Mỵ trao quà và 500 ngàn đồng cho 40 các bác, các đồng chí Nữ Trường Sơn huyện A Lưới. Thay mặt đoàn đồng chí Vũ Hồng Thái đã đọc lời tri ân Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới Anh hùng và thưa: Đồng đội sẽ gắn bó mãi mãi với mảnh đất thiêng 1233 km2 của huyện A Lưới, gắn bó với điệu múa lễ hội A Riêu - Phing cùng lời ca tiếng đàn Ta lư bất hủ.
Thay mặt lãnh đạo huyện đồng chí Hồ Văn Ngưm - Phó Chủ tịch huyện A Lưới đã phát biểu cảm ơn đoàn trong sự nghẹ ngào cảm động.
Cả Hội trường lại hát và múa, bài nối bài cho tận đến khi đoàn lên xe đưa người trở về, người ở lại vẫy chào với nụ cười chứa chan nước mắt, sâu nặng nghĩa tình.
Ngày cuối Đoàn Nữ chiến sỹ Trường Sơn Thái Bình về dâng hương báo công với Bác nơi quê Người. Thành Vinh nắng, gió và rực rỡ cờ hoa. Tượng Bác Hồ lồng lộng dưới vòm trời xanh. Bác đang bước ra đón đàn con. Dưới bóng mát Người che, đồng chí Nguyễn Hữu Bải đọc lời kính dâng và giới thiệu các thành viên dâng hương, hoa huệ tươi lên bàn thờ Bác, đồng chí Thu Minh điều hành chương trình đặc biệt: "Hát về người" - cả đoàn đồng ca bài: Hội truyền thống Trường Sơn; Hồ Chí Minh đẹp mãi tên Người, do Nguyễn Hữu Bản trình bày, các giọng ca nữ: Khánh Vượng, Thu Minh - Bùi Hậu và giọng ca nam: Văn Lâm, Ngọc Thủy, Văn Tuấn, Hoàng Anh Tú đã ngân vang làm xúc động đồng bào thành Vinh. Nữ đồng chí phụ trách quảng trường cảm động nói: Chúng cháu phục vụ nhiều đoàn. Nhưng hôm nay chúng cháu rất xúc động được phục vụ các bác, các cô chú dâng hương Bác, hát về Người thật ý nghĩa và cảm động.
5 ngày về nguồn, về tri ân và tìm mộ đồng đội thể hiện: "Sống, chiến đấu, học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại" của cán bộ hội viên Trường Sơn nói chung và nữ chiến sỹ Trường Sơn Thái Bình nói riêng. Những ngày của tháng 7 nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ thật sâu nặng nghĩa tình.
06/8/2022
Vũ Hồng Thái
Chủ tịch Hội TS tỉnh Thái Bình
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam