"Hội VHNT Trường Sơn - Nơi niềm tin chắp cánh". TG: Phạm Hồng Loan

Ngày đăng: 09:38 24/08/2022 Lượt xem: 335
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRƯỜNG SƠN -
NƠI NIỀM TIN CHẮP CÁNH
       
       Mong chờ mãi rồi ngày diễn ra Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn đã đến. Những Cựu chiến binh- những người anh hùng của Trường Sơn một thời khói lửa hội tụ về đây, nơi Bảo tàng lịch sử lưu lại dấu ấn con đường huyền thoại góp phần quyết định trong thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, để cùng giao lưu, cùng hòa mình trong niềm vui trong những ngày diễn ra Đại hội.
       Tôi thấy đằng sau những bàn tay nắm lấy bàn tay, những vòng ôm là tình thương, nỗi nhớ, là niềm vui của ngày gặp mặt. Lòng chợt rưng rưng khi nhớ câu thơ của nhà thơ Chính Hữu: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.” Cái nắm tay của sự chia bùi sẻ ngọt “Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.”(Chính Hữu). Và cái nắm tay của người lính hôm nay như một lời hẹn cùng nhau xây dựng Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn thật vững mạnh, thông qua các hoạt động, các tác phẩm văn học nghệ thuật, tuyên truyền, cổ vũ, động viên hội viên phát huy phẩm chất và truyền thống Trường Sơn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Hội Trường Sơn Việt Nam và sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước trong thời đại mới như tôn chỉ, mục đích của Hội đề ra.
       Đại hội Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn với muôn sắc màu, âm thanh trong đêm giao lưu bắt đầu bằng việc trao giải thưởng cuộc thi viết về gương sáng nữ chiến sỹ Trường Sơn. Niềm vui ánh lên trong mắt những hội viên đạt giải viết về những người phụ nữ bình dị từ khói lửa đạn bom nơi đường Trường Sơn với bao vực thẳm sông sâu, bao khó khăn gian khổ trở về với đời thường vẫn đậm chất lính, vẫn mang trong mình khí phách Trường Sơn, vẫn tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh.


(Ảnh minh họa)
 
       Điểm nhấn của đêm giao lưu là những tiết mục văn nghệ do các hội viên và Câu lạc bộ nghệ thuật Phong Lan Trường Sơn biểu diễn. Cả một thời Trường Sơn “Quân đi điệp điệp trùng trùng”, cả một thời Trường Sơn “nhòa trời lửa”(Nguyễn Đình Thi) như ùa về. Người xem rưng rưng xúc động trước những tấm áo xanh màu áo lính ngập tràn sân khấu với những bài ca đi cùng năm tháng như những điệp khúc quân hành, đưa Cựu chiến binh về với khí thế hào hùng của một thời đánh Mỹ. Nghe như đâu đây tiếng bom rơi đạn nổ. Nghe như tiếng suối reo, thác chảy, tiếng ầm ào của đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn để làm lên đại thắng mùa xuân 1975 trong âm vang những ca khúc Đường Trường Sơn trăm ngả, Đường Trường Sơn trong tim, Bài ca Hội Truyền thống Trường Sơn. Nơi đường mòn Trường Sơn trong mưa bom bão đạn, nơi “Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”(Tố Hữu) nhưng những người lính vẫn gợi nhớ gợi thương, vẫn gửi cho nhau Sợi nhớ sợi thương ngọt ngào sâu lắng, khi họ Ở hai đầu nỗi nhớ.
       Vượt qua đạn bom, họ hẹn ngày Gặp nhau giữa rừng mơ, cùng Về Yên Bái múa điệu xòe hoa, để dạo bước trong Thu Hà Nội, lắng nghe trái tim đập những điều không thể nói về “Một thời đạn bom, một thời hòa bình.”
       Sang ngày 21 tháng 8, Đại hội chính thức bắt đầu. Thay mặt Ban chấp hành, Nhà thơ, Đại tá, Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Hữu Quý đánh giá lại những hoạt động của Hội trong nhiệm kì I (2017-2021). Nói đến Hội văn học, người ta nghĩ đến đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực: Văn xuôi, Thơ, Âm nhạc, Sân khấu, Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh, Nghiên cứu phê bình. Trong đó, Văn xuôi và Thơ chiếm vai trò chủ đạo. Trên trang Báo Điện tử Trường Sơn chỉ tính riêng 2 chuyên mục Thơ văn hội viên và Văn hóa - Nghệ thuật Trường Sơn, từ khi thành lập Hội VHNT Trường Sơn (tháng 3/2017) đến nay đã công bố hơn 2 vạn tác phẩm bao gồm: thơ, truyện, ký, ghi chép… của hội viên. Đặc biệt, tính đến nay trang Báo Điện tử Trường Sơn đã có trên 73 triệu lượt người truy cập. Một con số không hề nhỏ so với những trang Báo Điện tử trong cả nước đạt được (theo đánh giá của cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ Thông TinTruyền thông). Về lĩnh vực xuất bản đã có tới trên 200 ấn phẩm của các đơn vị tập thể và cá nhân hội viên được ra đời qua hệ thống các Nhà xuất bản, trong đó các hội viên đã xuất bản 159 ấn phẩm với nội dung phần lớn được gắn với Trường Sơn xưa và nay. Đặc biệt có những cuốn sách được biên tập một cách kỹ lưỡng, khoa học góp phần hệ thống và bổ sung nhiều tư liệu liên quan đến lịch sử Trường Sơn. Khẳng định tiềm năng sáng tác của hội viên, trong năm năm qua, Hội đã xuất bản 3 tác phẩm: Trường Sơn thuở ấy…Bây giờ, Khát vọng Trường Sơn. Riêng Mây trắng Trường Sơn -ấn phẩm đặc biệt chào mừng Đại hội nhiệm kì II Hội VHNT Trường Sơn gồm thơ và truyện ngắn chọn lọc từ trại viết Đồ Sơn và Hội viên Hội VHNT Trường Sơn trong cả nước.
       Hầu như tất cả các hội viên đều rưng rưng xúc động khi cầm trên tay món quà gồm những cuốn sách của Hội viên. Đặc biệt hai cuốn 131 di tích và địa danh Trường Sơn do Đại tá Vũ Trình Tường chủ biên, giới thiệu các di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, cuốn Biên niên sự kiện 10 năm Hội Trường Sơn Việt Nam (2011-2021) với gần một nghìn trang do nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long chủ biên giúp hội viên và bạn đọc hiểu rõ về con đường huyền thoại Trường Sơn. Trong 5 năm, Hội đã tổ chức hai cuộc thi: Hào khí Trường Sơn, Gương sáng nữ chiến sỹ Trường Sơn. Đây là một việc ít có Hội văn học nghệ thuật nào trong cả nước làm được, nhằm khơi dậy đam mê sáng tạo, là cách nhanh nhất tìm ra những tác phẩm có chất lượng, không chỉ viết về Trường Sơn một thời đạn lửa, về người lính Trường Sơn của thời bình mà còn tìm ra những gương mặt nổi bật, làm nên diện mạo Văn học nghệ thuật Trường Sơn, khẳng định vị thế của Hội so với các Hội văn học trên 63 tỉnh thành và các Hội khác.
       Trong lĩnh vực Âm nhạc, Sân khấu, Câu lạc bộ Nghệ thuật Phong Lan Trường Sơn đã dàn dựng biểu diễn hơn 20 chương trình về Trường Sơn, 24 Câu lạc bộ văn nghệ Trường Sơn của các tỉnh, thành phố, hơn 80 đội văn nghệ Trường Sơn các quận huyện hoạt động tích cực, đem lời ca tiếng hát đi muôn nơi. Nhạc sỹ Minh Vỹ sáng tác 4 ca khúc chính thức cho Hội VHNT Trường Sơn, nhạc sỹ Đào Hữu Thi tổ chức đêm nhạc “Nhạc sỹ Trường Sơn Đào Hữu Thi”. Nhiều tác phẩm âm nhạc có chất lượng mới được sáng tác, gắn với đó là hoạt động biểu diễn cũng được dàn dựng công phu với chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật. Công tác biểu diễn được triển khai rộng rãi tại nhiều sự kiện, nhiều địa phương đáp ứng nhu cầu hoạt động Hội và cả nhu cầu chung của xã hội.
       Trong lĩnh vực Hội họa: Nhiệm kỳ qua các Hội viên VHNT ở lĩnh vực này luôn vẫn say sưa tiếp tục sáng tác những tác phẩm mới. Đặc biệt trong nhiệm kỳ qua Họa sỹ nguyễn Đức Dụ đã tổ chức 3 cuộc triển lãm tranh về Trường Sơn với quy mô lớn và đầy ấn tương...
        Lướt qua bảng vàng thành tích của Hội trong năm năm, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Không hiểu những hội viên đều ở độ tuổi thất thập cổ lai hy với những mái tóc nhuốm màu thời gian với những cơn sốt rét run người, di chứng của một thời trèo đèo lội suối, với những mảnh đạn còn ghim trong cơ thể thì lấy đâu ra thời gian, sức lực để hoàn thành những tác phẩm của mình? Để những trang viết, nốt nhạc, bức tranh được chắt lọc từ những mảng kí ức đau thương và anh dũng dù chiến tranh đã trôi qua gần nửa thế kỉ nhưng vẫn tươi nguyên, ròng ròng nhựa sống về những năm tháng Trường Sơn. Nếu như trong những tháng năm chiến tranh, người lính Trường Sơn mang theo “Một hai ba giọng hát chú ve kim” (Hoàng Nhuận Cầm), mang theo trong đáy ba lô những bài thơ viết vội, nâng bước quân hành, tăng thêm niềm tin, ý chí, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng thì giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, những tác phẩm văn học nghệ thuật do những Cựu chiến binh Trường Sơn sáng tạo ra bằng chính thực tế trải qua trong những năm tháng trực tiếp sống cùng đạn bom nơi chiến trường để phả hồn Trường Sơn khói lửa, đạn bom vào từng tác phẩm. Có lẽ đây chính là nguồn động viên to lớn đến với từng hội viên, đến với đội ngũ Ban chấp hành, những người đã dồn hết sức lực, tâm trí để xây dựng một Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn, xây dựng ngôi nhà Trường Sơn - Ngôi nhà của Truyền thống và Nghĩa tình Trường Sơn.
       Về với Đại hội, hầu hết các Hội viên mong mỏi những thay đổi,  những nét bứt phá trong nhiệm kì tới, để lại được cùng nhau gặp mặt trong Trại viết lần thứ hai. Để được lắng nghe những bài học, những kinh nghiệm sáng tác của những “cây đa cây đề” trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật. Để thấy tên mình được xướng lên trong lễ tặng bằng chứng nhận Xét tặng Giải thưởng Văn học hàng năm - giải thưởng về chuyên môn cao nhất dành cho Hội VHNT Trường Sơn. Rồi cùng hào hứng, mê say tìm hiểu, nghiên cứu, gặp gỡ trao đổi với những chiến sỹ Trường Sơn để viết về họ, những “Chiến sỹ Trường Sơn trong cuộc sống hôm nay”.
       Dư âm của những ngày Đại hội sẽ mãi mãi đọng trong mỗi hội viên Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn. Dư âm về “Hào khí Trường Sơn”, hào khí của những người cựu chiến binh Trường Sơn biết xây dựng, tổ chức và hoạt động của Hội Trường Sơn trong thời kỳ mới với tinh thần: Tập hợp - Đoàn kết – Tổ chức vững chắc – Hoạt động hiệu quả để Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn mãi mãi là ngôi nhà chung, góp phần làm giàu thêm lịch sử và truyền thống Trường Sơn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Hội Trường Sơn trong thời kì mới.
 
Phạm Hồng Loan, Nam Định
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
 
 
tin tức liên quan
test 123